Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tiêu đề Kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An Ngày đăng 2014-11-20
Tác giả Admin Lượt xem 1146

Ở doanh nghiệp (DN) khi mở rộng quy mô, người lãnh đạo cấp cao sẽ thành lập
nhiều bộ phận khác nhau – gọi là trung tâm trách nhiệm ( TTTN) và bố trí NQT chịu
trách nhiệm về các vấn đề phát sinh tại khu vực đó. Những mắt xích này thực sự phát
huy tác dụng và tạo hiệu quả hoạt động khi cơ chế quản lý tài chính được phân cấp,
phân quyền cụ thể cho từng người, từng bộ phận gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ
và quyền lợi trong từng hoạt động. Theo cách tiếp cận này, nhà quản trị (NQT) bộ
phận càng có sự chủ động trong việc ra quyết định điều hành thì họ càng có điều
kiện để phát huy tính tư duy, sáng tạo trong công việc; Từ đó, đưa ra những quyết
định mới mẻ và đúng đắn. Có thể nói, mỗi TTTN là một bộ phận trong một tổ chức có
sự phân cấp về tài chính. Trong đó, NQT bộ phận chịu trách nhiệm về toàn bộ vấn
đề phát sinh ở bộ phận mình với NQT cấp cao. Kế toán trách nhiệm (KTTN) theo đó
được coi là một hệ thống đo lường kết quả của từng TTTN và so sánh những kết quả
này với mục tiêu được kỳ vọng của toàn Cty.

Cơ sở để tổ chức hệ thống KTTN là sự phân cấp, phân quyền trong quản lý.
Hầu hết, những DN có quy mô lớn hay các tập đoàn đều diễn ra sự phân cấp này và
tạo ra một mạng lưới trách nhiệm trong toàn bộ Cty. Hãy tưởng tượng biểu đồ tổ chức
hình kim tự tháp truyền thống, đường trách nhiệm trong một tổ chức sẽ xuất phát
từ đỉnh hình kim tự tháp là nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Cty, xuống cấp phó tới
cấp trung gian và các cấp quản trị thấp hơn nữa. Quy mô của Cty càng lớn, những
đường trách nhiệm này sẽ trở nên nhiều hơn và dài hơn. Khi đó, diễn ra một sự liên
kết chặt chẽ giữa cấu trúc của DN với hệ thống KTTN: Mỗi một bộ phận (phòng, ban,
trung tâm,…) trong DN sẽ được coi như một TTTN giúp KTTN thực hiện tốt vai trò của
mình.

Căn cứ vào bản chất và mức độ về trách nhiệm ra quyết định được giao cho
những NQT bộ phận có 4 loại TTTN, bao gồm:

Trung tâm chi phí (cost centre): Là trung tâm mà NQT chỉ chịu trách nhiệm
về chi phí phát sinh.

Trung tâm doanh thu (revenue centre): Là trung tâm mà NQT chỉ chịu trách
nhiệm về doanh thu.

Trung tâm lợi nhuận (profit centre): Là trung tâm mà NQT chỉ chịu trách nhiệm
về cả doanh thu và chi phí.

Trung tâm đầu tư (investment centre): Là trung tâm mà NQT chỉ chịu trách
nhiệm về doanh thu, chi phí và đầu tư.

Thị trường kinh doanh xăng dầu ở Nghệ An khá sôi động với hệ thống các cửa
hàng bán lẻ xăng dầu khá lớn, tính đến năm 2013 có khoảng 570 cửa hàng và tàu thuyền
bán lẻ khắp các địa phương trong tỉnh. Một số DN đầu mối tham gia cung ứng xăng
dầu cho mạng lưới cửa hàng bán lẻ là Cty xăng dầu Nghệ An, xăng dầu Quân đội, PV
OIL Vũng áng… Đây có thể nói là những DN có quy mô lớn, cơ cấu tổ chức với sự
phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận trực thuộc.

Cho đến nay, tại những Cty kinh doanh xăng dầu có quy mô lớn kể trên đã tiến
hành sử dụng hệ thống phần mềm quản trị để tăng cường kiểm soát chi phí, doanh thu
phát sinh tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ. Song, việc tổ chức hệ thống KTTN trong
công tác quản trị mới dừng lại ở mức độ đơn giản: Cấu trúc DN thiết lập nên các
phòng, ban thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt và tập trung chủ yếu vào các trung
tâm doanh thu (các cửa hàng). Bên cạnh đó, sự vận dụng các chỉ tiêu đánh giá hoạt
động của từng bộ phận và hệ thống báo cáo KTTN còn mờ nhạt, chưa sử dụng hết các
phương pháp của hệ thống KTTN. Thậm chí, một số đơn vị không tổ chức hệ thống KTTN.
Trong đó, bao gồm DN tư nhân với một vài cửa hàng bán lẻ. 

Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần xuất phát từ đặc điểm cơ cấu tổ
chức của các DN cũng như trình độ kế toán trong đơn vị chưa đáp ứng được điều kiện
áp dụng KTTN vào quản lý. Nhưng đa phần, là do quan điểm quản trị kinh doanh và
nhận thức của người quản lý về KTTN còn chưa cao. Ngay cả những nghiên cứu trong
nước về việc xây dựng hệ thống KTTN trong các DN thương mại, cụ thể trong lĩnh vực
kinh doanh xăng dầu cũng chưa có. Điều này, đã phần nào gây ra sự thiếu hụt thông
tin để vận dụng hệ thống KTTN trong các DN.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức hệ thống KTTN của các Cty xăng dầu trên địa
bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và các Cty xăng dầu trên cả nước nói chung, nhằm tăng
cường công tác quản trị nội bộ trong tình hình kinh tế hiện nay, cần triển khai
một số giải pháp:

(1) Xác định đúng các TTTN: Dựa trên cơ cấu tổ chức và chính sách phân cấp,
quản lý kinh tế để phân loại các bộ phận ( phòng, ban, cửa hàng, tổ đội,…) trong
Cty thành các TTTN. Ban giám đốc hoặc Hội đồng quản trị, thường được coi là những
trung tâm đầu tư. Phòng kinh doanh và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, được xem như
các trung tâm doanh thu. Phòng kế toán là trung tâm lợi nhuận. Những phòng ban còn
lại, chỉ chịu trách nhiệm về chi phí liên quan đến bộ phận mình, sẽ là trung tâm
chi phí.

(2) Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu kinh tế tài chính và hệ thống Báo cáo
kế toán quản trị, phù hợp với mức độ phân cấp quản lý của TTTN. Chẳng hạn, để đánh
giá trách nhiệm của trung tâm đầu tư sử dụng chỉ tiêu ROI (Return on investment)
cùng việc tổ chức lập các Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo phân tích hiệu quả
sử dụng vốn trong phạm vi trung tâm. Đối với trung tâm chi phí, cần xây dựng định
mức, dự toán của từng loại chi phí. Xác định những loại chi phí kiểm soát được và
không kiểm soát được để tiến hành lập các Báo cáo tình hình thực hiện kế toán, thực
hiện dự toán; Báo cáo phân tích sự biến động của các định mức chi phí…

(3) Tổ chức hệ thống hóa thông tin quản trị tương ứng với từng loại trung
tâm. DN phải thiết lập hệ thống chứng từ, tài khoản và sổ kế toán chi tiết để theo
dõi từng loại chi phí, doanh thu, từng mặt hàng, nhóm mặt hàng, hay khu vực thị
trường kinh doanh xăng dầu,… gắn với yêu cầu quản trị của từng loại TTTN ở từng
cấp.

(4) Tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ kế toán: Người làm kế toán
cần có trình độ nhất định để thu thập, xử lý, báo cáo; Đồng thời, sử dụng các kỹ
thuật tài chính nhằm phân tích, đánh giá tình hình hoạt động các TTTN thông qua
hệ thống chỉ tiêu đã được DN xây dựng.

(5) Cần nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của KTTN trong quản lý. Để
từ đó, giúp cho các NQT có thêm một công cụ hữu ích kiểm soát tốt chi phí cũng như
hiệu quả hoạt động của các bộ phận và áp dụng hệ thống KTTN phù hợp với cơ cấu bộ
máy DN./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính, Vụ chế
độ kế toán kiểm toán, Tài liệu bồi dưỡng Kế toán trưởng DN”, NXB Tài chính, Hà Nội,
2013.

2. Quyết định  số 5955/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ban hành
ngày 12/12/2013  phê duyệt Quy hoạch tổng
thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

3. Don Hansen,Maryanne
Mowen,chapter 10,Cornerstones of Cost Accounting, 2010.

4. PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang,
Giáo trình Kế toán quản trị,  NXB ĐH KTQD,
Hà Nội, 2013.

Phan Thị Nhật Linh

Khoa Kinh tế, Đại học Vinh

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán – VAA

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *