Nghiên cứu trao đổi

Kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp tại Việt Nam Thực trạng và giải pháp (Internal audit in Vietnamese firms Current situations and solutions)

Tiêu đề Kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp tại Việt Nam Thực trạng và giải pháp (Internal audit in Vietnamese firms Current situations and solutions) Ngày đăng 2017-12-28
Tác giả Admin Lượt xem 2379

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2017)

                                                                                                       Nhận: 28/9/2017
                                                                                                       Biên tập: 09/10/2017
                                                                                                       Duyệt đăng: 16/10/2017

Ngày 28/10/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 832-TC/QĐ/CĐKT về việc ban hành quy chế Kiểm toán nội bộ (KTNB) áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) Nhà nước. Thực tế, sau 20 năm vận dụng Quy định trên, đã tồn tại rất nhiều những hạn chế từ quan điểm, nhận thức về vai trò của KTNB đến quá trình vận hành cụ thể tại các DN. Với thực tế đó, trong các DN, đặc biệt là DN Nhà nước, vẫn tồn tại rất nhiều các lỗ hổng trong hoạt động kiểm soát, tồn tại nhiều tiêu cực. Bài viết trình bày thực trạng và đưa ra giải pháp, tổ chức thực hiện KTNB trong các DN một cách có hiệu quả.
Từ khóa: KTNB; Kiểm soát nội bộ.

On October 28, 1997, the Minister of Finance has issued decision 832-TC/QD/CDKT about issued internalaudit regulations applicable to State enterprises.After 20 years of practice to apply rules on already exists so many limitations from the perspective, awareness of the role of internal audit to the specific operating processes at enterprises.The fact that, in enterprises, especially State-owned enterprises still exist a lot of vulnerabilities in control operations, exist many negative.The paper presents the reality and given solutions to organize the implementation of internal audit in enterprises effectively.
Keywords: Internal audit, Internal control.

KTNB là một công cụ kiểm soát thiết yếu, giúp các nhà quản lý Kinh tế – Tài chính đánh giá và điều chỉnh chiến lược hoạt động, chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, là một công cụ kiểm tra, phân tích, đánh giá chất lượng của hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB), qua đó đảm bảo an toàn về tài sản, hạn chế các tiêu cực, đảm bộ độ tin cậy của các thông tin kinh tế tài chính.

Hiện nay, trong các DN Việt Nam, việc tổ chức KTNB vẫn chưa được coi trọng, có rất ít các DN tổ chức thành lập bộ phận KTNB hoặc việc tổ chức còn mang tính hình thức chưa đúng với bản chất, chức năng của KTNB. Thực thế đó, xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Về quan điểm, nhận thức.
Đây là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến việc tổ chức, vận hành KTNB trong đơn vị.
Các nhà quản lý có các quan điểm khác nhau trong nhận thức về vai tròC, tác dụng của KTNB trong hoạt động kiểm soát của đơn vị. Có rất nhiều quan điểm cho rằng, việc tổ chức bộ phận KTNB là không cần thiết, do có thể làm cho bộ máy quản lý cồng kềnh, tăng chi phí của đơn vị, đặc biệt là tâm lý của các nhà quản lý không muốn có một bộ phận kiểm tra, đánh giá hoạt động do chính mình là người quản lý, điều hành.

Thứ hai: Sự thiếu kiên quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay, chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy chế KTNB, chưa có các quy định cũng như các chế tài bắt buộc các DN phải tổ chức bộ phận KTNB. Quốc hội đã ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập nhưng chưa ban hành luật riêng về KTNB mà chỉ quy định một điều về KTNB trong Luật Kế toán 2015, chưa ban hành chuẩn mực KTNB cũng như các quy định về địa vị pháp lý, trách nhiệm, quyền hạn của KTNB

Thứ ba: Còn nhiều hạn chế về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về KTNB
Các trường Đại học, các cơ sở đào tạo chưa chú trọng tập trung đào tạo về KTNB. Đa số các trường Đại học khối kinh tế của Việt Nam chỉ tập trung đào tạo nghiệp vụ về Kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước, chưa đưa môn học KTNB vào trương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, có rất ít các trung tâm đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về KTNB.

Thứ tư: Tính độc lập của kiểm toán viên nội bộ chưa được xác lập và đảm bảo.
KTNB là bộ phận trực thuộc đơn vị, lại tiến hành kiểm tra, kiểm soát hoạt động chính đơn vị đó. Do đó, trong quá trình thực hiện tính độc lập chưa được đảm bảo. Tại nhiều đơn vị kiểm toán viên nội bộ vẫn còn kiêm nhiệm các cương vị, các công việc chuyên môn khác trong bộ máy điều hành của đơn vị. Nên dẫn đến, kiểm toán viên nội bộ lâm vào tình trạng không có khả năng và cơ hội đưa ra ý kiến một cách khách quan, trong quá trình hoạt động kiểm toán cũng như trong việc đánh giá và trình bày ý kiến trong báo cáo kiểm toán.

Do đó, KTNB chưa thực sự trở thành công cụ quản lý có hiệu quả, chưa thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi tiêu cực, gian lận, sai sót trong quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế tài chính trong đơn vị.

Thứ năm: Tổ chức thực hiện KTNB tại đơn vị còn mang tính hình thức
Hiện nay tại các đơn vị, việc tổ chức bộ phận KTNB còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo đúng với chức năng, nhiệm vụ của KTNB. Hình thức và phạm vi KTNB vẫn mang tính chất như, Kiểm tra kế toán, vẫn chủ yếu thực hiện kiểm tra sau hoạt động xảy ra và chỉ tập trung vào những bộ phận nội dung, chỉ tiêu chứa đựng nhiều sai phạm với rủi ro cao. Phương pháp kiểm toán ở các đơn vị, mới chỉ áp dụng các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán giống như các phương pháp kiểm tra kế toán. Hầu hết, các đơn vị khi thực hiện kiểm toán chưa có sự nghiên cứu, đánh giá về hệ thống KSNB. Từ đó, chưa xác định đúng nội dung, quy mô, phạm vi và thời gian kiểm toán.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tổ chức KTNB trong các DN một cách có hiệu quả, đúng với nhiệm vụ và chức năng của KTNB, cần thực hiện một số các giải pháp sau:

Một là:
Cần thống nhất về nhận thức, quan điểm về vai trò ý nghĩa của KTNB
Đây là yếu tố rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc tổ chức, vận hành KTNB trong DN. Các nhà quản lý cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của KTNB, trong việc kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện các sai phạm trong quản lý. Cần có một cái nhìn bao quát tổng thể, vĩ mô về vai trò của KTNB. Việc tổ chức bộ phận KTNB, ban đầu có thể làm tăng các chi phí cho DN. Tuy nhiên, hiệu quả của nó đem lại vô cùng lớn, nhờ có bộ phận KTNB có thể ngăn ngừa, phát hiện ra các hành vi gian lận làm thất thoát tài sản có thể gấp nhiều lần chi phí tổ chức và duy trì hoạt động của bộ phận KTNB.

Các nhà quản lý DN cũng cần có một cái nhìn tích cực hơn về KTNB, đây không hoàn toàn là bộ phận kiểm tra, kiểm soát hành vi của cá nhân hay tập thể, mà bản chất cuối cùng của nó là xây dựng một DN phát triển bền vững do chính mình quản lý, điều hành, đóng góp vào sự phát triển chung của Kinh tế – Xã hội.

Hai là: Cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước
Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động KTNB, Nhà nước cần xây dựng và ban hành những quy định cho hoạt động KTNB phù hợp với điều kiện mới, với nội dung hướng dẫn các đơn vị thiết lập bộ phận KTNB. Nhà nước cần ban hành các quy định và chế tài, bắt buộc các DN phải tổ chức bộ phận KTNB.

Về phía Bộ Tài chính, cần ban hành các chuẩn mực và hướng dẫn KTNB theo hướng tiếp cận chuẩn mực và thông lệ của quốc tế. Hướng dẫn vào thực tế, áp dụng khung KTNB và quản trị rủi ro theo mô hình chuẩn, để làm tiền đề cho KTNB phát triển theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định về địa vị pháp lý, tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp cũng như về quyền hạn và trách nhiệm của KTNB.

Ba là: Tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về KTNB
Đây là một giải pháp mang tính lâu dài trong chiến lược phát triển KTNB, tại Việt Nam.
Đối với các trường Đại học: Tập trung trang bị cho sinh viên những kiến thức về KTNB, có thể đưa môn học KTNB vào chương trình học bắt buộc, đối với các sinh viên chuyên nghành Kế toán – Kiểm toán.

Đối với các tổ chức Hội nghề nghiệp: Thường xuyên mở các lớp về đào tào cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ KTNB theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Hợp tác với các tổ chức kiểm toán hàng đầu trên thế giới, nhằm hỗ trợ trong việc trao đổi kinh nghiệm hoặc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua việc hợp tác, có thể cập nhật thêm các xu hướng cho việc áp dụng tại các DN và chuẩn mực mới, để cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện về mặt khuôn khổ pháp lý. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác KTNB.

Bốn là: Đảm bảo tính độc lập, nâng cao địa vị pháp lý của các Kiểm toán viên nội bộ

Bộ phận KTNB phải đảm bảo tách biệt và độc lập với các đơn vị, các bộ chức năng của đơn vị. Ban KTNB của đơn vị phải có địa vị thỏa đáng trong bộ máy tổ chức của đơn vị, để có thể hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán.

Phải có các quy định về tính độc lập của Kiểm toán viên Nội bộ, trong quá trình thực hiện kiểm toán: Kiểm toán viên nội bộ không tham gia kiểm toán các hoạt động mà mình chịu trách nhiệm thực hiện, hoặc quản lý trước đây. Kiểm toán viên nội bộ không được kiểm toán một đơn vị, bộ phận trong vòng ba (03) năm liên tiếp,…

Mục đích, quyền hạn và trách nhiệm của bộ phận KTNB phải được nêu rõ trong văn bản chính thức. Trong quy chế hoạt động của KTNB phải xác định rõ địa vị của bộ phận KTNB, cho phép bộ phận KTNB được phép tiếp cận sổ kế toán, nhân viên và tài sản hiện vật có liên quan đến công việc kiểm toán và quy định rõ phạm vi hoạt động của KTNB.

Năm là: Tuân thủ đúng phương pháp, quy trình của kiểm toán
Trong quá trình thực hiện KTNB, cần tuân thủ đúng các phương pháp, quy trình của một cuộc kiểm toán, từ giai đoạn chuẩn bị kiểm toán đến giai đoạn kết thúc kiểm toán, đưa ra ý kiến và kiến nghị.

Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, Kiểm toán viên nội bộ cần nghiên cứu và đánh giá đúng đắn về hệ thống kiểm soát nội bộ, nhằm xác định đúng phạm vi kiểm toán. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm toán phù hợp, trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, cần áp dụng đa dạng các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán: Kiểm tra, phân tích, quan sát, phỏng vấn, … để thu được các bằng chức có độ tin cậy cao nhất; trong giai đoạn kết thúc kiểm toán, ý kiến đưa ra phải đảm bảo độ tin cậy, đúng sự thật.

KTNB là một công cụ, giúp các Nhà quản lý kiểm soát và điều hành hoạt động của đơn vị. Để KTNB thực sự là một công cụ hữu hiệu, công cụ đó phải đặt đúng trong tay một Nhà quản lý vừa có Tâm và có Tầm. Như vậy, có thể yên tâm về mức độ tin cậy của thông tin kinh tế tài chính cũng như việc đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, của đơn vị./.

Tài liệu tham khảo
1. PGS.TS Đặng Văn Thanh “KTNB – Công cụ kiểm soát thiết yếu”
2. PGS.TS Giang Thị Xuyến, “Một số giải pháp nhằm đảm bảo tính độc lập của KTNB trong đơn vị”, Tạp chí Kiểm toán Nhà nước.
3. TS Phan Trung Kiên “KTNB trong DN”, NXB Tài chính.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *