Tư vấn hỏi đáp

Kiểm toán Nội bộ – Hoạt động phòng thủ thứ ba của đơn vị

Tiêu đề Kiểm toán Nội bộ – Hoạt động phòng thủ thứ ba của đơn vị Ngày đăng 2017-09-14
Tác giả Admin Lượt xem 1615

Nhằm giúp tài chính của doanh nghiệp lành mạnh hơn, hạn chế tối đa sự thất thoát không đáng có và đặc biệt cần sớm hình thành 3 vòng hiệu lực mang tính cương tỏa ở các tổ chức kinh tế, ở các doanh nghiệp, ngày 4/8/2017, được sự đồng ý của Bộ Tài chính và cùng sự phối hợp của CPA Australia, VAA đã tổ chức thành công khóa đào tạo về Kiểm toán nội bộ (KTNB) theo chuẩn mực quốc tế. Diễn giả là TS. AJ Prurcell FCPA – Giám đốc Hiệp hội Kiểm toán viên Công chứng Australia, giảng viên của nhiều trường đại học tại Úc.

Tại khóa đào tạo, chuyên gia đã truyền đạt cho học viên những kiến thức về KTNB mang tính chuẩn mực quốc tế, để từ đó các học viên có điều kiện nghiên cứu về kỹ năng, về phương pháp nghiệp vụ cũng như tăng cường nhận thức để hình thành một quy chế về KTNB thật toàn diện.
Trước đó, VAA cũng đã tổ chức thành công 4 khóa đào tạo cho các tập đoàn kinh tế lớn với 6 chuyên đề, từ chính sách, đường lối cho đến kỹ năng cụ thể về KTNB.

Bên lề của khóa đào tạo, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, học viên:

Bà Lê Thị Tuyết Nhung – Phó vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính cho rằng: Cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hội nghề nghiệp đối với KTNB.

Trong bối cảnh môi trường hoạt động, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay, nhu cầu về sự minh bạch, về cơ cấu quản trị mạnh và hiểu rõ về rủi ro của đơn vị trở nên lớn hơn bao giờ hết. Điều đó, đòi hỏi các đơn vị phải thiết lập chức năng của KTNB cho mục tiêu quản trị của tổ chức mình.

Hiện nay, ở Việt Nam, tuy kiểm toán nội bộ mới được đề cập trong luật kế toán 2015, nhưng thực tế nhu cầu triển khai hoạt động KTNB đã phát triển ngày càng tăng. Để hoạt động KTNB phát triển, vai trò của Hội nghề nghiệp là rất quan trọng. Hội nghề nghiệp là kênh tuyên truyền tích cực về vai trò của KTNB; là nơi đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên nội bộ; Hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Nhà nước đẩy mạnh việc xây dựng và thiết kế các quy định pháp lý cơ bản cho hoạt động KTNB, cũng như xây dựng chương trình đào tạo thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ và chương trình bồi dưỡng chuyên sâu cho kiểm toán viên nội bộ. Chủ động nghiên cứu, soạn thảo và trình cơ quan Nhà nước ban hành các chuẩn mực về KTNB, các hướng dẫn về quy chế KTNB.
Hội cần tư vấn, hướng dẫn cho kiểm toán viên nội bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Hội là diễn đàn để các kiểm toán viên nội bộ trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Bà Bùi Thị Lệ Phương – Giám đốc Cty TNHH Tài chính, Kế toán thuế Centax cho rằng: Hội nghề nghiệp cần định hướng, phát triển hoạt động KTNB:

– Định hướng, phát triển hoạt động của KTNB cho các doanh nghiệp, các kế toán viên hành nghề.
– Từ tình hình thực tế, cập nhật tập hợp những ý kiến, những yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, kiến nghị với cơ quan chức năng, để xây dựng chính sách, quy định, cơ chế cho KTNB hoạt động hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế khách quan.
– Tuyên truyền những chính sách, chế độ, lợi ích cũng như ý thức thực hiện công tác KTNB cho các tổ chức, cá nhân, để các tổ chức này thấy sự cần thiết và tự nguyện thực hiện KTNB.

Bà Trần Thiên Hương – Trưởng đại diện CPA úc tại Việt Nam nhấn mạnh: Cập nhật kiến thức về KTNB – VAA và CPA Úc đang đi đúng hướng theo nhu cầu của xã hội, cũng như là nhu cầu về chuyên môn của các hội viên.

Đây là một ý tưởng rất hay của VAA và CPA Úc trong việc tổ chức khóa đào tạo này, vì VAA và CPA Úc đều có rất nhiều hội viên làm việc rất sâu trong chuyên ngành KTNB. Hơn nữa, lĩnh vực KTNB đang là lĩnh vực tập trung sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước, để đảm bảo tính tuân thủ của luật pháp. Trước mắt từ những yêu cầu như vậy, CPA Úc đã có kế hoạch với các Hội để hợp tác. Trước đó, CPA Úc và VAA đã tổ chức 2 cuộc hội thảo về chủ đề này. Tất nhiên, là sau mỗi lần hội thảo, tôi thấy VAA và CPA Úc đang đi đúng hướng theo nhu cầu của xã hội cũng như là nhu cầu về chuyên môn của các hội viên của mình.

Hy vọng, những hội thảo chuyên môn, sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai. Về phía CPA Úc sẽ cam kết thường xuyên cùng với phía VAA tìm hiểu nhu cầu của hội viên, để đáp ứng một cách tốt nhất. Trong tương lai, CPA Úc và VAA tiếp tục triển khai chủ đề KTNB làm thế mạnh. Về chia sẻ kiến thức quốc tế với VAA, CPA Úc sẽ tiếp tục trao đổi thêm, để tìm hiểu làm thế nào, để đúc kết, nhân rộng và tổng hợp lại những kiến thức lĩnh vực KTNB, bằng cách xuất bản những ấn phẩm.

Trong thời gian thích hợp, CPA Úc sẽ tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng phối hợp cùng VAA, tổ chức một lớp tập huấn về KTNB tại phía Nam.

Ông Phan Mạnh Hùng – Phó trưởng phòng – Phòng Nghiệp vụ 2, Vụ KTNB – Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng bày tỏ: KTNB thực sự cần thiết cho các doanh nghiệp, đơn vị.

Theo Điều 1, Nghị định số 100/2002/NĐ-CP, ngày 06/12/2002, của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam không phải là Doanh nghiệp.

Điều 39, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015, đã quy định cụ thể về KTNB tại Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, KTNB thực sự rất cần thiết đối với đơn vị, tổ chức. KTNB là một bộ phận không tách rời của quá trình quản trị nội bộ, có vai trò quan trọng đối với hoạt động của đơn vị, tổ chức; giúp “bảo vệ giá trị cho tổ chức”, giữ vai trò “quan sát viên độc lập” nhằm đảm bảo hoạt động của tổ chức tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước, quy định, quy tắc của tổ chức. KTNB là công cụ giúp phát hiện, cải tiến những điểm yếu của hệ thống quản lý và là 1 trong 3 tầng phòng thủ của hệ thống quản trị nội bộ của tổ chức. Chỉ khi tuyến phòng thủ này hoạt động tốt, thì thông tin tài chính của đơn vị, tổ chức mới có thể chính xác, minh bạch.
Yêu cầu đối với Kiểm toán viên nội bộ? Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, Kiểm toán viên nội bộ cần phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn cơ bản như:
– Có phẩm chất chính trực: Trung thực và đáng tin cậy.
– Khách quan: Kỹ năng duy trì tính khách quan nghề nghiệp và tính công bằng, hợp lý khi đưa ra các kết luận kiểm toán.
– Chưa có tiền án và chưa có kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán.
– Bảo mật: Coi trọng quyền sở hữu thông tin, không tiết lộ thông tin của tổ chức, khi chưa được sự đồng ý của bên có thẩm quyền.
– Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Có khả năng đáp ứng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.

Kiểm toán viên nội bộ hội tụ được những tiêu chuẩn trên, sẽ giúp cuộc kiểm toán hạn chế tối đa rủi ro kiểm toán và giúp Đoàn kiểm toán đưa ra kết luận kiểm toán phản ánh chính xác.

Bà Lê Thị Kiều Trang – cán bộ KTNB – Ngân hàng Vietcombank cho biết: KTNB cần thiết đối với Ngân hàng Vietcombank nhưng còn một số vướng mắc khi thực hiện:

– Với đặc thù nghiệp vụ Ngân hàng được điều chỉnh bởi Luật Tổ chức tín dụng (TCTD), vì vậy lĩnh vực KTNB cũng được quan tâm và được quản lý bởi nhiều quy định chi tiết hơn. VD: Thông tư số 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và KTNB của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều đó cho thấy, lĩnh vực KTNB thực sự cần thiết tại hoạt động của Ngân hàng.

Ngoài ra, lĩnh vực ngân hàng liên quan về tài chính, các rủi ro về tài chính, rủi ro gian lận cao. Vì vậy, vòng phòng thủ thứ ba là KTNB là cần thiết.

Tại Vietcombank, hoạt động phòng thủ thứ 3 được quan tâm của lãnh đạo cấp cao do tầm nhìn về quản trị rủi ro, chiến lược rủi ro cần được chú ý và KTNB hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo cấp cao.
– Vướng mắc trong quá trình thực hiện nói chung:
Tính độc lập: Về mặt tổ chức KTNB chưa thực sự độc lập. Tuy vậy, về hoạt động kiểm toán có thể đảm bảo tính độc lập này.

Khả năng về kiểm toán công nghệ thông tin: Hiện tại, chưa phải tổ chức nào cũng có được cán bộ thực sự có hiểu biết kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vietcombank đã nhìn nhận được điều này trong quá trình tuyển dụng, đã tuyển những cán bộ có khả năng về kiểm toán công nghệ thông tin và có hiểu biết về nghiệp vụ ngân hàng./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *