(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T1+T2/2018)
Nhận: 24/01/2018
Biên tập: 30/01/2018
Duyệt đăng: 09/02/2018
Phân tích tài chính doanh nghiệp (PTTCDN) là quá trình tiến hành các hoạt động kiểm tra, đối chiếu, so sánh các số liệu, tài liệu về tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN) ở hiện tại và trong quá khứ, để đánh giá tiềm năng, hiệu quả kinh doanh cũng như những rủi ro trong tương lai mà DN có thể gặp phải. Chính vì vậy, phân tích tài chính là một việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để hoạt động PTTCDN có hiệu quả hơn, đòi hỏi chất lượng của hoạt động này phải cao hơn, thể hiện ở thời gian phân tích nhanh chóng, kịp thời, chi phí cho hoạt động này thấp nhưng kết quả đánh giá phải chính xác, đưa ra được các điểm mạnh, điểm yếu của DN và phương hướng phát triển của DN trong tương lai. Do vậy, để thực hiện được những vấn đề này, cần tìm hiểu các nhân tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng PTTCDN. Các nhân tố này có thể là nhân tố thuộc nội tại trong DN, cũng có thể là nhân tố bên ngoài tác động tới DN. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng DN, mà những nhân tố này có những ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng phân tích tài chính của DN.
Quy trình PTTCDN
Một quy trình PTTCDN cần tiến hành theo 5 giai đoạn: Xác định mục tiêu phân tích, xác định nội dung phân tích, thu thập thông tin, xử lý thông tin, dự đoán và ra quyết định. Do vậy, khi tiến hành PTTCDN phải thực hiện đầy đủ, chính xác từ khâu đầu tiên để có kết quả đáp ứng yêu cầu. DN cần phải xây dựng một kế hoạch phân tích và trình tự sắp xếp công việc hợp lý. Nhà quản trị tài chính cần phải phân chia công việc và nhiệm vụ cụ thể cho nhóm phân tích, để mỗi cá nhân chuyên trách một phần hành và đảm bảo hoàn thành quá trình phân tích kịp thời và đúng hạn.
Nội dung PTTCDN
Khi tiến hành PTTCDN có thể tiến hành phân tích nhiều nội dung, mỗi nội dung phân tích sẽ giúp nhà quản trị nhìn nhận và đánh giá tình hình tài chính DN trên các góc độ khác nhau. Nội dung phân tích càng đầy đủ thì tình hình tài chính DN càng được thể hiện rõ nét, quyết định tài chính đưa ra càng chính xác.
Phương pháp PTTCDN
PTTCDN có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau và việc lựa chọn phương pháp nào thì các nhà quản trị tài chính phải tính toán sao cho thích hợp nhất. Nếu chỉ sử dụng một phương pháp thì có thể đưa đến kết quả phân tích chưa khách quan, nên cần phải kết hợp các phương pháp phân tích khác nhau, để có thể đưa đến kết quả hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cần phải dựa vào mục tiêu của phân tích để giới hạn phương pháp sử dụng sao cho phù hợp, mà không nên sử dụng quá nhiều phương pháp.
Chất lượng thông tin sử dụng
Đây là nhân tố tiên quyết ảnh hưởng đến chất lượng phân tích tài chính, là đầu vào của quá trình phân tích. Từ những thông tin bên trong trực tiếp phản ánh tình hình tài chính DN đến những thông tin bên ngoài liên quan đến môi trường hoạt động của DN, người phân tích có thể thấy được tình hình tài chính DN trong quá khứ, hiện tại và dự đoán xu hướng phát triển trong tương lai.
Thông tin bên ngoài DN
Bao gồm các thông tin chung về tình hình kinh tế, môi trường pháp lý, thông tin về ngành hoạt động của DN có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Nền kinh tế hoặc ngành mà DN đang hoạt động ở trạng thái tăng trưởng hoặc suy thoái đều có tác động mạnh mẽ đến cơ hội kinh doanh, đến sự biến động của giá cả các yếu tố đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, từ đó tác động đến hiệu quả kinh doanh của DN. Khi các tác động diễn ra theo chiều hướng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được mở rộng, lợi nhuận gia tăng và do vậy kết quả kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi những biến động của tình hình kinh tế là tiêu cực, nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của DN. Việc kết hợp các thông tin theo ngành kinh tế cùng với thông tin chung về tình hình kinh tế và các thông tin liên quan khác, sẽ đem lại một cái nhìn tổng quát và chính xác nhất về tình hình tài chính của DN.
Thông tin bên trong DN
Phân tích tài chính sử dụng mọi nguồn thông tin, từ những thông tin nội bộ đến những thông tin bên ngoài, từ những thông tin về mặt số lượng đến những thông tin về mặt giá trị đều giúp cho nhà phân tích có thể đưa ra nhận xét, kết luận sát thực. Tuy nhiên, thông tin từ bộ phận kế toán là nguồn thông tin đặc biệt cần thiết đối với nguồn thông tin đến từ trong DN. Các báo cáo tài chính chứa đựng khá đầy đủ thông tin kế toán cần phân tích. Hệ thống báo cáo tài chính của DN bao gồm: Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Mỗi báo cáo tài chính cung cấp cho người phân tích các khía cạnh khác nhau và tổng hợp lại, sẽ hình thành toàn cảnh về tình hình tài chính của DN.
Bên cạnh hệ thống báo cáo tài chính, khi PTTCDN, người phân tích còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau như: Báo cáo quản trị, báo cáo chi tiết, các tài liệu kế toán, tài liệu thống kê, bảng công khai một số chỉ tiêu tài chính,… Đây là những nguồn dữ liệu quan trọng giúp cho người phân tích xem xét, đánh giá được các mặt khác nhau trong hoạt động tài chính một cách đầy đủ, chính xác.
Tuy nhiên, những thông tin thu thập được không phải tất cả đều được lượng hóa cụ thể, mà có những tài liệu không thể biểu hiện bằng số lượng cụ thể, nó chỉ được thể hiện thông qua sự miêu tả, thông qua những câu chữ mang tính chất định tính. Do vậy, để phân tích tài chính có chất lượng, thì thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình phân tích phải được thu thập đầy đủ và thích hợp. Tính đầy đủ thể hiện thước đo số lượng của thông tin, tính thích hợp phản ánh ở độ chính xác, trung thực và hợp lý của những thông tin – dữ liệu đầu vào của phân tích.
Trình độ nhân viên phân tích
Sau khi có được những thông tin bên trong và bên ngoài phù hợp và chính xác nhưng tập hợp và xử lý thông tin đó như thế nào, để đưa lại kết quả phân tích tài chính có chất lượng lại là điều hoàn toàn không đơn giản. Để đem lại một kết quả phân tích chất lượng cao phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của nhân viên thực hiện phân tích. Từ các thông tin thu thập được, các nhân viên phân tích phải lựa chọn được phương pháp phân tích phù hợp, hiểu rõ các nội dung và quy trình phân tích. Nhiệm vụ của người phân tích là phải gắn kết, tạo lập mối liên hệ giữa các chỉ tiêu, kết hợp với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của DN để lý giải tình hình tài chính của DN, xác định thế mạnh, điểm yếu cũng như nguyên nhân dẫn đến điểm yếu trên. Chính tầm quan trọng và sự phức tạp của phân tích tài chính, đòi hỏi nhân viên phân tích không những phải có trình độ chuyên môn cao, am hiểu sâu sắc về kế toán tài chính DN, kỹ năng phân tích mà còn phải có kinh nghiệm lập báo cáo, đưa ra các kiến nghị và định hướng, có hiểu biết rộng và phẩm chất đạo đức tốt.
Nhận thức về phân tích tài chính của chủ DN
Đây là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng PTTCDN. Mặc dù, khái niệm về PTTCDN đã trở nên tương đối phổ biến nhưng nhiều nhà quản lý chưa hiểu hết được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động này nên phân tích tài chính chưa trở thành một hoạt động thường xuyên, chưa được chú trọng một cách hợp lý. Từ nguyên nhân đó mà chất lượng PTTCDN chưa được cao, đôi khi chỉ mang tính hình thức do, yêu cầu bắt buộc trong báo cáo mà không phục vụ cho việc ra quyết định tài chính, xây dựng định hướng và chiến lược phát triển của DN.
Hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành
Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN không thể tách rời với hoạt động chung của ngành. Do vậy, phân tích tài chính sẽ trở nên đầy đủ và có ý nghĩa hơn nếu có sự tồn tại của hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành. Đây là cơ sở tham chiếu quan trọng khi tiến hành phân tích, tạo ra cái nhìn tổng quan, xác định được vị thế của DN so với các công ty cùng hoạt động trong ngành và tránh được việc đánh giá một cách chủ quan. Người ta chỉ có thể nói các tỷ lệ tài chính của một DN là cao hay thấp, tốt hay xấu khi đem so sánh với các tỷ lệ tương ứng của DN khác có đặc điểm và điều kiện sản xuất kinh doanh tương tự, mà đại diện ở đây là chỉ tiêu trung bình ngành. Thông qua đối chiếu với hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành, nhà quản lý tài chính biết được vị thế của DN mình. Từ đó, đánh giá được thực trạng tài chính DN cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN mình./.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Công (2008) Lập, đọc, kiểm tra và phân tích báo cáo tài chính, NXB Tài chính.
2. Nguyễn Năng Phúc (2013) Giáo trình Phân tích báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
3. Phạm Văn Đ ược (2010), Báo cáo và PTTCDN, NXB Giao thông Vận tải.
4. Nguyễn Ngọc Quang (2011), Phân tích báo cáo tài chính, NXB Tài chính.
5. Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ (2008), PTTCDN, NXB Tài chính.