Nghiên cứu trao đổi

Cân nhắc đề xuất thuế, phí cho công nghiệp ô tô

Tiêu đề Cân nhắc đề xuất thuế, phí cho công nghiệp ô tô Ngày đăng 2014-11-12
Tác giả Admin Lượt xem 572

Không cần thiết giảm
thuế Tiêu thụ đặc biệt

Một trong những chính sách
được Bộ Công Thương nêu ra nhằm khuyến khích sự phát triển của ngành công
nghiệp ô tô là giảm thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Song, theo Bộ Tài
chính, việc làm này là không cần thiết.

Thống kê cho thấy, trong cam
kết WTO, tất cả các loại xe ô tô phải cắt giảm mức thuế NK từ 100% xuống 70%
sau 7 năm kể từ khi gia nhập (năm 2014); riêng đối với loại xe chở người có
dung tích xi lanh từ 2,5l trở lên sẽ phải giảm thuế NK từ 90% xuống 52% sau 12
năm kể từ khi gia nhập (năm 2019). Trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
(ATIGA), các loại xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên và xe tải đều đã được cắt
giảm thuế NK xuống mức 5% từ năm 2006; riêng loại xe chở người 9 chỗ ngồi trở
xuống sẽ phải cắt giảm xuống 0% vào năm 2018. Dự kiến đến năm 2026, thuế NK ô
tô chở người từ những nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế, chiến lược xuyên
Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ cắt giảm về mức 0%. Đối với linh kiện ô tô, thuế
NK sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018 theo cam kết trong ASEAN; 15- 30% vào năm 2021
theo cam kết ASEAN – Hàn Quốc; từ 0% – 30% tùy theo chủng loại linh kiện năm
2014 trong WTO… 

 

Tránh
giảm đột ngột thuế nhập khẩu

Bộ Tài
chính đã có tờ trình Chính phủ về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô
tô trong dài hạn, trong đó có nêu lộ trình cắt giảm thuế NK ưu đãi đặc biệt
đối với xe ô tô chở người trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA)
cho giai đoạn 2015-2018. Cụ thể, thuế NK đối với xe ô tô chở người sẽ giảm
dần từ 50% vào năm 2014, 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và về 0% vào
năm 2018, 2019.

Tuy
nhiên, Bộ Công Thương và một số DN trong đó có Công ty ô tô Trường Hải,
Toyota Việt Nam… đã đề xuất phương án giữ nguyên thuế suất 50% đến hết năm
2017 và về 0% vào 2018 – 2019.

Theo
quan điểm của Bộ Tài chính, phương án giảm dần đều từ mức 50% vào năm 2015
xuống 0% vào năm 2018 sẽ có mức giảm giữa các năm, nới lỏng mức độ bảo hộ,
tránh được việc giảm thuế đột ngột về cuối lộ trình. Khi đó ngành ô tô có
thời gian thích nghi nhất định trước khi đối mặt với việc xóa bỏ hoàn toàn
thuế.

 

Khi
thực hiện các cam kết cắt giảm thuế NK nói trên, NSNN sẽ bị giảm thu khá nhiều.
Trước bối cảnh giảm thu Thuế NK và thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng giảm
xuống mức 20% vào năm 2016, Bộ Tài chính cho rằng, nếu giảm thuế TTĐB đối với ô
tô thì NSNN sẽ càng giảm thu trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công
nghiệp ô tô trong nước vẫn không đạt được vì phải giảm thuế TTĐB cho cả ô tô
NK.

Mặt khác, qua khảo sát chính
sách thuế TTĐB đối với ô tô của các nước trong khu vực, Bộ Tài chính cho biết,
thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh 2.000
cm3 ở Việt Nam là 45%, là mức trung bình trong khu vực, thấp hơn Malaysia, Lào
và bằng Singapore, Campuchia. Indonesia có mức thuế TTĐB thấp (20%) nhưng thuế
trước bạ và phí đường bộ lại cao hơn nhiều (2% trên giá bán đã có thuế GTGT).

Với những  nguyên do đó,
Bộ Tài chính cho rằng, chính sách điều tiết thuế TTĐB đối với ô tô hiện hành là
phù hợp với điều kiện KT-XH giai đoạn hiện nay và trong những năm tới, phù hợp
với thông lệ của những nước xung quanh và nước có tình hình phát triển KT-XH
tương đồng với Việt Nam. Vì vậy theo Bộ tài chính, “không cần thiết phải sửa
đổi thuế suất Thuế TTĐB theo như đề xuất của Bộ Công Thương và các DN”.

Đã đủ ưu đãi thuế
TNDN

Trong đề xuất về thuế TNDN,
Bộ Công Thương đưa ra chính sách ưu đãi: DN sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân
thiện môi trường, xe tải nhẹ sức chở đến 3 tấn và xe nông dụng nhỏ đa chức năng
với tỷ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên; sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô thuộc
Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ
trợ ưu tiên phát triển được miễn thuế TNDN 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế;
giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; áp dụng mức thuế suất 10%
trong 30 năm.

Trước đề xuất này, Bộ Tài
chính cho biết, hiện nay, các đối tượng trên đã và đang được hưởng các chính
sách ưu đãi thuế TNDN. Cụ thể, các DN sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện
môi trường, sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô mà đáp ứng các điều kiện theo quy
định tại Luật số 32/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN
và Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật này đã được hưởng ưu đãi thuế
TNDN. Có thể kể tới một số quy định như: Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15
năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với
thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện KT-XH
đặc biệt khó khăn; thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh
vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ cao. Thu nhập
của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn
cũng được áp dụng thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số
thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…

Ngoài ra, đối với công nghiệp

hỗ trợ, vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền
trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế,
trong đó có nội dung: “Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất
sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp
dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải
nộp trong 9 năm tiếp theo; trường hợp đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc
Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng 1 trong 3 tiêu
chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13  thì
được hưởng ưu đãi thuế (cả thuế suất và thời gian miễn, giảm) theo dự án đang
hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có)”. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công
Thương hướng dẫn các DN thực hiện theo các quy định này.

Hạn chế các loại phí

Một số khoản phí, lệ phí được
Bộ Công Thương nêu ra trong đề xuất cũng khó có thể triển khai thu theo tính
toán của Bộ Tài chính.

Trước hết là phí bảo vệ môi
trường (BVMT). Bộ Tài chính cho biết, Danh mục phí, lệ phí có quy định về phí
BVMT đối với khí thải. Từ năm 2011, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên
cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về phí BVMT đối với khí thải
với dự kiến thu khoản phí này đối với xe ô tô. Tuy nhiên, từ 1-1-2011, thuế
BVMT chính thức được triển khai thu, trong đó xăng dầu (nguồn gốc gây ô nhiễm
khí thải) là một trong những đối tượng bị đánh thuế nên Bộ Tài chính đã ngừng
trình Chính phủ ban hành Nghị định nói trên. Hơn thế nữa, việc thu phí BVMT đối
với khí thải dự kiến có nhiều khó khăn trong công tác triển khai thu như thực
hiện đo lượng khí thải để xác định mức phí, công nghệ đo, thời gian đo… Bộ Tài
chính cho rằng, hiện nay, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, hơn thế nữa, Nhà
nước đang thu thuế BVMT đối với xăng dầu, vì vậy, chưa nên đặt ra quy định thu
phí BVMT đối với ô tô trong thời gian này mà cần thực hiện chung với quy định
về thu phí BVMT đối với khí thải về sau.

Tương tự với đề xuất thu phí
xe cá nhân đi vào nội đô, Bộ Tài chính cũng cho rằng không cần thiết do còn
nhiều khó khăn khi triển khai thu phí như hệ thống giao thông công cộng vào nội
đô chưa đảm bảo cho việc hạn chế xe cá nhân; chưa có hệ thống các bãi đỗ xe
ngoài phạm vi nội đô để phục vụ nhu cầu gửi xe cá nhân trước khi vào nội đô;
phạm vi nội đô xác định như thế nào…

Đề xuất của Bộ Công Thương
đang tiếp tục được xin ý kiến các bộ, ngành liên quan khác để sớm có một báo
cáo tổng hợp gửi lên Thủ tướng Chính phủ với những cơ chế, chính sách tổng quan
nhất cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Không cần đánh thuế riêng “xe tiết kiệm nhiên liệu”

Bộ Công Thương đề nghị bổ sung thêm mức thuế suất
đối với dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, Bộ Tài chính cho rằng, khái niệm xe
tiết kiệm nhiên liệu hiện nay chưa được xác định cụ thể. Luật thuế TTĐB hiện
hành đã có quy định thuế suất ưu đãi đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp
năng lượng điện, năng lượng sinh học, xe ô tô chạy bằng nhiên liệu sinh học.
Mặt khác, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế TTĐB đã sửa
đổi, bổ sung rõ mức thuế suất TTĐB đối với nhiên liệu sinh học (xăng E5, E10
là 8,5- 9%), thấp hơn mức thuế suất TTĐB đối với xăng thông thường (10%). Vì
vậy, theo Bộ Tài chính, không cần thiết bổ sung xe tiết kiệm nhiên liệu vào
đối tượng chịu thuế TTĐB.

                                                             

Theo baohaiquan.vn

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *