Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Chế độ kế toán doanh nghiệp một số vấn đề tồn tại và kiến nghị sửa đổi

Tiêu đề Chế độ kế toán doanh nghiệp một số vấn đề tồn tại và kiến nghị sửa đổi Ngày đăng 2019-03-01
Tác giả Admin Lượt xem 992

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T12/2018)

Nhận: 08/12/2018
Biên tập: 12/12/2018
Duyệt đăng: 18/12/2018

Sau hơn 5 năm thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 và Thông tư số 53/2016/TT-BTC ngày 21/3/2016 sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán đã có những tác động tích cực đến môi trường kế toán, kinh doanh, đầu tư, góp phần đưa kế toán trở thành một trong những công cụ quan trọng và có hiệu quả trong nền kinh tế quốc dân, hướng đến sự minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các đơn vị trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng chế độ kế toán phát sinh một số vấn đề còn bất cập, chưa phản ánh đúng thực chất nội dung của nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Điều đó, dẫn đến việc trình bày thông tin tài chính của doanh nghiệp đôi khi chưa thật sự hợp lý. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đưa ra một số điểm còn bất cập, hạn chế của chế độ kế toán và đề xuất kiến nghị sửa đổi nhằm góp phần hoàn thiện hơn chế độ kế toán doanh nghiệp hiện nay.

I. Những bất cập, hạn chế của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện nay:
1. Nguyên tắc xác định tỷ giá hối đoái
Nội dung 1:
Theo Thông tư 200 tại Điều 69 Mục 1.3, Điểm a (Trang 324), hướng dẫn nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế trong trường hợp hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì doanh nghiệp ghi sổ kế toán đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại (NHTM) nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
Việc quy định xác định “tỷ giá mua” của NHTM theo Thông tư 200 cho những giao dịch này là chưa hợp lý.
Nội dung 2:
Việc ghi nhận giá trị hàng tồn kho (HTK), tài sản cố định (TSCĐ), xây dựng cơ bản (XDCB) trong trường hợp có ứng trước cho người bán bằng ngoại tệ.
Theo quy định của Thông tư 200, giá trị HTK, TSCĐ, đầu tư XDCB phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh để ghi nhận (trừ phần ứng trước tiền cho người bán hoặc nhà thầu thì giá trị HTK, TSCĐ, đầu tư XDCB được ghi nhận theo tỷ giá tại thời điểm ứng trước).
Như vậy, giá trị HTK, TSCĐ, đầu tư XDCB trong trường hợp này không phản ánh đúng giá trị thực tế của nó tại thời điểm mua đối với HTK hay thời điểm hoàn thành TSCĐ, khoản đầu tư XDCB.
2. Chênh lệch tỷ giá
Theo Thông tư 200, Điều 69, Mục 2, Điểm 2b (Trang 237), có quy định “tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá đều được phản ánh ngay vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh cho tất cả các loại doanh nghiệp (kể cả giai đoạn trước hoạt động), ngoại trừ khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng được tập hợp, phản ánh trên TK 413 và được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động”.
Như vậy, việc ghi nhận chênh lệch tỷ giá hối đoái được trình bày trong Thông tư 200 quy định tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái, kể cả việc chênh lệch tỷ giá phát sinh trực tiếp cho tài sản dài hạn vẫn phải ghi vào lãi lỗ trong kỳ, không được vốn hóa.
Việc quy định như trên đã làm méo mó kết quả tài chính của doanh nghiệp và không đúng với bản chất của khoản “Chi phí đi vay”.
3. Khoản giảm trừ doanh thu
Theo Điều 81, Thông tư 200 (Trang 378-379), trường hợp kỳ trước bán hàng, kỳ sau mới phát sinh khoản giảm trừ doanh thu thì áp dụng chuẩn mực kế toán về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán. Nếu khoản giảm trừ doanh thu thỏa mãn sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán thì được coi là sự kiện cần điều chỉnh và được điều chỉnh vào doanh thu kỳ bán hàng. Ngược lại, khoản giảm trừ doanh thu được điều chỉnh vào kỳ mà việc chiết khấu, giảm giá phát sinh.
Theo chế độ kế toán hiện nay chỉ hướng dẫn trích trước chi phí mà không đề cập đến trích trước khoản giảm trừ doanh thu.
4. Trình bày báo cáo tài chính khoản chi phí trả trước
Thông tư 200 hướng dẫn việc trình bày liên quan đến chi phí trả trước như sau:
– Chi phí trả trước ngắn hạn (Mã số 151):
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền trả trước để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong khoảng thời gian không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường kể từ thời điểm trả trước. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước ngắn hạn” là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 242 “Chi phí trả trước”.
– Chi phí trả trước dài hạn (Mã số 261):
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền trả trước để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thời hạn trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường kể từ thời điểm trả trước; Lợi thế thương mại và lợi thế kinh doanh còn chưa phân bổ vào chi phí tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước dài hạn” là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 242 “Chi phí trả trước”. Doanh nghiệp không phải tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành chi phí trả trước ngắn hạn.
Như vậy, Đối với khoản mục chi phí trả trước thì việc phân loại ngắn hạn và dài hạn căn cứ vào kỳ hạn gốc của từng khoản chi phí trả trước mà không căn cứ vào kỳ hạn còn lại để phân loại ngắn hạn, dài hạn (Không tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành ngắn hạn). Khi đó thông tin phân loại tài sản ngắn hạn, dài hạn trình bày trên Báo cáo tài chính chưa hợp lý.
II. Đề xuất, kiến nghị:
Trên cơ sở phân tích nhận định ở trên, tác giả xin đề xuất, kiến nghị sửa đổi góp phần hoàn thiện hơn chế độ kế toán hiện nay như sau:
1. Vấn đề liên quan đến xác định tỷ giá hối đoái
Nội dung 1: Nội dung này, theo tác giả giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ thì người mua phải mua ngoại tệ của NHTM nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán để trả cho người bán. Vì vậy, tỷ giá giao dịch thực tế phải là “tỷ giá bán” của NHTM thì mới phản ánh đúng bản chất của giao dịch.
Nội dung 2: Nội dung này, theo tác giả thì giá trị HTK, TSCĐ, chi phí XDCB trong trường hợp ứng trước tiền cho người bán (hoặc nhà thầu) bằng ngoại tệ, đều phải ghi nhận theo tỷ giá thực tế tại thời điểm nhận được HTK, thời điểm hoàn thành TSCĐ hoặc thời điểm ghi nhận chi phí XDCB. Ghi nhận như vậy mới phù hợp với nguyên tắc giá gốc trong kế toán.
2. Vấn đề liên quan đến chênh lệch tỷ giá
Nội dung này, theo tác giả bản chất chi phí vay bằng đồng ngoại tệ sẽ có mức lãi suất khác với vay bằng VNĐ (thông thường sẽ thấp hơn) bởi vì nó chứa đựng rủi ro gia tăng về tỷ giá. Chính vì vậy, Chi phí đi vay nên bao gồm cả chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc vay ngoại tệ mà chúng được xem là một khoản điều chỉnh cho chi phí lãi tiền vay. Chi phí vay mà chúng có thể liên quan trực tiếp với việc mua sắm, xây dựng hoặc sản xuất một phần của tài sản dài hạn là chi phí của tài sản đó và do vậy nó nên được vốn hóa (tức ghi nhận vào giá trị tài sản). Vì vậy, chênh lệch tỷ giá hối đoái từ việc vay ngoại tệ liên quan đến tài sản dài hạn trong giai đoạn đầu tư nên được vốn hóa thì mới hợp lý.
3. Vấn đề liên quan đến khoản giảm trừ doanh thu
Nội dung này, theo tác giả các khoản khoản giảm trừ doanh thu liên quan đến kỳ kế toán đã được xác định, lượng hóa thì có bản chất tương tự như khoản chi phí của doanh nghiệp.Theo nguyên tắc thận trọng thì việc trích trước khoản giảm trừ doanh thu là phù hợp. Do vậy, Chế độ kế toán doanh nghiệp nên bổ sung thêm nghiệp vụ trích trước khoản giảm trừ doanh thu thì việc phản ánh nghiệp vụ kế toán đúng với bản chất nội tại của nó.
4. Vấn đề trình bày báo cáo tài chính khoản chi phí trả trước
Nội dung này, theo tác giả khi trình bày báo cáo tài chính nên qui định doanh nghiệp phải tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành chi phí trả trước ngắn hạn tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Khi đó khoản mục chi phí trả trước ngắn hạn (Mã số 151): phản ánh số tiền trả trước để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong khoảng thời gian không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường kể từ thời điểm trả trước và các khoản chi trả trước dài hạn có thời gian thu hồi không quá 12 tháng kể từ ngày lập báo cáo tài chính. Như vậy, thông tin tài sản trình bày trên trên báo cáo tài chính sẽ trung thực và hợp lý hơn.

Trên đây là một số ý kiến đánh giá, phân tích, nhận xét và đề xuất, kiến nghị sau thời gian thực hiện chế độ kế toán doanh nghiệp, hy vọng nó sẽ góp một phần nhỏ vào việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số nội dung trong chế độ kế toán trong thời gian sắp tới. Qua đó, chế độ kế toán sẽ hướng đầy đủ hơn nghiệp vụ hạch toán kế toán tại doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.

Tài liệu tham khảo
– Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp.
– Thông tư số 53/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 21/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
– Chuẩn mực kế toán quốc tế số 23 (IAS 23: Borrowing Costs).
– Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 (VAS 16: Chi phí đi vay, ban hành tại Thông tư số: 105/2003/TT-BTC ngày 04/11/2003).

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *