Nghiên cứu trao đổi

Hoàn thiện tổ chức Kế toán quản trị ở các trường đại học công lập Việt Nam trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ

Tiêu đề Hoàn thiện tổ chức Kế toán quản trị ở các trường đại học công lập Việt Nam trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ Ngày đăng 2015-07-14
Tác giả Admin Lượt xem 819

Tự chủ đại học, là xu thế tất yếu của xã hội phát triển và các trường
đại học công lập (ĐHCL), buộc phải thích nghi dần với cơ chế tự chủ. Hoạt động
trong môi trường mới, các trường ĐHCL có cơ hội để tự khẳng định mình nhưng
cũng phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh vốn có của kinh tế thị trường (KTTT).
Tuy nhiên, ảnh hưởng của thói quen trong cơ chế bao cấp nhiều năm, ngại thay
đổi,… được coi là những cản trở lớn cho sự phát triển của các trường ĐHCL. Để
đảm bảo tồn tại và phát triển, các trường đại học (ĐH) cần phải nâng cao hiệu
quả công tác quản lý và một hệ thống kế toán quản trị (KTQT) tốt, được coi là
chìa khóa cho sự thành công. Trên cơ sở, nhận diện các tồn tại của công tác
KTQT ở các trường ĐHCL và phân tích các nguyên nhân, bài viết đề xuất một số
giải pháp hoàn thiện tổ chức KTQT ở các trường ĐHCL trong bối cảnh thực hiện cơ
chế tự chủ.

Nhà nước đã chủ trương giáo dục
đại học phải “Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp (DN), cơ sở sử
dụng lao động, cơ sở đào tạo và nhà nước, để phát triển nguồn nhân lực theo nhu
cầu xã hội” (Chính phủ, 2012). Theo đó, hoạt động đào tạo của các trường ĐH
ngày càng phải chịu tác động nhiều hơn của cơ chế thị trường. Thực tế, phát
triển giáo dục đại học ở những nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực,
đã cho thấy trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là xu hướng tất
yếu (Bộ GD và ĐT, 2011). Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ – CP, ngày
14/2/2015, về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, có các trường ĐH và xác định rõ quyền tự chủ trong hoạt động, lộ
trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị.

KTQT, là một bộ phận quan trọng
trong toàn bộ công tác kế toán, là khâu quan trọng trong công tác quản lý kinh
tế tài chính của một tổ chức. Việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào và tổ
chức tốt công tác thu thập, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin để phục vụ yêu
cầu quản lý có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các
trường đại học. Như vậy, bên cạnh việc phân tích nhu cầu của xã hội cho từng
ngành đào tạo thì công tác KTQT trong nội bộ trường ĐH, là công cụ quan trọng
để các nhà trường xác định thế mạnh của mình trong đào tạo (ngành nào, chương
trình nào) và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.

Sự cần thiết phải hoàn thiện KTQT ở các trường ĐHCL trong bối cảnh thực
hiện cơ chế tự chủ

Nghị định số 43/2006/NĐ – CP, quy
định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy,
biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), trong đó có
trường ĐHCL. Tuy nhiên, những cơ chế chính sách vận dụng trong ngành giáo dục
và đào tạo đã quy định nhiều năm nay chưa được sửa đổi, chưa làm rõ trách nhiệm
chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà nước, xã hội và người học. Do vậy, việc
khuyến khích các trường đầu tư cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, vẫn còn tạo ra
sự thiếu bình đẳng về điều kiện phát triển của các trường ĐHCL với các cơ sở
giáo dục đại học ngoài công lập và đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học có
yếu tố nước ngoài. Mặt khác, do bị ảnh hưởng bởi cơ chế cấp phát Ngân sách Nhà
nước (NSNN) theo kiểu “bình quân chủ nghĩa” trong một thời gian dài nên tình
trạng trông chờ vào “bầu sữa” NSNN của các trường ĐHCL được coi là một cản trở
lớn trong việc thực hiện chủ trương phát triển giáo dục đại học theo hướng trao
quyền tự chủ (Phạm Văn Trường, 2013). Chính điều này, đã dẫn đến sự thụ động,
thiếu linh hoạt và ít dám chịu trách nhiệm của các nhà quản lý trong việc quản
lý hoạt động nói chung và quản lý tài chính nói riêng ở các trường ĐHCL. Chỉ
thị số 296/CT – TTg, ngày 27/2/2010, của Thủ tướng chính phủ về đổi mới quản lý
giáo dục đại học, đã chỉ ra sự yếu kém chính trong hệ thống quản lý đại học là
cơ chế điều hành (cơ bản vẫn là tập trung – bao cấp) và cơ chế tài chính (cấp
phát theo kiểu bình quân chủ nghĩa và cơ sở đào tạo chưa thực sự được trao
quyền tự chủ).

Để khắc phục vấn đề này, Chính
phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ – CP, ngày 24/10/2014, về thí điểm đổi mới cơ
chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐHCL giai đoạn 2014 – 2017.  Qua đó, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH
một cách toàn diện hơn. Đầu năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 15/2015/NĐ
– CP, quy định quyền tự chủ của các đơn vị SNCL (bao gồm các trường ĐH) và xác
định rõ lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị này. Rõ ràng, Đảng và
Nhà nước đã xác định, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu và các trường ĐH buộc
phải thích nghi với môi trường hoạt động mới: Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội (thật
ra là nhu cầu thị trường). Như vậy, về cơ bản các trường đại học được quyền tự
chủ trong hoạt động nhưng đồng thời, phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh.

Để đảm bảo tồn tại và phát triển
bền vững, công tác phân tích nhu cầu của xã hội cho từng ngành đào tạo là rất
cần thiết. Mặt khác, việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào theo suất đào
tạo và ngành đào tạo cũng là căn cứ quan trọng để các trường đại học xác định
mức thu học phí, xác định thế mạnh của mình trong đào tạo (ngành nào, chương
trình nào,…) nhằm tăng tính cạnh tranh. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất,
để nhà trường quản lý tốt chi phí và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho
các nhà quản trị ra quyết định là KTQT (Thái Anh Tuấn, 2014; Nguyễn Thị Hạnh,
2012).

KTQT được thực hiện trong một
trường ĐH, vừa có tính chất quản lý vừa có tính chuyên môn học thuật của nhà
trường, nhằm hỗ trợ cho nhu cầu thông tin, cho việc lập kế hoạch và trách nhiệm
ra quyết định ở các cấp quản lý trong phạm vi nội bộ nhà trường. Tuy nhiên, do
tác động của cơ chế bao cấp trong một thời gian dài nên công tác kế toán ở các
trường ĐHCL mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh các khoản mục thu – chi theo hệ
thống tài khoản và mục lục NSNN. Việc tổ chức, vận hành công tác kế toán quản
trị chưa mang tính hệ thống và khoa học ở các trường ĐHCL đã gây khó khăn cho
các nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, điều hành kiểm soát các hoạt động
trong nhà trường. Cụ thể:

– Ngoài việc vận dụng hệ thống
chứng từ theo quy định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp tại Quyết định
19/2006/QĐ – BTC là chủ yếu, các trường ĐHCL sử dụng rất ít các chứng từ tự
thiết kế và nếu có thì còn thiếu các yếu tố bắt buộc nên chưa phản ánh hết bản chất
nội dung của nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Chính điều này, đã gây ảnh hưởng lớn
đến công tác hạch toán ban đầu, cung cấp thông tin cho các nhà quản lý không
đảm bảo tính kịp thời và chính xác.

– Việc vận dụng hệ thống tài
khoản kế toán ở các trường ĐH, hầu như chưa xây dựng được hệ thống tài khoản
chi tiết đủ để phục vụ cho công tác KTQT. Do hệ thống KTQT chưa được chú trọng
nên các nhà quản lý trong trường dường như luôn rơi vào tình trạng thiếu thông
tin cần thiết cho mỗi quyết định của họ, nhất là các quyết định về tài chính.

– Hệ thống báo cáo kế toán của
các trường ĐHCL hiện nay, chủ yếu tập trung vào các báo cáo tài chính theo quy
định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Một số báo cáo kế toán chi tiết,
mặc dù cũng đã được lập nhưng chủ yếu là báo cáo lại tình hình theo từng nội
dung chứ chưa thể hiện được đặc điểm của báo cáo kế toán quản trị. Hầu hết, các
trường chưa chú trọng đến việc lập báo cáo nội bộ trên cơ sở phân tích so sánh
kết quả hoạt động thực tế với số liệu dự báo, dự đoán. Mặt khác, việc lập các
báo cáo nhanh để cung cấp thông tin kịp thời cho nhà quản lý ra quyết định
trong việc điều hành hoạt động còn nhiều hạn chế, do việc thiết lập tiêu chí
báo cáo và phối hợp kết nối giữa các bộ phận trong nhà trường chưa thống nhất.

– Về tổ chức công tác kế toán, cả
bộ máy kế toán và nội dung kế toán ở hầu hết các trường ĐHCL đều tập trung vào
kế toán tài chính là chủ yếu. Trong khi đó, nhu cầu về thông tin KTQT mang tính
thường xuyên, hàng ngày lại chưa được quan tâm nhiều. Các nội dung KTQT được
thực hiện phối hợp với kế toán tài chính và nhân viên kế toán tài chính kiêm
luôn công việc của KTQT. Việc dựa vào số liệu của kế toán để phân tích và kỹ
năng phân tích yếu của nhân viên kế toán – vốn nặng về hạch toán, phản ánh tình
hình – làm cho kế toán quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý.

Rõ ràng, những tồn tại trong việc
tổ chức KTQT ở các trường ĐHCL hiện nay, đang là một cản trở lớn trong nâng cao
hiệu quả công tác quản trị nội bộ đơn vị, điều hành của các nhà quản lý, nhất
là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ. Do vậy, việc hoàn thiện tổ chức công
tác KTQT ở các trường ĐHCL là rất cần thiết, cho công tác quản trị nội bộ đơn
vị, thể hiện ở chỗ cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời giúp cho các nhà quản lý
có thể đưa ra các quyết định tốt hơn.

Giải pháp hoàn thiện tổ chức KTQT ở các trường ĐHCL

Đổi mới và nâng cao năng lực quản
trị trong một tổ chức cần phải gắn với việc phân cấp, phân quyền trong quản lý
để tăng tính trách nhiệm của các nhà quản lý các cấp trong tổ chức đó. Đây là
nền tảng, để hoàn thiện tổ chức công tác KTQT ở các trường ĐHCL trong bối cảnh
thực hiện cơ chế tự chủ. Trên cơ sở nhận diện những tồn tại thực tế hiện nay,
chúng tôi đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tổ chức KTQT ở các trường ĐHCL,
nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý trong bối cảnh thực hiện cơ
chế tự chủ như sau:

Thứ nhất, bên cạnh các chứng từ
bắt buộc thì các trường ĐHCL cần phải thiết kế các chứng từ hướng dẫn phản ánh
đầy đủ các chỉ tiêu, yếu tố cần thiết để thuận tiện cho việc hạch toán ban đầu.
Nhằm phục vụ cho việc cung cấp thông tin được kịp thời, đầy đủ. Mặc dù, việc
hoàn thiện hệ thống chứng từ phụ thuộc vào đặc điểm, quy mô hoạt động của từng
trường nhưng các trường cũng cần phải có định hướng cụ thể. Ngoài ra, thiết lập
quy trình vận hành (lập – tiếp nhận) của chứng từ cũng rất cần thiết vì nó ảnh
hưởng đến tính kịp thời của thông tin.

Thứ hai, các trường ĐHCL cần chủ
động xây dựng các tài khoản chi tiết trên cơ sở hệ thống tài khoản tổng hợp mà
Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) đã ban hành, để theo dõi cho các nội
dung hoạt động và đối tượng cụ thể. Điều cần lưu ý là, việc xây dựng hệ thống
tài khoản chi tiết phục vụ yêu cầu quản trị trong nhà trường phải dựa vào yêu
cầu quản lý của trường. Có như vậy, thông tin KTQT mới được thu nhận và cung
cấp kịp thời, đầy đủ, thích hợp.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống báo
cáo KTQT và cách thức tổ chức báo cáo. Hoạt động của các trường đại học bao gồm
nhiều khâu và do nhiều bộ phận khác nhau thực hiện. Hiệu quả hoạt động của nhà
trường. Vì vậy, chính là hiệu quả hoạt động của các khâu, các bộ phận thực
hiện. Báo cáo KTQT cần phải chi tiết được cho từng khâu hoạt động và từng bộ
phận trong nhà trường. Đồng thời, nội dung của báo cáo KTQT phải thể hiện được
số liệu dự toán, số liệu thực hiện và chênh lệch giữa hai loại số liệu này
trong từng kỳ, từng lần báo cáo. Ngoài ra, việc thiết lập chế độ và cách thức
báo cáo cũng cần được chú ý để đảm bảo rằng, việc cung cấp thông tin là thường
xuyên, liên tục, đầy đủ và kịp thời.

Thứ tư, hoàn thiện tổ chức KTQT
trong các trường ĐHCL phải được thực hiện ở cả hai khía cạnh: Tổ chức bộ máy
KTQT và tổ chức công tác KTQT.

– Đối với công tác KTQT: Trước
hết, công tác KTQT nên tập trung vào quản lý chi phí, thể hiện ở chỗ: Nhận diện,
phân loại, định mức và phân bổ, kiểm soát và phân tích các khoản mục chi phí để
tính đúng, tính đủ chi phí cho suất đào tạo theo ngành đào tạo, bậc đào tạo, hệ
đào tạo, hình thức đào tạo,… Tiếp đến, công tác KTQT phải tổ chức thu thập
thông tin về nhu cầu đào tạo, thái độ của xã hội trong việc tiếp nhận sản phẩm
đào tạo,… để phục vụ cho việc phân tích nội bộ.

– Đối với bộ máy KTQT: Một trong
những nguyên tắc cơ bản của tổ chức bộ máy quản lý hoạt động là tiết kiệm và
hiệu quả. Vì vậy, tổ chức bộ máy kế toán ở các trường ĐHCL nên kết hợp cả kế
toán tài chính và KTQT. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc cung cấp thông tin được
kịp thời, đầy đủ và chính xác, cần phải nâng cao kỹ năng tổng hợp, phân tích,…
cho các nhân viên kế toán và tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học máy tính
trong công tác KTQT. Đây là hai yếu tổ chủ chốt, để đảm bảo tăng năng suất lao
động và hiệu quả công việc.

Kết luận

Tự chủ ĐH, là xu thế tất yếu của
xã hội phát triển và các trường ĐHCL, buộc phải thích nghi dần với cơ chế tự
chủ. Hoạt động trong môi trường mới, các trường ĐHCL cần phải nâng cao hiệu quả
công tác quản lý để làm cho trường phát triển mạnh và bền vững. KTQT một mình
nó, không thể đảm bảo cho một trường ĐH hoạt động có hiệu quả nhưng nó có thể
cung cấp những dữ liệu và thông tin đóng góp quan trọng vào việc duy trì chất
lượng của hoạt động quản trị trường ĐH. Trên cơ sở, nhận diện các tồn tại của
công tác KTQT ở các trường ĐHCL trong nước và phân tích các nguyên nhân. Bài
viết, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tổ chức KTQT ở các trường ĐHCL trong
bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.

       

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011),
Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với một
số trường ĐHCL.

2. Chính phủ (2012), NQ 10/NQ- CP
về việc Ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện
chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ
phát triển đất nước 5 năm 2011- 2015.

3. Chính phủ (2015), Nghị định 16/2015/NĐ-
CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị SNCL.

4. Nguyễn Thị Hạnh (2012), Vận
dụng KTQT tại Đại học Đà Nẵng, Luận văn Thạc sỹ ngành Quản trị kinh doanh,
Trường Đại học Đà Nẵng.

5. Phạm Văn Trường (2013), Cơ chế
quản lý tài chính giáo dục ĐHCL, Tạp chí Tài chính, số 07, 2013.

6. Thái Anh Tuấn (2014), Vận dụng
kế toán trách nhiệm trong trường đại học, Tạp chí Tài chính, số 3, 2014.

 

Ths. Nguyễn Thị Đào *

* Khoa Kế toán – Kiểm toán, ĐH
Tài chính Quản trị kinh doanh

(Theo: Tạp chí Kế toán và Kiểm
toán)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *