Các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018, dù đầu năm đã có bước khởi đầu tốt, theo báo cáo mới nhất của ICAEW Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á. Năm 2017, tăng trưởng của khu vực này được dự báo sẽ đạt 4,9%-5,3%, do tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức vừa phải trong toàn khu vực sau khi đã tăng mạnh trong năm 2017.
Không như Mỹ và Châu Âu, Châu Á ngay từ đầu năm 2018 đã có bước khởi đầu đầy khả quan, trong đó các nền kinh tế Đông Nam Á có mức tăng 5,2% so với cùng kỳ, chỉ thấp hơn một chút so với mức 5,3% của quý trước. Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế có giảm một chút trong quý 1, xuống mức 7,7% so với cùng kỳ, sau khi đã đạt kết quả rất tốt vào thời điểm cuối 2017. Tuy nhiên, nếu tính từng quý thì đây vẫn là kết quả quý 1 tốt nhất trong 10 năm qua nhờ duy trì tiềm lực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành dịch vụ hoạt động tốt và sản lượng nông nghiệp tăng. Nhìn chung, năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6%, giảm nhẹ so với 6,8% của năm ngoái.
Bà Sian Fenne -, Cố vấn kinh tế ICAEW,
kiêm Trưởng chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á của Oxford Economics
trình bày về Báo cáo kinh tế Quý II tại Lễ công bố
Nhận xét về khu vực, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Trưởng chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á của Oxford Economics, cho biết: “Chỉ số Quản lý thu mua sản xuất (PMI) và các số liệu thương mại gần đây đều cho thấy triển vọng tăng trưởng của khu vực ở mức vừa phải trong thời gian tới. Xu hướng này phù hợp với quan điểm của chúng tôi là tăng trưởng xuất khẩu toàn khu vực sẽ giảm so với năm 2017, phản ánh sức cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và việc chu kỳ toàn cầu của ngành hàng điện tử đi vào ổn định. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm nhẹ trong năm 2018 xuống 4,9%. Tăng trưởng chậm lại dự kiến sẽ diễn ra tương đối toàn diện, trong đó chỉ có Indonesia sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2017.”
Ông Mark Billington – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW
phát biểu khai mạc tại Lễ công bố
Ông Mark Billington – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW, cho biết: “Tuy sức cầu ngoài nước của Việt Nam dự kiến sẽ giảm nhẹ nhưng cầu trong nước trong năm 2018 dự báo sẽ tăng, nhờ thu hút luồng vốn FDI tốt, chi tiêu tiêu dùng sôi động và nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong giai đoạn 2019-2020, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 6,3% so với mức dự báo 6,6% cho năm nay, do giảm nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kỳ thương mại toàn cầu bão hòa.”
Việt Nam: Tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khu vực nhờ duy trì được luồng vốn FDI
Nhờ cải thiện đồng bộ về thương mại toàn cầu trong năm ngoái, đặc biệt trong ngành hàng điện tử, mà xuất khẩu hàng hóa tính bằng đô la Mỹ (USD) năm 2017 tăng 21,2%. Ngoài ra, mức tổng cầu cũng tăng nhờ tăng đầu tư trong nước 9,8% do đạt mức đầu tư trực tiếp nước ngoài cao và tăng trưởng tín dụng nhanh. Năm ngoái, thu hút vốn FDI tăng 47%, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo và xây dựng/bất động sản là những ngành chính được hưởng lợi, dù lĩnh vực dịch vụ hạ tầng cũng thu hút lượng lớn đầu tư. Hơn nữa, số vốn đăng ký mới tăng 40% cho thấy 2018 sẽ là một năm nữa Việt Nam đạt kết quả tốt về đầu tư, qua đó phần nào bù đắp cho dự báo tăng trưởng xuất khẩu giảm.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Tổng Biên tập, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam
Thu hút vốn FDI dự kiến sẽ vẫn đạt kết quả tốt trong trung hạn, do Việt Nam có lực lượng lao động lớn và mức lương tương đối thấp, có chủ trương mở cửa thương mại với số lượng lớn các hiệp định thương mại được ký kết, và cải thiện được môi trường kinh doanh.
Nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ kéo theo nguy cơ về lạm phát và sự ổn định tài chính
Diễn biến tiền tệ cũng sẽ tiếp tục có lợi cho sức cầu trong nước. Tháng 7/2017, ngân hàng trung ương hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn 25 điểm cơ bản, lần lượt xuống còn 4,25% và 6,25%. Tín dụng cá nhân tăng cũng sẽ khuyến khích chi tiêu hộ gia đình. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 17% sau khi cho vay ngân hàng năm 2017 tăng 18,2%. Tuy nhiên, tăng nhanh cho vay như vậy cũng sẽ làm tăng rủi ro về ổn định tài chính và lạm phát.
Có thể nói, dù lạm phát toàn phần tính đến nay vẫn thấp hơn mức chỉ tiêu 4% của chính phủ cho năm nay, nhưng lạm phát dự kiến sẽ tăng lên bình quân 3,9% do sức hãm của giá lương thực sẽ giảm. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ là áp lực về giá sẽ tăng đáng kể. Trong trường hợp đó, các cấp hoạch định chính sách sẽ cần phải hoặc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn hoặc chấp nhận lạm phát.
Thận trọng trước tình huống bất lợi do gia tăng bảo hộ
Mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ dẫn đến kịch bản chiến tranh thương mại theo ‘tình huống xấu’. Là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa, phụ thuộc nhiều vào thương mại đối ngoại, bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến Việt Nam, dù Việt Nam không phải là mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan. Sự phụ thuộc của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi.
Tuy nhiên, nhiều khả năng việc tăng thuế quan sẽ bị hạn chế, đồng thời đóng góp vào GDP từ thương mại nội khu vực tăng và nguồn cầu trong nước tăng sẽ bảo vệ được tăng trưởng của Châu Á ở một mức độ nào đó.
Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra một số nhận định sau:
• Xuất khẩu giảm khiến tốc độ tăng trưởng chung của Singapo giảm nhẹ, dù đầu năm 2018 đã có bước khởi đầu tốt
Tăng trưởng về lượng hàng hóa xuất khẩu quý 1 tăng 1,9% so với cùng kỳ – mức tăng hàng năm thấp nhất tính trong hơn 1 năm. Hiệu ứng nền tuy có xu hướng khuếch đại mức giảm trong các số liệu gần đây về thương mại nhưng tăng trưởng năm nay dự kiến vẫn sẽ giảm. Dù vậy, mức tăng trưởng chung về thương mại thế giới năm 2018, tính theo sức cầu nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Singapore, dự kiến sẽ vẫn tăng 6%.
Nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện và phục hồi trong nước tăng nên tốc độ tăng đầu tư doanh nghiệp dự tính sẽ cao hơn trong năm 2018. Trong cả năm 2018, lĩnh vực dịch vụ sẽ có sự phục hồi toàn diện hơn, từ đó cải thiện tình hình việc làm. Xu hướng này sẽ giúp mức lương tăng nhẹ, và cùng với chính sách hỗ trợ tài chính bổ sung, sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất định hướng xuất khẩu giảm sẽ phần nào được bù đắp bởi sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ có định hướng nội địa nhiều hơn. Đầu tư vào nhà ở dự báo sẽ giảm đà hãm tăng trưởng GDP chung, đồng thời tình hình thị trường lao động dự kiến sẽ cải thiện, từ đó hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình. Do vậy, GDP của Singapore dự báo năm 2018 sẽ tăng trưởng 3,0%, so với 3,6% của năm 2017.