Nghiên cứu trao đổi

Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở bậc thạc sĩ trên thế giới và bài học cho Việt Nam

Tiêu đề Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở bậc thạc sĩ trên thế giới và bài học cho Việt Nam Ngày đăng 2024-06-10
Tác giả Admin Lượt xem 662

Phạm Trà Lam* – PGS.TS. Mai Thị Hoàng Minh*

(* Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

Nhận:             25/02/2024

Biên tập:        26/02/2024

Duyệt đăng:   10/03/2024

Tóm tắt

Nghiên cứu khoa học là một công việc sáng tạo, được thực hiện một cách có hệ thống, nhằm: bổ sung vào kho tàng tri thức, bao gồm tri thức về con người, văn hóa – xã hội và sử dụng kho tàng tri thức này để đưa ra những ứng dụng mới (OECD, 2002, p.30).

Nghiên cứu theo hướng ứng dụng (Applied research) là một loại hình nghiên cứu tập trung vào việc áp dụng và thực hành kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tế, cụ thể trong môi trường công nghiệp, doanh nghiệp (DN) hoặc xã hội. Mục tiêu của nghiên cứu này là tạo ra những giải pháp, sản phẩm hoặc dịch vụ mới có thể được triển khai và sử dụng trong thực tế để cải thiện hiệu suất, tăng cường chất lượng cuộc sống hoặc đóng góp vào sự phát triển của một lĩnh vực cụ thể.

Quyết định số 1981/QĐ-TTg ban hành ngày 18/10/2016 về việc “Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân” của Thủ tướng Chính phủ đã xác định “giáo dục trình độ thạc sĩ có hai định hướng: nghiên cứu và ứng dụng, giáo dục trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu”. Vì thế, việc đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học đối với học viên cao học theo hai hướng: nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng, là vấn đề rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong những đại học công lập đi tiên phong trong việc triển khai các chương trình đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng, trong đó có chương trình thạc sĩ ngành kế toán.

Bài viết tập trung trình bày kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở bậc thạc sĩ của Mỹ, châu Âu và châu Á. Đồng thời, nêu lên tính hiệu quả, sự khó khăn và lợi ích của hướng nghiên cứu ứng dụng này.

Từ khóa: nghiên cứu ứng dụng, bậc thạc sĩ, ngành kế toán.

Abstract

Applied studies in accounting at the master’s level worldwide and lessons for Vietnam. Scientific research is defined as a systematic and creative endeavor aimed at (1) contributing to the knowledge base, encompassing human, cultural, and social aspects, and (2) utilizing this knowledge to develop new applications (OECD, 2002, p.30). Applied research, specifically, focuses on the practical application of knowledge to address real-world issues within industrial, business, or societal environments. Its objective is to generate solutions, products, or services that can be implemented to enhance performance, improve the quality of life, or contribute to the development of a specific field. The Vietnamese government’s decision “Approval of the National Education System Framework” (1981/QĐ-TTg, issued on 18/10/2016) outlined two directions for master’s education: research and application, with doctoral education emphasizing research. Therefore, innovating scientific research activities for graduate students in two directions-academic research and applied research-is crucial in the current phase. The University of Economics Ho Chi Minh City is at the forefront of implementing applied master’s programs, including the applied accounting master’s program. This article focuses on presenting the applied research experience in accounting at the master’s level in the United States, Europe, and Asia. It also discusses the effectiveness, challenges, and benefits of this applied research direction.

Keywords: applied research, master’s level, accounting.

JEL Classifications: M40, M49, I00.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.03202403

Nghiên cứu ứng dụng ở bậc học thạc sĩ

Nghiên cứu ứng dụng là nghiên cứu để giải quyết một vấn đề cụ thể trong thực tiễn. Nghiên cứu theo định hướng ứng dụng mang tính thị trường hơn nghiên cứu theo định hướng hàn lâm. Nghiên cứu ứng dụng trong kinh doanh là nghiên cứu tập trung cụ thể vào việc thiết kế những giải pháp và chính sách của DN, những chính sách giải pháp này đã được kiểm chứng và được dẫn dắt bởi lý thuyết (van Aken và cộng sự, 2012).

Kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng trong kế toán bậc thạc sĩ ở Mỹ

Hiện nay, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kế toán ở cấp độ thạc sĩ thường tập trung vào các chủ đề và xu hướng cụ thể của hệ thống kế toán Mỹ, các quy định và chuẩn mực tài chính, cũng như những thách thức đặt ra bởi môi trường kinh doanh phức tạp và họ tập trung một số hướng mà các nghiên cứu thạc sĩ về kế toán thường chú trọng:

Chuẩn mực Kế toán Mỹ (US GAAP): nghiên cứu về sự ảnh hưởng của các thay đổi trong US GAAP đối với báo cáo tài chính, phân tích các DN ứng dụng và thích nghi với các chuẩn mực mới.

Thuế và kế toán thuế: nghiên cứu về tác động của thay đổi thuế và chính sách thuế đối với quyết định kế toán và tài chính, phân tích cách các DN tối ưu hóa lợi ích thuế thông qua kế toán. Đối với kế toán quản lý và chi phí, họ tập trung nghiên cứu về các phương pháp kế toán quản lý và cách chúng ảnh hưởng đến quyết định chi phí và giá thành. Phân tích sự hiệu quả của các phương pháp quản lý chi phí trong môi trường kinh doanh ở Mỹ. Đặc biệt, chú trọng mảng công nghệ và kế toán, như AI, máy học và Blockchain, ảnh hưởng đến quy trình kế toán và làm thế nào chúng có thể được tích hợp để tối ưu hóa hiệu suất, phân tích tác động của các phần mềm kế toán và hệ thống ERP trong ngữ cảnh kinh doanh Mỹ.

Nghiên cứu những tác động của các phần mềm kế toán và hệ thống ERP trong ngữ cảnh kinh doanh quản lý, phân tích sự gia tăng của quy định và yêu cầu liên quan đến báo cáo xã hội trong kế toán Mỹ.

Kế toán quốc tế: nghiên cứu về cách DN Mỹ thích nghi và thực hiện các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), như IFRS (International V standars) phân tích tác động của sự hội nhập tài chính quốc tế đối với hệ thống kế toán Mỹ.

Các chủ đề trên thường đi kèm với việc áp dụng phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê để đưa ra những kết luận có ý nghĩa và ứng dụng trong thực tế DN ở Mỹ.

Kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng trong kế toán bậc thạc sĩ tại châu Âu

Tại châu Âu, khi nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán ở cấp độ thạc sĩ thường tập trung vào nhiều chủ đề quan trọng liên quan đến các hệ thống kế toán quốc gia khác nhau, IFRS và thách thức đặt ra bởi sự hội nhập kinh tế chung của cộng đồng châu Âu. Họ tập trung một số hướng nghiên cứu phổ biến:

Về IFRS, nghiên cứu về việc áp dụng và ảnh hưởng của IFRS đối với báo cáo tài chính của DN châu Âu. Phân tích cách các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang thích nghi với IFRS và tương tác giữa IFRS với các hệ thống kế toán quốc gia.

Về kế toán và quản trị rủi ro, nghiên cứu về vai trò của kế toán trong quản lý rủi ro, đặc biệt là trong ngữ cảnh của các quy định châu Âu về quản lý rủi ro tài chính và kinh doanh, phân tích cách DN thích nghi với thách thức từ biến động thị trường và các yếu tố rủi ro khác. Nghiên cứu về tác động từ chính sách thuế của EU đối với quyết định kế toán và tài chính của DN, đồng thời phân tích sự hòa nhập của các chính sách thuế trong quy mô EU và tác động của chúng đối với quy trình kế toán.

Ở các nước châu Âu, họ cũng rất quan tâm đến kế toán và bền vững, thực hiện nghiên cứu về cách tích hợp các khía cạnh bền vững vào hệ thống kế toán và báo cáo tài chính, phân tích các khía cạnh bền vững từ góc độ kế toán và cách chúng có thể được đo lường và báo cáo. Đối với mảng công nghệ và kế toán thì họ nghiên cứu về tác động của công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI), Big data và Blockchain, đối với quy trình kế toán và báo cáo tài chính, cũng như phân tích sự chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán và làm thế nào DN châu Âu đang thích nghi với các tiến triển công nghệ. Song song đó, họ cũng tập trung nghiên cứu về các phương pháp kế toán quản lý chi phí và cách chúng áp dụng trong môi trường kinh doanh châu Âu, phân tích cách quản lý chi phí và giá thành ảnh hưởng đến quyết định sản xuất và tiêu thụ.

Có thể nói, những nghiên cứu này thường xuyên thể hiện sự tương tác giữa kế toán và môi trường kinh doanh châu Âu đặc trưng. Đồng thời, đưa ra đề xuất và giải pháp cụ thể để cải thiện hiệu suất và tuân thủ quy định.

Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở bậc thạc sĩ ở châu Á

Hiện tại, nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở cấp độ thạc sĩ tại châu Á theo những  xu hướng và tiềm năng có thể được dự đoán dựa trên phổ cập thông tin về giáo dục và nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán.

Châu Á có một hệ thống giáo dục đa dạng từ các nền văn hóa và kinh tế. Các trường đại học và tổ chức giáo dục ở châu Á ngày càng đầu tư vào các chương trình thạc sĩ, bao gồm cả trong lĩnh vực kế toán. Sự đa dạng này có thể tạo ra các chủ đề nghiên cứu phong phú và áp dụng rộng rãi, họ chú trọng vào công nghệ và xu hướng hiện đại trong giáo dục và nghiên cứu. Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở cấp độ thạc sĩ có thể tập trung vào sự tích hợp của AI, Big data, Blockchain và các công nghệ khác vào lĩnh vực kế toán. Từ phản ánh của DN, người học có thể nghiên cứu thông qua nhu cầu cụ thể của DN địa phương. Ví dụ, trong một số quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, nghiên cứu có thể tập trung vào vấn đề tài chính toàn cầu và quản lý rủi ro. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển hơn có thể quan tâm đến việc tối ưu hóa quy trình kế toán và đáp ứng với yêu cầu quy định quốc gia. Đặc biệt, các nước châu Á thường xuyên thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giáo dục và nghiên cứu. Các chương trình thạc sĩ có thể tạo ra cơ hội để sinh viên thực hiện nghiên cứu ứng dụng cả trong bối cảnh quốc tế, từ việc hợp tác với các tổ chức quốc tế đến việc thực tập và nghiên cứu chuyên sâu.

DN và cộng đồng ở châu Á ngày càng chú ý đến các vấn đề bền vững và xã hội. Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán có thể tập trung vào cách tích hợp các khía cạnh bền vững và xã hội vào quy trình kế toán và báo cáo tài chính. Thêm nữa, các chương trình thạc sĩ ở châu Á có thể khuyến khích sinh viên chia sẻ kiến thức của họ với cộng đồng, giúp cải thiện hiểu biết và ứng dụng của phương pháp kế toán mới trong DN và tổ chức xã hội. Với những đặc điểm này, có thể tạo ra môi trường nghiên cứu sôi nổi và đa dạng trong lĩnh vực kế toán cấp độ thạc sĩ ở châu Á, mang lại lợi ích không chỉ cho cá nhân nghiên cứu mà còn cho phát triển kinh tế và xã hội chung.

Tính hiệu quả của nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở bậc thạc sĩ

Nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kế toán ở cấp độ thạc sĩ có thể được đánh giá dựa trên một số yếu tố quan trọng, bao gồm một số tiêu chí thường được sử dụng để đo lường hiệu quả của nghiên cứu kế toán

Một trong những mục tiêu chính của nghiên cứu thạc sĩ là mở rộng và sâu rộng kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực kế toán. Nghiên cứu hiệu quả sẽ cung cấp thông điệp mới, những kiến thức nâng cao về các vấn đề, thách thức và cơ hội mới trong lĩnh vực này. Những nghiên cứu hiệu quả, thường đặt ra những vấn đề thực tế và cung cấp giải pháp áp dụng được cho DN. Các kết quả của nghiên cứu có thể giúp cải thiện quy trình kế toán, tối ưu hóa chi phí và đưa ra các phương pháp quản lý rủi ro.

Về chất lượng và phương pháp nghiên cứu, đây là vấn đề quan trọng nhằm xác định tính hiệu quả của nghiên cứu. Sự chặt chẽ trong thiết kế nghiên cứu, phương pháp thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu, đều ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả.

Nghiên cứu thạc sĩ hiệu quả thường mang lại những ý nghĩa và giá trị mới cho cộng đồng học thuật và DN. Nó có thể đóng góp với những khám phá mới, phát triển các mô hình mới, hoặc đưa ra cái nhìn độc đáo về các vấn đề đã được nghiên cứu trước đó. Bởi vì, nghiên cứu hiệu quả thường có sự ứng dụng và thực tiễn cao. Kết quả của nghiên cứu có thể được chuyển giao và áp dụng trong thực tế DN, giúp cải thiện quản lý và ra quyết định tối ưu. Trên cơ sở đó, nghiên cứu ứng dụng hiệu quả thường nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng học thuật và DN. Nó có thể tạo ra tác động xã hội tích cực, cải thiện hiệu suất kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Để đánh giá tính hiệu quả của nghiên cứu, cần quan tâm đến cả yếu tố học thuật và ứng dụng trong thực tế. Tính hiệu quả không chỉ được đánh giá bằng số liệu khoa học, mà còn bằng ảnh hưởng và giá trị thực tế mà nghiên cứu mang lại.

Những khó khăn gặp phải khi thực hiện nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở bậc thạc sĩ

Khi thực hiện nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kế toán ở cấp độ thạc sĩ, có một số khó khăn cụ thể mà nhà nghiên cứu có thể gặp phải, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề chuyên sâu trong lĩnh vực kế toán. Nắm bắt sự phức tạp của chủ đề và hiểu rõ ngữ cảnh kinh doanh là một thách thức quan trọng.

Việc chọn lựa phương pháp nghiên cứu phù hợp là một thách thức. Có thể cần quyết định giữa phương pháp nghiên cứu lý luận, phân tích dữ liệu số liệu, thí nghiệm hoặc một kết hợp của chúng, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể của nghiên cứu.

Việc thu thập và xử lý dữ liệu có thể là một công việc phức tạp, đặc biệt là khi nghiên cứu đòi hỏi sự phân tích sâu rộng về dữ liệu tài chính và quản lý.

Độc lập tài chính và kế toán cần phải được xác định là độ tin cậy và chính xác. Các thách thức như dữ liệu thiếu sót, sai sót, hay chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Nghiên cứu ứng dụng thường đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Sự kết hợp giữa công việc hàng ngày, việc học tập và thực hiện nghiên cứu có thể tạo ra áp lực và thách thức về quản lý thời gian. Bên cạnh đó, lĩnh vực kế toán liên tục thay đổi do sự phát triển của công nghệ và các quy định. Nhà nghiên cứu cần duy trì sự cập nhật với xu hướng và công nghệ mới, để đảm bảo rằng nghiên cứu của họ là hiện đại và có ý nghĩa. Đồng thời, việc xác định câu hỏi nghiên cứu chính xác và phù hợp với lĩnh vực kế toán là một thách thức. Sự chọn lựa câu hỏi chính xác hay đặt ra những câu hỏi cụ thể và hợp lý rất quan trọng để đạt được mục tiêu nghiên cứu, cũng như phải có khả năng xử lý và diễn giải kết quả nghiên cứu một cách hợp lý, đặt chúng vào ngữ cảnh rộng lớn và rút ra những kết luận có ý nghĩa. Điều này đòi hỏi khả năng phân tích và suy luận cao.

Lợi ích kinh tế của nghiên cứu ứng dụng trong kế toán bậc thạc sĩ

Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở cấp độ thạc sĩ mang lại nhiều lợi ích kinh tế quan trọng, không chỉ cho cá nhân thực hiện nghiên cứu mà còn cho DN và cả cộng đồng kinh tế. Bởi lẽ, nghiên cứu ứng dụng giúp cá nhân phát triển kiến thức chuyên sâu và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực kế toán. Điều này có thể dẫn đến sự nâng cao chất lượng và hiệu suất trong công việc, giúp cá nhân trở thành chuyên gia có thẩm quyền trong lĩnh vực của mình. Kết quả từ nghiên cứu có thể được áp dụng trong môi trường DN, giúp tối ưu hóa quy trình kế toán, quản lý chi phí và đưa ra quyết định chiến lược, dựa trên dữ liệu và thông tin chính xác.

Nghiên cứu sẽ dẫn đến sự cải thiện trong quy trình kế toán và quản lý chi phí. Các phương pháp và mô hình kế toán mới, có thể giúp DN tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu suất. Đồng thời, đóng góp vào việc giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Các phương pháp kế toán và quản lý mới, có thể giúp DN tránh các vấn đề pháp lý.

Nghiên cứu ứng dụng có thể tạo ra giá trị thực sự cho DN thông qua cải tiến quy trình, tối ưu hóa tài chính và cung cấp thông tin chiến lược hỗ trợ quyết định. Các DN có nhân sự được đào tạo thông qua nghiên cứu ứng dụng có thể có lợi thế cạnh tranh. Những nhân viên có kiến thức sâu rộng và kỹ năng nâng cao, có thể giúp DN đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp. Đồng thời, cung cấp thông tin chiến lược quan trọng, giúp lãnh đạo DN đưa ra quyết định thông minh về chiến lược, đầu tư và phát triển kinh doanh. Trên thực tế, nghiên cứu về kế toán và quản lý chi phí có thể đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của DN, giúp giảm lượng rác thải tài chính và môi trường. Những lợi ích này sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tồn tại của DN trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong nghiên cứu ứng dụng về kế toán ở bậc thạc sĩ

Việc nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở cấp độ thạc sĩ mang lại nhiều bài học quan trọng cho Việt Nam, cả cho cá nhân nghiên cứu và cộng đồng kinh tế nói chung.

Việc đào tạo cấp thạc sĩ với nghiên cứu ứng dụng, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, thể hiện sự chú trọng lớn vào giáo dục chuyên sâu trong lĩnh vực kế toán. Nghiên cứu ứng dụng thường liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới trong lĩnh vực kế toán. Việt Nam có thể học được cách tích hợp và tận dụng những tiến bộ công nghệ, như AI, Big data và Blockchain, để nâng cao hiệu suất và chất lượng dịch vụ kế toán. Trên cơ sở đó, tập trung vào nghiên cứu giải quyết các bài toán thực tế của DN Việt Nam. Các nghiên cứu nên tập trung vào những thách thức cụ thể mà DN gặp phải, từ việc quản lý chi phí đến đáp ứng với yêu cầu pháp lý và quy định. Từ những kinh nghiệm trên, Việt Nam có thể học từ nghiên cứu về cách tích hợp các khía cạnh bền vững và xã hội vào lĩnh vực kế toán. Sự chú ý đến trách nhiệm xã hội và môi trường, có thể giúp DN Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về báo cáo bền vững. Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện tại số lượng DN vừa và nhỏ còn đang chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, nghiên cứu ứng dụng sẽ giúp DN vừa và nhỏ tận dụng những công nghệ và phương pháp quản lý hiện đại để cải thiện quy trình kế toán và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Chúng ta có học từ các quốc gia tiên tiến về cách xây dựng hệ thống giáo dục nghiên cứu ứng dụng, tạo điều kiện cho sinh viên, thạc sĩ có cơ hội thực hiện nghiên cứu có ảnh hưởng thực sự đến DN và xã hội. Bài học quan trọng là khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và học viên, việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn đưa ra những giải pháp có thể áp dụng được trong thực tế và cuối cùng là bài học quan trọng nhất, đặt sự tập trung vào tạo ra giá trị thực tế và cải thiện hiệu suất.

Kết luận

Nghiên cứu ứng dụng trong kế toán ở cấp độ thạc sĩ đặt ra một loạt các lợi ích kinh tế quan trọng. Những nghiên cứu này không chỉ mang lại giá trị cho cá nhân thực hiện, mà còn tạo ra những cơ hội, lợi ích lớn cho DN và cả cộng đồng kinh tế, mang lại cơ hội cho cá nhân nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực kế toán.

Kết quả của nghiên cứu có thể được áp dụng trong DN, giúp tối ưu hóa quy trình kế toán, quản lý chi phí và đưa ra quyết định chiến lược, giúp cải thiện quy trình kế toán và quản lý chi phí, tăng cường hiệu suất và giảm rủi ro.

Nghiên cứu ứng dụng có thể tạo ra giá trị thực sự cho DN thông qua cải tiến quy trình, tối ưu hóa tài chính và cung cấp thông tin chiến lược. Bên cạnh đó, học viên được đào tạo thông qua nghiên cứu ứng dụng có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN, giúp chúng đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, cung cấp thông tin chiến lược quan trọng, giúp lãnh đạo DN đưa ra quyết định thông minh về chiến lược, đầu tư và phát triển kinh doanh. Nghiên cứu về kế toán và quản lý chi phí, có thể đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của DN, giúp giảm lượng rác thải tài chính và môi trường.

Tóm lại, nghiên cứu ứng dụng trong kế toán không chỉ là một cơ hội nâng cao trình độ cá nhân, mà còn là một nguồn lực quan trọng để DN phát triển và góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng kinh tế./.

 

 Tài liệu tham khảo

 

Kerlinger, F. N. (1986). Foundations of Behavioral Research. 3rd edition. Orlando: Holt, Rinehart and Winston.

Nguyễn Đình Thọ. (2016). Phương pháp tập mờ fsQCA và nghiên cứu khoa học kinh doanh tại Việt Nam, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

OECD. (2002). Frascati Manual: Proposed Standard Practice for Surveys on Research and Experimental Development, 6th edition. Retrieved 13 September 2016 from www.oecd.org/sti/frascatimanual

Chính phủ. (1981). Quyết định số 1981/QĐ-TTg – Phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Hà Nội, ngày 18/10/2016.

Van Aken, J., Berends, H., & Van der Bij, H. (2012).Problem Solving in Organizations: A Methodological Handbook for Business and Management Students. 2nd edition. Cambridge University Press.

WSU. (2016). Learning Guide – Business Project – Unit Code: 200289 (Q4 2016) – Master of Business Administration Program, Western Sydney University, [Giảng viên: Nguyễn Phong Nguyên và Cindy Nguyễn].

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *