Nghiên cứu trao đổi

Tăng cường hoạt động đào tạo phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao

Tiêu đề Tăng cường hoạt động đào tạo phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao Ngày đăng 2017-06-29
Tác giả Admin Lượt xem 530

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T4/2017)

Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính toàn quốc của Việt Nam, trong hơn 20 năm qua. VAA đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thúc đẩy và tham gia tạo lập các yếu tố của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, chủ động mở cửa và hội nhập với nghề nghiệp kế toán, kiểm toán các nước trên thế giới và trước hết là các nước trong khu vực Châu Á. Hội đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên, cho đội ngũ cán bộ tài chính, kế toán và kiểm toán. Hội đã thực hiện khá tốt công việc này và đang tiếp cận với chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán trong khu vực và thế giới, chuẩn bị tích cực cho quá trình nhất thể hóa chương trình đào tạo và thừa nhận chứng chỉ hành nghề giữa các nước trong khu vực ASEAN.

Trong thời gian tới, Hội cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Trước hết, Về nhận thức, cần coi trọng, quan tâm nhiều hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội viên. Đây không chỉ là trách nhiệm góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho Hội viên để hội viên làm tốt chức năng kế toán, kiểm toán, mà còn là nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của Hội.

Thứ hai, Cần thống nhất nhận thức và có sự quan tâm thực sự của các cơ quan quản lý Nhà nước theo tinh thần của Luật Kế toán (số 88/2015/QH 13): Tổ chức nghề nghiệp về kế toán được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho người làm kế toán, kế toán viên hành nghề và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán do Chính phủ quy định (Điều 70).

Thứ ba, Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ là một thị trường mở, nhu cầu lớn, nhưng cũng là một thị trường, một lĩnh vực cung cấp dịch vụ có sự cạnh tranh rất khốc liệt với sự tham gia của rất nhiều lực lượng: Các Viện, Trường, các trung tâm và thậm trí cả các Doanh nghiệp,… không chỉ trong nước mà cả của nước ngoài,… Vì vậy, để thành công và duy trì tốt công việc này, ngoài trách nhiệm Hội cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, đổi mới thường xuyên chương trình, nội dung, đa dạng hóa hình thức đào tạo huấn luyện, nâng cao chất lượng giảng viên, tổ chức lớp học và phương pháp giảng dạy. Cần phải thật linh hoạt, có nhiều chương trình, nhiều nội dung đào tạo, nhiều hình thức tổ chức phù hợp với các đối tượng học viên đa dạng. Cần chủ động nắm bắt nhu cầu của Hội viên, của xã hội để tổ chức các khóa đào tạo, kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Thứ tư, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo cam kết, dịch vụ kế toán, kiểm toán sẽ là một trong 8 lĩnh vực dịch vụ được mở cửa tự do không chỉ cho các pháp nhân mà cả các thể nhân, những người có chứng chỉ hành nghề, có kỹ năng nghề nghiệp được thừa nhận. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam về chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên. ở các nước ASEAN, đây là chứng chỉ nghề nghiệp do các Tổ chức nghề nghiệp đánh giá, cấp và quản lý trên cơ sở chương trình đào tạo do Nhà nước quy định. VUSTA cần tác động và có kiến nghị với Nhà nước có biện pháp khẩn trương chuẩn bị thựdc hiện các cam kết AEC. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã và sẽ tiếp tục có kiến nghị, đề xuất với Nhà nước, với Bộ Tài chính thực hiện việc thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp theo thông lệ quốc tế và cam kết hội nhập. Hội đã có đề án trình Bộ Tài chính về đào tạo, thi và cấp chứng chỉ kế toán viên (Certified Chartered Accountant hoặc Certified Public Accountant).

Thứ năm, Cần tạo lập sự liên kết giữa các Hội thành viên trong VUSTA, để cùng tham gia hoặc hỗ trợ trong hoạt động đào tạo tại lĩnh vực, ngành nghề, tại địa phương. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tha thiết mong muốn và sẵn sàng hợp tác, phối hợp với tất cả các Hội Địa phương, các Hội ngành, như Hội Luật gia, Hội Kinh tế, Hội Kinh tế môi trường, Hội Thống kê,… và nhiều Hội ngành khác để cùng tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Chúng tôi rất mong được hợp tác và sẻ chia cùng các Hội.

Với mục tiêu Hội tụV, chuyên nghiệp và năng động, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đang và sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ tất cả các hoạt động theo tôn chỉ và mục đích của Hội, trong đó có hoạt động đào tạo và bồi dưỡng vì quyền lợi của Hội viên, vì nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, vì sự lành mạnh và minh bạch của nền tài chính quốc gia./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *