Nghiên cứu trao đổi

HOÀN THIỆN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH XÃ, PHƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Tiêu đề HOÀN THIỆN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ NGÂN SÁCH XÃ, PHƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH Ngày đăng 2016-07-29
Tác giả Admin Lượt xem 4965

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số T5/2016)

Xã, phường là đơn vị hành chính cấp cơ sở của Việt Nam, chính quyền cơ sở trong hệ thống tổ chức chính quyền bốn cấp ở nước ta. Tài chính xã, phường là nguồn lực cho hoạt động chính trị, kinh tế và văn hóa. Ngân sách xã, phường vừa là một cấp ngân sách vừa là đơn vị sử dụng ngân sách quản lý điều hành tài chính và ngân sách hiệu quả và ngày càng vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm ngày càng nhiều đến vấn đề quản lý ngân sách và tài chính xã. Tuy nhiên, hiện nay công tác ngân sách xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và không ít những vấn đề tồn tại.

– Tài chính xã KBNN, nên việc tập trung các nguồn thu nộp trực tiếp vào KBNN còn gặp khó khăn. Do đó, có tình trạng xã đã quyết định lấy nguồn thu chưa nộp vào KBNN để thanh toán trước các công trình XDCB.
– Tổ chức chi thường xuyên thường vượt quá tổng số thu ngân sách của xã nhiều ngoài quy định, ngoài dự toán như chi cho bếp ăn tập thể, chi trợ cấp cho cán bộ xã… Chi quản lý hành chính chưa chặt chẽ, còn lãng phí, an sinh xã hội. Các khoản chi đảm bảo xã hội chưa được ưu tiên, còn chậm trễ.
– Vận dụng hệ thống chứng từ kế toán chưa phù hợp, chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy định. Công tác tập hợp phân loại và lưu trữ bảo quản chứng từ chưa được quan tâm đúng mức, còn thất lạc, luộm thuộm.
– Vận dụng hệ thống tài khoản kế toán còn chưa được thực hiện đúng quy định, chưa mở đầy đủ các tài khoản của chế độ kế toán ngân sách xã, phường, thị trấn.
– Vận dụng hệ thống sổ kế toán và hình thức kế toán chưa phù hợp, chưa áp dụng tin học hóa trong công tác kế toán, việc sửa chữa sai sót và điều chỉnh số liệu trên chứng từ, sổ kế toán chưa đúng quy định, còn tùy tiện.
– Thực hiện lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán còn chưa đầy đủ, kịp thời và chính xác. Hầu hết, các xã, thị trấn không lập thuyết minh báo cáo tài chính. Điều này, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phân tích tình hình thực hiện thu chi ngân sách để làm cơ sở cho việc lập dự toán ngân sách hàng năm.

Từ  những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quản lý ngân sách và tài chính xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xin đưa ra một số giải pháp hoàn thiện quản lý ngân sách và tài chính xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

Thứ nhất: Mọi khoản thu ngân sách xã trên địa bàn Quảng Ninh đều là thu NSNN, do đó phải phản ánh đầy đủ vào ngân sách thông qua KBNN. Tuy nhiên, trong điều kiện đối với các xã ở xa KBNN việc tập trung tất cả các nguồn thu nộp trực tiếp vào KBNN sẽ gặp khó khăn, cho nên trường hợp này nên có quy định cho phép xã để lại nguồn thu khác chi ngân sách xã, sau đó dùng biện pháp ghi thu, chi khi thanh quyết toán.

Thực tế cho thấy, việc thanh quyết toán, giải ngân các công trình XDCB trên địa bàn các xã thị trấn còn chậm, không kịp thời, việc thanh toán cho công nhân thi công các công trình, một số lãnh đạo địa phương đã có quyết định tạm lấy nguồn thu chưa nộp vào KBNN để giải ngân trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình sớm hoàn thành, tránh thất thoát, lãng phí. Sau đó, kế toán xã, thị trấn phải lập biểu ghi thu, ghi chi khoản tiền trên hoặc chờ cấp trên quyết toán sau đó trả lại. Đứng trên lĩnh vực xã hội, thì đây là ý kiến rất tốt nhưng lại trái hoàn toàn quy định về quản lý ngân sách và kế toán ngân sách. Trong quá trình tiếp xúc thực tiễn với các xã, thị trấn thì sai sót đã được phát hiện. Yêu cầu các cấp lãnh đạo xã, thị trấn và kế toán xã, thị trấn không thực hiện việc trái quy định này.

Thứ hai: Nguyên tắc chung trong quản lý chi thường xuyên ngân sách xã là:
Tổng số chi không được vượt quá tổng số thu ngân sách xã:
Trong trường hợp nguồn thu ngân sách xã, thị trấn chưa tập trung kịp thời cho nhu cầu chi tiêu thường xuyên, thì được vay ngân sách cấp trên để chi và phải đảm bảo hoàn trả đầy đủ trong năm ngân sách. Nghiêm cấm các xã vay mượn các đối tượng khác, chiếm dụng tiền thuế để chi ngân sách xã.

Thứ ba: Do chứng từ kế toán là căn cứ quan trọng phản ánh nghiệp vụ kinh tế phát sinh và dùng để ghi sổ kế toán. Vì vậy, cần tổ chức kiểm tra chứng từ kế toán NS xã, phường, thị trấn một cách thường xuyên, kịp thời, uốn nắn các sai phạm.

Thứ tư: Đối với việc vận dụng hệ thống tài khoản các xã, phường, thị trấn cần thực hiện mở đầy đủ các tài khoản theo quy định của chế độ kế toán NS xã, phường, thị trấn. Phương hướng chủ yếu của việc xây dựng hệ thống tài khoản kế toán là xác định rõ tài khoản cấp 1 cần sử dụng và căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đơn vị để xác định rõ các tài khoản cấp 2,3, 4… cho phù hợp.

Thứ năm: Hiện nay, phần lớn các xã, phường, thị trấn đều sử dụng hình thức kế toán chứng từ ghi sổ. Hình thức ghi sổ này tuy đơn giản, dễ ghi chép, thuận tiện cho công tác kế toán thủ công ở vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện thực hiện kế toán máy. Nhưng hình thức sổ này cũng có nhược điểm như tách rời việc ghi sổ theo trình tự thời gian và ghi sổ theo nội dung kinh tế, ghi chép còn trùng lặp, khối lượng ghi chép nhiều. Do đó, cần tạo điều kiện cho các xã, phường, thị trấn áp dụng tin học hóa công tác kế toán.

Thứ sáu: Ngân sách xã thể hiện mọi mặt của hoạt động kinh tế, tài chính thông qua các chỉ tiêu mà kế toán phản ánh. Do đó, hệ thống báo cáo tài chính và quyết toán ngân sách phải được lập chính xác và dựa trên hoạt động thực tế của đơn vị và phải tuân theo các nguyên tắc, chế độ kế toán. Hiện nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn không lập bảng thuyết minh báo cáo tài chính, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc phân tích tình hình thực hiện để làm cơ sở cho việc lập dự toán năm sau.

Thuyết minh báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành hệ thống báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán của xã để giải thích và bổ sung thông tin tình hình ngân sách và tình hình tài chính khác của xã trong năm báo cáo mà các báo cáo tài chính khác không thể trình bày rõ ràng và chi tiết được. Báo cáo này được dùng để thuyết trình trước HĐND xã, thị trấn có thể được giải thích bằng lời hoặc bằng số liệu.
Ngân sách xã là cấp ngân sách cơ sở gắn với xã, phường, thị trấn – cấp chính quyền cơ sở trong hệ thống tổ chức chính quyền bốn cấp ở nước ta. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn mà trong đó chính quyền cấp xã và ngân sách xã đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy việc hoàn thiện quản lý ngân sách và tài chính cấp xã sẽ có hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh chính trị các xã, phường, thị trấn./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *