Nghiên cứu trao đổi

Những quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 tạo động lực phát triển kinh tế

Tiêu đề Những quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2014 tạo động lực phát triển kinh tế Ngày đăng 2015-04-15
Tác giả Admin Lượt xem 984

Trong
năm 2015 sẽ có nhiều luật mới liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh (KD)
có hiệu lực thi hành. Luật Doanh nghiệp (DN) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp
thứ 8, ngày 26/11/2014 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Luật
DN 2014 được tiếp cận theo hướng tích cực, đặc biệt đã bảo đảm thực hiện được
nguyên tắc hiến định về quyền đầu tư KD của công dân trong các ngành, nghề mà
luật không cấm; Luật DN 2014 kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và
đang đi vào cuộc sống của Luật DN 2005. Đồng thời, có nhiều quy định mới mang
tính hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm khắc phục những hạn chế, bất
cập của luật DN 2005 .Trong khuôn khổ bài viết, xin đề cập một số trong những
quy định mới của Luật DN 2014 tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của luật
DN mới như sau:

Thứ
nhấtT: Luật DN mới chỉ quy định những vấn đề chung nhất và có tính định hướng
về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động khác có liên
quan của DN, còn những nội dung chi tiết được trao lại cho DN tự do, tự nguyện,
cam kết thỏa thuận theo các quy định của pháp luật. Thay đổi này cực kỳ quan
trọng, từ đó các DN được chủ động, sáng tạo hơn khi được tự lựa chọn các mô
hình, phương thức quản lý KD  phù hợp với
hoạt động của DN, cụ thể là: Cho phép Cty TNHH, Cty cổ phần (Cty CP) có thể có
một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật và điều lệ Cty quy định cụ thể số
lượng, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật;
cho phép Cty CP có quyền chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai
mô hình tổ chức quản lý; Cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn
phiếu khi bầu thành viên HĐQT, BKS Cty CP. So với Luật DN 2005, Luật DN 2014
tăng 41 điều (213- 172), thêm nhiều điều, khoản quy định đổi mới, cụ thể và rõ
ràng hơn nhằm góp phần kiến tạo môi trường đầu tư KD thuận lợi hơn, giúp DN
nâng cao năng lực cạnh tranh vượt qua khó khăn thách thức hướng tới lợi ích
chính đáng của DN và góp phần phát triển kinh tế của đất nước.  

Hai
là: Luật DN 2014, quy định trong giấy chứng nhận đăng ký DN do cơ quan đăng ký
kinh doanh (ĐKKD) cấp đã quy định bỏ nội dung ngành, nghề KD (Khoản 5 trong
Giấy chứng nhận ĐKKD đã quy định trong Luật DN cũ). Theo luật DN mới thì chỉ
còn 4 nội dung, không có nội dung ngành, nghề KD và một số nội dung khác như:
Danh sách cổ đông sáng lập, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm KD,…
Trong đó, việc bỏ không ghi ngành, nghề KD trong giấy chứng nhận đăng ký DN của
cơ quan ĐKKD có thể nói là một đổi mới cơ bản, quan trọng  của sửa đổi Luật DN lần này, thể hiện được
nguyên tắc hiến định về quyền đầu tư KD của công dân trong các ngành nghề mà
luật không cấm, và theo tư duy đổi mới khá mạnh mẽ. Xét về bản chất thì đây là
sự thay đổi từ DN được tự do KD những gì đã đăng ký, sang DN được quyền tự do
KD những gì pháp luật không cấm. Thực tiễn cho thấy, các cơ hội KD luôn xuất
hiện trong quá trình hoạt động của DN. Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 9, Luật DN cũ
lại quy định DN phải: “Hoạt động KD theo đúng nghành, nghề đã ghi trong Giấy
chứng nhận ĐKKD”. Do đó, để tuân thủ quy định này, không phạm tội KD trái
phép  nhưng lại không bỏ lỡ các cơ hội KD
chưa thuộc phạm vi ngành nghề đã đăng ký thì DN phải tiến hành đăng ký bổ sung
ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận ĐKKD. Việc bổ sung này thực tế đã chứng
minh là rất khó khăn và tốn nhiều chi phí, tốn nhiều thời gian nên khi tuân thủ
được quy định này thì cơ hội KD nhiều khi đã tuột khỏi tầm tay của DN. Hơn nữa,
như chúng ta đã biết hiện nay, có đến hàng ngàn ngành nghề KD khác nhau theo
phân loại mã ngành trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nên DN không thể liên
tục bổ sung ngành, nghề để phục vụ cho nhu cầu thực tế KD luôn biến động.

Ba
là: Luật DN 2014 đã luật hóa về việc dùng mã số thuế làm mã số DN; chuyển đổi
DN tư nhân thành Cty TNHH; tăng cường việc bảo vệ cổ đông nhỏ (cổ đông, nhóm cổ
đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có
quyền tự mình hoặc nhân danh Cty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành
viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc Cty trong các trường hợp quy định tại
Điều 161,…). Bãi bỏ nhiều điều khoản đã được chứng minh là hiệu quả thực thi
rất thấp như việc đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ Cty cổ phần,
hoặc bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của DN như cấm một người làm giám
đốc (tổng giám đốc) không được làm giám đốc (tổng giám đốc) Cty khác.

Bốn
là: Quy định cụ thể hơn các nguyên tắc để xác định, đăng ký vốn thực của Cty,
giải quyết tình  trạng vốn không có thực (vốn
ảo) nhưng không thể xử lý được như thời gian vừa qua. Quy định của Luật DN mới
cho phép Cty TNHH MTV được giảm vốn điều lệ (mà theo Khoản 1, Điều 76, Luật DN
cũ không cho phép được giảm vốn điều lệ). Tạo điều kiện lành mạnh thông tin và
sử dụng hợp lý, hiệu quả vốn KD của DN.

Năm
là: Quy định mới về con dấu của DN (Điều 44). Đây được coi là quy định mới mang
tính cách mạng so với quy định trước đây. Theo Luật DN mới thì DN có quyền
quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN, DN chỉ cần thông
báo mẫu dấu với cơ quan ĐKKD để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia
về đăng ký DN. Quy định này sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc vừa qua về
con dấu của DN, có thể nói với quy định mới này quyền lực của con dấu đã bị thu
lại rất nhỏ, nếu như một cá nhân cố tình chiếm giữ con dấu cũng không thể làm
tê liệt hoạt động của cả một DN như đã diễn ra tại nhiều đơn vị trong những năm
đã qua,…

Sáu
là: Quy định của Luật DN mới không yêu cầu các Cty cùng loại mới được hợp nhất,
sáp nhập, chia, tách; đồng thời cũng quy định rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa
vụ, trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục hồ sơ. Đổi mới này có ý nghĩa rất
quan trọng cho việc thúc đẩy thị trường mua bán DN (M&A) đang thực sự sôi
động trong giai đoạn hiện nay và những năm tới. Luật DN mới cũng có quy định
giúp các DN chẳng  may gặp khó khăn, bất
lợi trong KD được rút khỏi thị trường thuận lợi hơn và nhanh hơn

Bảy
là: Quan tâm hơn tới việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin như: Việc luật
hóa cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, hay thể hiện qua việc quy định cuộc
họp được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu trữ dưới các hình thức
điện tử khác đã có bước tiến bộ vượt bậc so với các quy định của Luật DN cũ là
chỉ ghi vào sổ biên bản. Luật DN mới cũng thống nhất cách hiểu về nhiều điểm mà
trước đây thường gây tranh cãi như việc chốt lại địa điểm họp được xác định là
nơi chủ tọa dự họp, mọi người không nhất thiết phải cùng ngồi họp một chỗ. Do
đó, vừa nhanh vừa tiết kiệm được chi phí cho DN và cho xã hội.

Tám
là: Điều kiện tiến hành đại hội đồng cổ đông Cty cổ phần đã có thay đổi so với
Luật DN cũ như việc quy định cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi
có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ
thể do điều lệ Cty quy định, tỷ lệ này giảm nhiều (so với  quy định tại Điều 102, Luật DN 2005 là 65%
tổng số cổ phần có quyền biểu quyết). Như vậy là, khi có số cổ đông dự họp đại
diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ
Cty quy định là cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành; Tương tự đã quy
định cho trường hợp phải triệu tập Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai (khi lần
thứ nhất triệu tập nhưng chưa đủ điều kiện họp) ít nhất là 33% theo Luật DN mới
trong khi Luật DN cũ ít nhất là 51%) quy định này sẽ giảm nhiều thời gian cho
nhiều Cty cổ phần mà thời gian qua đã gặp vì tỷ lệ này chưa đáp ứng được yêu
cầu của luật định; Đã bãi bỏ quy định việc đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp
chủ tịch hội đồng quản trị.

Thứ
chín: Đổi mới trong nội dung của Chương VIII – Nhóm Cty, có nhiều quy định mới
và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Theo đó, xác định Tập đoàn kinh tế, Tổng
Cty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm Cty có mối quan hệ với nhau thông qua
sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, Tổng Cty
không phải là một loại hình DN, không có tư cách pháp nhân; Luật DN mới cũng đã
bỏ chương IV – Quản lý nhà nước đối với DN, và thay vào đó bằng một số điều
khoản tại Chương X – Tổ chức thực hiện, điều đó có nghĩa là các cơ quan quản lý
Nhà nước quản lý DN theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đã được pháp luật
chuyên ngành quy định.

Những
quy định đổi mới mạnh mẽ như trên của Luật DN mới và những quy định đổi mới của
luật đầu tư, một số luật khác sắp có hiệu lực, cùng sự điều hành sâu sát, quyết
liệt của chính phủ hiện nay chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới cho DN và nền kinh
tế phát triển hơn nữa trong năm mới và các năm tiếp theo.

Th.s Trịnh Công Loan *

* Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

(Theo: TapchiKetoanvaKiemtoan)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *