Hoạt động hội

Điều lệ Hiệp hội – TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI (Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số Tháng 3/2022, 222)

Tiêu đề Điều lệ Hiệp hội – TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI (Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số Tháng 3/2022, 222) Ngày đăng 2022-06-30
Tác giả Admin Lượt xem 974

       Ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 670/QĐ-BNV đổi tên “Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA” thành “Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA” và phê duyệt Điều lệ VAA.

Đây là sự kiện quan trọng và là bước ngoặt của quá trình phát triển tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam. Điều lệ Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam được Đại hội III (ĐH III) nhiệm kỳ 2005 – 2009 biểu quyết thông qua và được ĐH IV nhiệm kỳ 2009 – 2014 sửa đổi, bổ sung. Tại ĐH Đại biểu toàn quốc VAA lần thứ VI, đã biểu quyết và nghị quyết thông qua Điều lệ VAA. Vị thế và vai trò của Hiệp hội, với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp, đã được khẳng định và nâng cao. Hiệp hội và các hội viên cần làm tất cả mọi việc, để xứng đáng với vị thế mới, vai trò mới và sự kỳ vọng của xã hội về sự minh bạch, tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính.

 Tạp chí xin giới thiệu những nội dung cần quan tâm của Điều lệ Hiệp hội, những nhận thức mới và những giải pháp cần triển khai. Trong số này, xin giới thiệu về tổ chức hoạt động của Hiệp hội để đảm bảo cho tổ chức nghề nghiệp phát triển bền vững và ngày càng nâng cao về chất lượng.

Từ khóa: VAA, tổ chức hoạt động.


      Để điều hành và tổ chức các hoạt động của một tổ chức nghề nghiệp có hiệu quả và thành công, rất cần một tổ chức bộ máy Hiệp hội hoàn chỉnh với các nhân sự nhiệt tình và có chất lượng.

      Điều lệ Hiệp hội quy định cơ cấu tổ chức của VAA, gồm: ĐH; Ban Chấp hành (BCH); Ban Thường vụ; Ban Kiểm tra (BKT); văn phòng; các ban chuyên môn; các đơn vị trực thuộc và các tổ chức thành viên.

      Hãy tìm hiểu về quy định của Điều lệ và thực tế các cơ quan, các đơn vị trong cơ cấu tổ chức của VAA hiện nay và trong gần 30 năm qua.

Thứ nhất, ĐH Hiệp hội

Theo quy định của Điều lệlà cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội. ĐH có thể là ĐH nhiệm kỳ hoặc ĐH bất thường: ĐH nhiệm kỳ được tổ chức 05 năm một lần; ĐH bất thường là ĐH giữa nhiệm kỳ, được triệu tập khi xét thấy cần thiết, khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số Ủy viên BCH Hiệp hội hoặc ít nhất 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị.

ĐH nhiệm kỳ hoặc ĐH bất thường được tổ chức dưới hình thức ĐH toàn thể hoặc ĐH đại biểu: ĐH toàn thể hoặc ĐH đại biểu được tổ chức, khi có trên 1/2 (một phần hai) số hội viên chính thức hoặc có trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt. Trên cơ sở phân bổ số đại biểu, các tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội bầu cử các đại biểu chính thức, đại biểu dự khuyết đi dự ĐH. Ngoài ra, còn có đại biểu là hội viên liên kết, hội viên danh dự và khách mời dự ĐH.

     Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội đã qua 6 kỳ ĐH vào các năm: 1994, 1999, 2004, 2009, 2014 và 2019. Có hàng trăm đại biểu trong cả nước và nhiều đại biểu, từ các tổ chức nghề nghiệp quốc tế. ĐH đã vinh dự được đón tiếp nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã đến tham dự và chỉ đạo ĐH như: Thủ tướng – Phan Văn Khải; Thủ tướng – Võ Văn Kiệt; Phó Chủ tịch nước – Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên; Phó Thủ tướng – Nguyễn Sinh Hùng (sau là Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ XIII); Phó Thủ tướng Chính phủ – Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội Khóa XV)…

Điều lệ quy định ĐH Hiệp hội có nhiệm vụ:

      (1) Thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cần triển khai trong nhiệm kỳ mới.

       (2) Thảo luận và thông qua Điều lệ Hội và Hiệp hội (sửa đổi, bổ sung).

       (3) Thảo luận, góp ý kiến vào Báo cáo kiểm điểm của BCH, BKT Hiệp hội, báo cáo tài chính nhiệm kỳ của Hiệp hội; các quyết định đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hiệp hội (nếu có).

       (4) Bầu BCH và BKT.

       (5) Thông qua Nghị quyết ĐH.

Trải qua gần 30 năm hoạt động, VAA đã tổ chức 6 ĐH với 6 nhiệm kỳ. Hiện nay, đang trong nhiệm kỳ VI. Các ĐH đều được tổ chức long trọng và mỗi ĐH có chủ đề riêng, phù hợp yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của Hội, với từng giai đoạn:

ĐH lần thứ I nhiệm kỳ 1994 – 1999

      Đây là ĐH thành lập và cũng là ĐH nhiệm kỳ đầu tiên của VAA, tiền thân là Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc. Đây là tổ chức nghề nghiệp kế toán đầu tiên của Việt Nam, được thành lập ngay trong những năm đầu Việt Nam cải cách kinh tế, năm 1989. Sau một thời gian chuẩn bị và vận động, “Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam” tên gọi đầu tiên của Hội, đã được thành lâp theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/01/1994 của Thủ tướng Chính phủ.

       Bộ Tài chính là cơ quan bảo trợ của Hội, đã chủ trì tổ chức ĐH và cử cán bộ tham gia Ban Lãnh đạo Hội, Trong đó: GS.TSKH. Võ Đình Hảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học tài chính; Ông Hà Ngọc Son – Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm tra kế toán, nhiều lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tài chính, Đại học Tài chính – Kế toán (nay là Học viện Tài chính) được cử tham gia BCH Hội khóa đầu tiên. ĐH đã bầu BCH và BKT. Ông Võ Đình Hảo được bầu là Chủ tịch đầu tiên của Hội.

        Nhiều lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Thương nghiệp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học, Công nghệ và môi trường… được bầu vào BCH.

        ĐH đã xác định nhiệm vụ tập hợp, động viên những người làm kế toán trong cả nước tham gia tích cực cải cách hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam theo yêu cầu kinh tế thị trường, tập trung triển khai thành công hệ thống kế toán mới theo Quyết định 1141/QĐ-BTC và thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ – Võ Văn Kiệt, người luôn quan tâm và trực tiếp chỉ đạo quá trình cải cách hệ thống kế toán Việt Nam, theo yêu cầu kinh tế thị trường.

  ĐH lần thứ II nhiệm kỳ 1999 – 2004

        ĐH được tổ chức, ngay sau khi VAA chính thức trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC) và là thành viên chính thức của Hiệp hội kế toán các nước ASEAN (AFAA). ĐH đã bầu Ủy viên BCH Trung ương gồm 39 người, Ban Thường vụ 11 người. ĐH đã xác định nhiệm vụ của nhiệm kỳ là tiếp tục phát triển nghề nghiệp, tham gia tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật kế toán và kiểm toán.

         ĐH diễn ra, ngay sau khi Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị Kế toán quốc tế tại Việt Nam, với sự tham dự của 160 đại biểu nước ngoài. Đây là Hội nghị và cũng là thời kỳ thế giới biết đến kế toán Việt Nam và kế toán Việt Nam, bắt đầu vươn ra thế giới.

ĐH lần thứ III nhiệm kỳ 2004 – 2009

         Đây cũng là giai đoạn VAA giữ vai trò lãnh đạo Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA). VAA đã giới thiệu và BCH AFA đã nhất trí phê chuẩn PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch VAA là Phó Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2002 – 2002; Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2004 – 2005. Được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam và sự chỉ đạo hỗ trợ của Bộ Tài chính, VAA cùng AFA đã tổ chức thành công Đại hội AFA lần thứ 14 tại Hà Nội. Tham dự ĐH có gần 800 đại biểu, trong đó có gần 200 đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và nhiều quốc gia trên thế giới. Chủ đề của ĐH: “Tạo lập thị trường dịch vụ kế toán thống nhất ASEAN”. Chủ đề phù hợp với luật kế toán của Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2003, lần đầu tiên thừa nhận kế toán là dịch vụ tại Việt Nam. ĐH AFA lần thứ 14 đã ra tuyên bố Hà Nội.   

ĐH lần thứ IV nhiệm kỳ 2009 – 2014

      ĐH được tổ chức, nhân dịp Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, với Chủ đề: “Đoàn kết – Hội nhập – Phát triển”. Đây là ĐH của thời kỳ đất nước đổi mới ngày càng mạnh mẽ, hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và tòan diện vào kinh tế khu vực cũng như với thế giới. Đây cũng là giai đoạn nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu, từng bước hài hòa với nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ kế toán quốc tế và Khu vực.

     ĐH đã bầu 35 Ủy viên BCH, trong đó có: 01 Chủ tịch, 03 Phó Chủ tịch, 01 Tổng Thư ký. Ban Thường vụ gồm 11 thành viên. ĐH đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2009 – 2014 là, hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng tổ chức Hội và các Hội Thành viên, theo nguyên tắc: Tự nguyên, đủ tiêu chuẩn và thực sự hoạt động; đồng thời triển khai tốt nhiệm vụ quản lý hành nghề kế toán và kiểm toán. Đây cũng là thời kỳ, Bộ Tài chính đã chính thức chuyển giao nhiệm vụ quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán cho Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trong đó bao gồm giao cho Hội Kiểm toán viên hành nghề (VICA) – Tổ chức Thành viên của VAA). VAA đã và đang tích cực triển khai đăng ký hành nghề, quản lý hành nghề và kiểm soát chất lượng hành nghề kế toán, kiểm toán.

     Tại ĐH, Điều lệ Hội sửa đổi bổ sung đã được ĐH thảo luận và thông qua, theo đó tên của Hội đã được đổi thành “Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Hội đã có thành viên mới là Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) thành lập năm 2005.

ĐH lần thứ V nhiệm kỳ 2014 – 2019

        ĐH có Chủ đề: “Hội tụ – Chuyên nghiệp – Phát triển” với mục đích phát triển tổ chức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán. Về dự ĐH, có hơn 400 đại biểu trong cả nước. Phó Chủ tịch nước – Nguyễn Thị Doan đến dự và chỉ đạo ĐH. Tại ĐH, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. ĐH đã bầu ra BCH Trung ương gồm 35 đồng chí, BKT 5 đồng chí. Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

       ĐH đã đề ra nhiệm vụ: “Duy trì, củng cố và phát triển tổ chức Hội, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về kế toán và kiểm toán, tích cực tham gia công tác tư vấn, phản biện xã hội các dự án Luật, các chính sách chế độ của Nhà nước, tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hội viên, làm tốt công tác tư vấn và kiểm soát chất lượng dịch vụ hành nghề kế toán, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế. Tại ĐH lần này, VACPA đã tự nguyện không tiếp tục là thành viên của VAA.       

ĐH lần thứ VI nhiệm kỳ 2019 – 2024

      Chủ đề của nhiệm kỳ ĐH VI đã đưa ra: “Đổi mới – Chuyên nghiệp – Phát triển”. ĐH yêu cầu, cần tiếp tục đổi mới trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, nâng cao tính chuyên nghiệp của Hội nghề nghiệp và đưa Hội phát triển lên một tầm cao mới.  ĐH đã thảo luận và nghị quyết về trình Bộ Nội vụ nâng Hội thành Hiệp hội và thông qua Điều lệ Hiệp hội sửa đổi, bổ sung. Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 670/QĐ-BNV ngày 26/5/2021 đổi tên “Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA” thành “Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA” và phê duyệt Điều lệ VAA.

      Tham dự ĐH có gần 400 đại biểu đại diện cho đội ngũ những người làm kế toán, kiểm toán trong cả nước, Chủ tịch Hiệp hội kế toán các nước ASEAN, Chủ tịch và đại diện các hội kế toán Singapore, Malayxia… Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ – Vương Đình Huệ (nay là Chủ  tịch Quốc hội) đã đến dự và chỉ đạo ĐH. Tại ĐH, Hiệp hội đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. ĐH đã bầu BCH gồm 39 Ủy viên và BKT gồm 5 Ủy viên.

Tại các kỳ ĐH, Điều lệ quy định nguyên tắc biểu quyết:

    – ĐH có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết, do ĐH quyết định.

    – Việc biểu quyết thông qua các quyết định của ĐH, phải được quá 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tại ĐH tán thành.

    Tuân thủ các quy định của Điều lệ, tại các kỳ ĐH, việc biểu quyết thông qua các nội dung như: chương trình nghị sự của ĐH, phê chuẩn báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu, thông qua các thủ tục của ĐH, thông qua thủ tục bầu cử, danh sách ứng cử,  đề cử vào các cơ quan của Hiệp hội… đều biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Còn biểu quyết thông qua các quyết định, nghị quyết ĐH được biểu quyết bằng hình thức giơ tay, kết hợp với sự vỗ tay tán đồng. Riêng thủ tục bầu cử ĐH, sẽ thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín cho từng ứng cử viên hoặc bầu cử trọn gói danh sách.

  • theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *