Xác định những lĩnh vực trong ngành có thể phát sinh tham nhũng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành các quy định về kỷ cương, kỷ luật, đạo đức lối sống cho cán bộ, công chức, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng.
Đảm bảo sử dụng hiệu quả tiền và tài sản nhà nước
KBNN đã xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, thông tin, tuyên truyền quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức về công tác phòng, chống tham nhũng theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, KBNN đã xác định những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng trong hệ thống tập trung ở một số vị trí và nghiệp vụ nhất định, trên cơ sở đó, ban hành chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, trong hệ thống. Đồng thời, ban hành quy định 10 điều kỷ luật của ngành KBNN để mỗi cán bộ, công chức xác định rõ định hướng, tu dưỡng, rèn luyện; triển khai các lớp bồi dưỡng về văn minh, văn hóa công sở cho 100% cán bộ, công chức.
Hệ thống KBNN cũng đã nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công nghệ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả những hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tiền, tài sản của nhà nước giao KBNN quản lý.
Những năm qua trên cơ sở các quyết định của Bộ Tài chính, KBNN đã bám sát và ban hành các kế hoạch cải cách hành chính cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong giai đoạn này, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình một cửa, một giao dịch viên; tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực KBNN…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách hàng. KBNN cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thông báo biến động số dư tài khoản cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro, thất thoát đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Thanh kiểm tra lĩnh vực nhạy cảm
Các đơn vị trực thuộc KBNN thường xuyên triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Hằng năm, KBNN thực hiện công khai tài sản của ban lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, KBNN đã lập kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án chiến lược hàng năm và dài hạn để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật hoặc sửa đổi các nội dung theo thẩm quyền, khắc phục những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp.
KBNN đã dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Trong đó, đã đơn giản hóa quy trình thực hiện, đa dạng hóa cách thực hiện, giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đặc biệt quy định lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến hết năm 2020 đạt 100% các giao dịch phải thực hiện trên dịch vụ công mức độ 4 (trừ giao dịch liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng). Đây có thể coi là cải cách lớn đối với hệ thống KBNN.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, KBNN tăng cường chỉ đạo việc triển khai, thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra và xây dựng cơ chế giám sát nhằm phát hiện hành vi vi phạm của công chức, viên chức thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý.
Trong đó, tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra nhất là thanh tra chuyên ngành theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tránh tình trạng chồng chéo, gây phiền hà sách nhiễu trong hoạt động thanh tra kiểm tra. Tăng cường thanh tra kiểm tra về công vụ công chức nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc công chức viên chức không được làm, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ.
KBNN đã đề xuất hình thức khen thưởng, động viên khích lệ đơn vị tổ chức cá nhân chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm những công chức, viên chức có hành vi tiêu cực tham nhũng, nhũng nhiễu gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp.
KBNN đã lồng việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg vào các cuộc kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Trong đó, năm 2019 KBNN đã tiến hành 390 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc với 320 cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới, KBNN tiếp tục tăng cường kiểm tra trong nội bộ hệ thống và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, thuộc trách nhiệm của KBNN, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra./.
- theo thoibaotaichinh