Nghiên cứu trao đổi

Nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin kế toán môi trường (Factors influencing the disclosure of environmental accounting information)

Tiêu đề Nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin kế toán môi trường (Factors influencing the disclosure of environmental accounting information) Ngày đăng 2018-01-22
Tác giả Admin Lượt xem 1627

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2017)

Nhận: 27/9/2017
Biên tập: 09/10/2017
Duyệt đăng: 18/10/2017

Thông tin kế toán về các vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm, điều này yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải dần dần công bố thông tin kế toán môi trường (KTMT) cho người sử dụng. Nghiên cứu này, tóm tắt các lý thuyết giải thích việc công bố thông tin KTMT của DN và các nghiên cứu về việc công bố thông tin KTMT, từ các nghiên cứu nước ngoài và trong nước.

Accounting information on environmental issues is getting more attention, which requires enterprises to gradually disclosure environmental accounting information to users. This study on summarizes of theories explains the disclosure of environmental accounting information of enterprises and studies on the disclosure of environmental accounting information from foreign and Vietnam.

Các lý thuyết giải thích việc công bố thông tin KTMT
Một số lý thuyết giải thích việc công bố thông tin KTMT như: Lý thuyết tự nguyện công bố thông tin, lý thuyết thể chế, lý thuyết hợp pháp, lý thuyết trách nhiệm xã hội DN, lý thuyết các bên liên quan.
(1) Lý thuyết tự nguyện công bố thông tin (voluntary disclosure theory)

Lý thuyết tự nguyện công bố cho rằng, mục đích của công bố tự nguyện là do các hoạt động môi trường có thể chuyển thông tin cho các cổ đông (Li và cộng sự năm 1997; Bewley & Li, 2000). Họ sử dụng hiệu quả môi trường mục tiêu như là một cách để chuyển thông tin, hy vọng rằng các nội dung của việc công bố các hoạt động môi trường có thể liên quan tích cực đến hoạt động môi trường, và hy vọng thông qua việc công bố thông tin môi trường sẽ chuyển chiến lược môi trường của DN đến cổ đông (Clarkson và cộng sự, 2008).

(2) Lý thuyết thể chế (Institutional theory)
Quan điểm lý thuyết về thể chế, chủ yếu dựa trên các quan điểm lý thuyết xã hội và kinh tế (DiMaggio và Powell, 1983). Lý thuyết này, khám phá cách cơ cấu tổ chức và hành động được hình thành bởi các lực lượng thể chế. Chẳng hạn như: Chính phủ, các cơ quan chuyên môn và xã hội xung quanh các tổ chức. Có ba áp lực có thể xảy ra: áp lực ép buộc, áp lực bắt chước và áp lực quy chuẩn.
Thứ nhất, áp lực ép buộc được giải thích là sự tuân thủ các quy định hiện hành. Dưới áp lực ép buộc, chính phủ và các cơ quan quản lý có thể can thiệp và ảnh hưởng đến các DN, tuân thủ các quy định hiện hành.
Thứ hai, áp lực bắt chước là phản ứng của một công ty, đối với các kỹ thuật đã được chứng minh, hoặc qua thực tiễn của các công ty cạnh tranh khi phải đối mặt với tình huống mơ hồ và không chắc chắn.
Thứ ba, áp lực quy chuẩn nhấn mạnh tầm quan trọng của áp dụng tự nguyện, để giảm áp lực ép buộc. Ba loại áp lực này, không khác biệt về mặt thực nghiệm và có xu hướng chồng lên nhau.

(3) Lý thuyết hợp pháp (Legitimacy theory)

Lý thuyết hợp pháp khẳng định rằng, để một công ty tiếp tục hoạt động thành công, nó phải hành động trong phạm vi ranh giới và định mức mà xã hội xác định là hành vi có trách nhiệm với xã hội (O’Donovan, 2002). Deegan và Unerman (2011) xác định, lý thuyết hợp pháp là “hợp đồng xã hội” giữa một tổ chức và xã hội mà nó hoạt động. Trong một môi trường như vậy, các công ty cố gắng hợp pháp hóa các hành động của mình bằng cách tham gia vào các báo cáo CSR, để được phê duyệt về mặt xã hội (Omran & Ramdhony, 2015). Lý thuyết về thể chế đã đặt nền móng cho lý thuyết hợp pháp vì nó coi nhiều hoạt động của tổ chức như là động lực của các hành vi tìm kiếm hợp pháp, và do đó bị ảnh hưởng bởi các quy tắc xã hội.

Gary ODonovan (2006) nhận định, phần lớn các nghiên cứu hiện tại chỉ ra lý do tại sao các công ty công bố thông tin môi trường trong báo cáo hàng năm là do lý thuyết hợp pháp, đây là một trong những giải thích cho sự gia tăng công bố môi trường, kể từ đầu những năm 1980. Lý thuyết chính thức dựa trên ý tưởng rằng, để tiếp tục hoạt động thành công, các công ty phải hành động trong phạm vi của xã hội mà nhận thức được như hành vi được xã hội chấp nhận.

(4) Lý thuyết trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsible theory)
Trách nhiệm xã hội DN (CSR) được Howard Rothmann Bowen công bố năm 1953, trong quyển Social Responsibilities of the Businessmen. Nhằm mục đích, tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại, do các DN làm tổn hại cho xã hội.
Theo Chính phủ Anh, CSR được định nghĩa là “Các hành động tự nguyện mà DN có thể thực hiện và tuân thủ các yêu cầu pháp lý tối thiểu, để giải quyết cả lợi ích cạnh tranh của mình và lớn hơn là lợi ích của xã hội”
Ủy ban Châu Âu đưa ra một định nghĩa khác CSR “Một khái niệm mà theo đó, các công ty tích hợp các mối quan tâm xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh”.
(Adapted from Business in the Community, 2010) CSR là tác động tích cực của công ty đến việc cải thiện các tác động tiêu cực đối với xã hội và môi trường. Thông qua hoạt động, sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, thông qua sự tương tác với các bên liên quan chính như nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư, cộng đồng và nhà cung cấp.

(5) Lý thuyết các bên liên quan (Stakeholder theory)
Lý thuyết các bên liên quan được Edward Freeman sử dụng lần đầu tiên năm 1984, trong tác phẩm quản trị chiến lược. Các bên có liên quan gồm, bất kỳ cá nhân hoặc nhóm người nào quan tâm đến công ty, vì họ có thể gây ảnh hưởng hoặc chịu ảnh hưởng bởi công ty. Freeman chia bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thành hai nhóm: bên trong và bên ngoài DN. Nhà quản lý và nhân viên là bên liên quan bên trong DN, các bên liên quan bên ngoài DN như cổ đông, nhà cung cấp, cơ quan chính phủ, … Lý thuyết các bên liên quan có nhiều ứng dụng, trong đó có ứng dụng vào lĩnh vực kế toán cho rằng thành công của công ty phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên liên quan, bởi vì họ cung cấp nguồn lực hữu hình hoặc vô hình để đảm bảo sự tồn tại của bất kỳ công ty nào. Các nguồn lực đó, có thể là nguồn lực tài chính (cổ đông), môi trường hoạt động và dịch vụ công (cơ quan chính phủ), sức lao động (nhân viên) … Vì vậy, công ty có trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin giải thích về hoạt động kinh doanh của công ty cho các bên liên quan, thay vì chỉ cung cấp thông tin cho chủ sở hữu.

Các nghiên cứu về công bố thông tin KTMT
Các nghiên cứu tiêu biểu cho nhóm này, gồm các nghiên cứu của Gamble và cộng sự (1995), Kreuze và cộng sự (1996), Frost và Wilmshurst (1996), Fekrat và cộng sự (1996), Deegan và Gordon (1996), Deegan và Rankin (1996), Adams và cộng sự (1998), Deegan và cộng sự (2000),.. Cụ thể, nội dung có thể tóm tắt như sau:

Nghiên cứu của Gamble và cộng sự (1995) đã điều tra chất lượng công bố thông tin môi trường, trên báo cáo hàng năm của 234 công ty trong 12 ngành công nghiệp, được cho là có tác động lớn đến môi trường, từ năm 1986 đến năm 1991. Kết quả cho thấy, chất lượng công bố thông tin môi trường thấp. Tuy nhiên, một số ngành lọc dầu, quản lý chất thải độc hại, sản xuất thép có thông tin môi trường được công bố là có chất lượng. Nhìn chung, nghiên cứu ghi nhận nguyên nhân là do thiếu hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Nghiên cứu của Kreuze và cộng sự (1996) trình bày các kết quả khảo sát về việc công bố thông tin môi trường, trong báo cáo thường niên của 645 công ty Fortune 500. Hầu hết, các công ty không cung cấp bất kỳ thông tin nào về triết lý và chính sách môi trường của các công ty và 73% các báo cáo khảo sát, không chứa bất kỳ thông tin gì về môi trường ở bất cứ nơi nào trong báo cáo. Đối với các công ty trong ngành năng lượng, thép thì chỉ cung cấp thông tin chung chung.

Nghiên cứu của Frost và Wilmshurst (1996) báo cáo kết quả điều tra của các công ty úc. Họ nhận được tỷ lệ trả lời là 30,4% từ một bảng câu hỏi gửi tới các Giám đốc Tài chính (CFO) của các công ty niêm yết, trên thị trường chứng khoán úc trong những năm 1994-1995. 43% người trả lời đồng ý, với tuyên bố rằng, thông tin môi trường rất hữu ích cho người sử dụng các báo cáo hàng năm và chỉ có 36% đồng ý rằng, kế toán nên đóng góp vào quản lý môi trường trong công ty. Có 39% ủng hộ quan điểm cho rằng, các vấn đề môi trường nằm ngoài vai trò kế toán và 46% phản đối việc công bố thông tin về môi trường, trong báo cáo thường niên.

Fekrat và cộng sự (1996) đã nghiên cứu phạm vi và tính chính xác của việc công bố thông tin môi trường, được đưa ra trong báo cáo hàng năm của công ty. Họ cũng đã cố gắng, để kiểm tra việc công bố tự nguyện. Thông tin thu thập từ 168 công ty trong 6 ngành công nghiệp, từ 18 quốc gia đã được phân tích và điểm số trung bình cho việc công bố và hiệu quả môi trường. Nhìn chung, kết quả cho thấy, có sự khác biệt đáng kể trong công bố thông tin môi trường và không có sự hỗ trợ rõ ràng cho giả thuyết công bố tự nguyện, cũng như giữa các ngành là khác nhau, ngành Lâm nghiệp là cao nhất và thấp nhất là ngành Công nghiệp Ô tô.

Deegan và Gordon (1996) đã phân tích thực tiễn công bố thông tin môi trường của DN úc theo ba cách: Thứ nhất, bằng cách xem xét các báo cáo hàng năm của các công ty cho năm tài chính 1991; Thứ hai, bằng cách xác định sự thay đổi trong thực tiễn công bố thông tin trong giai đoạn 1980-1991 và Thứ ba, bằng cách điều tra vai trò của các nhóm vận động môi trường. Nghiên cứu nhận thấy, sự có gia tăng về thông tin môi trường trong giai đoạn 1980-1991. Các nhóm ủng hộ môi trường, ngành công nghiệp nhạy cảm và quy mô công ty có ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin về môi trường.

Deegan và Rankin (1996) đã phân tích các thông tin công bố về môi trường của các công ty đã bị Cơ quan Bảo vệ Môi trường úc (EPA) truy tố. Sử dụng lý thuyết hợp pháp làm cơ sở lý thuyết của họ, các tác giả đã kiểm tra một mẫu các báo cáo hàng năm để xác định liệu có sự khác biệt nào trong mô hình công bố của các công ty đã bị EPA truy tố, so với những gì không bị truy tố. Các tác giả kết luận rằng, nếu không có quy định hoặc yêu cầu khắc phục, các công ty úc sẵn sàng cung cấp thông tin thuận lợi cho hình ảnh của họ, ngay cả sau khi truy tố.
Deegan và cộng sự (1996) báo cáo kết quả của một nghiên cứu về thái độ của kế toán úc đối với kế toán môi trường. Người ta thấy rằng, các kế toán úc đã thiếu đồng thuận rõ rệt về nhiều vấn đề liên quan đến môi trường và thực sự không đồng ý, cho rằng các vấn đề môi trường phải được đưa vào báo cáo tài chính. Điều này đồng ý với những phát hiện của Frost và Wilmshurst (1996).

Adams và cộng sự (1998) báo cáo về báo cáo xã hội của công ty ở Tây Âu. Nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tất cả các loại công bố xã hội, bằng cách sử dụng phân tích nội dung để kiểm tra 150 báo cáo hàng năm, từ 6 quốc gia: Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Pháp, Đức và Vương quốc Anh. Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mô hình báo cáo xã hội của công ty được tìm thấy là, quy mô công ty, nhóm ngành công nghiệp và quốc gia nơi cư trú.
Deegan và cộng sự (2000) đã kiểm tra cách mà các công ty lớn của úc đã phản ứng, thông qua việc công bố thông tin hàng năm của họ cho năm sự cố xã hội lớn. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi xảy ra sự cố, các công ty cung cấp thêm thông tin xã hội trong các báo cáo hàng năm của họ, so với trước khi xảy ra sự cố.

Một số nghiên cứu khác cũng đề cập đến vấn đề công bố thông tin môi trường, bị tác động bởi các nhân tố áp lực chính sách công (Walden and Schwartz (1997)) sẽ làm các công ty công bố. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính (Lawrence and Khurana (1997), thiếu sự huấn luyện về KTMT (Wycherley (1997) (UK) sẽ gây cản trở việc công bố thông tin. Khoản nợ phải trả tiềm tàng cũng chưa được trình bày đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn (Cormier and Magnan (1997) gây ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, có các nghiên cứu liên quan đến việc công bố thông tin môi trường của DN, có các nghiên cứu tiêu biểu của Trịnh Hiệp Thiện (2010), Hoàng Thụy Diệu Linh (2013).
Nghiên cứu của Trịnh Hiệp Thiện (2010) đã tiến hành khảo sát 87 DN, kết quả: Có 58/87 DN có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; 16 DN có lập báo cáo trách nhiệm xã hội bao gồm: Thông tin liên quan đến môi trường; 9 DN lập báo cáo môi trường là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, không có DN nào công bố thông tin môi trường trên BCTC.

Nghiên cứu của Hoàng Thụy Diệu Linh (2013) xem xét 593 báo cáo tài chính của các công ty niêm yết, kết quả: có 72 công ty (12%) có trình bày các loại thông tin môi trường như các loại thuế, phí bảo vệ môi trường, chi phí xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải,… các chi phí này, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về môi trường hoặc do tự nguyện bảo vệ môi trường. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, các DN có công bố thông tin KTMT là các DN kinh doanh trong các lĩnh vực có tác động đến môi trường như du lịch, xây dựng, thủy sản, sản xuất hóa chất,… còn các DN kinh doanh trong lĩnh vực ít tác động đến môi trường thì không công bố thông tin này. Nhân tố tác động đến công bố thông tin KTMT là do chưa có hướng dẫn, quy định về công bố thông tin KTMT; do nhà quản lý không ủng hộ; do sợ mất uy tín; tốn nhiều chi phí.

Kết luận và khuyến nghị
Lý thuyết hợp pháp giải thích cho thực hiện KTMT của DN, nhằm đảm bảo hoạt động hợp pháp đối với các quy định về môi trường, đảm bảo hình ảnh tuân thủ pháp luật trước công chúng. Còn lý thuyết các bên liên quan, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về môi trường ngày càng cao của chính phủ, các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, khách hàng, người tiêu dùng và của cộng đồng. Đối với lý thuyết trách nhiệm xã hội DN sử dụng để giải thích, các DN phải có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực, cụ thể là những tác động môi trường mà DN gây ra từ quá trình sản xuất phải được khắc phục. Các DN phải trình bày những chính sách, cam kết, các khoản đầu tư cho khắc phục, làm giảm thiểu tác động môi trường cho các bên có liên quan trên báo cáo DN.

Qua các nghiên cứu cho thấy, hầu như không có sự tự nguyện công bố thông tin. Các DN công bố thông tin KTMT phụ thuộc vào áp lực, đó là các áp lực về chính sách như hệ thống Luật về môi trường, những quy định đối với ngành công nghiệp có tác động đến môi trường hoặc sau các sự cố về môi trường thì việc yêu cầu công bố thông tin môi trường càng cao. Tuy nhiên, các nhân tố cho thấy sự cản trở việc công bố thông tin KTMT là do thiếu hướng dẫn, kế toán chưa được huấn luyện về KTMT, nhận thức của nhà quản lý về lợi ích và chi phí của công bố thông tin KTMT chưa đầy đủ.

Tại Việt Nam, KTMT chưa bắt buộc áp dụng. Do đó, các DN có thể công bố thông tin KTMT qua các kênh như kết hợp với báo cáo thường niên hoặc báo cáo phát triển bền vững. Các thông tin cung cấp cần cụ thể về các cam kết, chính sách, các khoản đầu tư cho bảo vệ môi trường, những biện pháp mà DN áp dụng để giảm thiểu tác động môi trường, các thông tin về chi phí và lợi ích liên quan đến môi trường cần được công bố cho người sử dụng. Tuy nhiên, để các DN công bố thông tin về KTMT cần có ban hành hướng dẫn về áp dụng và công bố thông tin KTMT, điều này tạo tác động đến cả góc độ người quản lý và kế toán – nhân tố cản trở việc công bố thông tin KTMT./.

Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Hiệp Thiện, 2010. Vận dụng kế toán quản trị môi trường vào các DN sản xuất Việt Nam. Luận văn thạc sĩ. Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
2. Hoàng Thụy Diệu Linh, 2013. Kế toán tài chính môi trường và định hướng áp dụng vào Việt Nam. Luận văn thạc sĩ. Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh
3. Campbell, D.J. (2000). Legitimacy theory or managerial reality construction? Corporate social disclosure in Marks and Spencer Plc corporate reports 1969-1997. Accounting Forum 24(1). 80-100
4. Deegan, C. and Gordon, B. (1996). A study of the environmental disclosure practices of Australian corporations. Accounting and Business Research, 26(3). 187-199.
5. Fekrat, M.A., Inclan, C. and Petroni, D. (1996). Corporate environmental disclosures: Competitive disclosure hypothesis using 1991 annual report data. The International Journal of Accounting, 31(2). 175-195.
6. Gamble, G.O., Hsu, K., Kite, D. and Radtke, R.R. (1995). Environmental disclosures in annual reports and 10Ks: An examination. Accounting Horizons, 9(3). 34-54.
7. Kreuze, J.G., Newell, G.E. and Newell, S.J. (1998). Environmental disclosures: What companies are reporting. Management Accounting, 78(1). 37-43.
8. Mathews MR, 2000. The Development of Social and Environmental Accounting Research 1995- 2000.
9. Lehman, G. (1995). A legitimate concern for environmental accounting. Critical Perspectives on Accounting, 6. 393-412.
10. Williams, S.M. (1999). Voluntary environmental and social accounting disclosure practices in the Asia- Pacific region: An international empirical test of political economy theory. The International Journal of Accounting, 34(2). 209-238.
v.v…

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *