Nghiên cứu trao đổi

Phân tích tình hình tài chính của các Cty du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai – Thực trạng và phương hướng hoàn thiện

Tiêu đề Phân tích tình hình tài chính của các Cty du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai – Thực trạng và phương hướng hoàn thiện Ngày đăng 2015-01-13
Tác giả Admin Lượt xem 1625

Cùng với việc Tổng cục Du lịch lựa chọn
năm du lịch Quốc gia 2014, Tây Nguyên – Đà Lạt với tên gọi “Đại ngàn Tây
Nguyên”, các doanh nghiệp (DN) du lịch tại Gia Lai đang đứng trước cơ hội rất
lớn để phát huy tiềm năng và sở trường của mình, nhằm đưa các DN lên một bước
phát triển mới. Trong những năm gần đây, các DN trên địa bàn tỉnh đã không
ngừng phát triển cả về mặt quảng bá hình ảnh cũng như tăng cường năng lực tài
chính nhằm tăng cường sức mạnh tài chính. Một trong những điều kiện ban đầu để
nâng cao năng lực tài chính đó là, đánh giá năng lực tài chính thông qua phân
tích tình hình tài chính (PTTHTC). Các DN du lịch tại Gia Lai nhận thức được
vấn đề này nên trong những năm vừa qua đã có sự chú ý đến PTTHTC nhưng thực sự
công tác này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Trong bài viết này, chúng
tôi tập trung nêu thực trang PTTHTC của các Cty du lịch tại Gia Lai. Bên cạnh
đó, bài viết cũng nêu một số phương hướng nhằm hoàn thiện PTTHTC của các Cty du
lịch tại Gia Lai.

Thực trạng PTTHTC của các Cty du lịch
tại Gia Lai

Thứ nhất, về tổ chức PTTHTC của các Cty
du lịch tại Gia Lai:
Công tác PTTHTC
của đa số các Cty du lịch tại Gia Lai được tiến hành qua 3 giai đoạn: Chuẩn bị
phân tích, tiến hành phân tích và kết thúc phân tích. Trong đó, chuẩn bị phân
tích chủ yếu là chuẩn bị về mặt số liệu phân tích. Nguồn số liệu dùng để phân
tích tại các DN chủ yếu được lấy từ báo cáo tài chính (BCTC). Sau khi thu thập
đủ dữ liệu cần thiết, bộ phận PTTHTC của các Cty tiến hành chọn lọc và xử lý số
liệu thu thập được. Kết thúc quá trình phân tích, nhóm phân tích nêu các kết
luận phân tích và viết báo cáo phân tích. Việc viết báo cáo phân tích thường do
trưởng nhóm phân tích thực hiện, nhằm cung cấp các thông tin cơ bản về tình
hình tài chính của DN, đưa ra các kết luận bằng văn bản và đề xuất các kiến
nghị nhằm giải quyết những tồn tại trong tài chính của DN.

Thứ hai, về đánh giá khái quát tình
hình tài chính
: Tại các Cty du lịch
trên địa bàn tỉnh Gia Lai, để đánh giá khái quát tình hình tài chính thì các
nhân viên phụ trách phân tích tài chính xem xét sự biến động của tài sản, nguồn
vốn, biến động các chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán và các chỉ tiêu phản ánh
cấu trúc tài chính của DN mình, việc phân tích các chỉ tiêu này qua các năm
liền kề để có cái nhìn bao quát nhất về xu hướng biến động tình hình tài chính
của DN (bảng 1).

Bảng 1

TT

Chỉ tiêu

Cuối năm 2012

Cuối năm 2013

Chênh lệch năm 2013 so với
2012

Số tiền

Tỷ lệ (%)

1

Tổng nguồn vốn
(triệu đồng)

408.144

375.119

-33.025

-8,09

2

Tổng nợ phải
trả (triệu đồng)

280.845

267.826

-13.019

-4,64

3

Vốn chủ sở hữu
(triệu đồng)

102.365

100.844

-1.521

-1,49

4

Hệ số tài trợ
(lần)

0,25

0,27

+0,02

– 13,74

5

Hệ số khả năng
thanh toán tổng quát (lần)

1,47

1,4

-0,07

    -5,23

(Nguồn: Báo cáo phân tích tài chính Cty CP Văn hóa – Du lịch
Gia Lai)

Thứ ba, về phân tích cấu trúc tài chính: Khi tiến hành phân tích cấu trúc tài chính, các Cty
du lịch tại Gia Lai chủ yếu xem xét cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu
nguồn vốn và mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn của DN mình. Những thông tin
từ việc phân tích cấu trúc tài sản sẽ cho nhà phân tích biết tình hình sử dụng
vốn, cơ cấu nguồn vốn. Cho biết chính sách huy động nguồn tài trợ, phân tích
mối quan hệ giữ tài sản và nguồn vốn cho biết về chính sách sử dụng vốn của các
Cty. Từ kết quả phân tích cấu trúc tài chính, cán bộ phân tích đề xuất biện
pháp kịp thời nhằm thay đổi chính sách huy động và sử dụng vốn của DN cho phù
hợp với tình hình thực tiễn.

Tại các Cty du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai, việc PTTHTC được thực
hiện thông qua các chỉ tiêu thể hiện cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn.
Các chỉ tiêu chủ yếu được các Cty du lịch tại Gia Lai sử dụng như: tỷ trọng
TSNH/Tổng Tài sản; trong đó các DN đặc biệt chú ý đến chỉ tiêu Tiền và tương
đương tiền/Tổng tài sản; Hàng tồn kho/Tổng tài sản, bởi lẽ theo các DN du lịch
trên địa bàn tỉnh thì các chỉ tiêu này cho thấy khả năng tạo ra tiền của DN,
còn đối với các DN du lịch có kết hợp với thương mại thì chỉ tiêu tỷ trọng hàng
tồn kho cho biết khả năng dự trữ hàng hóa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của
DN mình.

Thứ tư, về phân tích tình hình thanh
toán của các Cty du lịch tại Gia Lai:

Tại các Cty du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai, việc phân tích tình hình thanh
toán được bộ phận phân tích tài chính thực hiện thông qua phân tích các chỉ
tiêu phản ánh các khoản phải thu và phải trả cũng như các chỉ tiêu phản ánh mối
quan hệ giữa khoản phải thu và phải trả của mỗi Cty. Trong đó, việc phân tích
thực hiện chủ yếu qua phân tích sự biến động của tỷ trọng nợ phải thu và phải
trả trên tổng tài sản và tổng nguồn vốn, đồng thời, các Cty du lịch tại Gia Lai
cũng đã tiến hành phân tích tỷ lệ giữa nợ phải thu và nợ phải trả nhằm đánh giá
được sự biến động của số vốn bị chiếm dụng và số vốn DN đi chiếm dụng của DN
khác nhằm thấy rõ hơn tình hình thanh toán của mình.

Thứ năm, về phân tích khả năng thanh
toán:
Nhận thức được tầm quan trọng
của việc phân tích khả năng thanh toán, các Cty du lịch tại Gia Lai đã tiến
hành phân tích khả năng thanh toán thường xuyên. Việc phân tích khả năng thanh
toán của các Cty được tiến hành thông qua đánh giá các chỉ tiêu: Hệ số khả năng
thanh toán tổng quát, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng
thanh toán nhanh, hệ số khả năng thanh toán tức thời. Qua phân tích cho thấy
tình hình thanh toán của các Cty du lịch tại Gia Lai đã giảm khi so sánh số
liệu của năm 2013 với năm 2012, điều này cho thấy khả năng thanh toán của đa số
các Cty có xu hướng biến động không tốt.

Thứ sáu, về phân tích tình hình bảo đảm
vốn kinh doanh theo tính ổn định của nguồn tài trợ:
Qua tìm hiểu thực trạng các Cty du lịch tại Gia Lai,
các Cty này vẫn chưa tiến hành phân tích nội dung này mà chỉ lồng ghép trong
việc phân tích các nội dung khác. Thông thường, tại các Cty cũng chỉ dừng lại ở
việc phân tích sự biến động của vốn cổ phần huy động được với việc sử dụng phần
vốn huy động được có đúng mục đích sử dụng như ban đầu, mà chưa chú trọng việc
phân tích tính hợp lý trong cơ cấu vốn huy động và việc sử dụng vốn. Đây là một
thiếu sót trong việc phân tích tài chính vì phân tích tình hình bảo đảm vốn
kinh doanh theo tính ổn định của nguồn tài trợ sẽ cho thấy được sự hợp lý trong
việc huy động vốn và việc sử dụng vốn có đúng mục đích, đảm bảo yêu cầu về vốn
cho hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo khả năng thanh toán cho DN.

Thứ bảy, về phân tích hiệu quả kinh
doanh
: Cán bộ phân tích dựa vào các
chỉ tiêu trên báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và áp dụng phương
pháp so sánh số liệu giữa các kỳ để phân tích hiệu quả kinh doanh. Nhóm phân
tích đã tiến hành đánh giá hiệu quả kinh doanh thông qua phân tích sự biến động
của: Lợi nhuận trước thuế, doanh thu bán hàng, giá vốn hàng bán,… đồng thời
nhóm phân tích cũng xác định các nguyên nhân làm tăng, giảm các chỉ tiêu phản
ánh hiệu quả kinh doanh. Qua tìm hiểu thực tế, công tác đánh giá khái quát hiệu
quả kinh doanh của các Cty du lịch tại Gia Lai chỉ tập trung vào việc so sánh
tốc độ tăng, giảm các chỉ tiêu trên BCTC mà chưa đi sâu phân tích mối liên hệ
giữa các chỉ tiêu để thấy được bức tranh tổng thể về hiệu quả kinh doanh của
các Cty. Để phân tích khả năng sinh lợi, cán bộ phân tích của các Cty du lịch
tại Gia Lai tính toán và đánh giá các tỷ suất sinh lời như: Lợi nhuận sau
thuế/Doanh thu thuần, Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu, Lợi nhuận sau
thuế/Tổng tài sản, Lợi nhuận thuần từ HĐKD/Doanh thu thuần, thu nhập trên mỗi
cổ phần (Lợi nhuận sau thuế/Số cổ phiếu lưu hành). Các chỉ tiêu này được tính
toán và so sánh giữa các năm, cả về số tuyệt đối và số tương đối.

Hiện nay, việc phân tích khả năng sinh lợi của các Cty tại Gia Lai chỉ
dừng lại ở các chỉ tiêu cơ bản và chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh. Do đó,
chưa nhìn thấy được nguyên nhân sâu xa của sự giảm sút khả năng sinh lợi trong
những năm gần đây. Vì vậy, các Cty này cần bổ sung thêm phương pháp phân tích,
nhằm đánh giá một cách toàn diện hơn về hiệu quả kinh doanh của các Cty.

Phương hướng hoàn thiện PTTHTC của các
Cty du lịch tại Gia Lai

Qua việc tìm hiểu thực trạng PTTHTC của các Cty du lịch tại Gia Lai.
Nhận thấy, mặc dù các Cty  đã có sự chú ý
đến việc phân tích tài chính nhưng vẫn chưa đúng mực. Do đó, công tác phân tích
vẫn còn nhiều thiếu sót cả về việc tổ chức phân tích, việc vận dụng các phương
pháp phân tích theo hướng khoa học, hợp lý, các chỉ tiêu phân tích còn chưa đầy
đủ và chính xác. Vì vậy, trong thời gian tới các Cty du lịch tại Gia Lai cần
quan tâm hơn nữa đến PTTHTC và hoàn thiện theo các hướng sau:

Thứ nhất, về tổ chức PTTHTC thì các doanh  nghiệp cần chú ý nhiều đến tổ chức con người,
đào tạo đội ngũ cán bộ phân tích giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tâm huyết
cũng như hiểu biết sâu sắc về thực tế hoạt động kinh doanh và thực trạng tài
chính của mỗi DN để nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin cung cấp. Bên cạnh tổ
chức về mặt con người, việc tổ chức khoa học công tác phân tích tài chính nhằm
tiết kiệm thời gian và chi phí cũng là yếu tố cần thiết để cung cấp thông tin
về tài chính chính xác và kịp thời.

Thứ hai, các DN cần hoàn thiện hơn nữa việc vận dụng các
phương pháp PTTHTC. Việc hoàn thiện phương pháp phân tích cần thực hiện theo
hai hướng vừa hoàn thiện phương pháp hiện đang sử dụng vừa ứng dụng các phương
pháp mới, khoa học hiện đại hơn nhằm nâng cao chất lượng phân tích tài chính,
đánh giá được các nhân tố tác động đến tình hình  tài chính của DN, để đưa ra các chính sách
tài chính đúng đắn cho mỗi DN ở mỗi thời điểm khác nhau.

Thứ ba, việc hoàn thiện phân tích không chỉ là tổ chức phân
tích khoa học, vận dụng phương pháp phù hợp mà còn cần phải phân tích đầy đủ
các nội dung chỉ tiêu về tình hình tài chính. Hiện nay, việc hoàn thiện nội
dung phân tích là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất đối với các Cty du lịch
tại Gia Lai. Bởi lẽ, các Cty du lịch trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhiều nội dung
phân tích như phân tích cân bằng tài chính, phân tích hiệu quả sử dụng chi phí,
phân tích cơ cấu tài sản và nguồn vốn. Do đó, kết quả phân tích còn chưa cho
cái nhìn toàn diện về tình hình tài chính của các Cty du lịch tại Gia Lai. Điều
này đặt ra yêu cầu, cần phải hoàn thiện hơn nữa nội dung phân tích.

Bên cạnh đó, các Cty cũng cần chú ý nhiều hơn đến công tác dự báo BCTC
để có thể thấy được xu hướng biến động trong tương lai của các chỉ tiêu tài
chính nhằm có những điều chỉnh kịp thời để có được năng lực tài chính vững
chắc.

PTTHTC là một công việc hết sức có ý nghĩa trong đánh giá năng lực tài
chính của DN. Nó là cơ sở, để đề ra các chính sách tài chính hợp lý trong mỗi thời
kỳ, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn như hiện nay. Đối với các Cty
du lịch thì việc PTTHTC còn là cơ sở để đưa ra các chính sách về phát triển
hoạt động kinh doanh theo hướng phù hợp hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của
du khách. Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh của mình. Bài viết
này, chúng tôi đã đưa ra các phân tích, nhận định đánh giá về thực trạng hoạt
động PTTHTC của các Cty du lịch tại Gia Lai. Đưa ra một số phương hướng chủ yếu
để hoàn thiện PTTHTC của các Cty du lịch tại Gia Lai. Hy vọng các Cty du lịch
tại Gia Lai và các địa phương khác trên cả nước có thể nhìn nhận lại công tác
phân tích tài chính của mình để đưa ra các giải pháp hoàn thiện kịp thời.

TS. Trần Thị Cẩm Thanh – Ths. Lê Thị Hà

Khoa Kinh tế & Kế toán –  Đại học Quy Nhơn

Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

 

 Tài liệu tham khảo

1. Cty CP Văn hóa du
lịch Gia Lai, Báo cáo phân tích tài chính.

2. Nguyễn Văn Công,
(2009), Giáo trình phân tích kinh doanh, NXB Đại học KTQD.

3. Lê Thị Hà, (2013),
Hoàn thiện PTTHTC tại Cty Cổ phần Văn hóa Du lịch Gia Lai, Luận văn thạc sỹ,
Đại học KTQD
.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *