Nghiên cứu trao đổi

Thực hiện kế toán xanh ở Việt Nam: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp

Tiêu đề Thực hiện kế toán xanh ở Việt Nam: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp Ngày đăng 2024-04-15
Tác giả Admin Lượt xem 1589

GS.TS. Ngô Thế Chi*- TS. Đào Ngọc Hà*

(*Học viện Tài chính)

Nhận:              18/12/2023         

Biên tập:         19/12/2023    

Duyệt đăng:    10/01/2024

Tóm tắt

Tăng cường thực hiện kế toán xanh trong các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát triển bền vững là một trong những yêu cầu cấp thiết. Bài viết nghiên cứu một số thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện loại kế toán này ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất giải pháp tăng cường kế toán xanh trong các DN thời gian tới.

Từ khóa: kế toán xanh, kế toán môi trường, thuận lợi, khó khăn thực hiện kế toán xanh, giải pháp tăng cường thực hiện kế toán xanh.

Abstract

Strengthening the implementation of green accounting in businesses in Vietnam in the current period, contributing to sustainable development is one of the urgent requirements. The article researches some advantages and difficulties in implementing present this type of accounting in Vietnam, thereby proposing solutions to strengthen green accounting in businesses in the coming time.

Keywords: green accounting, environmental accounting, dvantages and disadvantages of implementing green accounting, solutions to enhance green accounting implementation.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.01202401

  1. Giới thiệu

Khái niệm về kế toán xanh đã được hình thành và phát triển từ năm 1972 ở Mỹ, sau Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Stockhom (Thụy Điển). Nhiều tác giả đã nghiên cứu về kế toán xanh, điển hình là tác giả Fleishchmann et Paudke (1977) và Verein Deutscher (1979). Các tác giả này đã tập trung nghiên cứu việc tính toán cụ thể các chi phí và lợi nhuận gắn với các biện pháp chống ô nhiễm môi trường.

Đầu năm 1980, nhiều công ty của Mỹ đã đưa vào thực hiện các dự án đầu tư cho công nghệ môi trường. Trong thời điểm này, kế toán xanh đã có sự lan tỏa sang một số nước như: Đức (năm 1980), Nhật Bản (năm 1999),…

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, cùng với xu thế kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, kế toán xanh, kế toán môi trường (KTMT) đang ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả, như: Canada, Đan Mạch, Argentina, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia,…

“Kế toán xanh” có thể hiểu là một loại kế toán ghi chép, tổng hợp và lập báo cáo cho một tổ chức, nhằm phản ánh đầy đủ các nội dung về tài sản, nợ phải trả, nguồn thu và chi phí cho môi trường xanh của một quốc gia và một DN. Mục đích của kế toán xanh và KTMT là nhằm giúp các tổ chức và DN quản lý các mục tiêu môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Theo Asheim (1997), cần thiết lập một hệ thống kế toán xanh và KTMT để ngăn chặn ô nhiễm hoặc thiệt hại môi trường. Trong khi đó, Sherine & Jacob & Jolli (2012) cho rằng, nhiều quan điểm đã ghi nhận việc tính thu nhập và chi phí từ môi trường có khó khăn đáng kể, bởi nguyên nhân là do các khoản chi phí này thường mang tính chất ẩn. Ngoài ra, việc đo lường các khoản thu – chi trên góc độ số liệu của kế toán, tài chính do nó liên quan đến tương lai và những nhân tố vô hình khác,…

Nghiên cứu kế toán xanh, cũng như những lợi ích và khó khăn trong thực hiện kế toán xanh tại các DN ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường thực hiện kế toán xanh, góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

  1. Lợi ích của việc thực hiện kế toán xanh

Thực hiện kế toán xanh trong các DN, mang lại một số lợi ích chủ yếu sau:

Một là, thực hiện kế toán xanh, đáp ứng được vấn đề phát triển bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội; làm thay đổi tư duy, nhận thức, cách thức quản lý và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của các nhà quản trị, cũng như tập thể người lao động trong DN.

Hai là, thực hiện kế toán xanh, tạo điều kiện cho nhà quản lý trong DN thấy rõ hơn mức độ phát sinh của các loại chi phí, trong đó có chi phí môi trường (CPMT). Từ đó, có biện pháp, cách thức quản lý hữu hiệu chi phí và sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên và năng lượng,… nhằm thay đổi phương án sản xuất sản phẩm theo hướng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và hội nhập hiệu quả.

Ba là, thực hiện kế toán xanh và góp phần nâng cao uy tín của DN. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của DN cả trong và ngoài nước.

Bốn là, góp phần giảm thấp chi phí và hạ giá thành sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận; có cơ hội cho việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm tốt hơn, sạch hơn và thân thiện môi trường. Từ đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh của DN.

  1. Khó khăn trong thực hiện kế toán xanh

Bên cạnh những lợi ích khi thực hiện kế toán xanh, còn có những khó khăn thách thức, cụ thể là:

Thứ nhất, về chính sách vĩ mô

Nhiều văn bản chính sách của Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương liên quan đến vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và hạch toán kế toán, thống kê,… chưa đi sâu vào đời sống thực tế; chưa có những quy định chi tiết. Cụ thể, gây không ít khó khăn cho DN trong việc phân loại và bóc tách riêng rẽ tài sản, chi phí, nợ phải trả và thu nhập môi trường,…

Thứ hai, về ghi nhận thông tin kế toán

Hiện nay, trong rất nhiều thông tin kế toán xanh của các DN chưa được ghi nhận đầy đủ. Hầu hết, các DN đều chưa quan tâm đến các thông tin phi tài chính môi trường, như chính sách môi trường, mục tiêu môi trường, cam kết tuân thủ các quy định môi trường; thông tin vật lý môi trường, như khối lượng chất thải, dòng luân chuyển nguyên vật liệu, năng lượng. Đặc biệt, chi phí chất thải ở hầu hết các DN vẫn được ghi nhận vào chi phí sản xuất chung, mà chưa được ghi nhận riêng thành một khoản của CPMT. Mặt khác, chưa có các quy định cụ thể về tài chính môi trường; trong chế độ kế toán chưa có các tài khoản kế toán để phản ánh riêng đối với các loại tài sản môi trường, nợ phải trả môi trường, CPMT và thu nhập môi trường mà các khoản này vẫn được ghi nhận chung trong thông tin kế toán truyền thống. Nghĩa là, vẫn sử dụng những tài khoản kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC dùng cho DN nói chung.

Thứ ba, về xử lý và phân tích thông tin kế toán

Hiện nay, các DN Việt Nam do không xác định riêng CPMT và việc phân bổ CPMT bằng các tiêu thức truyền thống, nên không thể truy xuất nguồn gốc phát sinh CPMT. Bởi thế, ảnh hưởng đến việc ra quyết định của nhà quản trị trong việc quyết định giá bán sản phẩm, cũng như phương thức quản lý môi trường. Ngoài ra, việc xác định và phân tích chỉ số hiệu quả môi trường còn hạn chế khi thiếu tính liên kết giữa thông tin vật lý môi trường và thông tin tiền tệ môi trường, nên DN chưa thể đánh giá đúng đắn hiệu quả sinh thái và hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, các DN chưa tích hợp các khía cạnh môi trường, xã hội, kinh tế với nhau thành một công cụ quản lý bền vững, mặc dù đây là yếu tố tạo nên sự thành công của DN.

Thứ tư, về báo cáo, cung cấp thông tin kế toán xanh, KTMT

Trên phương diện kế toán tài chính, thông tin xanh, thông tin môi trường mà các DN cung cấp ra bên ngoài chưa được trình bày tập trung, còn tản mạn, thiếu tính chính xác nên gây khó khăn cho người sử dụng thông tin.

Trên phương diện kế toán quản trị, việc lập báo cáo kế toán quản trị môi trường tại các DN còn nhiều hạn chế, chưa chủ động quản lý thông tin môi trường và sử dụng thông tin môi trường phục vụ cho việc ra quyết định kinh tế, nhất là đối với các DN thuộc các ngành và lĩnh vực nhạy cảm với môi trường. Điều này gây nguy cơ đối diện với tính không chắc chắn môi trường về văn bản pháp lý môi trường, về cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên,… Công tác phân tích thông tin môi trường tại các DN mới chỉ dừng lại ở việc phân tích chung chung và chưa cụ thể, nên các thông tin phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản lý bị hạn chế rất lớn.

  1. Nguyên nhân hạn chế

Thứ nhất, Việt Nam chưa có hướng dẫn một cách cụ thể về thực hiện kế toán xanh, KTMT và thiếu chuẩn mực kế toán về môi trường, làm cho thông tin môi trường thiếu tính minh bạch, thiếu tính đầy đủ và chưa đảm bảo độ tin cậy cho người sử dụng thông tin. Thực hiện kế toán xanh, KTMT hiện nay tại các DN được thực hiện chủ yếu theo các văn bản pháp lý môi trường và quy định kế toán truyền thống, nên việc ghi nhận, đo lường và cung cấp thông tin môi trường của các DN này chưa đảm bảo độ chính xác và đầy đủ.

Thứ hai, nhận thức về bảo vệ môi trường của nhà quản trị trong các DN còn hạn chế và chủ yếu là tuân thủ các quy định môi trường hơn là thực hiện các sáng kiến, cải tiến phòng ngừa ô nhiễm và giảm thiểu chất thải. Việc thực hiện kế toán xanh, KTMT của các DN chủ yếu bởi áp lực cưỡng chế từ các cơ quan quản lý Nhà nước, hơn là chủ động quản lý môi trường, tích hợp thông tin môi trường trong quản lý hoạt động kinh doanh, hoặc cung cấp nhiều thông tin môi trường hữu ích hơn để hỗ trợ các bên liên quan ra quyết định. Vì vậy, kế toán xanh, KTMT tại các DN ít nhận được sự quan tâm, thúc đẩy thực hiện từ nhà quản trị cấp cao, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Thứ ba, trình độ, năng lực của nhân viên kế toán cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thực hiện kế toán xanh và KTMT còn bất cập tại các DN. Đại bộ phận nhân viên kế toán trong các DN chưa được đào tạo một cách bài bản về kế toán xanh và KTMT. Với kiến thức kế toán truyền thống hiện có, nhân viên kế toán tại các DN này chưa sử dụng phương pháp tiên tiến để phân bổ CPMT. Do đó, việc phân bổ chi phí còn thiếu chính xác và chưa chủ động xây dựng các dự toán, các chỉ số hiệu quả môi trường,… nhằm mang lại lợi ích cho DN, từ công tác quản lý môi trường hiệu quả, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu CPMT.

Thứ tư, kế toán xanh, KTMT là lĩnh vực kế toán mới, mang lại thông tin đa chiều và lợi ích to lớn cho DN trong hoạt động bảo vệ môi trường. Song, chưa có sự khuyến khích thực hiện từ các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và thực hiện dự án thí điểm,… đặc biệt là DN nhỏ và vừa khi đối diện với áp lực chi phí lớn trong khi nguồn tài chính còn hạn hẹp.

Thứ năm, kế toán xanh, KTMT có nhiều công cụ kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là công cụ quản lý hiệu quả, như phân tích hiệu quả môi trường, thẻ điểm cân bằng,… còn khá mới với các DN Việt Nam nói chung và các DN nhạy cảm với môi trường nói riêng. Điều này là do thiếu sự hỗ trợ về học thuật, cũng như thực hành kế toán xanh và KTMT từ các hiệp hội nghề nghiệp kế toán và các tổ chức đào tạo, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ sáu, sự liên kết và phối hợp giữa bộ phận kế toán với bộ phận kỹ thuật, bộ phận quản lý môi trường trong cơ cấu tổ chức của các DN còn nhiều bất cập. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thông tin môi trường khó định lượng và kế toán chưa có cái nhìn toàn diện về thông tin môi trường phát sinh, đặc biệt là CPMT ẩn trong các tài khoản kế toán,…

  1. Giải pháp tăng cường thực hiện kế toán xanh trong các DN Việt Nam

Để việc thực hiện kế toán xanh trong các DN đạt được hiệu quả cao, góp phần phát triển bền vững, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, bổ sung hoàn thiện chính sách, quy định mang tính pháp lý về những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường và các quy định về tài chính và KTMT. Có chế tài cụ thể để xử lý những trường hợp vi phạm môi trường.

Hai là, sửa đổi, bổ sung  và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán về môi trường. Theo đó, một số Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS), ví dụ: VAS 03 cần bổ sung theo hướng cho phép ghi nhận các chi phí phát sinh trong tương lai là một yếu tố cấu thành trong giá trị hình thành ban đầu của tài sản cố định (TSCĐ) (chi phí tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng của TSCĐ nhằm khôi phục hiện trạng TSCĐ,…).

Ngoài ra, cần nghiên cứu và bổ sung một số chuẩn mực kế toán mới để phản ánh trong tương lai về các khoản tài trợ của Chính phủ theo quy định của IAS 20. Chuẩn mực này sẽ giúp DN có cơ sở ghi nhận và thuyết minh giá trị khoản tài trợ, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác của Chính phủ, khi xu hướng phát triển bền vững đã lan toả trên toàn cầu và nhiều nước lựa chọn thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, thông qua khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường với nguyên tắc phòng ngừa hơn là phạt nặng các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Ba là, hoàn thiện về nhận diện, ghi nhận thông tin kế toán xanh. Để việc cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin kế toán tài chính (KTTC) xanh, KTMT cho các đối tượng bên ngoài, thể hiện trách nhiệm của DN trong hoạt động bảo vệ môi trường. Làm cơ sở cho việc so sánh giữa các DN cùng ngành, cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) trong việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, thì cần phải nhận diện một cách độc lập đối với tài sản môi trường, nợ phải trả môi trường, CPMT và thu nhập môi trường. Đồng thời, trên báo cáo tài chính (BCTC) cũng phải có những khoản mục riêng để phản ánh. Đối với tài sản môi trường, với mục đích bảo vệ môi trường, các TSCĐ hữu hình liên quan đến môi trường trong các DN cần được nhận diện độc lập, thể hiện giá trị riêng biệt trong danh mục TSCĐ và phân loại theo từng hoạt động môi trường. Việc tách biệt này sẽ giúp các đối tượng bên ngoài, đánh giá chính xác sự đầu tư của DN vào các công trình xử lý chất thải cuối đường ống, cũng như có cái nhìn thấu đáo về mục tiêu giảm tác động môi trường của DN.

Theo đó, cần quy định tài khoản kế toán riêng để phản ánh riêng biệt đối với các tài sản môi trường và các khoản CPMT, các khoản nợ phải trả môi trường và các khoản thu nhập môi trường, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hạch toán và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính, thông tin môi trường. Đặc biệt, cần có quy định rõ ràng từng khoản mục CPMT để thuận tiện cho việc quản lý chi phí và tính toán thu nhập môi trường.

Bốn là, hoàn thiện về cung cấp thông tin kế toán xanh. Khi mối quan tâm về môi trường ngày càng tăng thì số lượng các bên liên quan chú ý đến thông tin môi trường ngày càng nhiều. Báo cáo môi trường trở thành phương tiện giải trình của DN, đáp ứng nhu cầu từ các nhóm áp lực khác nhau (Chính phủ, nhà đầu tư, khách hàng,…). Phần lớn DN hiện nay chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên thông tin môi trường được trình bày chủ yếu thông qua BCTC còn lại DN đã niêm yết thì sử dụng thêm báo cáo thường niên để công bố vấn đề này. Việc sử dụng báo cáo môi trường riêng biệt hay lồng ghép thông tin môi trường trong BCTC, báo cáo thường niên cần phù hợp với bối cảnh nền kinh tế và quy mô DN, DN đã niêm yết hay chưa  niêm yết và đối tượng sử dụng thông tin.

Vì vậy, giải pháp hoàn thiện báo cáo môi trường bên ngoài cho các DN, như sau: đối với các DN có quy mô nhỏ và vừa, DN chưa niêm yết, cần hoàn thiện việc công bố thông tin môi trường trên các BCTC hiện có, để đảm bảo thông tin được trình bày rõ ràng và đầy đủ, minh bạch và đáng tin cậy, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Thông tin môi trường cần được trình bày tập trung thành một mục riêng biệt trong thuyết minh BCTC. Điều này sẽ giúp người đọc có cái nhìn toàn diện về hoạt động môi trường, đánh giá chính xác tình hình tài chính, nghĩa vụ môi trường và rủi ro môi trường mà DN đang gặp phải.

Căn cứ vào đặc điểm sản xuất của DN, các thông tin môi trường về tài sản và nợ phải trả, chi phí và thu nhập cần trình bày một cách cụ thể, như: CPMT phân theo hoạt động và phân theo yếu tố cấu thành; CPMT được vốn hoá ghi nhận vào báo cáo tình hình tài chính; ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; phân biệt giữa CPMT liên quan hoạt động kinh doanh chính và CPMT liên quan đến hoạt động khác. nợ phải trả môi trường cần phân biệt giữa nợ phải trả, dự phòng nợ phải trả và nợ tiềm tàng. Mỗi loại nợ phải trả môi trường cần công bố về số dư đầu kỳ và cuối kỳ; khoản nợ phát sinh thêm và đã trả trong kỳ.

Đối với tài sản môi trường, cần phân biệt giữa TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình theo dõi riêng theo nguyên giá và hao mòn luỹ kế; trình bày riêng tài sản môi trường đang trong quá trình xây dựng chuẩn bị đưa vào sử dụng trong tương lai.

Đối với thu nhập môi  trường, cần phân biệt thu nhập môi trường từ hoạt động bán chất thải, phế thải với thu nhập môi trường phát sinh từ các chương trình trợ cấp và ưu đãi của Chính phủ về hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần công bố thêm thông tin liên quan đến chương trình tài trợ của Chính phủ, như bản chất, nội dung, phạm vi và thời hạn,… Thông tin môi trường cần công bố theo đặc điểm ngành nghề, như: khối lượng tài nguyên tiêu thụ, khối lượng khí thải, chất thải, thông cáo độc hại; chính sách môi trường; các biện pháp bảo vệ môi trường; các văn bản pháp lý về môi trường,… để các bên liên quan có góc nhìn tổng thể và bao quát về toàn bộ hoạt động môi trường của DN.

Đối với các DN có quy mô lớn và niêm yết trên thị trường chứng khoán, trước mắt cần hoàn thiện thông tin môi trường được công bố trên BCTC như trên. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin về khối lượng, tỷ lệ nước tái chế và tái sử dụng tại mục II.6 trên báo cáo thường niên, vì ở các DN này đều có hệ thống xử lý nước thải và tuần hoàn nước. Điều này vừa đáp ứng đầy đủ yêu cầu công bố thông tin môi trường theo quy định trong Thông tư 155/2015/BTC, vừa cung cấp thêm thông tin về hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên của DN đến người sử dụng trên thị trường vốn. Trong tương lai, để đáp ứng hơn nữa nhu cầu thông tin môi trường ngày càng tăng từ các bên liên quan, việc thiết lập báo cáo môi trường độc lập từ các DN là thực tế khách quan. Tuy nhiên, các DN cần có khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết và nên thực hiện theo lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế mà Bộ Tài chính đã lên kế hoạch trong thời gian tới.

Hiện tại, có nhiều khuôn khổ hướng dẫn báo cáo môi trường độc lập, nhưng tiêu chuẩn GRI được xem là khuôn khổ gần gũi, sử dụng phổ biến nhất với các DN Việt Nam hiện nay, để báo cáo về các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội. Thông tin môi trường được tích hợp theo khuôn khổ GRI, sẽ đảm bảo nội dung đầy đủ và kết cấu chặt chẽ, độ tin cậy cao hơn, giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa DN với các bên liên quan.

Lập báo cáo môi trường nói riêng và báo cáo phát triển bền vững nói chung theo tiêu chuẩn GRI, cần sử dụng các nguyên tắc báo cáo quy định trong GRI 101 (Tiêu chuẩn Tổng quát 2016), để xác định chất lượng và nội dung báo cáo.

Báo cáo bao gồm các chủ đề trọng yếu và phạm vi của các chủ đề, đủ để phản ánh các tác động đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội, cho phép các bên liên quan đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức báo cáo trong kỳ báo cáo.

Mỗi loại hình DN có tiêu chuẩn riêng, vì vậy cần phải căn cứ vào đặc điểm của từng ngành để công bố các thông tin môi trường phù hợp. Thông thường, các chủ đề trọng yếu trong báo cáo môi trường của ngành nhạy cảm môi trường gồm có: vật liệu, năng lượng, nước, đa dạng sinh học, phát thải và chất thải.

Đối với mỗi chủ đề môi trường trọng yếu, DN cần tuân thủ tất cả các yêu cầu công bố thông tin 103.2 trong GRI 103 (Phương pháp quản trị 2016). DN cần báo cáo tối thiểu một công bố thông tin trong từng chủ đề. Tiêu chuẩn từng chủ đề có thể bao gồm các yêu cầu báo cáo và khuyến nghị báo cáo, hoặc hướng dẫn báo cáo phương pháp quản trị về chủ đề, nên đặc biệt hữu ích khi giải thích thông tin định lượng cho các bên liên quan.

Tài liệu tham khảo

 

Bộ Tài nguyên và môi trường. (2016, 2020). “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020”.

Nguyễn Phú Giang. (2020). “Nghiên cứu KTMT trong các DN sản xuất ở Việt Nam đáp ứng phát triển bền vững”. Đề tài nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Thị Kim Tuyến. (2020). “KTMT tại các DN khai thác khoáng sản trên địa bàn Bình Định”. Luận án Tiến sỹ.

Aziz Ansari “KTMT và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)”.

Barbu, E. M., Dumontier, P., Feleaga, N., & Feleaga, L. (2014). “A proposal of an international environmental reporting grid: What interest for policymakers, regulatory bodies, companies, and researchers?: Reply to discussion of mandatory environmental disclosures by companies complying with IAS/IFRS: The Case of France, Germany and the UK”. The International Journal of Accounting, 49(2), 253-262.

Boutilier, Robert. (2017). Stakeholder: Social Capital, Sustainable Develoment, and Coporation,Routledge.

Buch-Hansen, Mogens. (1997). “ Environment-a Liability and an Asset for Economic Develoment: Some Views on Environmental with Economic Delopment in Bhutan.”, International Journal of Sustainable Development & World Ecology 4, No.1: 17-27.

Ngô Thị Thu Hồng. (2023). Phát triển KTMT trong các DN ở Việt Nam”. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2022. Mã số: BTC/ĐT/2022-09.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *