Tư vấn hỏi đáp

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC (Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 211, Tháng 4/2021)

Tiêu đề GIẢI ĐÁP THẮC MẮC (Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 211, Tháng 4/2021) Ngày đăng 2021-08-31
Tác giả Admin Lượt xem 4066

Hỏi: Đơn vị sự nghiệp công lập có thu đang áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 107/2017/TT-BTC, ngày 10/10/2017 trong quá trình hoạt động có phát sinh các khoản thu khó đòi. Vậy xin hỏi đơn vị có được trích quỹ nợ phải thu khó đòi không? (Thông tư 107 không có tài khoản hạch toán). Nếu được trích thì quy định ở đâu, hạch toán thế nào?. Việc xóa nợ các khoản thu khó đòi quy định ở đâu? Đơn vị có áp dụng được việc xóa nợ theo Thông tư 228/2009/TT-BTC không?

Trả lời:

1. Cơ chế tài chính hiện nay, áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập không có quy định về việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Theo đó chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính không hướng dẫn tài khoản hạch toán trong trường hợp này.

2. Trường hợp đơn vị phát sinh khoản thu khó đòi mà xét thấy không có khả năng thu hồi thì có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền (đơn vị cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan tài chính đồng cấp) xin ý kiến về việc xử lý khoản thu khó đòi này. Căn cứ vào phương án xử lý đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kế toán hạch toán theo quy định.

3. Thông tư 228/2009/TT-BTC, ngày 07/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp. Vì vậy, đơn vị sự nghiệp công lập không là đối tượng áp dụng Thông tư này.


Hỏi: Do tình hình dịch Covid-19, trong năm 2020, công ty ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài có cam kết trong hợp đồng là chi trả chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị (nếu có) khi vào Việt Nam làm việc nhưng chi phí thuê nhà hàng tháng người lao động tự chi trả. Xin hỏi chi phí cách ly có được tính vào chi phí được trừ của công ty không?

Trả lời:

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5032/TCT-CS, ngày 26/11/2020 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí cách ly phòng chống dịch Covid -19 của chuyên gia nước ngoài. Căn cứ tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC, ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp thì: Đối với chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị cho chuyên gia nước ngoài mà doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động, trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.


Hỏi: Cho hỏi khoản được tính là thu nhập chịu Thuế thu nhập cá nhân 2020 là những khoản gì?

Trả lời:
Căn cứ quy định tại:
– Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12, ngày 21/11/2007 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:
– Luật số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013.
– Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.
Các khoản thu nhập chịu Thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
1. Thu nhập từ kinh doanh.
(Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống).
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công.
3. Thu nhập từ đầu tư vốn.
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
5.Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm: Trúng thưởng xổ số, trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino.
7. Thu nhập từ bản quyền.
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
Chi tiết các khoản thu nhập trên các anh /chị thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC, ngày 15/08/2013 và Thông tư số 92/2015/TT-BTC, ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính.

———————————–

Đăng trong Chuyên mục “GIẢI ĐÁP THẮC MẮC” của Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 211, Tháng 4/2021.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *