Nghiên cứu trao đổi

Kiểm toán nội bộ – Công cụ kiểm soát tài chính thiết yếu

Tiêu đề Kiểm toán nội bộ – Công cụ kiểm soát tài chính thiết yếu Ngày đăng 2017-09-28
Tác giả Admin Lượt xem 1081

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T7/2017)
PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

Yêu cầu mang tính bản chất của hoạt động tài chính là phải an toàn, hiệu quả, minh bạch. Mỗi tổ chức kinh tế phải thiết lập và duy trì sự hiện hữu, hiệu lực của ba vòng kiểm soát, trong đó có kiểm toán nội bộ (KTNB). KTNB, công cụ quản lý của các nhà lãnh đạo, quản lý tài chính Nhà nước (TCNN) cũng như doanh nghiệp (DN) để kiểm soát, đánh giá, phân tích tình hình hoạt động TCNN, tài chính của DN, đánh giá và điều chỉnh chiến lược hoạt động, chiến lược kinh doanh sao cho có hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn tài sản, vốn và chiến thắng trong cạnh tranh. KTNB cũng là công cụ để phân tích, đánh giá chất lượng của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ.

Trong nền kinh tế thị trường, KTNB đã dần dần mở rộng phạm vi trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của tổ chức trong DN và hướng hoạt động vào việc cải thiện những phương thức quản lý trong DN. KTNB có thể hiểu như bộ phận phụ trách việc xem xét lại một cách định kỳ các biện pháp mà Ban giám đốc và các nhà quản lý áp dụng để quản lý và kiểm soát DN. Mục tiêu chính của KTNB là kiểm tra tính hợp lý, hiệu quả của các thủ tục tổ chức cơ cấu, độ tin cậy và trung thực của các thông tin kế toán, tính hợp lý, hợp pháp của các nghiệp vụ kinh tế.

Có thể nói, KTNB là công cụ giúp cho lãnh đạo DN phân tích hoạt động đầu tư, kinh doanh, kiểm soát, đánh giá các chiến lược phát triển kinh doanh của DN, các hành vi quản lý. KTNB cung cấp các căn cứ, để lãnh đạo DN điều hành sản xuất kinh doanh có hiệu quả và chiếm lĩnh được thị trường.

KTNB là công cụ kiểm tra, đánh giá hoạt động của DN ở từng bộ phận, ở tất cả các giai đoạn trước, trong và sau quá trình kinh doanh. KTNB là một công việc thường xuyên theo yêu cầu và chỉ đạo của lãnh đạo DN. KTNB là tai mắt cho tổ chức, cho DN. Mục đích của KTNB là tạo ra công cụ, để phân tích toàn bộ hoạt động chiến lược, để rút kinh nghiệm trong quản lý, trong điều hành. Đồng thời, đề ra chiến lược phát triển của riêng bản thân DN. Thông qua hoạt động kiểm toán mà kiểm soát hoạt động tài chính của DN, đảm bảo chi tiêu có lợi, tiết kiệm, minh bạch về số liệu kế toán.

Có thể thấy, KTNB có ba chức năng lớn là:
– Phân tích chiến lược hiện tại và dự đoán tương lai.
– Quản trị rủi ro và ngăn ngừa, khắc phục các hậu quả rủi ro trong hoạt động kinh tế, tài chính, hoạt động kinh doanh của đơn vị, thông qua việc tổ chức và kiểm soát hệ thống thông tin, truyền thông.
– Kiểm soát hoạt động tài chính.

Cùng với Kiểm toán độc lập, KTNB sẽ giúp cho DN có thể công khai Báo cáo tài chính với độ tin cậy và củng cố lòng tin, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. KTNB là công cụ trực tiếp của DN. Nhà nước chi phối, hình thành quy chế kiểm toán, tạo môi trường cho KTNB hoạt động có hiệu quả. Nhà nước vừa là cơ quan quản lý vừa là chủ sở hữu tài sản ở các DN Nhà nước. KTNB phải trở thành nhu cầu thiết yếu của DN, cũng như kiểm toán độc lập phải trở thành nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, của các nhà đầu tư và cũng của chính DN.

Cách đây vừa đúng 20 năm, sau khi hình thành kiểm toán độc lập (1991) và kiểm toán Nhà nước (1994), Ngày 28/10/1997 Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 832-TC/QĐ/CĐKT, về quy chế KTNB áp dụng cho các DN. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam về KTNB. Rất tiếc, vì một số nhận thức không đầy đủ và quan điểm thiếu nhất quán, nên ở thời gian đó, văn bản này đã không được triển khai một cách nghiêm túc. Sau gần 20 năm, trước những bất cập trong kiểm tra, kiểm soát các hoạt động TCNN, tài chính DN và sự đòi hỏi của yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, của kinh tế thị trường, vấn đề kiểm soát nội bộ, KTNB đã chính thức đưa vào quy định, mang tính pháp lý trong Luật Kế toán (2015).

Rất cần sự thống nhất về nhận thức, sự quyết liệt của các cơ quan Nhà nước, sự tham gia tích cực của các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tài chính, các DN để sớm hình thành mô hình tổ chức KTNB, phương thức hoạt động và hình thành đội ngũ kiểm toán viên độc lập,… góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của từng đơn vị, cũng như sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia, sự minh bạch công khai của tài chính DN./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *