Nghiên cứu trao đổi

Báo cáo tích hợp và ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng: Thông tin công bố trong thời đại 4.0

Tiêu đề Báo cáo tích hợp và ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng: Thông tin công bố trong thời đại 4.0 Ngày đăng 2021-08-16
Tác giả Admin Lượt xem 1000

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của NCS. Ths. Trần Thị Thanh Thanh – Trường Đại học Tài chính Kế toán}.


Báo cáo kinh doanh mở rộng (XBRL) là một ngôn ngữ được viết dựa trên chuẩn ngôn ngữ đánh dấu mở rộng (XML) để mô phỏng các thông tin tài chính kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, XBRL là hình thức ngôn ngữ báo cáo tài chính bắt buộc của một số quốc gia cũng như các hệ thống công bố thông tin của các Sở giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều cách phân loại XBRL dựa trên các nguyên tắc kế toán khác nhau có thể gây rủi ro cho các mục tiêu tiêu chuẩn hóa, khả năng so sánh và khả năng tái sử dụng của thông tin được tìm kiếm với XBRL. Phân loại XBRL theo hướng dẫn của khuôn khổ chuẩn mực báo cáo tích hợp quốc tế được xem là xu hướng trong tương lai, bởi vai trò nổi bật của báo cáo tích hợp.
Từ khoá: Báo cáo tích hợp; XBRL; Báo cáo tích hợp và XBRL; Ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng; Hội đồng báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC).
Abstract:
The development of science and technology has created a series of high-tech products. XBRL is the product of that development. XBRL has become a standard framework for filing and a more systematic approach to accounting. However, the proliferation of the multitude of XBRL classifications, based on different accounting principles, can put the standardization, comparability, and reusability of information at risk are searched for with XBRL. XBRL classification under the international integrated reporting standards framework is seen as a future trend by the prominent role of Integrated Reporting.
Keywords: Integrated reporting; XBRL; Integrated reporting and XBRL; eXtensible Business Reporting Language; International Integrated Reporting Council (IIRC).


Công bố thông tin như thế nào để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường luôn là vấn đề được các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và giới đầu tư quan tâm. Theo đó, chất lượng thông tin công bố và cách thức cung cấp thông tin là hai vấn đề cần đề cập.

Để nâng cao chất lượng công bố thông tin, báo cáo tích hợp đang được xem là một giải pháp. Báo cáo tích hợp đã được giới thiệu hơn 64 quốc gia trên thế giới, nhưng hiện vẫn là khái niệm khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng báo cáo tích hợp chủ yếu là sự tự nguyện. Song song với chất lượng thông tin, cách thức công bố thông tin ngày càng được chú trọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Trên thế giới, áp dụng chuẩn dữ liệu ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng – XBRL (eXtensible Business Reporting Language) nhằm cung cấp thông tin báo cáo, đang trở thành phương thức phổ biến.

1. Báo cáo tích hợp
Báo cáo tích hợp ra đời, thông qua sáng kiến chung của Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC), được thành lập năm 2010. Năm 2013, khuôn khổ quốc tế đầu tiên về báo cáo tích hợp được ban hành (Khung IIRC, 2013). Tuy nhiên, lịch sử của các báo cáo tích hợp bắt đầu trước sáng kiến của IIRC.
Quay ngược thời gian, thì đó là khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và chuỗi thất bại của các công ty. Sự thất bại này, làm xuất hiện một mối nghi ngờ lớn về khả năng cung cấp thông tin của báo cáo truyền thống. Weybrecht (2010) cho rằng, báo cáo truyền thống có “cạm bẫy” về tính minh bạch. Báo cáo truyền thống chủ yếu thúc đẩy những lo ngại về tính hợp pháp, không chú trọng đến việc cung cấp thông tin liên quan đến các nhà cung cấp vốn để đánh giá giá trị doanh nghiệp, cũng không chú trọng đến việc công bố và trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn (Cho và cộng sự., 2015).
Báo cáo truyền thống còn bị chỉ trích vì tồn tại giới hạn lớn về một thước đo hiệu suất của tổ chức (Khung IIRC, 2013). Nó cũng bị chỉ trích rằng, thiếu đầy đủ về công bố tính rủi ro (Cabedo và Tirado, 2004; Serafeim, 2015). Kết quả là nó có thể dẫn đến mức độ bền vững, không cao (Grey, 2006; Milne và Gray, 2013; Cho và cộng sự., 2015). Do đó, nhiều công ty đã khắc phục nhược điểm trên bằng cách công bố các loại thông tin khác nhau trên các báo cáo, như báo cáo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, báo cáo môi trường,… Thuật ngữ “báo cáo phát triển bền vững” thường được sử dụng để chỉ các loại báo cáo này. Tuy nhiên, thử thách đối với các bên liên quan là liệu các báo cáo phát triển bền vững có thể đáp ứng được nhu cầu về trách nhiệm ngày càng cao hay không (Adams, 2004; Milne và Gray, 2007). Ngoài ra, mức độ liên kết của các báo cáo này vẫn còn là câu hỏi đối với các bên liên quan.
Jensen và Berg (2012) đặt câu hỏi tại sao báo cáo tài chính và báo cáo phát triển bền vững được thực hiện độc lập, trong khi hoạt động của chúng không xảy ra độc lập với tổ chức. Jeyaretnam và Niblock-Siddle (2010) nhấn mạnh rằng, trong nhiều trường hợp, mối liên kết giữa hai bên không rõ ràng và rằng báo cáo phát triển bền vững vẫn còn chắp vá (Milne và Gray, 2007; Stubbs, W. và Higgins, C, 2014). Và báo cáo tích hợp ra đời, nhằm giải quyết khe hổng này.

Khung IIRC (2013) định nghĩa: Báo cáo tích hợp là báo cáo định kỳ của một tổ chức về các giá trị được tạo ra theo thời gian, cũng như các thông tin liên quan về các khía cạnh của việc tạo ra giá trị. Báo cáo tích hợp tập hợp các thông tin quan trọng về chiến lược, quản trị, hiệu suất và triển vọng của một tổ chức trong bối cảnh thương mại, xã hội và môi trường mà nó hoạt động. Nó cung cấp thông tin rõ ràng và súc tích về cách tổ chức quản trị, cách tạo ra giá trị trong hiện tại và trong tương lai.

Báo cáo tích hợp được lập dựa trên tư duy tích hợp hoặc tư duy hệ thống. Tư duy tích hợp thúc đẩy sự hiểu biết về cách tạo ra giá trị và tăng cường việc ra quyết định của nhà quản lý. Suy nghĩ tích hợp càng được đưa vào các hoạt động hàng ngày, thông tin này sẽ được thể hiện một cách tự nhiên hơn trong các giao tiếp bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Trên cơ sở này, tư duy tích hợp và báo cáo tích hợp được củng cố lẫn nhau. Tư duy tích hợp phải tính đến khả năng kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nguồn lực ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị của tổ chức. Các nguồn lực bao gồm tất cả các tài nguyên và mối quan hệ tạo thành một phần của mô hình kinh doanh của tổ chức, bao gồm tài chính, sản xuất, trí tuệ, con người, xã hội, các mối quan hệ và tự nhiên (Khung IIRC, 2013). Các nguồn lực khuyến khích các doanh nghiệp suy nghĩ rộng hơn và xem xét tất cả các nguồn lực tạo ra giá trị tiềm năng, sau đó báo cáo về chúng, mang lại cho các nhà đầu tư không chỉ dữ liệu phong phú hơn mà còn nhiều bối cảnh hơn (Druckman, 2014). Tư duy tích hợp dẫn đến việc ra quyết định tích hợp và các hành động xem xét việc tạo ra giá trị trong thời gian ngắn, trung và dài hạn (Druckman, 2014).

Theo đó, báo cáo tích hợp cần phải đạt được: (1) Nâng cao chất lượng thông tin có sẵn, để qua đó cung cấp thông tin nhiều hơn về hiệu quả vốn và việc phân bổ vốn; (2) Thúc đẩy nhiều hơn nữa sự gắn kết và hiệu quả của báo cáo dựa trên báo cáo khác và phải truyền đạt đầy đủ các yếu tố có ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng tạo ra giá trị theo thời gian của tổ chức; (3) Tăng cường trách nhiệm và quản lý các nguồn lực (tài chính, sản xuất, trí tuệ, con người, xã hội và mối quan hệ, và tự nhiên) và thúc đẩy sự hiểu biết về phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng; (4) Hỗ trợ tư duy tích hợp, ra quyết định và hành động tập trung vào việc tạo ra giá trị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Báo cáo tích hợp ngày càng được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng về số lượng của các viện nghiên cứu, các Chính phủ, các tổ chức, công ty (KPMG, PwC, GRI…) và vai trò của báo cáo tích hợp ngày càng được thế giới ghi nhận. Burritt (2012) cho rằng, sự xuất hiện của báo cáo tích hợp như một giải pháp đáng tin cậy đối với vấn đề lập báo cáo. Báo cáo tích hợp là một công cụ nổi bật cho tổ chức kinh doanh, công cụ này cho phép tất cả các loại tính năng báo cáo bên trong một báo cáo (Morros, 2016). Báo cáo tích hợp giúp nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư, các bên liên quan và đằng sau một báo cáo tích hợp là xây dựng một xã hội bền vững (Hoque, 2017). Đó là lý do tại sao, báo cáo tích hợp không chỉ là một báo cáo kinh doanh, mà nó còn vượt ra ngoài một báo cáo (Steyn, 2014).

Tuy vậy, báo cáo tích hợp vẫn có một số hạn chế nhất định, báo cáo tích hợp còn tồn tại một khoảng cách đáng kể trong việc tích hợp quản lý và kiểm soát tính bền vững (Burritt và Schaltegger, 2010 và Churet và Eccles, 2014), báo cáo tích hợp tập trung chủ yếu cung cấp thông tin cho nhà đầu tư mà bỏ qua các bên liên quan (IIRC, 2013). Theo đó, đề xuất phát triển báo cáo tích hợp dựa trên ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng được thực hiện.

2. Ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng (XBRL)
Được phát triển lần đầu tiên vào năm 1998, XBRL là một ngôn ngữ được viết dựa trên chuẩn XML (Extensible Markup Language – Ngôn ngữ đánh dấu mở rộng) để mô phỏng các thông tin tài chính kinh doanh của các tổ chức. XBRL đã trở thành một khung chuẩn, để công bố thông tin của doanh nghiệp và là một cách tiếp cận có hệ thống hơn về kế toán.

XBRL cho phép gắn thẻ các số liệu và thông tin mà doanh nghiệp muốn cung cấp. Khối lượng dữ liệu này sau đó sẽ được tổng hợp và trích xuất thành một tài liệu được viết bằng XBRL, có thể được đọc bởi hầu hết các phần mềm quản lý thông tin tài chính.

Mục đích của XBRL là cải thiện việc giao tiếp thông tin tài chính và kinh doanh, cho phép luồng dữ liệu liền mạch giữa các máy tính và do đó, tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu bởi người dùng (Valentinetti và Rea, 2011). XBRL tác động đến khả năng tiếp cận các báo cáo tài chính, tuân thủ quy định dễ dàng hơn, nâng cao tính sẵn có của các báo cáo tài chính, hỗ trợ báo cáo liên tục, cải thiện hiệu quả trong đầu tư và ra quyết định kinh doanh (Baldwin và Trinkle, 2011).

XBRL phát triển mạnh mẽ tại châu Âu, không những trên thị trường vốn tư nhân mà còn được áp dụng tại các cơ quan Chính phủ. Theo tổ chức XBRL Quốc tế, Cơ quan Quản lý ngân hàng châu Âu (EBA) đã khuyến khích việc sử dụng XBRL từ năm 2005 và thực hiện nhiều dự án liên tục, để tạo ra các nguyên tắc phân loại mới và nâng cao việc ứng dụng ngôn ngữ XBRL. XBRL cũng được giới thiệu như một chuẩn dữ liệu đối với Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu.

XBRL có một số tính năng quan trọng sau:

Thứ nhất, XBRL cho phép tạo ra các định nghĩa có thể sử dụng lại (được gọi là phân loại), nắm bắt ý nghĩa trong tất cả các thuật ngữ báo cáo được sử dụng trong báo cáo kinh doanh, cũng như các mối quan hệ giữa tất cả các điều khoản. Các phân loại được phát triển bởi các nhà quản lý, kế toán, cơ quan Chính phủ và các nhóm khác liên quan đến thông tin cần được báo cáo. XBRL không giới hạn loại thông tin nào được xác định, đó là ngôn ngữ có thể được sử dụng và được mở rộng khi cần.

Thứ hai, XBRL cho phép tạo ra các quy tắc kinh doanh ràng buộc những nội dung được báo cáo. Quy tắc kinh doanh có thể là logic hoặc toán học, hoặc cả hai. Những quy tắc kinh doanh này có thể được sử dụng để ngăn chặn thông tin kém chất lượng được gửi đến hoặc được chấp nhận bởi cơ quan quản lý hoặc bên thứ ba, bằng cách báo cáo kinh doanh không tuân thủ các quy tắc quan trọng có thể được gửi lại cho người chuẩn bị để xem xét; Gắn cờ hoặc làm nổi bật thông tin nghi vấn, cho phép theo dõi kịp thời, chỉnh sửa hoặc giải thích; tạo các tỷ lệ, tập hợp và các loại thông tin giá trị gia tăng khác, dựa trên dữ liệu cơ bản được cung cấp.

Thứ ba, XBRL cho phép các phân loại được chuẩn bị bằng nhiều ngôn ngữ cần thiết. Bản dịch của các định nghĩa cũng có thể được thêm bởi các bên thứ ba. Điều này có nghĩa là, có thể hiển thị một loạt báo cáo bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mà chúng được chuẩn bị mà không cần bất kỳ công việc bổ sung nào. Cộng đồng XBRL sử dụng rộng rãi khả năng này, vì nó có thể tự động mở báo cáo cho các cộng đồng khác nhau.

Thứ tư, XBRL được hỗ trợ bởi rất nhiều phần mềm từ các nhà cung cấp lớn và nhỏ, cho phép các bên liên quan làm việc với các tiêu chuẩn quốc tế.

Với những tính năng trên, XBRL mang lại những giá trị vượt trội:

Một là, XBRL như đã được thiết lập trong báo cáo tài chính bắt buộc, mang lại cơ hội phát triển các chỉ số bền vững nghiêm ngặt để tăng khả năng so sánh và giảm chi phí (Waddock và Goggins, 2011; Yan Peng và cộng sự, 2011; Frias -Aceituno và cộng sự., 2013a; Gatti và Seele, 2014; Howitt, 2014; Maubane và cộng sự., 2014;).

Hai là, XBRL cho phép quản lý dữ liệu chính xác và đáng tin cậy hơn, đồng thời mở ra cách thức báo cáo theo thời gian thực cho các bên liên quan bên trong và bên ngoài (Srivastava và Kogan, 2010; Sinnett, 2011; Yan Peng và cộng sự, 2011; Alles và Piechocki, 2012; Tschopp và Huefner 2014; Knebel và Seele, 2015).

Ba là, XBRL tăng thêm giá trị cho các nhà quản lý vì nó dẫn đến việc đưa ra quyết định tốt hơn và nhanh hơn (dựa trên dữ liệu thời gian thực) đối với các vấn đề tài chính và phi tài chính (Debreceny và Gray, 2010; Dunne và cộng sự., 2013; Blankespoor và cộng sự., 2014; Kaya, 2014).

Bốn là, các phân loại XBRL nghiêm ngặt cho dữ liệu bền vững và cam kết quản lý liên quan tạo điều kiện cải thiện đóng góp vào tính bền vững chung của xã hội (Dunne và cộng sự., 2013; Jeong và cộng sự., 2013).
Với những giá trị mang lại, XBRL đã trở thành xu hướng của thời đại.

3. Sự kết hợp giữa báo cáo tích hợp và XBRL
Trong khi báo cáo tích hợp được xem là hiện tượng mới nổi về công bố thông tin thì XBRL được đánh giá cao về khả năng quản lý dữ liệu và cách thức cung cấp thông tin. Theo đó, ý tưởng kết hợp báo cáo tích hợp và XBRL đã xuất hiện vào những năm 2010. Hiệp hội Kế toán và Quản trị kinh doanh Tây Ban Nha đã đề xuất với IIRC một XBRL đầy đủ các phân loại học, sử dụng tất cả các tiến bộ kỹ thuật hiện có. Đề xuất này đã được thử nghiệm bởi các công ty lớn của Tây Ban Nha và quốc tế, trong năm 2012 và 2013.

Việc sử dụng dữ liệu được chuẩn hóa dựa trên XBRL cho thông tin tài chính và phi tài chính theo Khung quốc tế IIRC, đã cải thiện hạn chế của báo cáo tích hợp. Theo Seele, Peter (2016), sự kết hợp này giúp thực hiện tốt hơn lời hứa của báo cáo tích hợp, đó là các công ty, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác có được một cơ sở dữ liệu có thể tương tác, có thể đọc bằng máy giúp thực hiện thông tin tốt hơn và có thể ra quyết định dựa trên khả năng so sánh. Ở cấp độ quản lý, sự kết hợp cho phép đo lường và kiểm soát hiệu suất bền vững trên phạm vi rộng, vì tất cả dữ liệu được lưu trữ theo phân loại XBRL được xác định trước. Trong kho dữ liệu tùy chỉnh và cụ thể của công ty, cũng có thể được sử dụng để báo cáo nội bộ theo thời gian thực tế, điều này báo cáo tích hợp chưa làm được. Song song với việc tăng tính minh bạch, khả năng so sánh trong công bố thông tin, sự kết hợp này còn làm giảm chi phí cho các nhà quản lý, nhà phân tích và các công ty trong việc tổ chức và quản lý dữ liệu (Matteo La Torre và các cộng sự, 2019).

Ngoài ra, Howitt (2014) cho rằng, xem xét ở góc độ tổng thể, bao gồm kinh tế, môi trường và lợi ích xã hội, sự kết hợp đóng góp mạnh mẽ hơn cho tính bền vững tổng thể của xã hội vì nó cung cấp dữ liệu tích hợp cho các vấn đề tài chính và phi tài chính; các dữ liệu có thể được tiêu chuẩn hóa, so sánh dễ dàng bởi nội bộ và các bên liên quan bên ngoài. Và do đó, sẽ thúc đẩy rất nhiều việc áp dụng báo cáo tích hợp (J. Mora, M. Mora, 2013).

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa báo cáo tích hợp và XBRL cũng tồn tại một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, quyền giám sát
Ai sẽ giám sát và kiểm soát việc đo lường chính xác các điểm dữ liệu? Theo Seele và Peter (2016), điều này có thể được thực hiện thông qua hệ thống quản lý bền vững được chứng nhận dựa trên khung quy định. Đồng thời, nếu được điều chỉnh bởi luật pháp quốc gia, chủ đề về những gì có thể được gọi là lỗ hổng bền vững sẽ phát sinh và các lỗ hổng pháp lý có thể xảy ra.

Thứ hai, cần có các cam kết
Để có thể sử dụng đầy đủ các lợi ích của dữ liệu được gắn thẻ. Dunne và cộng sự (2013) cho rằng, cam kết theo quy định là rất quan trọng cho sự thành công của báo cáo dựa trên XBRL. Họ sợ rằng, XBRL có thể “biến mất” nếu các chính phủ không tạo động lực cho XBRL tạo ra các công cụ và cung cấp công khai, có thể truy cập, kho lưu trữ dữ liệu,… Các tiêu chuẩn báo cáo dựa trên XBRL có thể giúp tổ chức toàn diện trong cung cấp thông tin, nhưng không cam kết theo quy định công nghệ sẽ không đạt được khối lượng quan trọng (Seele và Peter, 2016).

Thứ ba, lỗ hổng của dữ liệu được bảo vệ cũng cần được giải quyết
Giống như bất kỳ dữ liệu kỹ thuật số nào dựa trên mạng và kết nối internet, dữ liệu XBRL dễ bị đe dọa bảo mật. Boritz và No (2005) cho rằng dịch vụ XBRL nếu không có các phép đo an ninh tốt sẽ không phát huy hết tiềm năng của chúng.

Mặc dù vậy, phát triển phân loại XBRL trên khuôn khổ chuẩn mực báo cáo tích hợp quốc tế vẫn được xem là bước nhảy vọt trong việc đo lường và báo cáo hiệu suất của công ty, tăng khả năng so sánh và khả năng tái sử dụng của thông tin được tìm kiếm với XBRL (Seele và Peter, 2016). Phát triển các chuẩn mực kế toán toàn cầu như một nền tảng duy nhất mà trên đó có thể thiết lập các phân loại XBRL là điều cần thiết và sẽ thúc đẩy rất nhiều việc áp dụng báo cáo tích hợp.

Kết luận
Báo cáo tích hợp được xem là hiện tượng mới nổi bởi vai trò của nó trong việc cung cấp thông tin. Một báo cáo tích hợp sẽ cung cấp thông tin ngắn gọn về chiến lược, quản trị, hiệu suất và triển vọng của một tổ chức dẫn đến việc tạo ra giá trị trong thời gian ngắn, trung và dài hạn. Điều này cả báo cáo truyền thống và báo cáo phát triển bền vững chưa làm được. Việc IIRC cung cấp phép phân loại XBRL phổ biến cho báo cáo tích hợp sẽ thúc đẩy rất nhiều việc áp dụng báo cáo tích hợp. Sự kết hợp này giúp các công ty, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác có được một cơ sở dữ liệu có thể tương tác, có thể ra quyết định dựa trên khả năng so sánh. Ngoài ra, sự kết hợp cho phép đo lường và kiểm soát hiệu suất bền vững trên phạm vi rộng, cũng có thể được sử dụng để báo cáo nội bộ theo thời gian thực tế, cải thiện khoảng trống trong thực hành báo cáo tích hợp.

Tài liệu tham khảo

1. Adams, C.A. (2004). The ethical, social and environmental reporting-performance portrayal gap. Accounting, Auditing and Accountability Journal, Vol. 17 No.5, pp. 731-757.
2. Alles, M., Piechocki, M., 2012. Will XBRL improve corporate governance? A framework for enhancing governance decision making using interactive data. Int. J. Account. Inf. Syst. 13, 2, 91-108.
3. Baldwin, A; Trinkle, B. (2011). The Impact of XBRL: A Delphi Investigation. The International Journal of Digital Accounting Research, vol. 11: 1-24. http://dx.doi.org/10.4192/1577-8517-v11_1.
4. Blankespoor, E., Miller, B.P., White, H.D. (2014). Initial evidence on the market impact of the XBRL mandate. Rev. Account. Stud. 1-36.
5. Boritz, J.E., No, W.G. (2005). Security in XML-based financial reporting services on the Internet. J. Account. Public Policy. 24, 1, 11-35.
6. Burritt, R. L., Schaltegger, S. (2010). Sustainability accounting and reporting: Fad or trend? Account. Auditing Account. J., 23, 7, 829–846.
7. Cabedo, J., Tirado, J. (2004). The disclosure of risk in financial statements. Accounting Forum, 28(2), 181-200.
8. Cho, C. H., Laine, M., Roberts, R. W. and Rodrigue, M. (2015). Organized hypocrisy, organizational façades, and sustainability reporting. Accounting, Organizations and Society, Vol. 40, pp. 78-94.
9. Churet, C., Eccles, R.G. (2014). Integrated reporting, quality of management, and financial performance. J. Appl. Corp. Finance. 26, 1, 56-64.
10 . Debreceny, R.S., Gray, G.L. (2010). Data mining journal entries for fraud detection: An exploratory study. Int. J. Account. Inf. Syst. 11, 3, 157-181…

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *