Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến lao động ngành Kế toán Việt Nam

Tiêu đề Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến lao động ngành Kế toán Việt Nam Ngày đăng 2019-05-02
Tác giả Admin Lượt xem 5877

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T3/2019)

Nhận: 22/2/2019
Biên tập: 01/3/2019
Duyệt đăng: 10/3/2019

Bài viết đề cập đến những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động và người sử dụng lao động trong lĩnh vực kế toán Việt Nam, cụ thể bài viết trình bày tác động tích cực, tiêu cực đến người lao động và người sử dụng lao động trong lĩnh vực kế toán. Qua các tác động đó, tác giả đưa các giải pháp để lao động kế toán Việt Nam hội nhập và phát triển với cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ khoá: Việc làm; ngành kế toán; cách mạng 4.0.
Abstract
The article discusses the effects of the industrial revolution 4.0 on workers and employers in the Vietnamese accounting sector, specifically the paper which presents the positive and negative impact on workers and employers in the accounting sector. Through these impacts, the author introduced solutions for Vietnamese accountants to integrate and develop with the industrial revolution 4.0.
Keywords: Jobs; Accounting; Revolutionary 4.0.

1. Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam nói chung và thị trường lao động ngành kế toán nói riêng. Vậy làm thế nào để tận dụng cơ hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ CMCN 4.0. Tác giả chọn đề tài “CMCN 4.0 tác động đến lao động kế toán trong các doanh nghiệp (DN) Việt Nam” để trao đổi về những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang đến cho thị trường lao động ngành kế toán. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị nhằm chuẩn bị cho cuộc cách mạng này trong thời gian tới.

2. Nội dung vấn đề
2.1. CMCN 4.0 là gì?
Theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về CMCN 4.0 như sau: “CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc CMCN thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Hay nói cách khác, cuộc CMCN 4.0 là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây.

Cuộc CMCN 4.0 không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời, là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử.

2.2. Những tác động của CMCN 4.0 đến lao động ngành kế toán Việt Nam
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi môi trường, điều kiện làm việc của ngành kế toán, trong đó tác động chủ yếu đến 4 yếu tố sau: người lao động kế toán, DN, cơ sở đào tạo kế toán, cơ quan quản lý Nhà nước.

2.2.1. Đối với người lao động kế toán
Cuộc CMCN 4.0 với mạng internet giúp cho công việc kế toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Kế toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới, nếu kế toán đó đáp ứng đủ điều kiện làm kế toán, ví dụ Chứng chỉ hành nghề kế toán quốc tế ACCA, CPA Úc,…

Với công nghệ mới đã tạo cho người lao động kế toán tiết kiệm được thời gian và công sức, khi thực hiện công việc kế toán nhờ sử dụng các phần mềm kế toán như: MISA, FAST, VACOM,… Nếu như trước đây kế toán phải thực hiện ghi chép các nghiệp vụ kế toán vào sổ sách bằng tay, sau đó tổng hợp dữ liệu lập báo cáo tài chính sẽ mất nhiều thời gian và độ chính xác không cao, thì nay kế toán viên đã thực hiện công việc kế toán và có thể lập báo cáo tài chính dễ dàng với độ tin cậy cao.

Hiện nay, công nghệ đám mây đã được sử dụng nhiều trong các DN để lưu trữ dữ liệu kế toán, nên đã giảm thiểu được rủi ro cho các kế toán viên về lưu trữ dữ liệu kế toán.

Ngoài những điểm tích cực mà cuộc CMCN 4.0 mang lại cho người lao động kế toán, bên cạnh đó còn một số thách thức sau:
– Cuộc CMCN 4.0 giúp cho kế toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới, thì ngược lại bất cứ kế toán ở quốc gia nào cũng có thể hành nghề ở Việt Nam. Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trong lao động kế toán, nếu kế toán Việt Nam không cải thiện năng lực cũng như điều kiện của bản thân để có thể đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề thì sẽ bị đào thải.
– Với công nghệ mới người lao động kế toán phải không ngừng nâng cao trình độ công nghệ thông tin để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, ví dụ: Sử dụng thành thạo phần mềm kế toán, kê khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử.
– Khi mở rộng phạm vi làm việc ở các quốc gia khác thì yếu tố ngôn ngữ là điều kiện cần thiết để người lao động kế toán có thể thực hiện được công việc của mình, ngôn ngữ chính sử dụng đa phần ở các nước là tiếng Anh. Vì thế, người lao động ngoài việc giao tiếp tốt tiếng Anh còn phải trao dồi thêm cả kiến thức tiếng Anh chuyên ngành.

2.2.2. Đối với DN
Nhờ có cuộc CMCN 4.0, các DN đã ứng dụng được các công nghệ cao để thực hiện công việc kế toán như các phần mềm kế toán, phần mền kê khai thuế, phần mềm hóa đơn điện tử, … đã tiết kiệm được nhiều nhân lực kế toán, chi phí cho DN.

Điện toán đám mây đã giúp cho DN lưu trữ dữ liệu an toàn với dung lượng lớn.
Trên đây là những thuận lợi mà cuộc cách mạng 4.0 đem lại cho các DN Việt Nam nói chung và các DN dịch vụ kế toán nói riêng. Tuy nhiên, cách mạng 4.0 cũng mang đến nhiều thách thức mới cho các DN:
– Công nghệ 4.0 tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong nước với nhau và với các DN nước ngoài. Ví dụ như khi hai hãng taxi Uber và Grap gia nhập vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này, dẫn đến hàng chục ngàn lái xe taxi của các DN Việt Nam mất việc làm, trong đó có các hãng taxi nổi tiếng như Vinasun, Mai Linh, … Trong tương lai thì các công ty dịch vụ kế toán cũng không ngoại lệ trong công cuộc cạnh tranh này.
– Điện toán đám mây và kết nối internet sẽ dẫn đến rủi ro mất thông tin dữ liệu, do đó các DN cần phải quan tâm đến vấn đề này. Các thông tin kế toán sẽ dễ rò rỉ ra bên ngoài do trao đổi qua mạng dùng chung. Các phần tử xấu có thể thực hiện mục đích phá hoại, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của DN.

2.2.3. Đối với cơ sở đào tạo
Giáo dục đại học của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ cạnh tranh khi ngày càng có nhiều tập đoàn, DN phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực bậc cao, không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của riêng mình mà còn đáp ứng nhu cầu của xã hội trong bối cảnh bùng nổ công nghiệp 4.0. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội, là nơi kết hợp với các DN, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.

Với ngành kế toán hiện nay, các cơ sơ đào tạo vẫn còn đào tạo theo hướng truyền thống, chương trình đào tạo còn chưa gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các DN, cụ thể hướng đào tạo vẫn còn trọng tâm vào lý thuyết chưa đi sâu vào thực hành thực tế. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa tổ chức được mô hình kế toán mô phỏng, để cho các sinh viên tiếp cận được công việc kế toán trong thực tế.

2.3. Một số giải pháp để lao động ngành kế toán phù hợp và phát triển trong cuộc CMCN 4.0
2.3.1. Đối với người lao động kế toán
Để tăng tính cạnh tranh về nghề nghiệp, mở rộng phạm vi hành nghề các kế toán viên Việt Nam không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, tham gia các lớp học đào tạo chứng chỉ hành nghề quốc tế ACCA, CPA Úc,…

Các kế toán viên phải thường xuyên nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tìm hiểu và nghiên cứu một số phần mềm kế toán được các DN đang sử dụng nhiều. Bên cạnh đó, kế toán viên cũng phải thành thạo về phần mềm hóa đơn điện tử, do thời điểm bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/09/2018, hiệu lực thi hành ngày 01/1/2018. Vì vậy, để áp dụng hóa đơn điện tử đúng theo quy định yêu cầu nguồn nhân lực kế toán cần có chuyên môn tốt, am hiểu về cách vận hành hóa đơn điện tử từ khâu đăng ký phát hành với cơ quan thuế, khởi tạo hóa đơn điện tử, đến phát hành hóa đơn điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử.

Các kế toán viên không những nắm vững chuyên môn mà còn phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, để có thể làm việc cùng với các kế toán ở các quốc gia khác trong quá trình hội nhập.
Trong tương lai, các DN cần các chuyên gia kế toán nhiều hơn là các kế toán viên, vì thế các kế toán phải là người có trình độ chuyên môn kế toán cao, có khả năng làm việc độc lập, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Một mặt có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu quản trị của DN, mặt khác họ phải chủ động đề xuất các giải pháp nhằm giúp DN hoàn thiện công tác kế toán theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp.

Để trở thành các chuyên gia kế toán, kế toán cần làm việc dựa trên việc tuân thủ chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và các quy định pháp lý có liên quan. Mục tiêu nghề nghiệp kế toán là tối đa hóa lợi ích DN, tạo ra giá trị gia tăng cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính chất tuân thủ pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp chặt chẽ. Các kế toán phải có khả năng xử lý sáng tạo các tình huống phát sinh phức tạp tại DN, những tình huống có sự xung đột về tính an toàn pháp lý và lợi ích kinh tế hay yêu cầu quản trị DN.

2.3.2. Đối với DN
Nghề kế toán là một nghề có tính chất chuyên môn cao, do đó các DN dịch vụ kế toán phải không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin mới trong công việc thực hiện dịch vụ kế toán. Các DN dịch vụ kế toán không những phải nắm vững chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam mà còn phải nắm vững, hiểu rõ các chuẩn mực, chế độ kế toán quốc tế để không những có thể hoạt động có hiệu quả trên thị trường kế toán Việt Nam mà cả thị trường kế toán quốc tế.

Điện toán đám mây và kết nối internet sẽ dẫn đến rủi ro mất thông tin dữ liệu, vì vậy, các DN dịch vụ kế toán phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này vì đang thực hiện công việc dịch vụ kế toán cho rất nhiều DN, nên cần phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt hơn nữa, đặc biệt là vấn đề bảo mật an ninh mạng.

2.3.3. Đối với cơ sở đào tạo
Các trường đại học là nơi đào tạo các nguồn nhân lực kế toán, để đáp ứng được nhu cầu thực tế của các DN thì chương trình đào tạo phải đi theo hướng trọng tâm vào thực hành. Các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, phân tích đặc điểm của cuộc cách mạng 4.0 để từ đó đề xuất, kiến nghị đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo. Cần tiếp tục nâng cao đổi mới chất lượng giáo trình với các kiến thức có gắn với xu hướng phát triển của cuộc CMCN này.

Các cơ sở đào tạo cần có những chương trình kiến tập kế toán tại các DN, vào học kỳ I năm 3, để có những nắm bắt cơ bản về các phần hành kế toán trong thực tế, tạo hành trang chuẩn bị cho chương trình thực tập cuối khóa vào năm thứ 4.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng cần xây dựng các mô hình kế toán mô phỏng, để giúp cho sinh viên có thể tiếp cận được công việc kế toán trong thực tế. Ngoài ra, chương trình mô phỏng cần đưa vào phần kế toán; chứng từ, chữ ký, khai thuế, nộp thuế, hóa đơn điện tử để các sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hiện kế toán trong thực tế.

3. Kết luận
Bài viết này đã nêu được tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến lao động ngành kế toán về các mặt: người lao động kế toán, DN, cơ sở đào tạo. Bài viết cũng trình bày được những thuận lợi và thách thức trong từng mặt trên. Từ đó, đưa ra các giải pháp giúp người lao động ngành kế toán có thể vững vàng hơn để hội nhập vào cuộc CMCN này, mở rộng phạm vi hành nghề ra quốc tế./.

Tài liệu tham khảo
1. Website: http:// tapchitaichinh.vn /tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/ke-toan-kiem-toan-va-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-136548.html
2. Website: http:// ketoanhongtrang.vn/ cong-nghe-so-4-0-co-lam-ke-toan-mat-viec/
3. Website:http:// tapchitaichinh.vn/ nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-linh-vuc-ke-toan-kiem-toan-truoc-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-137747
4. Website: https://news.zing.vn /cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html
5. Website: https://baomoi.com/ cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-la-gi/c/22861841.epi
6. Nghị định 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/09/2018.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *