Tin trong nước

SẼ CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, CHỐNG CHUYỂN GIÁ

Tiêu đề SẼ CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, CHỐNG CHUYỂN GIÁ Ngày đăng 2020-07-10
Tác giả Admin Lượt xem 760

Trao đổi với báo chí về nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2020, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: “Sẽ tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động chống chuyển giá để tăng thu cho ngân sách Nhà nước”.

PV: Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu ngân sách. Xin ông cho biết, Tổng cục Thuế đã có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp?

– Ông Đặng Ngọc Minh: Nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 của ngành Thuế là 1.254.300 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng, thu nội địa trừ dầu là 1.219.100 tỷ đồng; thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết là 1.018.100 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, do tình hình dịch bệnh, thu ngân sách của ngành Thuế đã đạt được 45,8%. Nếu cộng cả phần giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất (hơn 43.000 tỷ đồng) thì số thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khoảng 49,3% dự toán năm 2020.

Để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đến nay chúng tôi đã giải quyết được 150.000 đơn xin giãn, hoàn tiền nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền giãn, hoãn khoảng 43.000 tỷ đồng.

 
 
Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động giao dịch xuyên biên giới (chống chuyển giá) để tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

ông đặng ngọc minh 

Ông Đặng Ngọc Minh

 

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã chỉ đạo các cục thuế phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện Nghị quyết 42, tạo điều kiện cho người dân được thực hiện chính sách an sinh của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịch bệnh; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước… Đây là biện pháp trực tiếp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước.

Vừa qua Bộ Tài chính cũng đã có Chỉ thị số 03 thực hiện Nghị quyết số 94 của Quốc hội về vấn đề khoanh nợ và xóa nợ cho các doanh nghiệp. Đối tượng được hưởng Nghị quyết 94 này khoảng 853.000 hồ sơ.

Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện việc khoanh nợ và xóa nợ tiền thuế. Theo tính toán, tổng số tiền được khoanh nợ khoảng 23.000 tỷ đồng, số tiền được xóa khoảng 16.000 tỷ đồng. Đây là những giải pháp về tài chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Một số giải pháp khác như: Thực hiện hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, từ trả lời chính sách, khai và nộp thuế, thanh tra kiểm tra… đều điện tử hóa.

Có thể nói, bằng một loạt các giải pháp trên đây đã điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững.

PV: Với kết quả đã đạt được của 6 tháng đầu năm, để hoàn thành dự toán của cả năm 2020 là rất nặng nề. Tổng cục Thuế có kế hoạch nào để khai thác nguồn thu bù đắp khoản hụt thu do dịch bệnh gây ra, thưa ông?

– Ông Đặng Ngọc Minh: Như tôi đã nói trên, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Chúng tôi sẽ tăng cường thêm các giải pháp khác như: Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động giao dịch xuyên biên giới (chống chuyển giá) để tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Với việc triển khai các gói đầu tư công của Chính phủ để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chúng tôi tin tưởng qua sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng được triển khai sẽ là một cú hích rất lớn về đầu tư, giúp cho doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng là nguồn thu rất bền vững.

Ngoài ra chúng tôi cũng rất mong các địa phương có thể giải quyết sớm được thị trường bất động sản, triển khai tốt các dự án bất động sản. Vì trong những năm qua, nguồn thu từ tiền sử dụng đất là một nguồn thu rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các địa phương. Chúng tôi cũng tin tưởng trong năm nay thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục, cộng với gói đầu tư công sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu bền vững.

PV: Theo tính toán của Bộ Tài chính, Nghị định 41 có đối tượng được hưởng lợi rất lớn, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Số tiền gia hạn theo nghị định này khoảng 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có khoảng 43.000 tỷ đồng được gia hạn. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

– Ông Đặng Ngọc Minh: Nghị định 41 có khoảng 90% doanh nghiệp được thụ hưởng, tương đương khoảng 700.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có khoảng 150.000 hồ sơ đề nghị gia hạn. Trong số này chủ yếu là hồ sơ của các doanh nghiệp với số tiền xin giãn, hoãn là khoảng 43.000 tỷ đồng.

Số tiền gia hạn thấp, theo tôi có hai yếu tố, thứ nhất có thể là quý I và quý II phần phát sinh thuế chưa nhiều; thứ hai là tâm lý chờ đến cuối tháng 7 mới làm thủ tục gia hạn mới nộp. Dù lý do gì thì cơ quan thuế cũng đã sẵn sàng để tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của tổ chức, cá nhân đến 30/7/2020, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông.

  • theo thoibaotaichinh

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *