Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Kinh tế Việt Nam – Những việc cần làm

Tiêu đề Kinh tế Việt Nam – Những việc cần làm Ngày đăng 2019-02-28
Tác giả Admin Lượt xem 792

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T12/2018)

Năm 2018 đã và đang dần qua. Theo đánh giá, năm 2018, sẽ hoàn thành cả 12 chỉ tiêu được Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết 48/2017/QH14. Không những thế, năm nay, Việt Nam đã và sẽ đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát; tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực,… Kết quả đạt được sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.

Trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, năm 2018 là năm bản lề, do đó, những thành quả đạt được trong năm 2018, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7.08% – vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra là tăng 6,5 – 6,7%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, cao hơn 22 tỷ USD so với mốc kỷ lục đạt được năm 2017; lạm phát được kiểm soát hiệu quả, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục từ đầu năm và các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh dần theo sát giá thị trường… có ý nghĩa rất quan trọng, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vào cuộc đồng hành cùng Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 theo Nghị quyết 142/2016/QH13.

Những khó khăn và thách thức
Từ thực tế năm 2018 và cả thời gian 5 năm vừa qua có thể thấy, nền kinh tế Việt nam còn quá nhiều khó khăn và thách thức.

Trước hết, Chất lượng của nhiều chỉ tiêu chưa cao, trong đó có chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả đầu tư xã hội, đầu tư công.
Nhiều số liệu thống kê đã minh chứng, chất lượng tăng trưởng còn yếu kém phản ánh qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như cân đối ngân sách, nợ công, chất lượng tăng trưởng nhiều lĩnh vực: y tế, văn hóa giáo dục, thị trường lao động, thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, sự sẵn sàng về công nghệ. Có thể thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng có đạt được một số kết quả, nhưng tăng trưởng xét trong thời gian dài đang đạt tốc độ không cao, hiệu quả và sức cạnh tranh ở một số lĩnh vực còn thấp, vẫn trong tình trạng theo mô hình tăng trưởng trước đây. Chỉ số năng lực của Việt Nam về tuyệt đối được đánh giá tăng 0, 1 điểm (Diễn đàn kinh tế toàn cầu – WEF), nhưng thứ bậc lại giảm 3 bậc, xuống 77/140 nền kinh tế năm 2018. Mô hình tăng trưởng vẫn nặng về gia công, có mức giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị.

Thứ hai, Chất lượng tăng trưởng không cao. Xem xét trong thời gian dài và năm 2018, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn cao nhưng thấp dần và chất lượng tăng trưởng vẫn không cao. Trong chiều hướng chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt bình quân khá cao 5-7%/năm, 3 năm tăng trưởng liên tục tăng thêm: 2016: 6,21%, 2017: 6,81, năm 2018 có thể đạt tới 6,7%, nhưng có xu hướng giảm dần sau mỗi 5-10 năm. Hơn nữa, việc tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, thành phần kinh tế và lãnh thổ. Cần xem xét đánh giá sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trong mối quan hệ mang tính tổng thể, đến tác động của nhiều chỉ tiêu mang tính xã hội (phân hóa giàu nghèo), mang tính môi trường (tình trạng ô nhiễm).

Thứ ba, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP ước tính năm 2018 đạt 40,23%, thấp hơn mức 45,47% của năm 2017, mặc dù cao hơn bình quân của giai đoạn 2011 – 2015 là 33,58%. Con số này vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 3 năm 2016 – 2018 đạt 5,6%, cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của giai đoạn 2011 – 2015 (đạt 4,3%/năm), nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Hệ số ICOR – thước đo về sử dụng hiệu quả vốn đầu tư vẫn còn khá cao: ở mức 6, 42 năm 2016; 6, 11 năm 2017 và dự kiến khoảng 6, 46 năm 2018.

Thứ tư,
Cho đến nay, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo năm 2018 dự tính đạt 12,65%, thấp hơn mức tăng năm 2017 là 12,77%. Đóng góp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo mới dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp và chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Thứ năm, một động lực quan trọng khác của nền kinh tế là xuất khẩu, mặc dù tăng trưởng luôn duy trì ở hai con số trong những năm gần đây và năm nay là năm thứ ba liên tiếp xuất siêu (khoảng 1 tỷ USD), nhưng 70% kim ngạch xuất khẩu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện. Nếu nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nhưng đời sống người dân vẫn chậm cải thiện. Hơn nữa, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hữu hạn và thường không bền vững, có thể thay đổi rất nhanh khi những ưu đãi của chính sách thay đổi hoặc nhà đầu tư chuyển hướng khi thị trường biến động.

Thứ sáu, doanh nghiệp, nơi tạo ra của cải, giá trị mới cho xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế dựa vào hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hàng năm có thêm hàng trăm ngàn doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có không ít doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nhiều điều kiện kinh doanh đã được lược bỏ, giảm thiểu, hoạt động thanh tra kiểm tra đã giảm và được quy định chặt chẽ hơn. Tính đến cuối tháng 9/2018 đã có hơn 96.600 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể cũng lên đến hơn 73.100, tăng hơn 48% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng quan tâm là số doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm cả về số lượng, quy mô vốn và lao động sử dụng.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm chạp, chậm thoái vốn ở các doanh nghiêp đã cổ phấn hóa nhưng Nhà nước đang nắm giữ dưới 50% vốn. Nhìn chung các doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh ít hiệu quả. Theo kết quả tính toán và điều tra, hệ số vốn /sản lượng ngày càng tăng, nếu năm 2011, bình quân cả nước là 1, 44 đồng tạo ra một đồng doanh thu thuần, thì đến năm 2016 phải cần 1, 73 đồng, hiệu quả giảm 20%. Đặc biệt là hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng sút giảm, từ 1, 8 đồng vốn tạo 1 đồng doanh thu thuần năm 2011, đã tăng lên 2, 91 đồng năm 2018, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1, 05 đồng.

Thứ bảy, tình hình tài chính nhà nước và thu chi Ngân sách Nhà nước có những nghịch lý cần lý giải. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có Lợi nhuận trước thuế khá cao, nhưng số thuế và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước rất thấp, chỉ bằng trên 80% khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nếu không tính thuế gián thu (thực chất là của xã hội) thì chỉ bằng 51%. Thu từ thuế gián thu, từ tài nguyên khoáng sản vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong thu ngân sách nhà nước, không phải từ thực tế của cải làm ra hay từ giá trị mới của nền kinh tế. Chi thường xuyên, chi cho bộ máy hành chính, quản lý nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn. Quan hệ tích lũy – tiêu dùng trong nền kinh tế chưa được cải thiện.

Thứ tám, nợ trong nền kinh tế, không chỉ nợ công mà còn nợ của khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục là chỉ tiêu phản ảnh sức khỏe của nền kinh tế. Tỷ lệ nợ công /GDP dưới 65%, nằm trong giới hạn cho phép, nhưng số chi trả nợ ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi ngân sách Nhà nước. Tăng trưởng về nợ phải trả theo giá hiện hành khoảng 15%/năm trong khi tăng trưởng bình quân về tổng giá trị gia tăng (GVA) của nền kinh tế theo giá hiện hành chỉ là 10,1%/năm. Điều đáng nói là nợ phải trả của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng khá cao, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của khu vực này.

Thứ chín, năng lực quản trị quốc gia và kỷ cương, kỷ luật trong quản lý. Năng lực quản trị Nhà nước, quản trị quốc gia chưa được cải thiện. Việc chấp hành kỷ cương kỷ luật trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý tài chính, sử dụng tài sản quốc gia, tài chính Nhà nước chưa nghiêm, còn nhiều lãng phí thất thoát. Tình trạng thất thu thuế, gian lận, xâm tiêu tiền thuế, phí, lệ phí, gian lận thương mại, gian lận chuyển giá, điều tiết sai ngân sách, sử dụng ngân sách Nhà nước, ngân quỹ Nhà nước sai mục đích, lãng phí, chiếm đoạt …. còn diễn ra khá phổ biến.

Việc cần làm và giải pháp
Có nhiều việc phải làm, nhưng cần tập trung một số giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 – 2019.
Một là, tiếp tục cải thiện và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho nền kinh tế, trong đó triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã ban hành, hoàn chỉnh và vận hành có hiệu quả hệ thống luật pháp, đặc biệt là luật pháp có liên quan đến doanh nghiệp.

Hai là, kiên quyết vận hành các yếu tố của kinh tế thị trường, các bộ phận thị trường đúng nghĩa, hoàn chỉnh, trước hết là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính,…

Ba là, vận hành các chính sách phát triển kinh tế ngành, phát triển dịch vụ. Tập trung có chủ định một số ngành kinh tế, một số lĩnh vực, vùng, lãnh thổ.

Bốn là, tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, tài cơ cấu đầu tư công một cách quyết liệt và có chủ đích, có hiệu quả.

Năm là, quản lý và sử dụng tốt hơn hiệu quả hơn, tài chính quốc gia, ngân quỹ quốc gia và kiểm soát cho được tài sản quốc gia, mọi nguồn ngân quỹ của đất nước

Sáu là,
Tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật trong nền kinh tế, đặc biệt là kỷ cương, kỷ luật trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước. Nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Cuối cùng, cần nhanh nhạy và xử lý linh hoạt các vấn đề phát sinh trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và trong nước có nhiều thay đổi.
Chắc chắn chúng ta sẽ thành công, vượt qua khó khăn và thách thức./.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính: Báo cáo NSNN 2018; Báo cáo NSNN 3 năm 2016-2018.
Chính phủ: Các Nghị quyết về kinh tế ban hành năm 2018.
Kiểm toán Nhà nước: Báo cáo kết quả kiểm oán nhà nước 2018.
Quốc hội -Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội.
ủy ban kinh tế Quốc hội – Báo cáo thẩm tra kinh tế -xã hôi 2018.
ủy ban Tài chính -Ngân sách: Báo cáo thẩm tra dự toán ngân sách 2019.
GS. Nguyễn quang Thái: Đánh gia tăng trưởng kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế – Đề tài tư vấn phản biện 2018.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng, Tạp chí KH -XHVN 10/2018.


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *