Nghiên cứu trao đổi

Chi phí mục tiêu – Công cụ quản lý chi phí hiện đại

Tiêu đề Chi phí mục tiêu – Công cụ quản lý chi phí hiện đại Ngày đăng 2015-03-13
Tác giả Admin Lượt xem 1954

Chi phí mục tiêu (CPMT) là phương pháp quản lý chi phí hiện đại đã được
áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản kể từ sau năm 1980 bởi các Cty hoạt động trong
ngành công nghiệp ô tô, điện tử, sản xuất (SX) máy công cụ, thiết bị chính
xác,…

CPMT được định nghĩa, là một công
cụ quản lý chi phí nhằm giảm chi phí tổng thể của một sản phẩm (SP) qua chu kỳ
sống của SP. Kỹ thuật này, giúp đáp ứng được nhu cầu của cả khách hàng và mục
tiêu lợi nhuận của công ty. Khác với phương pháp truyền thống, tập trung kiểm
soát chi phí hoạt động trong quá trình SX thì phương pháp CPMT đặc biệt nhấn
mạnh đến việc giảm chi phí trong giai đoạn lập kế hoạch và thiết kế của chu kỳ
sống SP. Nó được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất để đạt lợi
nhuận phù hợp trong môi trường SX.

Đặc điểm của CPMT

– CPMT được sử dụng trong giai
đoạn lập kế hoạch và giai đoạn thiết kế. Do vòng đời SP ngày càng rút ngắn nên
nếu SP phải được thiết kế và thiết kế lại thường xuyên thì những nỗ lực cắt
giảm chi phí phải được tập trung vào quá trình lập kế hoạch và thiết kế.

– CPMT là một công cụ để giảm chi
phí. Quản lý chi phí có thể chia thành hai phần là giảm chi phí (hoặc lập kế
hoạch chi phí) và kiểm soát chi phí. CPMT rõ ràng là tập trung vào giảm chi
phí.

– CPMT là một kỹ thuật hướng đến
thị trường. CPMT được bắt đầu bằng việc ước tính giá bán của SP dựa vào công
dụng, thuộc tính của SP và các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Trên cơ sở
lợi nhuận mong muốn, công ty xác định chi phí SX và tiêu thụ có thể chấp nhận
để tiến hành SX SP.

– CPMT thường là một phần của kế
hoạch lợi nhuận chiến lược trong nhiều năm. Trong thực tế, CPMT thường được sử
dụng như một công cụ từ dưới lên để đạt được mục tiêu lợi nhuận do nhà quản lý
cấp cao thiết lập khi quyết định chiến lược tầm trung. Do đó, chương trình cắt
giảm chi phí mang tính chiến lược hơn là mang tính hoạt động.

– CPMT là một phương pháp định
hướng kỹ thuật. Nó là một công cụ quản lý chỉ đạo và tập trung quá trình ra
quyết định vào thông số kỹ thuật thiết kế và kỹ thuật SX. Không nhấn mạnh đến
hệ thống kế toán tài chính và phương pháp này có nhiều đặc điểm quản lý kỹ
thuật. Do đó, nó giống với các kỹ thuật quản lý Nhật Bản khác như VE (Value
Engineering), TQC (Total Quality Control) và JIT (Just in time).

– CPMT đòi hỏi sự hợp tác cao
giữa các bộ phận. Trong CPMT, bộ phận kế toán đóng vai trò điều phối viên và
cung cấp các thông tin. Trong khi các bộ phận tiếp thị, kỹ thuật (quy hoạch và
thiết kế) và SX sẽ quyết định thành công hay thất bại.

Các bước chính trong quá trình
thực hiện CPMT

Bước 1: Tiến hành nghiên cứu

Bước đầu tiên, là nghiên cứu thị
trường mà công ty muốn bán SP. Đội ngũ thiết kế phải xác định một hệ thống các
tính năng của SP mà khách hàng sẵn sàng mua và số tiền mà họ sẽ trả cho những
tính năng này. Nhóm nghiên cứu, cần phải tìm hiểu giá trị của từng tính năng
riêng biệt để có thể xác định tác động của chúng lên giá bán SP nếu bỏ đi một
hoặc một số tính năng. Loại đi một tính năng nào đó của SP, cũng là cần thiết
nếu thấy rằng không đáp ứng được tính năng đấy mà vẫn đáp ứng được mục tiêu chi
phí. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đề xuất một mức giá bán mục tiêu dựa trên hệ
thống tính năng đã xác định và sự thay đổi của giá bán nếu bỏ đi một số tính
năng của SP.

Bước 2: Xác định CPMT

Dựa vào tỷ suất lợi nhuận mà nhà
quản trị mong muốn đối với SP, lấy giá bán dự kiến trừ đi lợi nhuận mong muốn,
nhóm nghiên cứu có thể dễ dàng xác định được CPMT tối đa mà SP phải đạt được
trước khi nó được phép đưa vào SX.

Bước 3: Thiết kế SP

Các kỹ sư và nhân viên mua hàng
bây giờ giữ vai trò hàng đầu trong việc thiết kế SP. Nếu SP có tỷ lệ các bộ
phận phải mua sắm cao, nhân viên mua hàng càng trở nên quan trọng. Họ phải xác
định giá thành phần dựa trên chất lượng cần thiết, giao hàng và số lượng dự
kiến cho SP. Họ cũng có thể được tham gia vào các bộ phận gia công nếu kết quả
này cho chi phí thấp hơn. Các kỹ sư phải thiết kế SP, đáp ứng được mục tiêu chi
phí. Trong đó, có khả năng sẽ bao gồm một số lần lặp lại thiết kế để xem sự kết
hợp của các tính năng sửa đổi và cân nhắc kết quả thiết kế với chi phí thấp
nhất.

Bước 4: Không ngừng cắt giảm chi
phí

Khi một thiết kế SP được hoàn
thiện và phê duyệt, nhóm nghiên cứu được thiết lập lại với ít các nhà thiết kế
hơn và nhiều kỹ sư công nghiệp hơn. Lúc này, nhóm nghiên cứu bước vào một giai
đoạn mới của việc cắt giảm chi phí SX mà vẫn tiếp tục chu kỳ sống của SP. Ví
dụ, cắt giảm chi phí có thể đến từ việc giảm những lãng phí trong SX (được gọi
là Kaizen chi phí) hoặc cắt giảm những chi phí mua ngoài. Những cắt giảm chi
phí này mang lại lợi nhuận bổ sung cho công ty để tiếp tục giảm giá SP theo
thời gian nhằm đáp ứng với sự gia tăng mức độ cạnh tranh.

Để nỗ lực giảm chi phí, đội ngũ
thiết kế có thể sử dụng phương pháp cắt giảm chi phí gắn với các thành phần của
SP hoặc gắn với các tính năng của SP (bảng 1).

Nếu nhóm dự án không thể đáp ứng
được CPMT thì sao? Thay vì hoàn tất quá trình thiết kế và tạo ra một SP với mức
lợi nhuận không đạt tiêu chuẩn thì tốt hơn là ngừng quá trình phát triển và
chuyển sang dự án khác thay thế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là dự án sẽ
bị hoãn vĩnh viễn. Thay vào đó, quản lý nên xem xét lại các dự án cũ ít nhất
một năm một lần để xem liệu hoàn cảnh thay đổi có đủ để cho dự án trở nên khả
thi một lần nữa. Nhóm dự án cần xác định những thay đổi nào là cần thiết để bắt
đầu xem xét lại SP (chẳng hạn như sự giảm giá của một chi tiết được sử dụng
trong thiết kế SP). Nếu một trong những thay đổi đó diễn ra, dự án ngay lập tức
được khởi động lại.

Ưu nhược điểm của CPMT

CPMT được xem như một cách để cải
thiện giá cả và chất lượng SP, tạo ra một mức lợi nhuận mong muốn cho Cty cũng
như gia tăng sự hài lòng của khách hàng. Mục tiêu chi phí tăng giá trị cho quá
trình SX bằng cách loại bỏ các hoạt động phi giá trị gia tăng. Từ đó, mở đường
cho việc cắt giảm chi phí hướng tới người tiêu dùng. CPMT cho phép các Cty xác
định một mức giá thực tế hơn cũng như tăng cường sự cạnh tranh giữa các Cty
cung cấp SP chất lượng với chi phí thấp hơn.

Một điều kiện không thể thiếu dẫn
đến thành công của CPMT là mỗi nhân viên phải tham gia tích cực vào hoạt động
cắt giảm chi phí. Chính điều này, có thể gây áp lực căng thẳng với nhân viên.
Một số Cty đang xem xét lại cách quản lý quá trình mục tiêu – chi phí để giảm
bớt những tác động xấu đến người lao động. Tính hợp lý của mục tiêu sẽ quyết
định phản ứng của người lao động.

CPMT phù hợp với những Cty nào?

CPMT là một công cụ quản lý chi
phí chiến lược phát triển ban đầu tại Nhật Bản và tập trung chủ yếu vào các
ngành công nghiệp lắp ráp. Sau đó, nó nhanh chóng lan rộng sang ngành công
nghiệp chế biến, ngành SX phần mềm và các ngành công nghiệp khác.

CPMT được áp dụng hầu hết cho các
Cty cạnh tranh bằng cách liên tục phát hành dòng SP mới hoặc nâng cấp SP để đưa
vào thị trường (như hàng tiêu dùng). Đối với họ, mục tiêu chi phí là công cụ
sống còn. Ngược lại, CPMT ít cần thiết hơn đối với những Cty có ít các SP kế
thừa cần được làm mới vì lợi nhuận dài hạn của các Cty này liên quan chặt chẽ
đến việc thâm nhập thị trường và phạm vi địa lý (như mặt hàng nước ngọt).

CPMT được ứng dụng hạn chế trong
ngành dịch vụ, ngành mà chi phí cho lao động là chi phí quan trọng nhất. Mặt
khác, CPMT cũng khó áp dụng cho ngành này vì những đặc điểm riêng biệt của SP
dịch vụ.

CPMT được xem là một công cụ
tuyệt vời cho việc hoạch định một dòng SP có mức sinh lời cao. Điều này trái
ngược với cách tiếp cận phổ biến là tạo ra một SP dựa trên quan điểm của bộ
phận kỹ thuật cho rằng SP nên được thiết kế như vậy và sau đó phải vật lộn với
chi phí quá cao so với giá thị trường.

 

Cắt giảm
chi phí gắn với thành phần

Cắt giảm
chi phí gắn với tính năng

Nội dung

Phân bổ mục tiêu
giảm chi phí cho những thành phần khác nhau của SP.

Phân bổ mục tiêu
giảm chi phí giữa các tính năng SP khác nhau.

Cách tiếp cận

Hướng đến việc
cắt giảm chi phí gia tăng cho các thành phần tương tự.

Tập trung vào các
thiết kế SP được kế thừa từ các mẫu trước đó.

Điều kiện vận
dụng

Khi muốn nâng cấp
SP hiện có.

Khi muốn thiết kế
mới SP.

Ưu nhược điểm

– Chi phí cắt
giảm được tương đối thấp.

– Tỷ lệ thành
công với SP cao, thời gian thiết kế tương đối ngắn, chi phí bảo hành thấp
hơn.

– Chi phí được
cắt giảm nhiều hơn.

– Có thể gặp nguy
cơ thất bại về SP, thời gian thiết kế dài, chi phí bảo hành SP cao hơn.

 

 

Th.s Đặng Thị Tâm Ngọc

Đại học Nha Trang

(Theo: Tạp chí Kế toán và KIểm toán) 

Tài liệu tham khảo

– Robert S. Kaplan and Athony A.
Atkinson (1998), Advanced Management Accounting, Third Edition, Prentice Hall
International, Inc.

– Kế toán chi phí theo phương
pháp CPMT, Trương Bá Thanh, ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng,

– valuemanagement.us;
www.accountingtools.com

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *