Hoạt động trung ương hội

BỘ TÀI CHÍNH ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP VỀ THÔNG TƯ 200/2014 VÀ THÔNG TƯ 202/2014

Tiêu đề BỘ TÀI CHÍNH ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP VỀ THÔNG TƯ 200/2014 VÀ THÔNG TƯ 202/2014 Ngày đăng 2015-07-29
Tác giả Admin Lượt xem 688

BỘ TÀI CHÍNH
ĐỐI THOẠI VỚI DOANH NGHIỆP VỀ THÔNG TƯ 200/2014 VÀ THÔNG TƯ 202/2014

Ngày 28/7/2015, tại Hà Nội, Hội
Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm để lãnh đạo Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm
toán, Bộ Tài chính đối thoại trực tiếp với hàng trăm kiểm toán viên, kế toán
viên, cán bộ kế toán các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp và hội viên của
Hội về những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Thông tư 200/2014/TT-BTC
và Thông tư 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
đóng vai trò kết nối trong buổi đối thoại này. Đây là cơ hội để các hội viên và
doanh nghiệp phản ánh trực tiếp những khó khăn vướng mắc khi thực hiện chế độ
kế toán mới ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 202/2014/TT-BTC
của Bộ Tài chính
.

Đại diện nhiều DN và hội viên
đã đánh giá cao nhiều quy định mới tại chế độ kế toán DN theo Thông tư 200 theo
hướng tiệm cận với các thông lệ kế toán quốc tế. Tuy nhiên, đại diện các DN và
hội viên cũng thẳng thắn nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải
pháp tháo gỡ để đảm bảo cho các thông tư trên đi vào cuộc sống và có hiệu quả.

Nhiều DN kiến nghị, mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư
75/2015/TT-BTC sửa đổi Điều 128 tại Thông tư 200 theo hướng cho phép DN thuộc đối tượng phải lập báo
cáo tài chính giữa niên độ (báo cáo tài chính quý và báo cáo tài chính bán
niên) được lựa chọn lập báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2015 theo quy định
cũ (tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC) hoặc theo quy định tại Thông tư 200,
riêng báo cáo tài chính năm 2015 phải tuân thủ theo quy định tại thông tư này,
nhưng việc chuẩn bị để thực hiện theo Thông tư 200 cần nhiều thời gian. Việc
chỉnh sửa, cập nhật lại hệ thống phần mềm kế toán, tổ chức phổ biến cho nhân
viên,.. không thể thực hiện trong một vài tháng, thậm chí mất cả năm. Hơn thế,
có một thực tế là đối tượng DN nhỏ và vừa, hiện đang chiếm tới 90% DN của cả
nước, doanh thu thấp vẫn chưa có sự chuẩn bị để thực hiện thông tư này. Nếu
cuối năm 2015, tất cả các DN phải thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư 200 sẽ
có cái khó cho DN. Nên chăng, Bộ Tài chính nới thêm thời gian để DN chuẩn bị
các công việc: bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức cho các cán bộ kế toán; bóc
tách, tính toán lại, chuyển đổi số dư.

Tại cuộc đối thoại này, vướng
mắc nhiều doanh nghiệp và hội viên phản ánh tập trung vào vấn đề tỷ giá. Một số
ý kiến tỏ ra nghi ngờ mục đích của việc đưa ra các quy định về tỷ giá tại thông
tư 200, nó gây khó khăn rất lớn và rất tốn kém cho việc sửa đổi hệ thống phần
mềm kế toán, Đề nghị Bộ Tài chính cần cân nhắc thêm tính hiệu quả của các quy
định này và cho phép DN được lựa chon áp dụng hoặc theo quy định tại thông tư
200 hoăc theo quy định tại chuẩn mực kế toán số 10.

Tại buổi đối thoại, ông Trịnh
Đức Vinh, Trưởng phòng kế toán doanh nghiệp, Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ
Tài chính, đại diện cơ quan soạn thảo trên tinh thần cầu thị đã đánh giá cao
những ý kiến đóng góp có chất lượng của doanh nghiệp và giải thích: Thông tư
200 ra đời có nhiều luồng dư luận khác nhau nhưng trong bối cảnh chúng ta đang
thời kỳ hội nhập và phát triển nên thông tư này không thể tránh khỏi những điểm
chưa hợp lý đối với DN. Khi xây dựng Thông tư, Bộ Tài chính mong muốn hướng tới
tuân thủ những chuẩn mực, thông lệ kế toán quốc tế nhằm đảm bảo cho Thông tư có
thể áp dụng trong một thời gian dài. Do đó, trong chừng mực nào đó, nếu Thông
tư 200 áp dụng ngay vào thời điểm này thì chưa vận hành một cách trơn tru. Bộ
Tài chính rất mong được nghe nhiều ý kiến của các DN như buổi đối thoại này để
trong tương lai có thể có những chế độ kế toán tốt hơn phục vụ cho doanh
nghiệp.

Giải đáp những vướng mắc lớn
nhất của DN, đó là vấn đề tỷ giá, ông Vinh cho biết, tỷ giá mua và bán của ngân
hàng thương mại có thể tạo ra những xung đột. Nhiều DN cho rằng, nên áp dụng một
tỷ giá, nếu áp dụng 2 tỷ giá thì phần mềm không áp dụng được, nhưng phải theo
tỷ giá thực tế mới đúng bản chất tài chính. DN có tiền USD do DN mua từ ngân
hàng thì DN phải hạch toán theo giá ngân hàng bán. DN có USD do xuất khẩu thì
khi DN bán USD họ áp tỷ giá ngân hang mua. Vậy cùng đồng USD mà DN không thể áp
dụng 1 tỷ giá.

Một số DN lại phản ánh liên
quan đến giá trị hợp lý của bất động sản đầu tư. Tại sao DN không đánh giá được
tổn thất bất đống sản đầu tư?. Ông Vinh đã có những giải đáp cho DN: Hàng hoá
BĐS, hàng tồn kho có thể trích lập dự phòng được thì cũng đánh giá được tổn
thất BĐS đầu tư. Trong Thông tư 200 nói rõ việc đánh gía tổn thất BĐS đầu tư
được thực hiện tương tự như đánh giá suy giảm giá trị khi chúng ta lập dự phòng
đối với hàng tồn kho.

Rất nhiều câu hỏi như việc
chuyển đổi BCTC lập bằng ngoại tệ sang VNĐ, việc vốn hoá, việc phân bổ công cụ,
dụng cụ… cũng được ông Vinh trả lời .

Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa
nhận rằng việc quy định quá chi tiết trong Thông tư sẽ không phù hợp với một số
đối tượng, nhưng DN nên hiểu rằng Thông tư hướng tới khuôn khổ pháp lý chung áp
dụng cho đại đa số các DN. DN nào có những vướng mắc, có thể gửi công văn đến
Bộ Tài chính để BTC điều chỉnh riêng sao cho phù hợp với đặc thù của DN.

PGS.TS Đặng Văn Thanh cho
rằng, Thông tư 200 là bước tiến khá quan trọng, chúng ta đã tiếp cận dần dần
với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Khi ban hành ra về mặt học thuật, chế độ rất
đúng nhưng đi vào thực tế áp dụng có thể sẽ rất vướng và cũng cần xem xét thêm
tính hiệu quả của mỗi quy định.

Qua buổi đối thoại, nhiều
vướng mắc của các đại biểu và hội viên đã được giải tỏa, Tuy nhiên Do thời gian
hạn chế, nên các ý kiến Ông Vinh trả lời có thể còn một số vấn đề doanh nghiệp
và hội viên chưa thỏa mãn. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam sẽ tiếp tục tổng
hợp và tổ chức các các cuộc đối thoại chuyên sâu để tháo gỡ vướng mắc cho hội
viên.

Đàm Thị Lệ Dung
Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *