Tin quốc tế

KIỂM TOÁN NGHI NGỜ KHẢ NĂNG HOẠT ĐỘNG, CỔ PHIẾU AIRASIA BỊ TẠM NGỪNG GIAO DỊCH

Tiêu đề KIỂM TOÁN NGHI NGỜ KHẢ NĂNG HOẠT ĐỘNG, CỔ PHIẾU AIRASIA BỊ TẠM NGỪNG GIAO DỊCH Ngày đăng 2020-07-10
Tác giả Admin Lượt xem 1233

Cổ phiếu AirAsia bị tạm ngừng giao dịch ngày 8/7 sau khi Hãng Kiểm toán Ernst & Young (EY) bày tỏ “nghi ngờ” về khả năng duy trì hoạt động của hãng hàng không này. Ngày hôm sau, AirAsia thông báo đang thảo luận với nhiều bên về khoản tài trợ 234 triệu USD.

Trong báo cáo gửi tới Sàn giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur, EY cho biết đã tìm thấy “những bất trắc mang tính trọng yếu” có thể gây ra “những nghi ngờ đáng kể” về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không giá rẻ AirAsia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc nhiều nước đóng cửa biên giới và hạn chế di chuyển.

EY lưu ý về khoản lỗ ròng 283 triệu ringgit (66,2 triệu USD) của AirAsia trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, đồng thời nhấn mạnh nợ ngắn hạn của tập đoàn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 1.843 triệu ringgit (432 triệu USD).

“Lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới của nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không giảm mạnh, ảnh hưởng tới tình hình tài chính và dòng tiền của Tập đoàn AirAsia”, báo cáo EY viết. 

Theo Nikkei Asian Review, cổ phiếu AirAsia bị tạm ngừng giao dịch giữa buổi sáng hôm 8/7 và được phép nối lại giao dịch vào 2 giờ 30 phút chiều cùng ngày. Trước khi bị ngừng, AirAsia có giá 0,86 ringgit/cp (0,2 USD). Kết phiên, giá cổ phiếu lao dốc xuống 0,7 ringgit/cp (0,16 USD), giảm hơn 17,5% so với giá đóng cửa hôm trước.

Hôm 5/7, AirAsia báo cáo khoản lỗ quí I/2020 lên đến 804 triệu ringgit (189 triệu USD). Trong khi đó, cùng kì năm ngoái, AirAsia lãi 96 triệu ringgit (23 triệu USD).

Khủng hoảng COVID-19 khiến hầu hết các thị trường chính của AirAsia phải đóng cửa biên giới, bao gồm Malaysia, Thailand, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ.

EY chỉ ra hoạt động kinh doanh của AirAsia đã có một số điểm tích cực, ví dụ như xu hướng đặt vé của hành khách, tần suất chuyến bay và tỉ lệ lấp đầy chuyến bay đang dần được cải thiện.

EY nói thêm rằng báo cáo tài chính của AirAsia được lập dựa trên giả định tập đoàn hoạt động liên tục, trên thực tế khả năng này sẽ phụ thuộc vào liệu AirAsia có phục hồi thành công sau đại dịch hay không. 

Tương lai của hãng hàng không giá rẻ này cũng sẽ được định đoạt bởi kết quả của những cuộc thảo luận với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư. Hôm 9/7, AirAsia thông báo đang trong quá trình thảo luận về khoản tài trợ 1 tỉ ringgit (234 triệu USD). 

AirAsia tuyên bố: “Chúng tôi đã nhận được lời đề nghị dưới các hình thức huy động vốn khác nhau, ví dụ như tài trợ bằng nợ hoặc bằng vốn cổ phần. Chúng tôi đang trong quá trình bàn bạc với nhiều bên, bao gồm các ngân hàng đầu tư, tổ chức tín dụng cũng như nhà đầu tư”. 

Sau thông báo trên, kết phiên 9/7 giá cổ phiếu AirAsia đã tăng 5%. 

Hãng nghiên cứu CGS-CIMB cho biết AirAsia sẽ cần 3 tỉ ringgit (702 triệu USD) để đảm bảo vị thế tiền mặt lành mạnh. Tuy nhiên, các nỗ lực huy động vốn có thể khiến quyền sở hữu của nhà đầu tư bị pha loãng. 

Nhà phân tích Raymond Choo của ngân hàng đầu tư Kenanga Investment Bank cho biết trong trung hạn, AirAsia sẽ phải đối mặt với môi trường hoạt động khắc nghiệt do những hạn chế trong di chuyển. Ngoài ra, các chính phủ nhiều khả năng sẽ yêu cầu các hãng hàng không giảm tỉ lệ lấp đầy chuyến bay.

Theo bà Nur Farah Syifaa Mohamad Fuad của Public Investment Bank, AirAsia dự kiến sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế vào quý III/2020. Hãng hàng không này dự đoán thị trường sẽ bình thường trở lại vào cuối năm 2021.

  • theo Kinh tế & Tiêu dùng

 

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *