Được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng giúp nhiều ngân hàng thương mại có thêm dư địa bơm vốn ra thị trường, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng (NH) thương mại như Nam A Bank, Techcombank, VIB, OCB, VPBank, TPBank… đã được nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NH Nhà nước, khẳng định việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm phù hợp thực tế, điều kiện thị trường mà vẫn bảo đảm kiểm soát chất lượng.
Thêm cơ hội đẩy mạnh cho vay
Theo số liệu của NH Nhà nước, đến giữa tháng 7, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ hơn 3%, còn xa hạn mức đưa ra từ đầu năm khoảng 13%-14%. Trong khi đó, một số NH thương mại lại sắp “đụng trần”, sẽ không thể cho vay tiếp nếu không được nới.
Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng Giám đốc NH TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho biết đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng của NH đạt khoảng 5% trong khi định mức được NH Nhà nước giao đầu năm là 10,7%. Hiện LienVietPostBank đang xin tăng hạn mức và nếu được đồng ý mới quyết định đẩy mạnh cho vay vào cuối năm.
Tương tự, theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT NH TMCP quốc tế (VIB), nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của NH đã trên 6%, mức tăng tốt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. NH vẫn đang tiếp tục cải thiện sản phẩm, quy trình đối với khách hàng nên số lượng hồ sơ tín dụng gửi tới VIB vẫn nhiều. Do đó, VIB đã xin cơ quan quản lý điều chỉnh hạn mức tín dụng cả năm như mục tiêu đề ra. “Năm ngoái, khoảng 82% dư nợ tín dụng của VIB là cho vay bán lẻ, cho vay mua ôtô, mua nhà, cho vay tín chấp với những người có lương và cho vay qua thẻ tín dụng… Nợ xấu của NH trong 3 năm trở lại đây không có khoản nào quy mô lớn đáng kể, khẩu vị rủi ro đối với từng nhóm khách hàng được điều chỉnh linh hoạt nhằm đạt hiệu quả tốt nhất” – ông Đặng Khắc Vỹ dẫn chứng.
Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của NH đạt 9,8% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tỉ lệ tăng trưởng này ở NH riêng lẻ đạt tới 12,7% – là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh thị trường đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Việc được nới “room” tín dụng sẽ giúp NH có thêm dư địa cho vay ra thị trường từ nay đến cuối năm.
Một số NH khác nhìn nhận việc nới “room” tín dụng là điều đang được mong chờ để có thể tiếp tục bơm vốn ra thị trường.
Kiên quyết không hạ chuẩn vay
Tuy không đưa con số về mức tăng trưởng cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay nhưng lãnh đạo NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết là một trong những NH đầu tiên được cơ quan quản lý đồng ý tăng “room” tín dụng. Bất chấp dịch Covid-19, hoạt động cho vay tại NH này vẫn khả năng và gần chạm chỉ tiêu cho phép. Do đó, NH đã đề xuất xin NH Nhà nước cho tăng thêm hạn mức tín dụng phù hợp với nhu cầu thực tế về khả năng cho vay của NH.
Trước đó, Nam A Bank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 ở mức 21% nhưng vẫn bảo đảm tỉ lệ tăng trưởng tín dụng hằng năm theo quy định. “Hiện tại, tình hình thanh khoản của NH rất dồi dào, tỉ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn (LDR), tỉ lệ an toàn vốn… luôn kiểm soát tốt để đáp ứng theo quy định của NH Nhà nước. Về chính sách tín dụng trong thời gian tới, NH sẽ tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, có thế mạnh” – đại diện Nam A Bank nói.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết dù nhu cầu tín dụng thời gian qua, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu nhưng nay đã tăng trở lại. Đến ngày 29-6, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây.
Ngay từ đầu tháng 7, NH Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng. Đồng thời, đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt NH thương mại cả vốn nhà nước và cổ phần, để NH nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, có thể điều chỉnh ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NH Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng phân tích dù được nới “room” cho vay nhưng các NH thương mại vẫn phải bảo đảm yêu cầu về an toàn hệ thống, mở rộng tín dụng nhưng không được tăng lãi suất huy động để cạnh tranh không lành mạnh…
“Đẩy vốn ra thị trường nhưng không hạ chuẩn cho vay, kiểm soát không phát sinh thêm nợ xấu là yêu cầu tiên quyết của NH Nhà nước. Những NH thương mại được nới hạn mức đều phải chấp hành quy định của NH Nhà nước, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II… Việc điều chỉnh cũng tùy thuộc vào khả năng, tình hình thực tế của từng NH” – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định đề xuất nới room tín dụng của một số NH thương mại là hợp lý và thực tế một số NH đã được chấp nhận. “Trong bối cảnh hiện tại, chính sách điều chỉnh tín dụng cần linh hoạt mới đạt mức tăng trưởng khoảng 10% nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Đối với các NH thương mại được nới room, dòng vốn ra thị trường vẫn phải bảo đảm quy định về kiểm soát rủi ro tín dụng, không hạ chuẩn cho vay để tránh phát sinh nợ xấu mới” – TS Cấn Văn Lực nói.
Sẽ cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế
Về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, điều hành tỉ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
NH Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay. Cơ quan quản lý sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các NH thương mại từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng.
- theo thông tin kinh tế tài chính