Tin quốc tế

“Bão” tài chính đang tiến gần Tây Ban Nha

Tiêu đề “Bão” tài chính đang tiến gần Tây Ban Nha Ngày đăng 2013-06-11
Tác giả Admin Lượt xem 709

 

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), ngành ngân hàng Tây Ban Nha trong tài khóa 2012-2013 sẽ bị thua lỗ 260 tỷ euro và cần được rót thêm 60 tỷ euro để tránh bị vỡ nợ. Hơn 8% các khoản tín dụng mà ngân hàng Tây Ban Nha đã cấp bị coi là nợ xấu. Đây là mức kỷ lục. Đáng lo ngại hơn, có tới 60% nợ khó đòi đang “chôn” trong khu vực địa ốc. Hiện tại, các ngân hàng nước này đang “ngồi trên núi nợ” 184 tỷ euro. 

Tại sao Tây Ban Nha lâm vào tình trạng đen tối như hiện nay? Có lẽ tất cả bắt nguồn từ việc nền kinh tế nước này tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực – nhà đất. Vào thời kỳ đỉnh điểm, Tây Ban Nha xây nhà tương đương với số lượng nhà ở cả Pháp và Đức cộng lại, cho dù dân số của Tây Ban Nha chỉ bằng 1/3 dân số hai quốc gia này. “Quả bóng” địa ốc được thổi phồng lên thì cũng có ngày bị vỡ. Cuộc khủng hoảng địa ốc đã đẩy hệ thống ngân hàng vào vòng luẩn quẩn: Với đồng tiền chung châu Âu, Madrid có thể vay tín dụng với lãi suất thấp hơn, từ đó ngành địa ốc nước này lại càng được thổi phồng lên quá mức.

Khi hoạt động địa ốc sụp đổ, nền kinh tế Tây Ban Nha cũng đổ theo. Tỷ lệ thất nghiệp từ 8% năm 2007 tăng lên gần 25% hiện nay. GDP của Tây Ban Nha năm nay thấp hơn năm 2008 là 5%. Tỷ lệ nợ công so với GDP từ 40% năm 2007 sẽ được đẩy lên tới 74% vào cuối năm nay. Cán cân thu chi nhà nước đang từ mức thặng dư nay bị thâm hụt tới 8% GDP.  

Bài toán nan giải đang đặt ra với Madrid là việc chính phủ can thiệp bằng cách bơm thêm vốn cho ngân hàng sẽ làm nợ công tăng thêm, khiến Tây Ban Nha càng khó huy động vốn và phải trả lãi suất cao hơn hiện nay. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm. Nói cách khác, giống như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang bị dồn vào chân tường. Điều đáng nói là là quốc gia này có trọng lượng kinh tế tương đương với 12% GDP của toàn eurozone. Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại chỉ tạo ra 6% GDP. Chính vì vậy, Brussels ngỏ ý muốn giúp Madrid tìm ra lối thoát. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Rajoy đã khước từ nhã ý của Ủy ban châu Âu. Tại sao vậy? 

Bà Isabelle Enos, Phó Giám đốc cơ quan tài chính B Capital – một chi nhánh của ngân hàng BNP Parisbas – phân tích: “Sự hỗ trợ của châu Âu sẽ rất có lợi cho Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Madrid muốn chủ động cải tổ. Nếu Madrid vay tiền của châu Âu hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các định chế này sẽ đòi hỏi Tây Ban Nha phải cải cách một cách triệt để hơn. Điều đó sẽ gây khó khăn hơn cho ngành ngân hàng, khu vực tư nhân và bản thân chính quyền của Thủ tướng Rajoy”. Mặt khác, thực tế cho thấy bản thân Tây Ban Nha có khả năng bơm tiền, tiếp sức cho khu vực ngân hàng. Tỷ lệ nợ công so với GDP của Tây Ban Nha là 68% vào cuối năm 2011, và có thể là 74% GDP vào cuối năm 2012 – thấp hơn nhiều so với nhiều thành viên khác trong eurozone, kể cả so với Pháp và Đức – cho phép Madrid vay thêm tiền để tiếp sức cho ngành ngân hàng. 

Câu hỏi đặt ra là Tây Ban Nha có thể tự thoát khỏi khủng hoảng hay không? Một số nhà phân tích cho là không, bởi vì để cứu ngành ngân hàng cũng như một số tỉnh, vùng đang bị đe dọa vỡ nợ, chính quyền Trung ương sẽ phải bơm thêm từ 75 tỷ euro đến 90 tỷ euro cho các định chế này. Đây là một khoản tiền tương đương với 8% GDP. Trong bối cảnh tăng trưởng của Tây Ban Nha đang ở mức âm, việc huy động số tiền lớn trên là không dễ. Khó có thể tin Tây Ban Nha sẽ thoát khỏi “cơn bão” tài chính đang hoành hành tại châu Âu.

Theo Hải quan online


 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *