{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 216, Tháng 9/2021 của PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam}
Nhận thức và đánh giá về chức năng của kế toán luôn cần thiết, để tổ chức công tác kế toán và sử dụng thông tin kế toán sao cho có hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay và trước những biến động của nền kinh tế thế giới, sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học kỹ thuật thì việc dự báo, nhận thức về chức năng của kế toán trong tương lai là yêu cầu và đòi hỏi rất cơ bản để làm rõ mục đích, phương thức của kế toán, giá trị và bản sắc của kế toán, của nghề kế toán.
Có nhiều định nghĩa về kế toán. Hàng trăm năm nay, kể từ khi xuất hiện kế toán và phương pháp ghi chép, kế toán được coi là việc ghi chép có chủ định các hoạt động kinh tế, hoạt động thương mại. Dần dần kế toán trở thành một công cụ quản lý kinh tế, công cụ phản ảnh và kiểm soát các hoạt động kinh tế. Đã từ lâu, trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Việt Nam, cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa, đều có chung quan niệm: kế toán là một bộ phận cấu thanh hữu cơ của hệ công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước. Trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường, trong cơ chế quản lý kinh tế mới, vai trò kế toán đã được xác định lại, trở thành một phân hệ thông tin để phản ánh và giám đốc các hoạt động kinh tế tài chính. Vì vậy, chức năng truyền thống của kế toán là phản ánh, xử lý và cung cấp thông tin cho các đối tượng có nhu cầu. Thông qua đó, kế toán có chức năng kiểm tra, kiểm soát (hay còn gọi là chức năng giám đốc) các hoạt động kinh tế tài chính. Chính vì vậy, ở Việt Nam, Luật kế toán quy định: Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động, nhưng chủ yếu dưới hình thức giá trị. Ở mức độ học thuật và khoa học, Liên đoàn Kế toán quốc tế (Inter- national Federation of Accountants – IFAC) định nghĩa: Kế toán là một nghệ thuật ghi chép, phân loại, tổng hợp theo phương pháp riêng về những hoạt động kinh tế tài chính, qua đó trình bày tổng quát tình hình và kết quả hoạt động kinh tế. IFAC cho rằng, tính khoa học, tính nghệ thuật của kế toán chính là sự kết hợp mang tính logic và phụ thuộc nhiều vào hoạt động chủ quan của con người. Trong nền kinh tế thị trường phát triển, theo quan điểm hiện đại trong nền kinh tế tự do cạnh tranh người ta cho rằng, kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh. Thông tin do kế toán thu thập, xử lý và cung cấp là căn cứ hữu ích, tin cậy cho các quyết định kinh doanh, quyết định quản lý. Hội Kế toán Mỹ (nay là Viện Kế toán Công chứng Mỹ) từ lâu đã có định nghĩa: “kế toán là nghệ thuật ghi chép, phân loại và tổng hợp một cách có chủ định các hoạt động kinh tế, tài chính và giải thích kết quả của chúng”.
Một định nghĩa lâu đời khác về kế toán của Hiệp hội Kế toán Hoa Kỳ (1966) dựa trên khái niệm “tính hữu ích trong quyết định” của quy trình kế toán: “kế toán là quá trình xác định, đo lường và truyền đạt thông tin kinh tế, tài chính làm căn cứ để người sử dụng đánh giá và đưa ra các quyết định kinh tế”.
Nhận thức về kế toán trong bối cảnh mới
Vấn đề đạt ra là, cần xem xét, đánh giá các định nghĩa hiện hành về kế toán và nghiên cứu đề xuất để phát triển một định nghĩa đại diện cho kế toán trong tương lai, trong bối cảnh mới của nền kinh tế và các mối quan hệ mang tính toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là, trong nền kinh tế số, nền kinh tế mang tính toàn cầu, kế toán có thể đóng một vai trò quan trọng như thế nào, có những chức năng gì.?
Một định nghĩa về kế toán ngắn gọn, mạch lạc và đầy đủ là cần thiết, đảm bảo truyền đạt ý nghĩa cơ bản hoặc trạng thái của kế toán. Thông thường, định nghĩa là một tuyên bố chính thức thể hiện bản chất cơ bản của hiện tượng, sự việc, cũng như các định nghĩa về kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính. Nếu không có các định nghĩa có ý nghĩa, chính xác và được chấp nhận sẽ có những tác động bất lợi cho việc áp dụng hiệu quả các hoạt động kế toán, kiểm toán, đạo đức và giáo dục kế toán trên toàn cầu.
Chức năng kế toán trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới, hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của công nghệ số, chuyển đổi số các định nghĩa về kế toán, về chức năng của kế toán, kiểm toán cần phải nhìn nhận và phản ánh quan niệm nhiều mặt không chỉ là một hoạt động kỹ thuật mà còn là hoạt động mang tính kinh doanh, mang tính xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Có thể thấy, đây là điểm khởi đầu quan trọng để thấy rằng kế toán không thuần túy là công cụ quản lý kinh tế mà qua hệ thống thông tin kế toán, kiểm toán cung cấp sẽ là các ý kiến tư vấn quý giá giúp hình thành và tạo ra các quyết định quản lý, quyết định kinh doanh. Những chức năng truyền thống của kế toán như thu thập, xử lý, tổng hợp, truyền đạt thông tin hay phần lớn chức năng kiểm tra, đánh giá thông tin của kiểm toán sẽ được các thành tựu Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, cách mạng công nghệ số thực hiện. Kế toán và con người làm kế toán tập trung và chức năng tư vấn: tư vấn cho các nhà quản lý và tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp… Điều đó đã và đang đặt ra cho các nhà kế toán không chỉ có kiến thức và kỹ năng về nghề nghiệp kế toán mà phải có nhiều hiểu biết, nhiều kiến thức về chính trị, về kinh tế học ứng dụng, về tài chính và quản trị kinh doanh.
IFAC đã đưa ra ý tưởng, cần đảm bảo rằng kế toán hôm nay sẽ sẵn sàng lãnh đạo vào ngày mai và nghề nghiệp kế toán, giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Nhận thức được xu hướng chuyển dịch và phát triển chức năng mới của kế toán, để định vị nghề nghiệp trong tương lai. Quan trọng hơn là, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai. Cần sớm hình thành mới quy trình kế toán, quy trình tổ chức hệ thống thông tin. Các trường đại học cần khẩn trương đổi mới chương trình và nội dung đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo các cử nhân kiểm toán, tạo lập nguồn lực nhân sự chất lượng cao cho đất nước, cho nghề nghiệp.