Nghiên cứu trao đổi

Trao đổi về việc học tập và vận dụng kế toán quản trị vào công việc của người làm kế toán trong doanh nghiệp tại Việt Nam

Tiêu đề Trao đổi về việc học tập và vận dụng kế toán quản trị vào công việc của người làm kế toán trong doanh nghiệp tại Việt Nam Ngày đăng 2015-03-19
Tác giả Admin Lượt xem 1596

Kinh tế Việt Nam đang trong quá
trình phát triển lớn, do đó kế toán ở các doanh nghiệp cũng cần phát triển để
đáp ứng nhu cầu đó. Kế toán tại doanh nghiệp gồm kế toán tài chính và kế toán
quản trị. Bên cạnh sự phát triển của kế toán tài chính thì kế toán quản trị
cũng cần được quan tâm để hỗ trợ quá trình ra quyết định, lập kế hoạch và kiểm
soát trong doanh nghiệp. Kế toán quản trị đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh
mẽ để đối phó với những thay đổi mạnh mẽ về kỹ thuật, toàn cầu hóa và mối quan
tâm ngày càng tăng đối với quản trị rủi ro. Kế toán quản trị đóng vai trò là
người giải thích cho doanh nghiệp, người cố vấn thông minh và người giữ những
con số hợp với tiêu chuẩn đạo đức.

Nhà quản lý đều biết đến kết quả
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt xuất phát từ các quy trình năng động,
các thủ tục và các thói quen đã được thiết kế tốt, được triển khai và quản lý
một cách đúng đắn. Nhân viên kế toán có bằng cấp, có đủ trình độ có thể giúp
lãnh đạo doanh nghiệp của mình đạt được những kết quả kinh doanh như mong muốn
bởi vì họ đã có đủ khả năng để giải quyết tất cả các khía cạnh của kế toán
trong doanh nghiệp. Để có đủ khả năng đó, người làm kế toán phải không ngừng
học tập nhằm nâng cao trình độ và vận dụng kế toán quản trị vào công việc cùng
với kế toán tài chính, kế toán thuế. Tuy nhiên, khả năng học tập để vận dụng kế
toán quản trị vào công việc của người làm kế toán trong các doanh nghiệp tại
Việt Nam hiện nay chưa phổ biến và còn nhiều tồn tại. Bài viết sau đây muốn làm
sáng tỏ nội dung đó.

Kế toán quản trị (KTQT) có vai
trò rất quan trọng trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp. KTQT có chức năng đo lường, phân tích về tình hình chi phí và khả năng
sinh lời của các sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động và các bộ phận của đơn vị
nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu năng của hoạt động sản xuất kinh doanh.    Kế toán quản trị quan tâm đến việc cung cấp
các thông tin cho các nhà quản lý doanh nghiệp như ban giám đốc, trưởng các
phòng ban…. đó là những người bên trong doanh nghiệp chỉ đạo và kiểm soát các
hoạt động của doanh nghiệp. Kế toán quản trị cung cấp các dữ liệu quan trọng
cần thiết để vận hành các tổ chức. Nhân viên kế toán quản trị chuẩn bị một loạt
các báo cáo liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bằng
cách so sánh kết quả thực tế với kế hoạch và tiêu chuẩn để trình ban giám đốc.
Các báo cáo cung cấp thông tin thường xuyên và kịp thời về những chỉ số quan
trọng như các đơn đặt hàng đã nhận được, những đơn đặt hàng chưa thực hiện,
việc sử dụng máy móc thiết bị, việc đầu tư tài chính và việc bán hàng. Các báo
cáo phân tích còn được lập để giải trình những vấn đề cụ thể như việc giảm lợi
nhuận của một dòng sản phẩm. Ngoài ra, còn những báo cáo phân tích một tình
huống hoặc một cơ hội kinh doanh đang xuất hiện… Việc vận dụng kế toán quản
trị vào công việc của người làm kế toán trong doanh nghiệp là cần thiết vì
trong nền kinh tế thị trường, vai trò của thông tin KTQT ngày càng được mở rộng
và khẳng định vị thế phát triển. Hơn nữa, KTQT trong các doanh nghiệp có thể
coi như quy luật khách quan vốn có của nền kinh tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo mọi
quyết định đưa ra có độ tin cậy cao cần phải dựa vào hệ thống thông tin kế toán
quản trị và KTQT có sự độc lập với kế toán tài chính. Do đó, đặt ra cho người
làm kế toán luôn luôn phải hoàn thiện hơn và việc học tập để vận dụng kế toán
quản trị vào công việc là một trong các biện pháp sẽ giúp kế toán có được điều
đó.

Việc vận dụng KTQT vào công việc
của người làm kế toán trước hết là tổ chức bộ máy kế toán. Bộ máy KTQT cần được
tổ chức hợp lý để thực hiện tốt các nội dung KTQT như lập dự toán, thu thập
thông tin, kiểm soát, phân tích, ra quyết định… Mô hình tổ chức bộ máy kế
toán là mô hình kết hợp: Gắn hệ thống KTQT với hệ thống kế toán tài chính trong
một hệ thống kế toán thống nhất với bộ máy kế toán chung và công tác kế toán
chung, cụ thể như sơ đồ 1.

 

 

 

Sau việc vận dụng KTQT để tổ chức
bộ máy kế toán, thì việc vận dụng KTQT vào công việc của người làm kế toán còn
bao gồm những nội dung như: Tổ chức hệ thống chứng từ, hệ thống định mức, dự
toán… KTQT sẽ phân tích, xử lý và cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh
nghiệp. Việc vận dụng KTQT vào công việc của người làm kế toán là sự thiết lập
mối quan hệ qua lại giữa các đối tượng KTQT, phương pháp kế toán, bộ máy kế
toán với những con người am hiểu nội dung, phương pháp kế toán biểu hiện qua
hình thức kế toán thích hợp trong một doanh 
nghiệp cụ thể, để phát huy cao nhất tác dụng của kế toán trong công tác
quản lý doanh nghiệp.

Việc thực hành của các nhà quản
lý, nhà tư vấn nói chung và những người làm kế toán nói riêng đang ngày càng
phụ thuộc vào những vấn đề trong việc học tập trong doanh nghiệp. Việc học tập
của người làm kế toán trong doanh nghiệp là một hiện tượng phong phú và đa
dạng, một sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố khác nhau của một hệ thống.
Việc học tập của người làm kế toán trong doanh nghiệp có đặc điểm về tính nội
bộ và tình huống: Những công việc thực hành, thói quen và cách suy nghĩ trong
doanh nghiệp đó, tất cả được định hình và được sản xuất ra trong sự phát triển
lịch sử của mỗi doanh nghiệp cụ thể. Sự biến đổi từ những tình huống hiện tại
đến những tình huống mới  không thể làm
được nếu không có những quan điểm lịch sử của bản thân doanh nghiệp đó từ trước
tới nay.

Việc học tập của người làm kế
toán trong doanh nghiệp trước hết là sự cố gắng, nỗ lực học của từng cá nhân
riêng lẻ. Việc học tập này để thay đổi trong nhận thức của mỗi cá nhân cũng như
đội ngũ những người quản lý. Ngoài ra, việc học tập của cả tập thể phòng kế
toán cũng cần được thay đổi, phát triển từ những công việc hàng ngày của từng
bộ phận, những buổi cập nhật chế độ, chính sách…

Việc học tập của người làm kế
toán như sự sàng lọc của thói quen. Khái niệm của học tập trong doanh nghiệp
của các nhà kinh tế được dựa trên ý tưởng của việc học tập bằng việc làm và các
khái niệm về đường cong học tập (Arrow, 1962; Yelle, 1979, Epple, Argoyle &
Devadas, 1991). Một số bộ phận thuộc doanh nghiệp học bằng việc suy luận mã hóa
từ lịch sử hình thành của doanh nghiệp đến thói quen hướng dẫn các hành vi cá
nhân. Kinh nghiệm và kiến thức được giữ gìn và được chuyển đi đến các cá  nhân mới từng bước. Bài học kinh nghiệm cho
thấy học tập đã chiến thắng qua những thử nghiệm, sai sót và tìm kiếm ý thức
cho những giải pháp tốt hơn, được  giữ
gìn hàng ngày. Những thói quen được truyền đến các cá nhân mới qua xã hội hóa.
Học các thói quen này, nhưng không nhất thiết phải là áp dụng đầy đủ mà là áp
dụng linh hoạt và phù hợp.

Việc học tập của người làm kế
toán trong doanh nghiệp như một quá trình trong “cộng đồng chuyên môn”. Việc
thảo luận về việc học tập trong doanh nghiệp cần được xây dựng để tìm kiếm cơ
chế và giải pháp tốt hơn. Những nghiên cứu cho thấy, việc học tập theo phương
pháp tiếp cận thực hành và đặt ra câu hỏi mang tính thực hành là rất tốt. Việc
học tập trong thực hành thường có những điểm khác biệt một cách đáng kể với
những phương pháp khác.

Việc học tập của người làm kế
toán trong doanh nghiệp là một quá trình chuẩn hóa kiến thức. Khi doanh nghiệp
phát triển cả về quy mô, số lượng thì người làm kế toán cần có một quá trình để
hoàn thiện, chuẩn hóa kiến thức. Khi đó, thúc đẩy người làm kế toán tập trung
vào việc học tập mà trước hết là học tập ngay tại doanh nghiệp. Bản thân các
doanh nghiệp không chỉ có hệ thống kiến thức cơ bản, mà còn sản xuất ra những
kiến thức khác có giá trị cho xã hội.

Người làm kế toán có kế hoạch học
tập cụ thể, ham học hỏi thông thường là những người có tính xây dựng, có tinh
thần hợp tác, có sự cầu thị trái ngược hẳn với những người không thích học tập
thì luôn cho mình là hoàn thiện, hay phá đám…

Ban giám đốc doanh nghiệp luôn
mong muốn người làm kế toán có khả năng học tập, thay đổi và sáng tạo ra tri
thức cho riêng mình. Bên cạnh đó, người làm kế toán cần trao đổi, lập kế hoạch
học tập để xây dựng cả phòng kế toán trở thành một đơn vị đi đầu trong doanh
nghiệp có khả năng tự học. Vì khả năng tự học của doanh nghiệp nói chung và
người làm kế toán nói riêng được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất
giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được trong môi trường kinh doanh
toàn cầu luôn thay đổi mạnh mẽ, và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro bất ngờ. Để có
được điều đó cần phải xây dựng những kế hoạch cụ thể như sau:

Xây dựng thói quen tự học tập, tự
nghiên cứu trong nhân viên kế toán: Hiện nay, chế độ kế toán, chính sách thuế
… khá đa dạng và luôn luôn có sự thay đổi hàng tháng, quý… đòi hỏi người
làm kế toán cần hiểu biết để vận dụng vào công việc. Việc tự học này bằng cách
lên mạng tải các tài liệu có liên quan về đọc thật kỹ, chỗ nào chưa hiểu thì
hỏi bạn bè, đồng nghiệp.

Xây dựng nếp văn hóa tự nghiên
cứu, học tập và chia sẻ tri thức trong phòng kế toán. Ban giám đốc, trưởng
phòng kế toán cần thể hiện sự quyết tâm bằng những hành động, công việc cụ thể
như:

 Tổ chức những buổi hội thảo một cách chuyên
nghiệp về chính sách thuế mới, thông tư mới… được áp dụng cho kế toán của
doanh nghiệp. Nhân viên có nhiệm vụ trình bày được giới thiệu như những báo cáo
viên thực thụ từ bên ngoài, bồi dưỡng thù lao thỏa đáng, được ghi nhận thành
tích để làm căn cứ tăng lương, thưởng cho nhân viên.

Cùng tham gia thảo luận, chia sẻ
và trao đổi trong những buổi hội thảo như một người tham dự bình thưởng. Khi đó
vừa mang tính giám sát, kiểm tra và vừa động viên cả hội thảo. Trong buổi hội
thảo, tham gia phát biểu, thẩm định, đánh giá chất lượng và chúc mừng sự thành
công của buổi hội thảo.

Ban giám đốc, trưởng phòng kế
toán là tấm gương về sự tự học tập. Một khi ban giám đốc, trưởng phòng kế toán
là những người sống với tinh thần “không ngừng học”, không giấu dốt, không
sợ sai, dám học cùng nhân viên thì chắc chắn nhân viên kế toán sẽ có nhiều động
lực hơn về sự tự học tập, nghiên cứu. Có nhiều cơ hội để học tập trong công
việc hàng ngày nếu những người làm kế toán bình tĩnh mà nhìn nhận. Những buổi
giao ban, kiểm kho, kiểm quỹ, kiểm kê, rà soát chứng từ … không chỉ để giải
quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc, mà còn là lớp học để mọi thành viên
tham dự học cách điều hành cuộc họp, cách trình bày vấn đề, tranh luận hoặc làm
việc nhóm. Khi đó, với tinh thần cùng học tập, công việc được chia sẻ và quá
trình giải quyết sẽ thuận lợi hơn.

Kế toán quản trị có đặc điểm như:
Báo cáo cho các nhà quản trị doanh nghiệp để lập kế hoạch, chỉ đạo, thúc đẩy và
kiểm soát. Kế toán quản trị tập trung vào các quyết định tương lai, nhấn mạnh
sự phù hợp, tính kịp thời. Kế toán quản trị nghiên cứu, đề cập đến từng bộ phận
như phân xưởng, phòng ban, sản phẩm, khách hàng và nhân viên. Kế toán quản trị
không tuân thủ các nguyên tắc kế toán (GAAP) và không mang tính bắt buộc. Vì
vậy, người làm kế toán cần phải hiểu biết và xây dựng một kế hoạch học tập phù
hợp để đáp ứng được yêu cầu của công việc được giao. Việc học tập của người làm
kế toán trong doanh nghiệp mang tính địa phương và tùy thuộc hoàn cảnh. Nó còn
là một sự tương tác phức tạp giữa việc học tập cá nhân và tập thể; những người
hành động, hành động cố ý và sự phát triển của nhận thức cùng với sự phát triển
của những công cụ học tập hỗ trợ có liên quan. Như vậy, việc học tập của người
làm kế toán trong doanh nghiệp có thể đạt được bằng việc áp dụng những nguyên
tắc của việc hòa giải văn hóa, định hướng mục tiêu và những nhân vật thứ bậc
của hoạt động con người trong doanh nghiệp đó. Những nguyên tắc này tạo ra một
nội dung kết hợp có cấu trúc đủ để tăng những câu hỏi cần thiết và chỉ dẫn
người học.

 

Tài liệu tham khảo

 1, Jaakko Virkkunen, Kari Kuutti
– Understanding organizational learning by focusing on “activity systems”

2, Nguyễn Thị Ngọc Lan – Luận án
tiến sĩ: Tổ chức kế toán quản trị chi phí vận tải hàng hóa trong các công ty
vận tải đường bộ Việt Nam

3, Nguyễn Ngọc Quang – Kế Toán
quản trị (2010) – Nhà xuất bản ĐH Kinh tế Quốc dân.

4, Huỳnh Lợi – Kế toán quản trị
(2012) – Nhà xuất bản phương đông.

5, www.kynang.edu.vn…

Th.s Trần Anh Quang

Khoa Kế toán – ĐH Lao động Xã hội

(Theo: Tạp chí Kế toán và Kiểm toán)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *