Nghiên cứu trao đổi

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán – Vai trò tổ chức nghề nghiệp

Tiêu đề Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán – Vai trò tổ chức nghề nghiệp Ngày đăng 2024-06-14
Tác giả Admin Lượt xem 541

Trần Khánh Lâm*

(*Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam)

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung vào sự tương tác giữa giáo dục đại học và nghề nghiệp trong ngành kế toán – kiểm toán, nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp giảng dạy, thực hành và nghiên cứu. Đặc biệt, trong thời đại số hóa, nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau như Brazil, Ghana và Nam Phi cho thấy, sự thích ứng và đổi mới trong giáo dục kế toán. Đồng thời, nêu bật những thách thức như sự chênh lệch giữa lý thuyết và thực tiễn nghề nghiệp. Phương pháp nghiên cứu kết hợp định tính, đánh giá có hệ thống với mục tiêu cải thiện chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành. Kết luận, nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp để phát triển chương trình giáo dục kế toán và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.

Từ khóa: giáo dục đại học, đào tạo kế toán, gắn kết đại học và doanh nghiệp, hợp tác tổ chức nghề nghiệp.

Abstract

This study focuses on the interaction between higher education and the accounting and auditing profession, emphasizing the need for an integration of teaching, practice, and research. Particularly in the digital age, research from various countries like Brazil, Ghana, and South Africa shows adaptation and innov  ation in accounting education, while highlighting challenges such as the gap between theory and professional practice. The research methodology combines qualitative approaches and systematic evaluation, aiming to improve the quality of training and meet the real needs of the industry. In conclusion, the study affirms the importance of collaboration between universities and professional organizations in developing accounting education programs that meet the requirements of the modern labor market.

Keywords: higher education, accounting training, university-business linkage, professional organization collaboration.

JEL Classifications: M41, I23.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.03202411

Giới thiệu

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập và phát triển, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán đã trở thành một chủ đề quan trọng trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Mức độ hiện tại của sự gắn kết này không chỉ phản ánh trên các chương trình đào tạo, mà còn thể hiện qua sự phối hợp và tương tác giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, nhận thức về mức độ và chất lượng của sự gắn kết này vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong việc cập nhật và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

Tổ chức nghề nghiệp đóng một vai trò trung gian quan trọng trong việc xây dựng cầu nối giữa nhà trường và DN. Các tổ chức này không chỉ giúp xác định nhu cầu về kỹ năng và kiến thức trong ngành, mà còn hỗ trợ trong việc thiết kế và cập nhật chương trình đào tạo, đảm bảo rằng sinh viên có được các kỹ năng thực tế và sẵn sàng cho thị trường lao động sau khi tốt nghiệp (Kenneth Abrahamsson, 1999). Sự phối hợp này đặc biệt quan trọng trong ngành kế toán – kiểm toán, nơi mà sự thay đổi liên tục của các quy định và tiêu chuẩn đòi hỏi một đội ngũ nhân lực không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn phải cập nhật liên tục.

Ngành kế toán – kiểm toán có một số đặc điểm đặc thù: đầu tiên, nó là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống quản lý của mọi DN từ nhỏ đến lớn; thứ hai, ngành này hoạt động theo các tiêu chuẩn chung thống nhất và nghiêm ngặt, đòi hỏi sự chính xác và tuân thủ nghiêm ngặt và thứ ba, ngành này gắn liền với lợi ích công chúng. Và do đó, sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết để đảm bảo minh bạch và trách nhiệm xã hội (Garry Carnegie, Lee Parker, Eva Tsahuridu, 2021). Nhà nước không chỉ quản lý thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy định, mà còn thông qua việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các bên liên quan.

Sự cần thiết của việc đáp ứng nhu cầu thực tế, thông qua việc cải thiện năng lực học thuật và năng lực nghề nghiệp không thể bị bỏ qua. Có một khoảng cách đáng kể giữa những gì được dạy trong nhà trường và yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Điều này không chỉ gây khó khăn cho sinh viên khi bước vào thế giới làm việc, mà còn tạo ra thách thức cho DN trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân viên mới. Nâng cao năng lực học thuật, bao gồm kiến thức chuyên môn, kiến thức bổ trợ, kỹ năng mềm và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với việc phát triển đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu này.

Trong tổng thể, việc gắn kết giữa nhà trường và DN, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức nghề nghiệp và Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng sinh viên kế toán – kiểm toán không chỉ được trang bị kiến thức, mà còn có khả năng áp dụng hiệu quả trong môi trường làm việc thực tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn tạo ra lợi ích cho cả sinh viên, nhà trường, DN và xã hội nói chung.

Tổng quan nghiên cứu

Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán thì sự tương tác giữa giáo dục đại học và nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, mà còn tạo ra những thách thức và cơ hội mới, đặc biệt trong bối cảnh thời đại số hóa và toàn cầu hóa.

Trong bài viết của mình, Cecil Donovan (2005) đã tập trung nghiên cứu vào sự kết nối quan trọng giữa thực hành, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán. Ông lưu ý rằng, để nghiên cứu kế toán thực sự hữu ích và có ý nghĩa nó cần phải vượt ra ngoài phạm vi của các nghiên cứu học thuật thuần túy và đóng góp vào sự phát triển toàn diện của nghề nghiệp kế toán. Tác giả nhấn mạnh rằng, nghiên cứu kế toán không chỉ nên tập trung vào việc tạo ra kiến thức mới cho cộng đồng học thuật, mà còn phải hướng tới việc giải quyết các vấn đề thực tế mà các chuyên gia kế toán đối mặt trong công việc hàng ngày. Tác giả cũng chỉ ra rằng để đạt được điều này, cần có sự tương tác chặt chẽ giữa thực hành kế toán, giảng dạy và nghiên cứu.

Bài viết của Cecil Donovan (2005) cũng nhấn mạnh vai trò của giảng dạy trong việc không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn khuyến khích tư duy phản biện và sự phát triển kỹ năng trong sinh viên, chuẩn bị cho họ nhu cầu thực tế của nghề nghiệp. Như vậy, nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán cần phải hướng tới việc tạo ra giá trị thực sự cho cả ba khía cạnh: học thuật, giáo dục và thực hành nghề nghiệp.

Nghiên cứu của Bonzanini OA, Silva A, Cokins G, Gonçalves MJ (2020) đã khám phá mối quan hệ giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp kế toán trong kỷ nguyên số hóa tại quốc gia Brazil. Bài viết được sử dụng phương pháp khảo sát, nghiên cứu này đã thu thập quan điểm của các giám đốc chương trình đào tạo về mức độ tự chủ trong việc xác định nội dung giáo dục, nhấn mạnh vào tác động của chuyển đổi số đối với giáo trình. Nghiên cứu này phản ánh sự thích ứng và phản hồi của các trường đại học trong việc cập nhật nội dung giáo dục để phù hợp với yêu cầu của thế giới nghề nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực kế toán, nơi mà công nghệ số đang nhanh chóng thay đổi cách thức hoạt động của ngành. Qua đó, nghiên cứu cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự tương tác và hợp tác cần thiết giữa giáo dục đại học và ngành nghề kế toán trong bối cảnh số hóa.

Nghiên cứu của Zotorvie, Justice Stephen Tetteh (2022) trong Luận án “Striving for Innovation: A Quadruple Helix Intervention for Accounting Education in Ghana” tập trung vào việc phát triển các kỹ năng liên quan công nghệ thông tin (CNTT) và tư duy phân tích trong giáo dục kế toán ở quốc gia Ghana. Điều này được thực hiện thông qua việc áp dụng mô hình đổi mới Quadruple Helix, bao gồm sự hợp tác giữa chính phủ, giáo dục đại học, DN và tổ chức nghề nghiệp. Mô hình này nhằm mục tiêu, đồng bộ hóa nỗ lực của các bên liên quan để cải thiện chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, nghiên cứu cũng áp dụng phân loại Bloom để đánh giá và cải thiện năng lực tư duy phân tích của sinh viên, điều này quan trọng trong việc chuẩn bị cho họ kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường kế toán hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh số hóa nhanh chóng. Nghiên cứu này mở ra hướng tiếp cận mới trong việc kết hợp giáo dục với nhu cầu thực tế của ngành nghề, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc tích hợp kỹ năng CNTT và phân tích vào chương trình đào tạo kế toán.

Grietjie Verhoef, Grant Samkin (2015) mang đến cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của ngành kế toán trong môi trường giáo dục và nghề nghiệp ở quốc gia Nam Phi. Bài viết phân tích sự tương tác giữa nghề nghiệp kế toán, chính phủ, các trường đại học và giới học thuật ảnh hưởng đến nghiên cứu trong lĩnh vực này. Qua đó, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, mặc dù có mối liên kết giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp, nhưng đã có sự tách biệt rõ rệt giữa hoạt động nghiên cứu học thuật và thực hành nghề nghiệp kế toán. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, các hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp và sự can thiệp của nhà nước đã có những ảnh hưởng đáng kể đến cách thức thực hiện và hướng phát triển của nghiên cứu kế toán. Điều này bao gồm việc xác định chủ đề nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và chuyên gia thực hành. Trong khi đó, các trường đại học và giới học thuật tại Nam Phi thường tập trung vào nghiên cứu lý thuyết mà ít khi kết nối chặt chẽ với thực tiễn ngành nghề, dẫn đến sự tách biệt giữa lý thuyết và thực hành. Mối quan hệ giữa giáo dục đại học và nghề nghiệp kế toán ở Nam Phi. Theo nghiên cứu, cần được củng cố và phát triển một cách đồng bộ. Việc này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp nhằm tạo ra một môi trường nghiên cứu và giáo dục kế toán, mà ở đó lý thuyết và thực hành có thể hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Điều này không chỉ giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn đóng góp vào sự tiến bộ của ngành kế toán ở Nam Phi.

Nghiên cứu về giáo dục kế toán ở Sri Lanka, P. W. Senarath Yapa (2000) đã trình bày về mối quan hệ đối tác giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp. Phân tích này cho thấy, trong bốn thập kỷ qua, mối liên kết giữa hai bên ở Sri Lanka đã gặp nhiều hạn chế. Mặc dù, có nhu cầu rõ ràng về sự hợp tác và đối tác chặt chẽ để đào tạo nên các chuyên gia kế toán có kỹ năng và kiến thức cần thiết, nhưng sự thiếu hợp tác thích hợp và liên kết chiến lược giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp đã gây ra những thách thức đáng kể trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán tại quốc gia này.

Như vậy, có thể nói rằng, các nghiên cứu về mối quan hệ giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp trong ngành kế toán chỉ ra một mối liên kết phức tạp và nhiều tầng lớp. Sự tương tác này không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như khủng hoảng kinh tế và chuyển đổi số, mà còn bởi nhu cầu thực tế của ngành nghề và sự phát triển liên tục trong giáo dục kế toán. Những thay đổi trong thực hành kế toán, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng đã làm thay đổi động lực quyền lực tổ chức, trong khi sự chuyển đổi số đòi hỏi các chương trình đào tạo phải thích ứng với công nghệ mới. Nhu cầu thực tế của nghề nghiệp, đòi hỏi các trường đại học phải liên tục cập nhật chương trình học để phản ánh sự phát triển của ngành. Tất cả những yếu tố này cùng nhau tạo nên một môi trường đa dạng và thách thức, nơi mà trường đại học và tổ chức nghề nghiệp phải không ngừng nỗ lực hợp tác và đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thế giới kế toán hiện đại.

Cuốn sách “Bridging the Gap between Academic Accounting Research and Professional Practice” được biên tập bởi E. Evans, R. Burritt và J. Guthrie (2011), là một công trình nghiên cứu quan trọng mở ra cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa nghiên cứu kế toán học thuật và thực hành nghề nghiệp. Cuốn sách gồm nhiều chương, mỗi chương đều mang một góc nhìn độc đáo và phân tích sâu về cách thức kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn trong lĩnh vực kế toán. Chương “The Relationship between Academic Accounting Research and Professional Practice” của James Guthrie, Roger Burritt và Elaine Evans tập trung vào vấn đề tại sao nghiên cứu kế toán học thuật lại chưa tạo ra ảnh hưởng và sự liên quan đến thực hành nghề nghiệp. Tác giả đã phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, để cải thiện sự tương tác giữa hai lĩnh vực này nhằm mục tiêu nâng cao giá trị của nghiên cứu trong thực tế nghề nghiệp. Trong khi đó, Chương “The Relationship between University Research and Firm Innovation” do Göran Roos và Stephen Pike biên soạn, khảo sát mối quan hệ giữa nghiên cứu đại học và sự đổi mới trong DN. Tác giả đã phân tích, cách mà nghiên cứu tại các trường đại học có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sáng tạo và đổi mới trong các công ty. Qua đó, làm rõ vai trò của nghiên cứu học thuật trong việc thúc đẩy sự phát triển của thực tiễn kinh doanh; trong Chương “Bridging Accounting Research and Practice: A Value Adding Endeavour” Keryn Chalmers và Sue Wright nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc kết nối nghiên cứu và thực hành kế toán. Tác giả đã khám phá cách thức mà nghiên cứu có thể đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề thực tế trong ngành, từ đó tạo ra giá trị thực sự cho cả cộng đồng học thuật và ngành nghề; và trong Chương cuối cùng, “Audit Research and Practice: A Dialogue on Relevance” của Philomena Leung, Lee White và Barry Cooper tập trung vào mối quan hệ giữa nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực kiểm toán. Tác giả đã mở ra cuộc đối thoại về tầm quan trọng của nghiên cứu kiểm toán đối với thực tiễn nghề nghiệp và cách thức để tăng cường sự liên quan của nghiên cứu đối với thực tiễn. Cuốn sách là một nỗ lực đáng giá, nhằm kết nối khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực kế toán. Mỗi chương đều mang lại cái nhìn sâu sắc, phân tích và đề xuất các hướng đi mới cho sự phát triển chung của ngành. Cuốn sách không chỉ là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực kế toán, mà còn hữu ích cho các chuyên gia và nhà quản lý trong ngành, những người mong muốn hiểu sâu hơn về mối liên kết giữa nghiên cứu học thuật và thực tiễn nghề nghiệp. Cuốn sách “Bridging the Gap between Academic Accounting Research and Professional Practice” là một tác phẩm quan trọng, góp phần làm sáng tỏ và nâng cao giá trị của nghiên cứu kế toán trong bối cảnh thực hành nghề nghiệp. Cuốn sách mở ra cánh cửa mới cho sự hợp tác và sự hiểu biết chung giữa lý thuyết và thực tiễn, từ đó tạo điều kiện cho sự tiến bộ và đổi mới trong ngành kế toán.

Trong bối cảnh hiện đại, việc nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực kế toán đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới. Đặc biệt, sự phù hợp giữa năng lực thực tế và đào tạo trong ngành kế toán đang là một vấn đề quan trọng được nhiều học giả quan tâm.

Nghiên cứu của Nanja Kroon, Maria do Céu Gaspar Alves (2023) đã phân tích 122 bài báo khoa học và xác định rằng, có những khoảng cách đáng kể giữa nhu cầu và nguồn cung của năng lực chuyên môn trong ngành kế toán. Kết quả này làm nổi bật các lĩnh vực cần cải thiện sự phối hợp giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, từ đó giúp các nhà nghiên cứu, chính sách và thực tiễn đưa ra những hành động có thông tin để giải quyết các vấn đề đã được xác định. Tiếp theo, nghiên cứu của Mohammed Muneerali Thottoli (2023) đã tập trung vào việc đào tạo kế toán máy tính ở các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nghiên cứu này nhấn mạnh nhu cầu về kỹ năng thực hành cho sinh viên và đưa ra khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục để triển khai chương trình kế toán máy tính phù hợp.

Alexander Z. King, Harold King (2021) trong nghiên cứu của mình, “Developing Team Skills in Accounting Students: A Complete Curriculum”, đã giải quyết nhu cầu cấp thiết của các nhà tuyển dụng về kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp trong sinh viên kế toán. Nghiên cứu này cung cấp một chương trình giảng dạy cụ thể để tích hợp giáo dục kỹ năng làm việc nhóm vào chương trình đào tạo kế toán.

Trong khi đó, Faisal Abdullah Al Hudithi (2021) trong “Aligning Accounting Curricula with Professional Certification”, đã chia sẻ kinh nghiệm về việc điều chỉnh chương trình học sau đại học kế toán để phù hợp với chứng chỉ nghề nghiệp. Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc thiết kế chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường và nghề nghiệp.

Nghiên cứu của Abdulaziz Y.S. Mosbah và các cộng sự (2022), “Preparing students for the workplace in developing countries: A study of accounting education in Libya” đã xác định, các vấn đề hạn chế khả năng của chương trình giáo dục kế toán ở Libya trong việc chuẩn bị cho sinh viên nhập cuộc làm việc. Nghiên cứu này cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình giáo dục kế toán ở các nước đang phát triển.

Cuối cùng, nghiên cứu “Accounting Education in Nigeria: A Need for Synergy” của Yisau Abiodun Babalola, Rashidat Tiamiyu (2012) đã khám phá hệ thống giáo dục ở các cơ sở giáo dục đại học và cấp độ chuyên nghiệp tại Nigeria. Nghiên cứu này chỉ ra sự yếu kém trong mối liên kết giữa giảng dạy, thực hành và nghiên cứu thiếu sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình giáo dục; và đề xuất sự phát triển linh hoạt của chương trình giáo dục, cũng như sự hợp nhất giữa nghiên cứu và thực hành trong kế toán.

Như vậy, những nghiên cứu về mối quan hệ giữa giáo dục đại học và nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán như được trình bày trong các công trình nghiên cứu trên, đã mở ra cái nhìn sâu sắc về cách thức mà ngành này đang phát triển và thích ứng với thời đại số hóa và toàn cầu hóa. Nghiên cứu của các tác giả đến từ các quốc gia khác nhau đều chỉ ra rằng, có một khoảng cách đáng kể giữa năng lực thực tế mà thị trường lao động yêu cầu và những gì mà các chương trình đào tạo đại học đang cung cấp.

Một trong những điểm chính được nhấn mạnh qua các nghiên cứu là sự cần thiết của việc tích hợp kỹ năng thực hành, như làm việc nhóm, sử dụng công nghệ thông tin và kỹ năng tư duy phân tích vào chương trình giáo dục kế toán. Điều này không chỉ giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho thế giới làm việc thực tế, mà còn tạo cơ hội để họ trở thành những chuyên gia kế toán hiệu quả và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới chương trình giảng dạy để phản ánh sự phát triển của ngành nghề và thách thức của thời đại mới. Sự cập nhật liên tục chương trình đào tạo, tích hợp các kỹ năng mới và cần thiết, là điều không thể thiếu trong việc đào tạo ra những chuyên gia kế toán đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của thị trường. Điều quan trọng là, các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp cần phải làm việc cùng nhau một cách chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo rằng chương trình giáo dục không chỉ đáp ứng nhu cầu của học thuật, mà còn phù hợp với thực tiễn nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi một sự hợp tác toàn diện, từ việc cập nhật chương trình học, phương pháp giảng dạy, đến việc đánh giá và nghiên cứu, nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo và sự hài hòa giữa lý thuyết và thực hành.

Các nghiên cứu này mở ra hướng đi mới và cung cấp cơ sở vững chắc cho việc phát triển chương trình giáo dục kế toán hiện đại, đáp ứng cả nhu cầu của học thuật và thực tiễn nghề nghiệp. Chúng tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành kế toán trong thế kỷ 21, một ngành nghề không ngừng thích ứng và đổi mới để đáp ứng các yêu cầu và thách thức của một thế giới liên tục phát triển.

Phương pháp nghiên cứu

Để hiểu rõ mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán, tác giả đã áp dụng một phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với việc đánh giá có hệ thống. Đầu tiên, tác giả tiến hành phỏng vấn sâu với các lãnh đạo khoa và tổ chức nghề nghiệp để thu thập thông tin chi tiết về hoạt động hợp tác, các thách thức và giải pháp liên quan đến đào tạo chuyên môn, phát triển kỹ năng và nghiên cứu. Trong quá trình phỏng vấn, các cuộc trò chuyện được ghi chép cẩn thận và sau đó được mã hóa để phân loại thông tin theo các chủ đề chính. Phương pháp phân tích nội dung định tính, giúp tác giả xác định các xu hướng và mối liên kết giữa các chủ đề. Từ đó, phản ánh đầy đủ việc hợp tác cũng như các thách thức mà cả nhà trường và tổ chức nghề nghiệp gặp phải. Đồng thời, tác giả cũng thực hiện đánh giá có hệ thống (Systematics review), tức là xem xét hệ thống các nghiên cứu trước đây liên quan đến vấn đề này. Điều này bao gồm việc phân tích kỹ lưỡng các bài báo khoa học, báo cáo nghiên cứu và các tài liệu liên quan để thu thập thông tin về các hoạt động hợp tác, cũng như các khó khăn và giải pháp được đề xuất trong các nghiên cứu trước đây. Kết quả từ cả hai phương pháp nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn toàn diện và có chiều sâu về tình trạng hiện tại, của sự hợp tác giữa giáo dục đại học và nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Tác giả phân tích cả về các hoạt động đào tạo chuyên môn và phát triển kỹ năng, cũng như nghiên cứu. Đặc biệt, tác giả chú ý đến những tình hình không ổn định của các hoạt động hợp tác và những thách thức cụ thể từ phía nhà trường và tổ chức nghề nghiệp. Từ những phân tích này, tác giả đưa ra các khuyến nghị cụ thể, để cải thiện và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán.

Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, hiện trạng gắn kết giữa nhà trường và tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt trong ngành kế toán – kiểm toán đã phát triển theo nhiều hình thức khác nhau, từ việc thiết lập quan hệ chính thức đến triển khai các hoạt động cụ thể. Mối quan hệ chính thức giữa nhà trường và tổ chức nghề nghiệp thường được bắt đầu bằng việc ký kết bảng ghi nhớ. Đây là bước đầu tiên quan trọng để xác định nền tảng hợp tác, đặt ra các mục tiêu và kỳ vọng từ cả hai bên. Ngoài ra, việc hợp tác này cũng được đưa vào chiến lược tổng thể của cả trường đại học và tổ chức nghề nghiệp với các kế hoạch hành động cụ thể và sự phân bổ nguồn lực bao gồm con người, tài chính và các nguồn lực khác. Tổ chức nghề nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội tiếp xúc với DN cho cả nhà trường, giảng viên và sinh viên. Họ cung cấp tư vấn cho nhà trường về yêu cầu và các thay đổi của nhu cầu xã hội đối với sản phẩm đào tạo, giúp nhà trường cập nhật và điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp. Ngoài ra, việc cung cấp định hướng nghề nghiệp cho sinh viên và kết hợp trong nghiên cứu phát triển nghề nghiệp là những hoạt động quan trọng khác từ phía tổ chức nghề nghiệp. Nhà trường cũng không kém phần tích cực trong việc khai thác và phát huy các hỗ trợ từ phía tổ chức nghề nghiệp. Họ chủ động xây dựng các chương trình kết nối giữa tổ chức nghề nghiệp, DN với giảng viên và sinh viên. Một phần quan trọng của quá trình này là định hướng sinh viên tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp, từ đó mở rộng mạng lưới và cơ hội hợp tác. Việc kết hợp trong nghiên cứu phát triển nghề nghiệp cũng là một bước tiến quan trọng, giúp đưa lý thuyết vào thực hành và thúc đẩy sự đổi mới trong ngành.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự gắn kết giữa nhà trường và tổ chức nghề nghiệp đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể. Mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở việc thiết lập quan hệ chính thức, mà còn tiếp tục phát triển thông qua nhiều hoạt động hợp tác cụ thể, tạo điều kiện cho cả sinh viên và giảng viên nâng cao kỹ năng chuyên môn và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.

Dựa trên các chủ đề được phân tích từ quá trình phỏng vấn, mã hóa và sắp xếp, kết quả nghiên cứu đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về quan hệ giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán được đánh giá cao bởi các bên liên quan. Sự hợp tác này được coi là cần thiết để cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực nghề nghiệp, phản ánh sự phát triển liên tục trong ngành. Đánh giá này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng, sinh viên được chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, kết quả phân tích cho thấy rằng, mục tiêu chính của quá trình hợp tác này là tạo ra một môi trường học thuật và nghề nghiệp, mà trong đó kiến thức và kỹ năng được truyền đạt một cách hiệu quả. Mục tiêu này bao gồm việc cung cấp chương trình giáo dục đa dạng, cập nhật và phù hợp với thực tiễn ngành, cũng như tạo cơ hội cho sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tiễn thông qua các dự án, thực tập và tương tác với các chuyên gia trong ngành.

Song song đó, các chiến lược và kế hoạch đã được xác định nhằm đạt được mục tiêu trên, bao gồm việc tăng cường hợp tác giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp. Điều này được thực hiện thông qua việc thiết lập các chương trình đào tạo chung, tạo dựng cơ hội nghề nghiệp và khuyến khích nghiên cứu hợp tác. Các kế hoạch cũng bao gồm việc tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn nghề nghiệp và thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp. Mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vẫn còn những thiếu hụt trong chiến lược và kế hoạch hiện tại. Điều này bao gồm việc thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, cũng như sự thiếu hụt trong việc cung cấp các cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên. Ngoài ra, có những lo ngại về việc các chương trình đào tạo không đủ linh hoạt để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong ngành. Kết quả này cung cấp cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp trong ngành kế toán – kiểm toán, từ đó mở ra hướng cho những cải thiện và phát triển trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số rào cản đối với sự gắn kết giữa nhà trường và tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán. Những rào cản này đến từ nhiều phía, bao gồm xã hội, người học, nhà trường và tổ chức nghề nghiệp. Một trong những rào cản lớn từ phía xã hội là nhận thức của DN về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với các trường đại học. Nhiều DN chưa nhận ra lợi ích từ việc hợp tác này, dẫn đến thiếu sự ủng hộ và đầu tư vào các chương trình hợp tác. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng. Sự thiếu hụt trong việc đặt ra chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự hợp tác giữa DN và trường đại học là một trở ngại lớn.

Từ phía người học, nhận thức về tầm quan trọng của việc hợp tác với tổ chức nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều sinh viên không nhận thức được giá trị thực tiễn mà những mối quan hệ này mang lại, đồng thời họ cũng gặp khó khăn trong việc cân đối quỹ thời gian giữa học tập và tham gia các hoạt động của tổ chức nghề nghiệp. Ngoài ra, khả năng tiếp cận với các cơ hội trao đổi trực tiếp, hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp, DN cũng bị hạn chế. Nhà trường cũng đối mặt với nhiều thách thức. Nhận thức của lãnh đạo khoa và giảng viên về sự cần thiết và hiệu quả của mối quan hệ hợp tác đôi khi còn hạn chế, họ cũng phải đối mặt với áp lực từ công việc quản lý và giảng dạy, kiểm định và nghiên cứu, làm giảm khả năng tập trung vào việc phát triển các hoạt động hợp tác. Hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự cũng là một rào cản lớn, cùng với sự thiếu kinh nghiệm trong việc thiết lập và quản lý các hoạt động hợp tác hiệu quả. Các tổ chức nghề nghiệp cũng đối mặt với các thách thức, tương tự như nhận thức hạn chế của lãnh đạo và đội ngũ về giá trị của mối quan hệ hợp tác. Áp lực từ các công việc khác trong tổ chức thường xuyên làm giảm khả năng tập trung vào việc hợp tác với các trường đại học. Ngoài ra, giống như nhà trường, họ cũng gặp phải hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự, cũng như thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển và duy trì các hoạt động hợp tác hiệu quả. Như vậy, các rào cản này đòi hỏi sự chú ý và giải quyết từ tất cả các bên liên quan. Sự hiểu biết và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà trường, tổ chức nghề nghiệp, sinh viên và cả xã hội là cần thiết để vượt qua những thách thức này, từ đó tạo ra một môi trường hợp tác bền vững và hiệu quả, hỗ trợ sự phát triển của ngành kế toán và kiểm toán.

Kết quả nghiên cứu từ quá trình phỏng vấn, mã hóa và sắp xếp thành chủ đề đã đưa ra những đề xuất giải pháp quan trọng cho mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp trong ngành kế toán – kiểm toán. Các đề xuất này không chỉ nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc đẩy mạnh hợp tác, mà còn đề cập đến các cách thức cụ thể để nâng cao hiệu quả của mối quan hệ này. Đầu tiên, việc vận động chính sách và xây dựng các chỉ số KPIs (Key Performance Indicators) là một bước quan trọng. Nhà trường cần chủ động trong việc vận động những chính sách hỗ trợ và thiết lập các tiêu chí đánh giá cụ thể, đồng thời tuyển dụng và sử dụng nhân sự có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp. Điều này không chỉ giúp đánh giá hiệu quả của quá trình hợp tác mà còn đảm bảo rằng mục tiêu hợp tác được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Tiếp theo, việc triển khai kế hoạch cụ thể và thực hiện đánh giá, cải tiến liên tục là yếu tố then chốt. Các nhà trường cần phát triển các kế hoạch hành động chi tiết, với mục tiêu và biện pháp rõ ràng, để đạt được các mục tiêu đề ra. Quá trình đánh giá định kỳ giúp nhận diện những vấn đề còn tồn tại và thực hiện cải tiến kịp thời, đảm bảo rằng quá trình hợp tác luôn phát triển và đáp ứng được nhu cầu thay đổi.

Bên cạnh đó, việc rà soát và hoàn thiện các hoạt động hợp tác trong đào tạo chuyên môn, phát triển kỹ năng và nghiên cứu cũng được nhấn mạnh. Các trường đại học cần liên tục đánh giá và cải thiện chất lượng của các chương trình đào tạo đảm bảo rằng, chúng phản ánh đúng nhu cầu và xu hướng của thị trường lao động, cũng như các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Thêm vào đó, đề xuất xây dựng chuẩn mực nghề nghiệp dựa trên chuẩn mực giáo dục kế toán quốc tế và yêu cầu của DN là một hướng đi mới. Điều này không chỉ giúp sinh viên học được kiến thức lý thuyết, mà còn có khả năng áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn công việc. Đồng thời, cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc hình thành và phát triển chuẩn mực nghề nghiệp trong tương lai. Cuối cùng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và hợp tác nghiên cứu là một yếu tố không thể thiếu. Sự hợp tác giữa trường đại học và tổ chức nghề nghiệp trong việc thực hiện các dự án nghiên cứu sẽ mở ra cơ hội để sinh viên nâng cao kỹ năng của mình, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và phát triển trong ngành.

Như vậy, các đề xuất này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ và hướng đến mục tiêu chung giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho sinh viên và cộng đồng nghề nghiệp, mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành kế toán – kiểm toán.

Kết luận

Trong thời đại số hóa và toàn cầu hóa, mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, mà còn đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới. Các tác giả trong các nghiên cứu khác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa thực hành, giảng dạy và nghiên cứu. Nhằm đảm bảo rằng, nghiên cứu kế toán không chỉ tạo ra kiến thức lý thuyết, mà còn giải quyết những vấn đề thực tế trong ngành.

Những nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau, cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức mà giáo dục đại học và nghề nghiệp kế toán đang thích ứng và phát triển trong bối cảnh số hóa. Điểm chung từ các nghiên cứu này, là sự nhấn mạnh vào việc cập nhật và phát triển chương trình giáo dục và tích hợp kỹ năng thực hành, như làm việc nhóm, CNTT và tư duy phân tích, nhằm chuẩn bị cho sinh viên đối mặt với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa nhà trường và tổ chức nghề nghiệp nhưng vẫn còn nhiều rào cản cần được giải quyết. Những rào cản này đến từ nhiều phía, bao gồm nhận thức của xã hội, áp lực và hạn chế từ phía người học, nhà trường và tổ chức nghề nghiệp.

Có thể nói, nghiên cứu này mở ra hướng đi mới và cung cấp cơ sở vững chắc cho việc phát triển chương trình giáo dục kế toán hiện đại, nhằm đáp ứng cả nhu cầu của học thuật và thực tiễn nghề nghiệp. Sự hợp tác và đổi mới liên tục giữa các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp là chìa khóa để đảm bảo rằng, giáo dục kế toán không chỉ giữ vững giá trị học thuật, mà còn phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành. Từ đó, đóng góp vào sự phát triển bền vững và toàn diện của ngành kế toán – kiểm toán trong thế kỷ 21./.

 

 

Tài liệu tham khảo

Abdulaziz Y. S. Mosbah, Christopher J. Cowton, Julie E. Drake & Wilma W. Teviotdale. (2022) Preparing students for the workplace in developing countries: a study of accounting education in Libya, Accounting Education, 31:2, 184-212, DOI: 10.1080/09639284.2022. 2032220.

Bonzanini OA, Silva A, Cokins G, Gonçalves MJ (2020). The interaction between higher education institutions and professional bodies in the context of digital transformation: The case of brazilian accountants. Education sciences.; 10(11):321. https://doi.org/10.3390/educsci10110321.

Cecil Donovan. (2005). The benefits of academic/practitioner collaboration, Accounting Education, 14:4, 445-452, DOI: 10.1080/06939280500347720.

Evans, R. Burritt and J. Guthrie. (2011). Bridging the Gap between Academic Accounting Research and Professional Practice/ ISBN: 978-1-921245-85-5 (pbk.).

Faisal Abdullah Al Hudithi. (2021). Aligning Accounting Curricula with Professional Certification, International Journal of Innovation, Creativity and Change, Volume 15, Issue 8, 2021.

Garry Carnegie, Lee Parker, Eva Tsahuridu. (2021). Redefining Accounting for Tomorrow, Preparing Future-Ready Professionals, IFAC Knowledge Gateway, https://www.ifac.org/knowledge-gateway/preparing-future-ready professionals/discussion/redefining-accounting-tomorrow.

Grietjie Verhoef, Grant Samkin. (2015). The accounting profession and education: The development of disengaged scholarly activity in accounting in South Africa, University of Johannesburg Institutional Repository.

Kenneth Abrahamsson. (1999). [ridging the gap between education and work, Vocational and Adult Education in Europe, ISBN : 978-90-481-5323-7.

King, A. Z., & King, H. (2021). Developing Team Skills in Accounting Students: A Complete Curriculum. Journal of Higher Education Theory and Practice, 21(7). https://doi.org/10.33423/jhetp.v21i7.4491.

Mohammed Muneerali Thottoli. (2023). The hunt for computerized accounting education in the GCC: a structured literature review, Higher Education Evaluation and Development, ISSN: 2514-5789.

Nanja Kroon, Maria do Céu Gaspar Alves. (2023). Examining the fit between supply and demand of the accounting professional’s competencies: A systematic literature review; September 2023, The International Journal of Management EducationFollow journal DOI: 10.1016/j.ijme.2023.100872, LicenseCC BY-NC 4.0.

W. Senarath Yapa. (2000). University – profession partnership in accounting education: the case of Sri Lanka, Accounting Education, 9:3, 297-307, DOI: 10.1080/09639280010010443.

Yisau Abiodun Babalola,  Rashidat Tiamiyu. (2012). Accounting Education in Nigeria: A Need for Synergy, British Journal of Economics, Finance and Management Sciences, Vol. 4 (1).

Zotorvie, Justice Stephen Tetteh. (2022). Striving for innovation: a quadruple helix intervention for accounting education in Ghana; URI: https://hdl.handle.net/10500/29594.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *