Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Đánh giá tính hiệu quả của chính sách tài chính phát triển thuỷ sản về các mặt Kinh tế – Xã hội – Môi trường

Tiêu đề Đánh giá tính hiệu quả của chính sách tài chính phát triển thuỷ sản về các mặt Kinh tế – Xã hội – Môi trường Ngày đăng 2019-04-09
Tác giả Admin Lượt xem 763

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T1+2/2019)

Nhận: 22/01/2019
Biên tập: 25/01/2019
Duyệt đăng: 27/01/2019

Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, là nhóm các chính sách khá toàn diện, đồng bộ phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Chính sách đã đạt được những kết quả, góp phần quan trọng phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo đột phá trong tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu ngành thủy sản, nâng cao đời sống ngư dân. Bài viết đánh giá hiệu quả của chính sách tài chính đối với phát triển thuỷ sản về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ khoá: Chính sách, thuỷ sản, Nghị định.

Fishery development policies under Decree 67/2014/ND-CP are a comprehensive group of policies which are suitable to the aspiration of many fishermen. The policies have achieved results, making an important contribution to the development of the fisheries sector towards industrialization and modernization, creating a breakthrough in reorganizing production, restructuring the fishery sector, improving the living standard of fishermen. The paper assesses the effectiveness of fishery development policies in terms of economic, social and environmental aspects.
Key word: Policies, fishery, Decree.

Hiệu quả kinh tế
Về phát triển kinh tế thủy sản: Mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng thủy sản chiếm 33,3% trong GDP nông nghiệp và 43,3% vào năm 2030.
Về giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản: Tổng giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản năm 2016 đạt trên 1.359 nghìn tỷ đồng, tăng cao gấp 9 lần so với năm 2010, nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng nuôi và khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao và giảm dần tỷ trọng các đối tượng giá trị kinh tế thấp:
Giá trị sản xuất khai thác thủy sản năm 2016 đạt trên 225 nghìn tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với năm 2010, chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và tàu thuyền khai thác, giảm các nghề khai thác gây xâm phạm nguồn lợi, và tăng tàu cá có công suất lớn khai thác xa bờ, khai thác có chọn lọc các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cá ngừ đại dương,… giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch từ 20% hiện nay xuống còn 10% vào năm 2020;
Chính sách hỗ trợ tín dụng đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế của đội tàu khai thác hải sản xa bờ, hỗ trợ ngư dân có tàu tốt, công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo an toàn trong khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ngày càng thu hút được nhiều ngư dân tham gia. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt là hỗ trợ tín dụng đã giúp ngư dân khắc phục khó khăn về nguồn vốn, mạnh dạn làm thủ tục hồ sơ xin vay vốn đóng tàu công suất lớn, khắc phục mọi khó khăn trở ngại vươn khơi bám biển sản xuất, duy trì hoạt động khai thác thủy hải sản, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho ngư dân vùng biển.
Chính sách hỗ trợ tín dụng trong đóng mới và nâng cấp tàu thuyền, chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đã góp phần đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, đồng nghĩa với việc góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước, trong đó tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị các sản phẩm chủ lực như: tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ đại dương, các loại cá biển khác. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ cũng đồng nghĩa với việc góp phần đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu; góp phần ổn định giá tiêu dùng trong nước, ổn định an ninh lương thực và đời sống xã hội.

Hiệu quả xã hội
Mục tiêu đến năm 2020, toàn ngành thủy sản giải quyết việc làm cho 5 triệu lao động, trong đó lao động khai thác thủy sản khoảng 0, 6 triệu người. Hiện nay, tỷ lệ lao động thủy sản qua đào tạo rất thấp (dưới 40%), mục tiêu đến năm 2020 ngành thủy sản phấn đấu có khoảng trên 70% lao động thủy sản qua đào tạo.
Tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; ngư dân mạnh dạn đầu tư trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần phát triển nghề đóng tàu, giải quyết được việc làm cho nhiều thợ lành nghề.
Kết quả tính toán cho thấy, năng suất lao động bình quân đối với lĩnh vực khai thác thủy sản đạt năng suất lao động bình quân khoảng 80 triệu đồng /người /năm. Tổng lợi nhuận ròng toàn ngành đạt 835-1250 ngàn tỷ đồng, đem lại bình quân thu nhập của 1 lao động thủy sản vào năm 2020 là 8.000- 12.500 USD/năm. Đây sẽ là điều kiện để cải thiện và nâng cao đời sống cho cộng đồng ngư dân – lao động thủy sản.
Hàng năm, bão và áp thấp nhiệt đới thường xuyên đổ bộ vào vùng biển, gây thiệt hại lớn về tàu thuyền và tính mạng ngư dân. Với những chính sách ưu đãi trong hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm tàu và toàn bộ trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu sẽ hạn chế các thiệt hại do bão và áp thấp, cũng như các rủi ro trong hoạt động khai thác trên biển. Đây là hiệu quả lớn về mặt xã hội của chính sách hỗ trợ bảo hiểm – một trong những chính sách hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản mang lại cho nghề cá Việt Nam.

Hiệu quả về môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản
Hiện cả nước có trên 1 triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 107.041 tàu cá các loại và 615 cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm được phép chế biến thủy sản xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu chứng nhận chất lượng (trong đó, xuất khẩu vào thị trường EU là 464 cơ sở) và nhiều cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ. Sự phát triển tự phát và không theo quy hoạch, đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về mặt kinh tế – xã hội – môi trường, nguồn lợi thủy sản.
Thông qua việc triển khai thực hiện chính sách cho vay tín dụng đóng mới và nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, từng bước đã thay đổi cơ cấu đội tàu khai thác, giảm dần số lượng tàu cá công suất nhỏ hoạt động ven bờ, thu hút lao động sang làm việc trên các tàu cá xa bờ góp phần không nhỏ làm giảm áp lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ cũng góp phần thay đổi cơ cấu sản lượng khai thác, sản lượng khai thác xa bờ hàng năm có sự thay đổi tích cực, giảm dần sản lượng khai thác ven bờ.
Mục tiêu đến năm 2020, tàu cá giảm còn 110 nghìn chiếc; nuôi trồng thủy sản trên 1, 2 triệu ha và trên 1.000 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp vừa và nhỏ. Với quan điểm giảm số lượng tàu thuyền khai thác gần bờ, tàu thuyền khai thác thủ công, các loại nghề khai thác gây xâm phạm nguồn lợi, các nghề tiêu hao nhiều nhiên liệu, kiên quyết phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, xây dựng các khu bảo tồn biển, các quy định về việc thả cá giống vào tự nhiên ở các địa phương, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sinh vật thủy sinh trên cả 3 vùng nước: nước ngọt, nước mặn và nước lợ phát triển, góp phần phục hồi và tái tạo nguồn lợi theo hưóng bền vững và hiệu quả.

Hiệu quả về nâng cao năng lực quản lý ngành
Hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP, đã được các Bộ ban ngành liên quan, hệ thống các NHTM ban hành kịp thời. Mặt khác, việc thường xuyên tiếp xúc, hỗ trợ ngư dân trong quá trình làm hồ sơ vay vốn tín dụng, các cán bộ quản lý nghề cá địa phương có cơ hội tiếp cận thực tế sản xuất, có thái độ cầu thị, công bằng, tận tụy phục vụ bà con ngư dân tốt hơn góp phần nâng cao năng lực thực tế và quản lý của cán bộ. Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, công tác quản lý tàu cá được cải thiện rõ rệt. Hầu hết các tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.

Kết luận
Nhìn chung, sau 4 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững. Các Bộ, Ngành và địa phương đã tổ chức hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; những vướng mắc, trở ngại lớn, các nội dung vượt thẩm quyền đã được các Bộ, ngành báo cáo kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng, các ngân hàng thướng mại và cộng đồng ngư dân tham gia thực hiện chính sách đạt kết quả bước đầu./.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017). Báo cáo tổng kết thực hiện Nghi định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014, của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
2. Tổng cục Thủy sản (2016). Biên bản họp góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngày 19/6/ 2017.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *