Hoạt động hội

Điều lệ Hiệp hội – Tự hào là Hội viên của Hiệp hội

Tiêu đề Điều lệ Hiệp hội – Tự hào là Hội viên của Hiệp hội Ngày đăng 2022-03-30
Tác giả Admin Lượt xem 880

{Bài viết được đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam), tháng 1+2/2022 (số 220 – 221) – của PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tịch VAA}


Ngày 25/05/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 670/QĐ-BNV đổi tên “Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA” thành “Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA”phê duyệt Điều lệ Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Đây là sự kiện quan trọng và là bước ngoặt của quá trình phát triển tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Điều lệ Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam được Đại hội III nhiệm kỳ 2005-2009 biểu quyết thông qua và được Đại hội IV nhiệm kỳ 2009-2014 sửa đổi, bổ sung. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc VAA lần thứ VI đã biểu quyết và Nghị quyết thông qua Điều lệ Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Vị thế và vai trò của Hiệp hội với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp, đã được khẳng định và nâng cao. Hiệp hội và các hội viên cần làm tất cả mọi việc, để xứng đáng với vị thế mới, vai trò mới và sự kỳ vọng của xã hội về sự minh bạch, tin cậy của thông tin kinh tế tài chính. Tạp chí xin giới thiệu những nội dung cần quan tâm của Điều lệ Hiệp hội, những nhận thức mới và những giải pháp cần thực hiện. Để giúp triển khai Điều lệ với mục tiêu cao nhất là, phát triển tổ chức Hiệp hội và nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức nghề nghiệp.

Từ khóa: Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, VAA, Hội viên, Hội thành viên.



Là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán và kiểm toán với tính chất hoạt động của Hiệp hội là tự nguyện, tự chủ và tự quản. Vì vậy, tất cả những người làm nghề, những chuyên gia, những người làm công tác quản lý, đào tạo kế toán, kiểm toán của Việt Nam đều có quyền tham gia Hiệp hội, đều có thể trở thành hội viên của Hiệp hội. Trên nguyên tắc tự nguyện, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện được quy định trong Điều lệ của Hiệp hội.

Hội viên và niềm tự hào là Hội viên Hiệp hội

Theo quy định tại Điều lệ của Hiệp hội thì hội viên của Hiệp hội gồm Hội viên chính thức, Hội viên liên kết và Hội viên danh dự.

Hội viên chính thức

Gồm Hội viên tổ chức và Hội viên cá nhân.

Hội viên tổ chức

  • Là hội kế toán, kiểm toán các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và các hội viên hoạt động trong lĩnh vực, ngành, nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (gọi chung là ngành); có đủ điều kiện theo quy định, tán thành Điều lệ; có đơn tự nguyện gia nhập là có thể trở thành hội viên chính thức.
  • Hội kế toán, kiểm toán các tỉnh, thành phố: là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người làm tài chính, kế toán, kiểm toán tại địa phương. Được thành lập hợp pháp, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tự nguyện tham gia Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và được Hiệp hội chấp nhận bằng văn bản; Điều lệ của hội viên tổ chức phù hợp với Điều lệ của Hiệp hội và quy định của pháp luật.
  • Hội kế toán, kiểm toán ngành: là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp của những người làm tài chính, kế toán, kiểm toán tại các đơn vị, các tổ chức thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành hoạt động trong phạm vi cả nước. Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, tự nguyện tham gia Hiệp hội và được Hiệp hội chấp nhận bằng văn bản. Các hội kế toán, kiểm toán ngành có quyền tự chủ, có Điều lệ riêng phù hợp với Điều lệ của Hiệp hội và quy định của pháp luật. – Đại diện cho hội viên tổ chức tham gia Hiệp hội, phải là công dân Việt Nam.
  • Thời gian đầu thành lập (1994) mới có rất ít hội ngành tham gia Hiệp hội như Hội ngành xây dựng, ngành công nghiệp, giao thông vận tải… nhưng đến nay, Hiệp hội đã có 30 tổ chức nghề nghiệp, trong đó tổ chức thành viên tiền thân và nòng cột của Hiệp hội là: Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, thành lập năm 1989, là một tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao; Chi hội Kế toán viên hành nghề (VICA); 11 hội kế toán tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 5 hội ngành, các tổ chức nghề nghiệp ở học viện, các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp tại các công ty dịch vụ kế toán. Các tổ chức thành viên của Hiệp hội có tên gọi rất khác nhau: Hội, Chi hội, Phân hội. Tổ chức thành viên thành lập gần đây và gia nhập Hiệp hội năm 2021 là Phân hội Kiểm toán viên Nhà nước.
  • Năm 2005, Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) được thành lập và ngay lập tức là thành viên của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam. Nhưng rất tiếc, sau hơn 10 năm hoạt động, VACPA đã xin rời khỏi VAA trở thành tổ chức nghề nghiệp độc lập. Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hiện đang là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), một tổ chức chính trị – xã hội của các nhà trí thức Việt Nam.
  • VAA đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC), của Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA). Năm 2012, VAA đã cử tổ chức thành viên của mình là VACPA tham gia Hiệp hội Kế toán các nước châu Á – Thái Bình Dương.

Hội viên cá nhân

Theo quy định của Điều lệ, Hội viên cá nhân có đủ kiều kiện theo quy định, tán thành Điều lệ, có đơn tự nguyện gia nhập Hiệp hội thì đều có thể trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội. Hội viên cá nhân của Hiệp hội là công dân Việt Nam đủ từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, làm việc ở Việt Nam hoặc làm việc tại nước ngoài, có phẩm chất đạo đức tốt và có một trong các tiêu chuẩn sau đây:

  • Người đã tốt nghiệp đại học, có thời gian từ 03 (ba) năm trở lên, làm việc thực tế trong ngành tài chính, kế toán, kiểm toán (tính từ ngày tốt nghiệp đại học ghi trên bằng tốt nghiệp).
  • Giảng viên, người làm công tác nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, đã tốt nghiệp đại học, có thời gian từ 03 (ba) năm công tác thực tế trở lên.
  • Người có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức nghề nghiệp cấp.
  • Các chuyên gia kinh tế – tài chính có uy tín được Hiệp hội chấp nhận. Khi thành lập, Hiệp hội chỉ có hơn 700 hội viên, chủ yếu là các kế toán trưởng, các nhà quản lý và giảng viên tại các trường đại học.
  • Sau 28 năm hoạt động, đến nay Hiệp hội có gần 10.000 hội viên ở nhiều địa phương, nhiều Bộ, ngành trong cả nước. Mỗi năm Hiệp hội kết nạp thêm hàng trăm hội viên mới. 

Hội viên liên kết

Hội viên liên kết là các cá nhân, tổ chức hoạt động tại Việt Nam không có đủ tiêu chuẩn, điều kiện trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội nhưng có hoạt động liên quan nghề nghiệp tài chính, kế toán, kiểm toán và có nhiều đóng góp xây dựng Hiệp hội, tán thành Điều lệ Hiệp hội, tự nguyện tham gia Hiệp hội thì được Hiệp hội kết nạp trở thành Hội viên liên kết.

Hội viên danh dự

Hội viên danh dự của Hiệp hội là các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán và nhiệt tình, quan tâm giúp đỡ hoạt động của Hiệp hội, có nhiều đóng góp và ảnh hưởng đến hoạt động của Hiệp hội, cũng như với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán được Hiệp hội suy tôn, mời làm hội viên danh dự của Hiệp hội.

Quyền của Hội viên

Hội viên Hiệp hội có quyền và nghĩa vụ. Điều lệ quy định, hội viên có các quyền sau đây:

Quyền của Hội viên tổ chức

  • Được cử người tham gia các hoạt động của Hiệp hội, tham gia thảo luận, biểu quyết mọi công việc của Hiệp hội.
  • Được cử người tham dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội và tham gia các Ban chuyên môn của Hiệp hội.
  • Được Hiệp hội bảo trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội, Hiệp hội.
  • Hưởng các quyền lợi theo quy định của Hiệp hội.
  • Được yêu cầu Hiệp hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp thông tin và hoạt động nghề nghiệp.
  • Tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn khoa học, phản biện xã hội các dự án luật, chính sách kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán của Nhà nước.
  • Được đề xuất, kiến nghị với Hiệp hội các vấn đề liên quan tới chính sách kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán và hoạt động của Hiệp hội.
  • Giới thiệu các tổ chức hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có nguyện vọng tham gia Hiệp hội. 
  • Được Hiệp hội xét khen thưởng, khen thưởng theo quy định của Điều lệ Hiệp hội và quy định của Pháp luật.
  • Được làm đơn không tiếp tục là hội viên của Hiệp hội.

Quyền của hội viên cá nhân

  • Tham gia các hoạt động tư vấn khoa học, phản biện xã hội, đề xuất, kiến nghị với Hiệp hội những vấn đề liên quan chính sách kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán.
  • Tham gia các hoạt động của hội viên tổ chức Hiệp hội, tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ. Được tạo điều kiện để thực hiện các nghiên cứu, các sáng kiến, phát minh.
  • Được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. – Được cung cấp thông tin, hướng dẫn và đảm bảo quyền tiếp cận, khai thác thông tin về pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán và thông tin nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, hoạt động của Hiệp hội.
  • Tham gia thảo luận, biểu quyết mọi công việc của Hiệp hội. Được ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra, theo quy định của Hiệp hội.
  • Giới thiệu hội viên mới.
  • Hưởng các chính sách ưu đãi và tiện ích đối với các dịch vụ do Hội, Hiệp hội tổ chức và được khen thưởng, theo quy định của Hiệp hội.
  • Làm đơn xin không tiếp tục là Hội viên của Hiệp hội.

Hội viên liên kết, hội viên danh dự

Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử các chức danh Ban Lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hiệp hội.

Nghĩa vụ của Hội viên

  • Vinh dự được là Hội viên của Hiệp hội, các Hội viên cần nhận thức và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Hội viên.
  • Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chấp hành Điều lệ, quy định của Hiệp hội.
  • Tham gia các hoạt động của Hiệp hội; Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để phát triển nghề nghiệp, xây dựng Hiệp hội.
  • Bảo vệ uy tín của Hiệp hội, của nghề nghiệp; Không được nhân danh Hiệp hội trong các quan hệ giao dịch (trừ khi được lãnh đạo Hiệp hội phân công hoặc đồng ý bằng văn bản).
  • Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hiệp hội.
  • Nộp hội phí đầy đủ và đúng hạn, theo quy định của Hiệp hội.
  • Hội viên cần nhận thức và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ.
  • Đóng góp tích cực vào sự phát triển và giữ vững danh dự, duy trì vị thế của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

 


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *