Nghiên cứu trao đổi

Phát hiện của kiểm toán độc lập từ báo cáo tài chính và hoạt động của dn – Những trở ngại, vướng mắc cho đơn vị dịch vụ kiểm toán độc lập

Tiêu đề Phát hiện của kiểm toán độc lập từ báo cáo tài chính và hoạt động của dn – Những trở ngại, vướng mắc cho đơn vị dịch vụ kiểm toán độc lập Ngày đăng 2021-05-10
Tác giả Admin Lượt xem 1283

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 208 + 209, Tháng 1+2/2021 của Lê Trọng Huấn – Phó Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán tỉnh Quảng Bình}.


1. Kiểm toán độc lập và dịch vụ Kiểm toán độc lập
Kiểm toán giữ vai trò quan trọng đối với chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) là nền tảng cho sự công khai minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN). Kiểm toán độc lập (KTĐL) là một trong những công cụ để trợ giúp minh bạch hóa thị trường, thông qua BCTC đã được kiểm toán.

Tại Điều 5 của Luật KTĐL số 67/2011/QH-12 “KTĐL là việc kiểm toán viên hành nghề, DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam. Kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về BCTC và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán”.

Trách nhiệm của KTĐL là đưa ra ý kiến về tính trung thực, hợp lý về các khía cạnh trọng yếu của BCTC. Nó đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển của DN, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế, đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đơn vị thực hiện KTĐL là bên thứ ba, đứng ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN có đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ kiểm toán, theo quy định của Luật KTĐL và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Được pháp luật cho phép, với vị trí, vai trò độc lập và khách quan. Hoạt động chính của đơn vị KTĐL là thực hiện dịch vụ KTĐL. Dịch vụ này là quá trình xem xét, kiểm tra đánh giá, kết luận quá trình tuân thủ chế độ chính sách và pháp luật của Nhà nước thể hiện trên BCTC của đơn vị được kiểm toán.

Chất lượng dịch vụ KTĐL dựa vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cả chủ quan và khách quan, tùy theo các khía cạch khác nhau của chủ thể nghiên cứu, nó sẽ được chia thành các nội dung khác nhau. Trong đó, từ phía các phát hiện (bất lợi) cho đơn vị kiểm toán, cũng có nhiều khó khăn cho đơn vị dịch vụ KTĐL đưa ra các kết luận của kiểm toán. Nhưng phần lớn, để giải quyết các vướng mắc đó, thì đơn vị KTĐL, đặc biệt là kiểm toán viên trực tiếp thực hiện hoạt động kiểm toán phải nhận diện được mức độ rủi ro hay các phát hiện cụ thể trên BCTC và các hoạt động của DN.

2. Các phát hiện của kiểm toán trên BCTC và hoạt động của DN
Nhiều nghiên cứu trước đã cho thấy, phát hiện của KTĐL đối với đơn vị được kiểm toán gồm nhiều nội dung khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả dựa trên nội dung từng khoản mục trên BCTC để khái quát lại như sau:

2.1. Đối với nhóm tài sản ngắn hạn
2.1.1. Về vốn bằng tiền
Các nội dung phát hiện chính:
+ Số dư quỹ bị âm hoặc số dư không đúng.
+ Lập các phiếu thu, chi không đủ số liên theo quy định, đánh số sai thứ tự.
+ Số tiền trên phiếu thu, chi khác trên sổ sách kế toán, hạch toán lẫn lộn về thời gian, không kịp thời; Phát sinh các phiếu thu phụ, chi phụ, nên đánh các số a, b,… để chèn vào các phiếu chính hay lẫn lộn tiền gửi nhiều ngân hàng với nhau.
+ Hạch toán sai tỷ giá thời điểm, hạch toán sai phát sinh lãi tiền gửi ngoại tệ.
Nguyên nhân chính:
+ DN lập thiếu chứng từ chi trước, thu sau (chi khống).
+ Thu chi tiền mặt với số lượng lớn vượt định mức trong quy chế tài chính; Trùng lặp dẫn đến phát sinh chênh lệch giữa tồn quỹ theo sổ sách và thực tế, mà không tìm được giải pháp xử lý phù hợp.
+ Lập nhiều sổ quỹ để theo dõi 1 khoản tiền, hoặc để lẫn lộn nhiều nguồn tiền trong quỹ hay việc đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng, tiền mặt tồn quỹ với sổ kế toán không kịp thời và thường xuyên.
+ Hạch toán thu chi theo nhiều cách thiếu nhất quán và vi phạm nguyên tắc kiêm nhiệm, như kế toán thanh toán làm thủ quỹ, thủ quỹ có quan hệ gia đình với giám đốc, kế toán trưởng.

2.1.2. Về đầu tư ngắn hạn
Các nội dung phát hiện chính:
+ Không hạch toán hoặc hạch toán khi chưa có đầy đủ hóa đơn chứng từ.
+ Không đánh giá lại dự phòng để hoàn nhập hoặc trích lập.
Nguyên nhân chính:
+ Chưa mở sổ theo dõi chi tiết theo từng loại chứng khoán, chưa trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.
+ Thiếu căn cứ hợp lệ để chứng minh, hoặc nhầm lẫn trong việc hạch toán đầu tư.

2.1.3. Về phải thu khách hàng
Các nội dung phát hiện chính:
+ Hạch toán sai nội dung, sai số tiền, sai tính chất tài khoản: Đưa các khoản phải thu không có tính thương mại vào TK131.
+ Khoản nợ thu bằng tiền mặt lớn, thời hạn nộp không được ấn định (kế toán để ngoài sổ là cơ sở để gian lận trong chiếm dụng thất thoát).
+ Chưa theo dõi từng đối tượng phải thu, phát sinh chênh lệch giữa sổ chi tiết và số liệu tổng hợp, khoản chênh lệch chưa được xử lý triệt để mà để kéo dài qua nhiều năm, nhiều kỳ báo cáo quyết toán.
Nguyên nhân chính:
+ Chưa phân loại tuổi nợ để có cơ chế quản lý và thu hồi có hiệu quả.
+ Cơ sở hạch toán không nhất quán là theo hóa đơn hay theo phiếu xuất kho, nên đối chiếu công nợ dẫn đến sai lệch: Các khoản nợ đã có phương án xóa, nhưng chưa có đầy đủ hồ sơ; Nợ sau khi xóa, không lập sổ theo dõi riêng; Điều chỉnh tăng giảm công nợ do hàng bị trả hoặc giảm giá thiếu căn cứ hợp lệ; Quá trình luân chuyển chứng từ giữa các phần hành trong và ngoài đơn vị chậm trễ nên cũng dẫn đến sai lệch, thiếu căn cứ khi hạch toán doanh thu và công nợ.
+ Kế toán đã không bù trừ công nợ trên một tài khoản của cùng một đối tượng công nợ, hoặc trên nhiều tài khoản có cùng tính chất; Không thực hiện việc đối chiếu công nợ, hoặc thực hiện không phù hợp thời điểm lập BCTC.

2.1.4. Đối với hàng tồn kho
Các nội dung phát hiện chính:
+ Việc ghi nhận hàng tồn kho không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
+ Xác định và ghi nhận sai giá, hàng nhập kho: sai lệch số liệu giữa các loại sổ sách, chứng từ; Giữa chi tiết và tổng hợp.
+ Lập phiếu nhập xuất không đúng quy định, không đánh số thứ tự, trùng số, cách số, số phụ a, b; Thiếu chữ ký, các chỉ tiêu thiếu đồng nhất.
Nguyên nhân chính:
+ Không lập phiếu nhập kho, không có biên bản giao nhận hàng; Không có hóa đơn chứng từ hợp lệ; Nhập số lượng lớn nhưng không có hợp đồng; Hóa đơn không đúng quy định; Biên bản đánh giá chất lượng hàng tồn kho; Không lập bảng kê tính giá đối với từng loại hàng tồn kho.
+ Chưa có hoặc đã có quy chế quản lý vật tư, hàng hóa; Định mức tiêu hao,… nhưng chưa phù hợp: đơn vị chỉ xuất theo giá ấn định mà không theo giá sản xuất, hoặc xuất không hạch toán vào lại chi phí; Chỉ theo dõi về số lượng; Không đối chiếu thường xuyên giữa thủ kho và kế toán; Không kiểm kê hoặc kiểm kê chiếu lệ hàng tồn kho tại thời điểm báo cáo: không ghi rõ phương pháp kỹ thuật tiêu hủy và không xuất ra khỏi sổ sách; Không thiết lập bảng tổng hợp nhập, xuất, tồn theo quy định hoặc chỉ lập chiếu lệ; Không xem xét và kiểm soát tuổi thọ, đặc điểm lý hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật.
+ Không sử dụng TK151 để theo dõi khi hàng hóa, vật tư đã về nhưng hóa đơn chưa về. Nhiều trường hợp lập phiếu nhập, xuất không chính xác: sai giá trị, số lượng; không đánh số thứ tự, trùng số, cách số, số phụ a, b; thiếu chữ ký, các chỉ tiêu thiếu đồng nhất; báo cáo quyết toán vật tư, hàng hóa chậm trễ.

2.1.5. Đối với công nợ tạm ứng và phải thu khác
Các nội dung phát hiện chính:
+ Phát sinh chênh lệch giữa sổ kế toán và số nợ thực tế; Các khoản phải thu bất thường, tài sản thiếu chờ xử lý; Không có biên bản kiểm kê và xác định nguyên nhân để quy trách nhiệm.
+ Tạm ứng cho đối tượng ngoài đơn vị, chứng từ hoàn ứng không hợp lý hợp lệ: Tình trạng tạm ứng nhanh, hoàn ứng chậm, tạm ứng nhiều, hoàn ứng nhỏ giọt, hay sử dụng tiền ứng không đúng mục đích.
+ Các khoản phải thu bất thường, tài sản thiếu chờ xử lý không theo dõi chi tiết và một số khoản đưa vào TK1388 không đúng bản chất.
Nguyên nhân chính:
+ Không theo dõi chi tiết, không đối chiếu định kỳ hoặc cuối năm.
+ Việc ứng và hoàn tạm ứng không có quy chế, quy định cụ thể.
+ Hạch toán không có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ: không có biên bản kiểm kê và xác định nguyên nhân để quy trách nhiệm. Không phân loại được các khoản phải thu ngắn, dài hạn khác.
2.1.6. Đối với việc hạch toán thuế GTGT được khấu trừ
Các nội dung phát hiện chính:
+ Chênh lệch giữa sổ kế toán và tờ khai thuế.
+ Hóa đơn không hợp lệ, hợp pháp; Kê khai không đúng thuế suất, không đúng biểu mẫu; Không đúng thời gian quy định nhưng vẫn kê khai, kê khai hóa đơn của đơn vị đã giải thể, phá sản.
Nguyên nhân chính:
+ Đơn vị tự động bù trừ thuế GTGT được khấu trừ và thuế GTGT phải nộp của các đơn vị cơ sở trên BCTC hợp nhất.
+ Hạch toán khấu trừ thuế VAT đầu vào lớn hơn đầu ra phải nộp, để số âm trên BCTC. Hủy hóa đơn GTGT rồi xuất lại với tên người khác.
+ Hạch toán, kê khai thiếu; sai nội dung, kê khai khi không có hóa đơn hoặc hóa đơn không chịu thuế.

2.2. Đối với nhóm tài sản dài hạn
2.2.1. Đối với TSCĐ
Các nội dung phát hiện chính:
+ Hạch toán tăng khi chưa có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
+ Xác định giá trị TSCĐ vô hình sai.
+ Chênh lệch nguyên giá, khấu hao lũy kế giữa bảng cân đối số phát sinh với sổ cái; Sổ chi tiết.
Nguyên nhân chính:
+ Thiếu biên bản bàn giao kiểm nhận. Hạch toán tăng chưa kịp thời sau khi bàn giao; Không theo dõi sổ chi tiết nguồn hình thành, không theo dõi riêng các tài sản đem cầm cố, thế chấp; ghi tăng nguyên giá không đúng với biên bản bàn giao, nghiệm thu,… Hạch toán giảm TSCĐ khi thực tế chưa thanh lý, tháo dỡ; Chưa có quyết định của HĐQT, hay không có biên bản hoặc xuất hóa đơn khi bán TSCĐ thanh lý.
+ Phân loại sai chi phí quyền sử dụng đất, hay chi phí đền bù và giải phóng mặt bằng; Chi phí thành lập công ty, chi phí đang trong giai đoạn nghiên cứu; Ghi nhận giá trị khi chưa có quyết định/hoạt động.
+ Phân loại sai, như tài sản không đủ tiêu chí vẫn ghi nhận là TSCĐ, hạch toán nhầm giữa TSCĐ hữu hình và vô hình; Hạch toán tăng nguyên giá TSCĐ sai, như chi phí phát sinh sau khi tài sản đã đưa vào sử dụng; Chi phí lãi vay không được vốn hóa tài sản đã hết thời gian sử dụng nhưng vẫn chưa trích hết khấu hao; Biên bản không có chữ ký của người có thẩm quyền.

2.2.2. Đối với chi phí xây dựng cơ bản
Các nội dung phát hiện chính:
+ Thủ tục đầu tư chưa đầy đủ.
+ Giá trị trên báo cáo chi tiết đầu tư chênh lệch với sổ sách kế toán.
Nguyên nhân chính:
+ Hồ sơ, chứng từ thanh quyết toán không chặt chẽ, thiếu hóa đơn chứng từ hợp lệ.

2.2.3. Đối với các khoản chi phí trả trước, chi phí chờ kết chuyển
Các nội dung phát hiện chính:
+ Đưa chi phí bán hàng và quản lý DN vào chi phí chờ kết chuyển, treo trên TK142 để điều tiết lợi nhuận.
+ Chi phí phát sinh có liên quan đến nhiều kỳ, nhưng không phân bổ, hoặc phân bổ không theo tiêu thức phù hợp và nhất quán; gác lại chi phí không phù hợp.
Nguyên nhân chính:
+ Kết chuyển chi phí chưa hợp lý và không nhất quán.
+ Chưa có quy chế cụ thể về việc phân bổ chi phí. Chưa mở sổ theo dõi từng loại theo thực tế phát sinh, nội dung từng loại chi phí chưa rõ ràng, cụ thể.

2.2.4. Đối với hoạt động đầu tư dài hạn và góp vốn liên doanh
Các nội dung phát hiện chính:
+ Chưa lập dự phòng hoặc đã lập nhưng không có cơ sở.
Nguyên nhân chính:
+ Không có đối chiếu số dư.
+ Chưa tiến hành đánh giá lại số chứng khoán tại ngày 31/12 hàng năm.
+ Không có biên bản, đánh giá lại.

2.3. Đối với nhóm nợ phải trả
2.3.1. Đối với vay ngắn hạn và vay dài hạn
Các nội dung phát hiện chính:
+ Việc hạch toán vào chi phí SXKD không đầy đủ, thiếu chính xác.
+ Không xác định được chính xác lãi tiền vay mà căn cứ chủ yếu từ thông báo của ngân hàng.
Nguyên nhân chính:
+ Không theo dõi chi tiết tiền vay gốc và lãi vay cho từng đối tượng (số đã trả, số chưa trả), cho từng khế vay và mục đích vay.
+ Chứng từ vay và thanh toán nợ vay chưa đầy đủ, không hợp lý, hợp lệ; Không có đầy đủ các chứng từ báo nợ, báo có từ ngân hàng, và những yếu tố pháp lý khác; Phân loại các khoản vay nhầm lẫn giữa ngắn hạn và dài hạn; Công tác lưu trữ hồ sơ vay chưa hợp lý, chưa khoa học.

2.3.2. Đối với nợ phải trả người bán
Các nội dung phát hiện chính:
+ Sổ kế toán sai lệch so với biên bản đối chiếu công nợ thì chưa được xử lý dứt điểm và rốt ráo, nên sự sai lệch đó ngày càng bị nới rộng.
+ Phân loại sai nội dung các khoản phải trả khác vào các khoản phải trả người bán.
Nguyên nhân chính:
+ Đơn vị chưa hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải trả; Chưa có đủ căn cứ, không có hợp đồng mua bán, thiếu hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
+ Chưa thực hiện việc phân loại các khoản phải trả; Không phân loại khoản phải trả thương mại và phi thương mại, hạch toán không đúng nội dung kinh tế.

2.3.3. Đối với Thuế và các khoản phải nộp
Các nội dung phát hiện chính:
+ Khi bán hàng, áp thuế suất thuế GTGT đầu ra chưa đúng tỷ lệ, tính toán sai giá tính thuế.
+ Hạch toán khấu trừ thuế VAT đối với các hóa đơn không hợp lệ (thiếu mã số thuế, chữ ký của người mua,…); Hạch toán giảm thuế GTGT phải nộp và ghi tăng lợi nhuận đối với khoản được miễn, giảm thuế GTGT, thay vì tăng thu nhập khác TK711.
+ Treo số dư nợ trên TK3331 (thuế GTGT) trong BCTC, thay vì TK133, do hạch toán khấu trừ thuế GTGT đầu vào vượt với số thuế đầu ra.
+ Số liệu thuế GTGT đầu ra trên sổ kế toán không khớp với số liệu trên tờ khai thuế và hóa đơn VAT (do sai, thiếu, trùng,…).
+ Tính và hạch toán thuế không đúng quy định; Hạch toán sai nội dung, thuế suất và tính sai giá tính thuế đối với hàng xuất – nhập khẩu.
+ Chưa hạch toán và kê khai thuế thu nhập cá nhân; Chưa khấu trừ tại nguồn đối với người phải chịu thuế thu nhập cao.
+ Chưa tách thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế; Chưa tổng hợp quyết toán thuế; Tiến hành chuyển lỗ để tính thuế thu nhập DN phải nộp cho năm nay, nhưng chưa đăng ký chuyển lỗ với cơ quan thuế. Hoặc thuộc diện được ưu đãi miễn giảm thuế nhưng chưa lập hồ sơ xin miễn giảm thuế.
Nguyên nhân chính:
+ Không theo dõi chi tiết từng khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp và đã nộp; Không viết hóa đơn khi bán hàng; Kê khai không đúng số seri và ngày phát hành hóa đơn trên tờ khai thuế. Hạch toán sai các trường hợp hàng bán bị trả lại, giảm giá hàng bán. Tính VAT đầu ra đối với hàng hóa khuyến mại, quảng cáo. Hạch toán giảm trừ thuế VAT đầu ra phải nộp chưa hợp lệ, như chưa có biên bản hủy hợp đồng khi đã gỡ hóa đơn khỏi cuống, khi chưa có ý kiến bằng văn bản của cơ quan thuế; Mất hoặc thất lạc hóa đơn GTGT nhưng không xử lý đúng quy định; Không tính thuế GTGT đầu ra đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trong trường hợp tiêu dùng nội bộ (trả cho người lao động) hay trao đổi hàng hóa.
+ Sử dụng sai nội dung theo dõi (giữa TK 627 và 642, hạch toán cho thuế tài nguyên) hoặc ẩn vào chi phí để kê khai không đưa qua TK333 trong kỳ (thuế môn bài); Hạch toán theo giá tạm tính khi chưa có thông báo của Cục thuế địa phương; Cơ sở tính thuế chưa phù hợp: tính trên giá bao gồm cả phí vận chuyển, bốc xếp, lưu kho bãi; Không tính thuế khai thác trong kỳ nhưng tiêu thụ; Tính thuế trên khối lượng tài nguyên khi còn lẫn tạp chất,…
+ Hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện được coi là xuất khẩu vẫn áp thuế suất 0%; Thiếu các chứng từ cần thiết và không phản ánh các khoản hoàn thuế này trên sổ kế toán; Tính thuế cho những hàng hóa không thuộc diện chịu thuế xuất nhập khẩu; Tính trên giá chưa tách chi phí vận tải, bảo hiểm; Nộp hộ thuế nhập khẩu cho đơn vị ủy thác nhưng chưa viết hóa đơn.
+ Tính và nộp thuế thu nhập cá nhân cho người có thu nhập cao với số tiền cao hoặc thấp hơn số tiền thực tế phải nộp; Hạch toán thiếu thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản chi hoa hồng, môi giới. Xác định thu nhập chịu thuế cá nhân không loại trừ khoản tiền nộp về BHXH, BHYT,…
+ Đơn vị không tạm nộp thuế thu nhập DN theo từng quý với số tiền đã kê khai. Chưa hạch toán các khoản phạt, truy thu của cơ quan thuế vào chi phí khác; Thuế tồn đọng lâu ngày chưa được xử lý. Chưa xác định và hạch toán thuế thu nhập DN phải nộp trong năm sau khi trừ số lỗ năm trước chuyển sang.

2.3.4. Đối với lương và các khoản phải trả công nhân viên chức
Các nội dung phát hiện chính:
+ Xác định quỹ lương chưa có cơ sở.
+ Xác định quỹ tiền lương không phù hợp với mức độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
+ Hạch toán tiền lương và các khoản trích vào lương không đúng kỳ; Chưa tiến hành khấu trừ vào lương đối với khoản tiền bồi thường thiệt hại, tổn thất, vi phạm của công nhân viên.
Nguyên nhân chính:
+ Chưa xây dựng quy chế trả lương có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền, cách thức tính lương, trả lương thiếu nhất quán.
+ Chưa đăng ký với cơ quan thuế về quỹ lương phải trả trong năm, cùng với phương pháp tính, trả lương và lập kê khai thuế TNDN; Hạch toán vào chi phí cao hơn hoặc thấp hơn số được trích; Thanh toán lương khống, kê khai tăng giờ làm thêm so với thực tế.
+ Hạch toán một số khoản có tính chất lương, được phụ cấp vào lương như tiền ăn ca, ăn trưa, tiền làm thêm giờ vào chi phí mà không qua TK334; Hoặc tạm ứng trên TK 141 nhưng không khấu trừ giảm khoản phải trả lương; Chứng từ thiếu, không ký đầy đủ, hợp lệ theo quy định (hợp đồng lao động, Bảng chấm công).

2.3.5. Đối với các khoản chi phí phải trả
Các nội dung phát hiện chính:
+ Chưa có quy định cụ thể về việc trích trước vào chi phí phải trả hay kết chuyển các khoản này vào chi phí trong kỳ. Trích lập các khoản phải trả vào chi phí SXKD trong kỳ không tương ứng với doanh thu.
+ Hạch toán chi phí treo vào nợ phải trả (hoặc phải thu) nhằm tăng (hoặc giảm chi phí) trong năm để giấu lãi (hoặc lỗ).
+ Hạch toán không đúng nội dung tính chất theo quy định.
Nguyên nhân chính:
+ Chưa tiến hành trích quỹ dự phòng (trợ cấp mất việc làm).
+ Không kết chuyển phần chênh lệch đã trích vào chi phí SXKD trong kỳ nhưng không chi hết để giảm phí.
+ Bán hàng trả chậm, trả góp, doanh thu chưa thực hiện không hạch toán vào TK3387 mà hạch toán thẳng vào TK511; Chưa bù trừ công nợ phải thu, phải trả với cùng 1 đối tượng khi nhầm lẫn. Chưa mở sổ theo dõi chi tiết cho từng đối tượng có quan hệ thanh toán hay từng khoản phải nộp, phải trả. Hạch toán thiếu: khoản chênh lệch lãi (lỗ) về tỷ giá hối đoái trên TK413 chưa được kết chuyển hoặc phân bổ phù hợp theo quy định.

2.3.6. Đối với nợ dài hạn và nợ dài hạn đến hạn trả
Các nội dung phát hiện chính: Hạch toán trước tiền lãi TSCĐ thuê tài chính chưa đúng quy định.
Nguyên nhân chính: Không theo dõi chi tiết các khoản nợ dài hạn theo từng hợp đồng, từng đối tượng; Các khoản nợ dài hạn khi phát sinh không được ký kết và thống nhất thông qua tập thể lãnh đạo.

2.4. Đối với nguồn vốn kinh doanh và các quỹ của DN
Các nội dung phát hiện chính: Hạch toán nguồn vốn kinh doanh chưa phù hợp, chưa đầy đủ.
Nguyên nhân chính:
+ Không được ghi chép và phân loại hợp lý.
+ Kê khai khống nguồn vốn kinh doanh với mục đích chủ quan.
+ Chưa hạch toán tăng, giảm nguồn vốn kinh doanh kịp thời.
+ Mức trích chưa đảm bảo mức trích theo quy định đối với từng loại hình DN.

3. Các trở ngại và vướng mắc đối với dịch vụ KTĐL
Mỗi cuộc kiểm toán đều phải đưa ra kết luận kiểm toán. Để đưa ra quyết định hợp lý các đơn vị dịch vụ KTĐL phải trải qua quá trình gồm nhiều giai đoan khác nhau, từ xem xét – xét đoán, phân tích đến kiểm tra. Quá trình này luôn chứa đựng rất nhiều rủi ro và đến từ nhiều phía khác nhau. Trong đó, có rất nhiều vướng mắc, trở ngại theo từng tính huống phát hiện sai sót và gian lận của đơn vị được kiểm toán và cả chủ thể đơn vị dịch vụ KTĐL. Cụ thể:

3.1. Đơn vị được kiểm toán/DN được kiểm toán cung cấp các tài liệu không đủ đẫn đến những kết luận kiểm toán không đầy đủ.
Thực tế, các kiểm toán viên có quyền được yêu cầu cung cấp thêm các tài liệu. Tuy nhiên, việc cung cấp thêm hoặc từ chối cung cấp tùy thuộc vào quyết định của DN được kiểm toán. Khi DN cung cấp đúng và đủ tài liệu, chứng từ kế toán thì kiểm toán viên có cơ sở đúng để đưa ra ý kiến kiểm toán về tính trung thực, hợp lý. Ngược lại, phạm vi công việc kiểm toán sẽ bị ảnh hưởng và kiểm toán viên độc lập sẽ phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo kiểm toán do hạn chế phạm vi kiểm toán. Hơn nữa, một số đơn vị dịch vụ KTĐL, nhất là các đơn vị mới thành lập hay quy mô nhỏ thì chưa chú ý trong việc vận dụng đầy đủ các kỹ thuật và thủ tục kiểm toán.

3.2. Quy mô và năng lực của đơn vị KTĐL còn hạn chế
Về quy mô, phần lớn các đơn vị làm dịch vụ KTĐL tại Việt Nam hiện nay đều dừng ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Về phương pháp kiểm toán, hầu hết các đơn vị dịch vụ KTĐL đều vận dụng cả 2 hệ thống phương pháp kiểm toán (phương pháp kiểm toán tuân thủ và phương pháp kiểm toán cơ bản) nhưng việc vận dụng các kỹ thuật kiểm toán cụ thể lại không đảm bảo sự kết hợp của hai phương pháp này, do đó các thông tin thu thập được chưa đủ để đưa ra kết luận chắc chắn.

3.3. Chu trình kiểm toán và tính bao quát của chu trình kiểm toán
Thực tế, rất khó để xây dựng chu trình kiểm toán chung cho tất cả hoạt động hoặc nội dung kiểm toán. Mỗi một cuộc kiểm toán lại được thiết kế riêng, trên cơ sở nguyên tắc của nghề nghiệp kiểm toán. Điều này phụ thuộc rất lớn vào đặc trung của DN/đơn vị của kiểm toán. Do đó, khi chu trình kiểm toán chỉ hoàn chỉnh nếu được sự phối hợp của cả hai bên (kiểm toán và được kiểm toán). Tính bao quát (gồm nhiều khía cạnh khác nhau) của chu trình kiểm toán lại phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn của kiểm toán viên. Trong khi, ở quy mô nhỏ và vừa, việc thu hút các kiểm toán viên có năng lực chuyên môn như kỳ vọng là điều không dễ. Phổ biến là các kiểm toán viên chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục phân tích, chú trọng đến kiểm tra chi tiết nghiệp vụ và số dư tài khoản. Đa phần chỉ tập trung kiểm tra số liệu tổng hợp và đối chiếu giữa các sổ kế toán với chứng từ chứng minh. Việc lựa chọn phạm vi kiểm tra chi tiết cũng có sự khác biệt lớn giữa các tổ chức kiểm toán.

4. Kết luận
Trên đây là một số nội dung cơ bản về phát hiện của KTĐL liên quan đến hoạt động của đơn vị/DN được kiểm toán và những trở ngại, vướng mắc chung cho dịch vụ KTĐL. Mặc dù bài viết chưa thể thống kê bởi những số liệu cụ thể. nhưng thông qua cách tổng hợp từ kinh nghiệm kiểm toán và làm nghề của tác giả cho thấy, khi triển khai dịch vụ KTĐL tại DN đơn vị KTĐL và DN cần cùng phối hợp, để có sự chuẩn bị chu đáo và cùng tháo gỡ, nhằm tránh được những rắc rối trong khi thực hiện chức trách nhiệm vụ. Để dịch vụ KTĐL thực sự là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của DN.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *