Hoạt động trung ương hội

HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIỆT NAM. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CHO HỘI VIÊN. THÀNH CÔNG VÀ ĐỔI MỚI

Tiêu đề HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIỆT NAM. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CHO HỘI VIÊN. THÀNH CÔNG VÀ ĐỔI MỚI Ngày đăng 2017-02-14
Tác giả Admin Lượt xem 984

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T11/2016)

Để có được quyết định kinh tế, quyết định quản lý đúng đắn, có hiệu quả cần nhiều yếu tố, nhưng một trong những yếu tố quan trọng và không thể thiếu, đó là các thông tin kinh tế – tài chính do kế toán và kiểm toán tạo lập, tổng hợp và cung cấp. Tất nhiên, những thông tin kinh tế tài chính do kế toán, kiểm toán cung cấp phải đầy đủ, kịp thời và quan trọng nhất là phải chính xác và tin cậy. Những người làm kế toán và kiểm toán Việt Nam, luôn ý thức được trách nhiệm về những con số, những thông tin mang tính nghề nghiệp để phục vụ cho các quyết định quản lý, quyết định quản trị đất nước, quản trị kinh doanh. Đồng thời, hơn ai hết, kế toán và kiểm toán chịu trách nhiệm trước dân, trước Nhà nước, trước doanh nghiệp về việc kiểm kê, kiểm soát các hoạt động kinh tế – tài chính, đảm bảo an toàn tài sản, vốn, ngân quỹ và các nguồn lực tài chính của Nhà nước, của doanh nghiệp, của nhân dân, đảm bảo mọi hoạt động tài chính Nhà nước, hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Những người làm kế toán, kiểm toán Việt Nam, dù làm việc trên nhiều lĩnh vực và hoạt động ở khắp mọi vùng, miền của đất nước, đều tập hợp trong một tổ chức nghề nghiệp với mục tiêu hội tụ, nâng cao tính chuyên nghiệp, giữ vững đạo đức nghề nghiệp vì sự trung thực, tin cậy của thông tin kinh tế – tài chính.    

Hơn 30 năm qua, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, kế toán và kiểm toán Việt Nam đã có những cải cách toàn diện, triệt để theo yêu cầu kinh tế thị trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, có vị thế xứng đáng là công cụ quản lý kinh tế tài chính, là dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, là hệ thống thông tin trong nền kinh tế chuyển đổi, trong môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.

Năm 2003, lần đầu tiên ở Việt Nam Luật Kế toán đã được ban hành và năm 2015 Quốc hội đã ban hành mới Luật Kế toán, sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán 2003, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, tạo lập khuôn khổ pháp lý quan trọng, để điều chỉnh hoạt động kế toán của Việt Nam. Kiểm toán bắt đầu xuất hiện và hình thành ở Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, với sự tham gia thị trường của các Cty kiểm toán quốc tế và hai Cty dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam. Đó cũng là thời điểm hình thành kiểm toán độc lập, nghề kiểm toán ở Việt Nam. Chỉ một thời gian sau, năm 1994 Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được thành lập và năm 1997 Kiểm toán nội bộ được hình thành từ năm 1997.

Phải nói rằng, đây là những dấu mốc và bước ngoặt quan trọng, những sự kiện lớn của kế toán và kiểm toán Việt Nam, khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Đó là những định hướng đúng, sáng tạo, những bước đi dứt khoát nhưng thận trọng, những quyết sách chọn lọc, có chủ định, đặt nền tảng vững chắc để kế toán và kiểm toán Việt Nam tiếp tục phát triển. Các quy định pháp lý về kế toán và kiểm toán đã được tiếp tục hoàn thiện bằng việc Quốc hội thông qua Luật Kế toán (2003, 2015), Luật Kiểm toán Nhà nước (2005), Luật Kiểm toán Độc lập (2011).

Trong bối cảnh đó, tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán ở Việt Nam, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã được thành lập chính thức theo Quyết định số 12/TTg ngày 10/1/1994 của Thủ tướng Chính phủ với tên ban đầu là Hội Kế toán Việt Nam và được Bộ Nội vụ cho phép đổi tên thành Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, theo Quyết định số 35/2004/QĐ – BNV ngày 18/5/2004. Hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân làm nghề kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh có đầy đủ các tổ chức, có Tạp chí riêng, có Trung tâm nghiên cứu khoa học, tư vấn và đào tạo, Ban quản lý hành nghề. Từ mấy trăm hội viên ban đầu, đến nay, Hội có hơn 10 000 hội viên trong cả nước, sinh hoạt trong 28 tổ chức thành viên (Hội, Chi hội, Câu lạc bộ..), trong đó có những tổ chức thành viên mang tính chuyên nghiệp cao, như Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, Hội Kế toán viên hành nghề (VICA), Hội Kế toán ngành Kho bạc Nhà nước,…  Nhiều tổ chức thành viên của Hội hoạt động rất hiệu quả, tính nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp cao, có quan hệ rộng, không chỉ trong nước mà các với các tổ chức Quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của nhiều quốc gia trong khu vực.

Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC) và là thành viên của Hiệp Hội Kế toán các nước Đông Nam á (AFA). Một số tổ chức thành viên của Hội gia nhập là thành viên hoặc tham gia liên kết với các tổ chức nghề nghiệp khu vực hoặc là thành viên hoặc liên kết với các Cty kế toán – kiểm toán đa quốc gia như: Liên đoàn kế toán Châu á Thái Bình Dương (CAPA), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Hội kế toán công chứng Autralia (CPA úc), Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wale (ICAEW), Hiệp Hội Kế toán Quản trị Anh quốc (CIMA), Hiệp hội kế toán Nhật Bản, Cộng hòa Pháp,… Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) được Bộ Tài chính Việt Nam bảo trợ và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, trên cơ sở thừa nhận Hiến chương của IFAC, AFA.

Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính toàn quốc của Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, VAA đã triển khai nhiều hoạt động góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thúc đẩy và tham gia tạo lập các yếu tố của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, chủ động mở cửa và hội nhập với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán các nước trên thế giới và trước hết là các nước trong khu vực Châu á. VAA đã xác lập được vị thế trong nền kinh tế, được VUSTA, MOF và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao, ghi nhận kết quả hoạt động, sự đóng góp và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động, Huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen của Chính Phủ, Bằng khen và cờ thưởng của VUSTA,….

Có thể đánh giá kết quả hoạt động và những đóng góp của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, các tổ chức thành viên của VAA:
Thứ nhất, Hội đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập.
Thứ hai, Kế toán, Kiểm toán Việt Nam đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, tài chính, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, lành mạnh hóa và minh bạch hóa tài chính Nhà nước.
Thứ ba, Hoạt động tư vấn khoa học và phản biện các chính sách luật và chính sách kinh tế – tài chính của Nhà nước đã rất tích cực và hiệu quả.
Thứ tư, Được Bộ Tài chính chuyển giao một số chức năng quản lý Nhà nước về kế toán và kiểm toán, từ 2006 Hội đã triển khai công tác đăng ký hành nghề và quản lý kế toán viên hành nghề, kiểm toán viên hành nghề. Ban quản lý hành nghề kế toán của Hội và VACPA là một trong các tổ chức thành viên của Hội đã làm tốt và trưởng thành rất nhanh, trong chức năng quản lý và hướng dẫn nghề nghiệp. Hội Kiểm toán viên hành nghề và Chi hội kế toán hành nghề, đã và đang trở thành một tổ chức nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp cao.
Thứ năm, Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên, cho đội ngũ cán bộ tài chính, kế toán và kiểm toán. Hội đã thực hiện khá tốt công việc này và đang tiếp cận với chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán trong khu vực và thế giới, chuẩn bị tích cực cho quá trình nhất thể hóa chương trình đào tạo và thừa nhận chứng chỉ hành nghề giữa các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ sáu, Công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá nghề nghiệp được tăng cường và duy trì thường xuyên. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội đã phát hành đều đặn hàng vạn bản, định kỳ hàng tháng. Tạp chí thực sự là diễn đàn nghề nghiệp, là món ăn tinh thần của những người làm Kế toán và Kiểm toán ở Việt Nam.
Thứ bảy, Hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế sôi động, linh hoạt và có hiệu quả. VUSTA đánh giá VAA là Hội mạnh và hoạt động có hiệu quả. VAA đã làm tốt vai trò và trách nhiệm Chủ tịch AFA, nhiệm kỳ 2004 – 2005 và tổ chức thành công hai Hội nghị Kế toán quốc tế tại Việt Nam, năm 1997 và năm 2005. Là thành viên Ban chấp hành tích cực của AFA, IFAC, đã đăng cai tổ chức tốt nhiều hội thảo nghề nghiệp quốc tế và khu vực. Các cơ quan Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận và đánh giá cao hoạt động ngoại giao nhân dân của VAA, theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam.   

Bên cạnh các hoạt động tập hợp hội viên, phát triển nghề nghệp, tư vấn khoa học và phản biện xã hội, quản lý dịch vụ và hành hành nghề kế toán, Hội đã triển khai và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên và những người làm công tác kế toán trong cả nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của Hội.

1. Hội đã nhận và triển khai thành công hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở do Quốc hội, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước giao và 2 nhiệm vụ phổ biến khoa học và nhiệm vụ phản biện mang tính chất khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Trong đó, trong 5 năm gần đây đã bảo vệ thành công 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đạt loại Xuất sắc và Khá. 5 đề tài nghiên cứu khoa học gồm:
– Sử dụng kết quả kiểm toán trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát Ngân sách Nhà nước của Quốc hội (Năm 2012).
– Phân tích chính sách tài chính trong quy trình lập pháp của Quốc hội (Năm 2013).
 – Hoàn thiện những quy định pháp lý về kế toán trong Luật Ngân sách Nhà nước (2015), bảo vệ 2014.
– Tăng cường kiểm soát đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên Nhà nước và vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán. (2015).
– Nâng cao chất lượng hoạt động của kiểm toán độc lập trong hội nhập kinh tế Quốc tế. (Đề tài nhánh của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước) (2016)
Đặc biệt, năm 2015, thực hiện nhiệm vụ của VUSTA giao về tư vấn và phản biện dự án Luật Kế toán, Hội đã thành công trong nghiên cứu và đưa ra kiến nghị với Quốc hội, đã được cơ quan thẩm tra của Quốc hội chấp nhận thay đổi từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật sửa đổi bổ sung và ban hành mới Luật Kế toán 2015, từ xem xét trong 1 kỳ họp sang xem xét trong hai kỳ họp và bổ sung một chương riêng, quy định về dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán. Đặc biệt, Luật Kế toán 2015 đã có một điều riêng quy định về Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trong đó quy định: “Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định (Điều 70).

2. Hội đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học, tạo diễn đàn cho các Hội viên trao đổi về những vấn đề thời sự, bức xúc nghề nghiệp, tiếp cận những vấn đề mới của nghề nghiệp và cũng tạo cơ hội để Hội viên tham gia tư vấn khoa học, phản biện xã hội đóng góp ý kiến vào các dự án Luật, chính sách của Nhà nước. Ngay trong năm 2016, Hội đã chủ trì hoặc phối hợp chủ trì tổ chức 5 cuộc hội thảo quốc gia và nhiều cuộc Hội thảo chuyên đề. Các cuộc hội thảo quốc gia gồm: (1) 20 năm cải cách hệ thống Kế toán Việt Nam – Những bài học và định hướng, (2) Kế toán Việt Nam – thách thức và cơ hội khi Việt Nam gia nhập TPP và AEC; (3) Kiểm toán nội bộ, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng ở Việt Nam. (4) Kế toán quản trị – Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam (5) Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo kế toán và kiểm toán theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế,…
Hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề, để Hội viên trao đổi hoặc sớm tiếp cận các chính sách kinh tế,  tài chính, kế toán, kiểm toán, chính sách thuế, về chuẩn mực kế toán, kiểm toán  mà Nhà nước sẽ ban hành.

3. Hội và các tổ chức thành viên của Hội đã tổ chức liên tục các khóa, các lớp đào tạo huấn luyện nghiệp vụ  cho Hội viên và những người làm nghề kế toán trong cả nước, bao gồm các hình thức:
– Đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ: Kế toán trưởng, kiểm toán viên nội bộ, kế toán viên, kế toán quản trị,…
– Bồi dưỡng kiến thức cho kế toán viên hành nghề theo quy định bắt buộc của Bộ Tài chính (40h/năm).
– Bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên: Kỹ năng nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, quy trình hành nghề, cung cấp dịch vụ, quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp.
– Tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho Hội viên mỗi khi Nhà nước ban hành Luật và các chính sách mới, như Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán, kiểm toán và gần đây nhất Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư mới về chế độ kế toán doanh nghiệp, chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ, các quy định về Thuế, về hải quan, về xử phạt hành chính trong hoạt động kế toán, kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước đã ban hành mới 39 chuẩn mực kiểm toán Nhà nước dựa trên các chuẩn mực của INTOSAI.
– Hàng năm, Hội và các tổ chức thành viên của Hội  tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chuyên môn định kỳ, tạo diễn đàn cho các hội viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực. Trong đó, khá thành công là các kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, của Hội Kế toán viên hành nghề (VICA), của Phân hội Kế toán ngành công thương, Hội Kế toán Kho bạc Nhà nước, Hội Kế toán Tp. Hồ Chí Minh, các Chi hội kế toán các Trường Đại học.  

4. Thực hiện thành công chương trình dự án: Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa, do Bộ Kế hoạch và đầu tư giao. 5 năm qua, Hội  tổ chức hàng trăm khóa huấn luyện về quản trị doanh nghiệp và tài chính kế toán doanh nghiệp cho hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước. Riêng năm 2016, đã và sẽ tổ chức 50 lớp về kiến thức quản trị doanh nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp cho khoảng 3.000 học viên.

5. Hội đã hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế có văn phòng đại diện ở Việt Nam, như Hiệp hội kế toán Công chứng Anh (ACCA), Hiệp hội Kế toán Australia (CPA úc), Hiệp hội Kế toán quản trị Anh quốc (CIMA), Viện Kế toán công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW)… tổ chức và tạo điều kiện cho Hội viên tham gia đào tạo và thi lấy chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế.

Từ thực tế, hoạt động của Hội có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Trước hết, Về nhận thức, Hội đã và cần coi trọng, quan tâm hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội viên. Đây không chỉ là trách nhiệm góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho Hội viên để hội viên làm tốt chức năng kế toán, kiểm toán, mà còn là nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của Hội.
Thứ hai, Cần thống nhất nhận thức và có sự quan tâm thực sự của các cơ quan quản lý Nhà nước, để mạnh dạn giao cho Hội các công việc thuộc dịch vụ công và tạo điều kiện để Hội làm tốt chức năng này. Mặc dù, Luật Kế toán (số 88/2015/QH 13) đã quy định: Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định (Điều 70). Nhưng, có những việc cơ quan Nhà nước chưa dứt khoát trao quyền và nhiệm vụ cho Hội như: Cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên.
Thứ ba, Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ là một thị trường mở, nhu cầu lớn, nhưng cũng là một thị trường, một lĩnh vực cung cấp dịch vụ có sự  cạnh tranh rất khốc liệt với sự tham gia của rất nhiều lực lượng: Các Viện, Trường, các trung tâm và thậm trí cả các doanh nghiệp… không chỉ trong nước mà cả của nước ngoài,… Vì vậy, để thành công và duy trì tốt công việc này, ngoài trách nhiệm Hội cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, đổi mới thường xuyên chương trình, nội dung, đa dạng hóa hình thức đào tạo huấn luyện, nâng cao chất lượng giảng viên, tổ chức lớp học và phương pháp giảng dạy. Cần phải thật linh hoạt, có nhiều chương trình, nhiều nội dung đào tạo, nhiều hình thức tổ chức phù hợp các đối tượng học viên rất đa dạng. Cần chủ động nắm bắt nhu cầu của Hội viên, của xã hội để tổ chức các khóa đào tạo, kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Thứ tư, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo cam kết, dịch vụ kế toán, kiểm toán sẽ là một trong 8 lĩnh vực dịch vụ được mở cửa tự do không chỉ cho các pháp nhân mà cả các thể nhân, những người  có chứng chỉ hành nghề, có kỹ năng nghề nghiệp được thừa nhận. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam về chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên. ở các nước ASEAN, đây là chứng chỉ nghề nghiệp do các Tổ chức nghề nghiệp đánh giá, cấp và quản lý trên cơ sở chương trình đào tạo do Nhà nước quy định. VUSTA cần tác động và có kiến nghị với Nhà nước có biện pháp khẩn trương chuẩn bị thực hiện các cam kết AEC. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã và sẽ tiếp tục có kiến nghị, đề xuất với Nhà nước, với Bộ Tài chính thực hiện việc thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế và cam kết hội nhập. Hội đã có đề án trình Bộ Tài chính về đào tạo, thi và cấp chứng chỉ kế toán viên (Certified Chartered Accountant hoặc Certified Public Accountant).
Thứ năm, Cần tạo lập sự liên kết giữa các Hội thành viên trong VUSTA để cùng tham gia hoặc hỗ trợ trong hoạt động đào tạo tại lĩnh vực, ngành nghề, tại địa phương. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tha thiết mong muốn và sẵn sàng hợp tác, phối hợp với tất cả các Hội Địa phương, các Hội ngành, như Hội Luật gia, Hội Kinh tế, Hội kinh tế môi trường, Hội thống kê,… và nhiều Hội ngành khác  để cùng tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Chúng tôi rất mong được hợp tác và sẻ chia cùng các Hội. VUSTA cần quan tâm nhiều hơn nữa tới hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho các chứng chỉ, chức danh nghề nghiệp ở Việt Nam. VUSTA phải là đầu mối quan trọng để khâu nối hoạt động của các Hội, để tổ chức các hoạt động phối hợp với một quy trình, quy chế chặt chẽ, công khai. Đồng thời tạo điều kiện cả tinh thần lẫn vật chất để các Hội triển khai mạnh hơn, hiệu quả hơn hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tóm lại, Với mục tiêu Hội tụ, chuyên nghiệp và phát triển, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ tất cả các hoạt động theo tôn chỉ và mục đích của Hội, trong đó có hoạt động đào tạo và bồi dưỡng  vì quyền lợi của Hội viên, vì nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, vì sự lành mạnh và minh bạch của nền tài chính quốc gia./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *