Nghiên cứu trao đổi

KẾ TOÁN XUẤT NHẬP KHẨU ỦY THÁC – NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Tiêu đề KẾ TOÁN XUẤT NHẬP KHẨU ỦY THÁC – NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý Ngày đăng 2021-03-29
Tác giả Admin Lượt xem 9457

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 207, Tháng 12/2020 của Ths. Lê Thị Thu Hương – Khoa Tài chính Kế toán, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên}.

(Email: banbientapvaa@gmail.com)

– Theo BBT 


Trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế, giao thương hàng hóa giữa các quốc gia diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Dịch vụ xuất nhập khẩu uỷ thác cũng từ đó ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, để hỗ trợ việc xuất nhập hàng hoá cho các doanh nghiệp.
Xuất nhập khẩu uỷ thác là hoạt động dịch vụ thương mại dưới hình thức thuê và nhận làm dịch vụ xuất nhập khẩu. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở hợp đồng uỷ thác xuất khẩu hoặc nhập khẩu giữa các doanh nghiệp, phù hợp với những quy định của pháp lệnh hợp đồng kinh tế.
Như vậy, ủy thác xuất nhập khẩu là việc thuê một đơn vị kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, để tổ chức và thực hiện các hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa cho bên bán/ bên mua. Bên giao ủy thác là người sử dụng dịch vụ ủy thác. Bên nhận ủy thác là người cung cấp dịch vụ và hưởng hoa hồng theo hợp đồng đã ký.


Sự cần thiết của dịch vụ uỷ thác xuất nhập khẩu
Kể từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, nền kinh tế đã có những bước phát triển nhanh chóng. Sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều năm liền đạt mức tăng trưởng hai con số. Từ cuối năm 2019, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 22 toàn cầu về quy mô xuất khẩu.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong khu vực DN nhỏ và vừa – khu vực chiếm tỷ lệ chủ đạo trong nền kinh tế – vẫn chưa có hoặc không có kinh nghiệm về thương mại quốc tế, nhưng lại có nhu cầu về xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Các DN vừa và nhỏ không hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thông thường cũng không đủ nguồn lực và chi phí để tổ chức bộ phận chuyên môn về nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Họ cần thiết sử dụng đến loại hình xuất nhập khẩu uỷ thác. Song song với các DN vừa và nhỏ, ở Việt Nam, các cá nhân đăng ký kinh doanh cũng khá nhiều. Khi các cá nhân này có nhu cầu xuất nhập khẩu, việc tự đứng ra đàm phán, ký kết với các đối tác nước ngoài không phải là việc dễ dàng, họ cần đến dịch vụ xuất nhập khẩu uỷ thác.

Xuất nhập khẩu uỷ thác đem lại cho DN khá nhiều lợi ích
Thứ nhất là tiết kiệm chi phí: Như đã phân tích ở trên, đối với các DN không thường xuyên cần đến hoạt động xuất nhập khẩu, rõ ràng, hoa hồng uỷ thác sẽ thấp hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra để duy trì bộ phận chuyên môn phụ trách hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ hai, tiết kiệm thời gian: Với sự chuyên nghiệp và kiến thức của nhân viên thì dịch vụ xuất nhập khẩu có thể giúp thời gian hoàn tất việc xuất nhập khẩu của DN một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh nghiệm đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu sẽ giúp DN tránh được nhiều rủi ro khi khai báo, tác động tích cực góp phần gia tăng tính cạnh tranh hàng hóa của bạn trên thị trường.
Thứ ba, chia sẻ rủi ro: Nếu DN tự làm sẽ có thể có những sai sót về chứng từ, thủ tục,… đôi khi khiến bạn phát sinh nhiều chi phí. Các nhà cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu có kinh nghiệm sẽ chia sẻ những rủi ro cho bạn một cách tốt nhất.
Do vậy, DN cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu cần nắm vững nghiệp vụ kế toán xuất khẩu ủy thác.

Kế toán xuất khẩu uỷ thác
Nghiệp vụ kế toán xuất khẩu ủy thác hiện tuân thủ theo chế độ kế toán DN, được ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cụ thể:
a) Thủ tục xuất khẩu
– Đối với nghiệp vụ xuất (nhập) khẩu uỷ thác thì nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên (bên uỷ thác xuất nhập khẩu và bên nhận uỷ thác xuât nhập khẩu) được quy định cụ thể trong hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu do các bên tham gia ký kết thoả thuận.
– Trong hợp đồng uỷ thác, cần quy định rõ:
+ Bên uỷ thác phải cung cấp hàng, cung cấp tư liệu cần thiết để chào hàng ra nước ngoài, chịu mọi chi phí đóng gói, bao bì, kẻ mã ký hiệu, vận chuyển hàng hoá đến cửa khẩu, trả phí uỷ thác.
+ Bên nhận uỷ thác phải ký hợp đồng xuất khẩu với nước ngoài, theo giá cả và điều kiện có lợi nhất cho bên uỷ thác, thông báo tình hình thị trường và giá cả,…
Bên nhận uỷ thác xuất làm toàn bộ công việc của một đơn vị trực tiếp xuất, tiếp nhận hàng hoá xuất của bên uỷ thác và tiến hành thủ tục xuất hàng cho thương nhân nước ngoài.
Các chi phí về kiểm nhận, giám định, vận chuyển, bảo hiểm,… do bên uỷ thác xuất chịu, bên nhận uỷ thác nếu trả thay sẽ thu lại của bên uỷ thác xuất.
Bên nhận uỷ thác được hưởng phí uỷ thác theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu ngoại tệ.
Bên ủy thác xuất khẩu khi giao hàng cho bên nhận ủy thác phải lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo lệnh điều chuyển nội bộ.
Khi hàng hóa đã được xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, căn cứ vào các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hóa thực tế xuất khẩu của đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu, bên ủy thác xuất khẩu lập hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) thuế suất 0% giao cho bên nhận ủy thác.
Bên nhận ủy thác xuất khẩu phải xuất hóa đơn GTGT tiền hoa hồng với thuế suất 10% .
Bên ủy thác ghi nhận thuế GTGT tiền hoa hồng vào thuế đầu vào của DN, bên nhận ủy thác ghi số thuế GTGT tiền hoa hồng này thành thuế GTGT đầu ra của DN.
Giá tính thuế GTGT của dịch vụ ủy thác là toàn bộ số tiền hoa hồng ủy thác và các khoản chi hộ (nếu có trừ đi các khoản nộp thuế hộ) chưa có thuế GTGT.
Theo quy định, số thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt về hàng xuất khẩu do bên nhận ủy thác chịu trách nhiệm thanh toán cho ngân sách.
Khi thực hiện xong dịch vụ xuất khẩu bên nhận ủy thác phải chuyển ngay cho bên ủy thác các chứng từ sau:
+ Bản thanh lý hợp đồng.
+ Hóa đơn thương mại xuất cho nước ngoài.
+ Tờ khai hàng hóa xuất khẩu có xác nhận thực xuất và đóng dấu của cơ quan hải quan cửa khẩu.
+ Hóa đơn GTGT về hoa hồng ủy thác.
+ Biên lai nộp thuế cho ngân sách Nhà nước,…
                                                                                                       b) Hạch toán kế toán xuất khẩu uỷ thác (Bảng 1, trang 69)

Kế toán nhập khẩu uỷ thác
a.Thủ tục nhập khẩu
Để thực hiện một hợp đồng nhập khẩu hàng hoá, DN thường phải tiến hành các công việc sau:
– Làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của Nhà nước.
– Thực hiện những công việc ban đầu của khâu thanh toán như làm đơn xin mở L/C, thực thi ký quỹ và mở L/C,… Nếu hợp đồng mua bán quy định thanh toán bằng L/C.
– Thuê phương tiện vận tải, nếu hợp đồng mua bán quy định hàng được giao ở nước xuất khẩu.
– Mua bảo hiểm
– Làm thủ tục hải quan
– Nhận hàng
– Kiểm tra hàng hoá nhập khẩu
– Khiếu nại về hàng hoá bị tổn thất, thiếu hụt, không phù hợp hợp đồng,…
– Thanh toán tiền hàng và thanh lý hợp đồng.
Chứng từ sử dụng: Hóa đơn thương mại, vận tải đơn, chứng từ bảo hiểm, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tờ khai hải quan, biên lai thu thuế…
                                                                                                                                                                   

                                                                                                               b. Hạch toán kế toán nhập khẩu uỷ thác (Bảng 2)

Như vậy, đối với hoạt động uỷ thác xuất khẩu, chỉ sử dụng TK 131 đối với bên giao ủy thác về khoản tiền hàng xuất khẩu. Các khoản còn lại sử dụng TK 1388 và TK 3388 chi tiết cho bên nhận và giao ủy thác để hạch toán. Đối với hoạt động uỷ thác nhập khẩu, kế toán chỉ sử dụng TK 331 đối với bên giao ủy thác nhập khẩu về khoản tiền hàng ủy thác nhập khẩu. Các khoản còn lại sử dụng TK 1388 và TK 3388 chi tiết cho bên giao và bên nhận ủy thác để hạch toán.

Tài liệu tham khảo

Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN, ngày 22/12/2014.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *