Nghiên cứu trao đổi

Vai trò của Hội nghề nghiệp trong phát triển kế toán và triển khai Chuẩn mực Kế toán ở Việt Nam

Tiêu đề Vai trò của Hội nghề nghiệp trong phát triển kế toán và triển khai Chuẩn mực Kế toán ở Việt Nam Ngày đăng 2018-03-09
Tác giả Admin Lượt xem 2350

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T12/2017)

Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) được thành lập năm 1994, theo Quyết định số 12-QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Hội là tổ chức nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán và kiểm toán Việt Nam. Hội được thành lập và hoạt động trong giai đoạn đầu của công cuộc cải cách và đổi mới kinh tế chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường. Chỉ sau ít năm thành lập, năm 1998, Hội đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN (AFA). Năm 2012, Hội đã đồng ý để Hội thành viên của mình, lúc đó là Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) tham gia Hiệp hội Kế toán các nước châu á Thái Bình Dương (CAPA). Ở Việt Nam, Hội là thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế đã có báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. Báo cáo do nhóm công tác xây dựng với mục đích, giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống kế toán – kiểm toán vững chắc, thông qua việc tạo lập và nâng cao nhận thức về hệ thống báo cáo tài chính doanh nghiệp và kiểm toán chất lượng cao. Báo cáo đã đưa ra những đánh giá nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kế toán – kiểm toán ở Việt Nam, từ khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, hoạt động kiểm tra giám sát, tổ chức nghề nghiệp, đào tạo kế toán – kiểm toán. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị chung và nhiều khuyến nghị cụ thể, theo chúng tôi là có gía trị cho các lĩnh vực mà báo cáo quan tâm.

Báo cáo đã mô tả về tình hình kinh tế Việt Nam nhiều năm qua, đánh giá một số việc đã làm, kết quả đạt được và chỉ ra những thiếu vắng, những tồn tại, vướng mắc về pháp lý, về hệ thống chuẩn mực, về hoạt động nghề nghiệp và chương trình, chất lượng đào tạo, chứng chỉ nghề nghiệp.

Các khuyến nghị của báo cáo có cả khuyến nghị chung và một số khuyến nghị cụ thể về khuôn khổ pháp lý (Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập), về chuẩn mực kế toán, kiểm toán, về kiểm tra và giám sát, về tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán (PAO), về yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo kế toán,…

Các khuyến nghị cho Việt Nam đều đặt yêu cầu, cần tiếp cận thông lệ quốc tế và chuẩn mực quốc tế về kế toán và kiểm toán. Các khuyến nghị về đào tạo kế toán bám sát mục tiêu của Chính phủ, nhằm hướng đến một hệ thống giáo dục và đào tạo lấy kết quả đầu ra làm trọng tâm, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Có thể nói, nhiều khuyến nghị rất đáng suy nghĩ và có ích cho các cơ quan Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách tài chính, hoạch định chính sách và phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam,…

Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam làm rõ thêm các đánh giá và nêu một số ý kiến về vai trò, vị thế của Hội nghề nghiệp trong phát triển kế toán, triển khai các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam.

Trước hết,
Nhìn nhận và đánh giá về kế toán và kiểm toán Việt Nam, cần có sự xem xét trong cả quá trình của nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, trong thể chế chính trị và thể chế kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã tiến hành đổi mới hơn 30 năm và quyết tâm cải cách, xây dựng nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập. Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có sự chuyển dịch và phát triển rất mạnh mẽ từ những năm đầu đổi mới, 1988 và đặc biệt là từ năm 1994. Nhưng trong bối cảnh cải cách và chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam, kế toán và kiểm toán Việt Nam phải tiếp cận dần và tiếp thu có chọn lọc các Thông lệ, Chuẩn mực, nguyên tắc kế toán quốc tế. Tư tưởng này đã được quán triệt khá đầy đủ và thể hiện trong quá trình cải cách hệ thống kế toán Việt nam, hình thành hệ thống kiểm toán (từ năm 1991) hỗ trợ tích cực tạo dựng môi trường kinh tế của Việt Nam, mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế trong những năm 90 của thế kỷ trước. Có thể đánh giá, Kế toán Việt Nam đã có sự chuyển biến khá nhanh sớm chuyển từ kế toán của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, theo mô hình các nước Xã hội chủ nghĩa (chủ yếu là mô hình của Liên Xô) sang mô hình kế toán theo yêu cầu của nền kinh tế chuyển đối. Chỉ sau hơn 1 năm đổi mới, năm 1988, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh kế toán và thống kê, văn bản pháp lý đầu tiên về kế toán, bắt đầu đổi mới hệ thống kế toán, hình thành kiểm toán ở Việt Nam và năm 1994 – 1995 đã cải cách toàn diện, triệt để hệ thống kế toán Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, Hệ thống kế toán cải cách đã được thiết kế rất căn bản, rất khoa học, đi trước nhiều quy định về kinh tế, về cơ chế tài chính tại thời điểm đó, thời điểm nền kinh tế vẫn mang nặng kinh tế kế hoạch hóa tập trung, vẫn tồn tại phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước, rất ít doanh nghiệp tư nhân, chưa xuất hiện doanh nghiệp cổ phần, thị trường tài chính chưa hình thành. Hơn 20 năm qua, các yếu tố mới của kinh tế thị trường đã hình thành, nhiều quan hệ kinh tế mới, nhiều hoạt động kinh tế mới xuất hiện, nhiều cơ chế quản lý kinh tế được vận hành. Về kế toán, mặc dù có nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, nhưng vẫn trên nền tảng và khung kế toán thiết lập từ năm 1994- 1995. Cần nhìn nhận và đánh giá thực sự logic và biện chứng trong mối quan hệ của kế toán, kiểm toán Việt Nam với từng bước đổi mới của thể chế và cơ chế quản lý kinh tế – tài chính của Việt Nam. Có như vậy, mới có sự đánh giá đầy đủ, khách quan về kế toán Việt Nam.

Thứ hai, Cần xây dựng và thiết kế nguyên tắc và các tiêu chí dùng để nhận định và đánh giá. Có như vậy, mới có nhận định đúng về thực trạng kế toán và kiểm toán Việt Nam, để có bước đi phù hợp và cách làm hiệu quả cho việc phát triển và hoàn thiện kế toán Việt Nam trong tương lai. Những đánh giá và ý kiến nêu trong báo cáo (ROS) về cơ bản là khách quan và nhìn nhận trên một số khía cạnh nhất định của kế toán và kiểm toán Việt Nam. Nhưng chưa thật đầy đủ và có nhận xét còn phiến diện, thiếu căn cứ, như nhận xét về Luật pháp, về kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, Như đã trình bày ở trên, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, cho đến năm 2012, khi VACPA không còn là thành viên của VAA, để trở thành một Hội của những người làm dịch vụ kiểm toán. Hội Kế toán Việt Nam được thành lập ngay sau khi Việt Nam đổi mới kinh tế. Năm 1989, Tổ chức nghề nghiệp tiền thân của Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam là Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc, đã được thành lập và hoạt động trong phạm vi cả nước. Chỉ 5 năm sau, năm 1995, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) đã được thành lập. Hội viên Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là những người làm nghề kế toán và kiểm toán, kể cả kiểm toán viên nhà nước, kiểm toán viên độc lập, kiểm toán viên nội bộ tự nguyện và đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Điều lệ Hội. Hội và Hội viên đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào quá trình cải cách kế toán Việt Nam. Cả tổ chức Hội đã vào cuộc, không chỉ nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế, của các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, mà quan trọng hơn là định hướng và vận dụng có chọn lọc các thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực kế toán chung của quốc tế, của các nước, trực tiếp là của Mỹ, của Pháp, … vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam những năm 1990. Hàng vạn kế toán viên, kế toán trưởng đã tham gia vận hành thử nghiệm hệ thống kế toán cải cách trong cả năm 2015 và triển khai áp dụng chính thức trong cả nước từ năm 1996. Năm 1997, Hội đã phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về kế toán ở Việt Nam, với sự tham gia của 160 đại biểu đến từ các quốc gia, các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới.

Cũng trong thời gian đó, Hội đã tích cực tuyên truyền và quảng bá chuẩn mực quốc tế về kế toán. Đồng thời, tham gia cùng Bộ Tài chính (với tư cách là thành viên ban soạn thảo chuẩn mực kế toán) nghiên cứu và soạn thảo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Hội và các hội viên của Hội đã chủ động và tham gia tích cực trong quá trình triển khai các chuẩn mực kế toán (IAS, VAS) và hiện nay là các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) thông qua các hoạt động đào tạo, huấn luyện và kiểm tra đánh giá việc thực hiện.

Do cơ chế của Việt Nam, Bộ Tài chính là cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm và có thẩm quyền soạn thảo và công bố chuẩn mực kế toán, Hội có trách nhiệm tham gia là thành viên ban soạn thảo, thẩm định và phản biện các dự thảo chuẩn mực kế toán trước khi ban hành. Chúng tôi hoan nghênh và đồng tình với khuyến nghị của ROSC, Bộ Tài chính nên từng bước chuyển giao một số trách nhiệm cho Hội nghề nghiệp, tạo điều kiện để Hội nghề nghiệp tuân thủ hoàn toàn tư cách thành viên của IFAC, AFA. Tất nhiên, trách nhiệm của Hội nghề nghiệp đã và sẽ đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính.

Hội đã có sự phát triển mạnh mẽ với 30 tổ chức thành viên, hơn 10.000 hội viên, trong đó có những tổ chức thành viên và hội viên mang tính chuyên nghiệp, như: Chi Hội Kế toán hành nghề Việt Nam (160 hội viên), Câu lạc bộ Kế toán trưởng (600 hội viên), Hội Kế toán Kho bạc Nhà nước (4.000 hội viên …). Hội thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của IFAC, AFA. Đã đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc vai trò Phó chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2002 -2003, Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2004 – 2005, tổ chức thành công Đại hội AFA lần thứ 14 tại Hà Nội năm 2005. Hội là thành viên tích cực của VUSTA. Chủ tịch và Phó Chủ tịch VAA đã được vinh danh là nhà trí thức tiêu biểu của Việt Nam.

Mặc dù IFAC chưa có sự giúp đỡ hay hỗ trợ gì cho Việt Nam, nhưng VAA vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên và tham gia các hoạt động mang tính quốc tế hay khu vực về kế toán. Năm 2013, IFAC yêu cầu tăng phí hội viên hàng năm lên 20.000 USD, gấp 5 lần số đang nộp. VAA không thể nộp vì đó là số tiền lớn đối với một tổ chức nghề nghiệp tự lo trang trải kinh phí, ở một nước có mức thu nhập không cao. Sau nhiều lần trao đổi, IFAC đã giảm dần yêu cầu về phí niên liễm xuống 15.000, 10.000 và cuối cùng là 5.000 USD (Cao hơn mức đang nộp từ năm 1998 đến 2013). Từ năm 2014 đến nay, VAA đã thực hiện đầy đủ và đúng hạn về nộp niên liễm. IFAC đã chấp nhận SMO của VAA. (theo thông báo 22/11/2017).

Thứ tư, Về quản lý hành nghề kế toán. Từ năm 2007, VAA được Bộ Tài chính chuyển giao nhiệm vụ quản lý việc đăng ký hành nghề kế toán Hội đã làm tốt nhiệm vụ đăng ký hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, góp phần đáng kể vào việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 100 công ty dịch vụ kế toán với hàng trăm kế toán viên hành nghề có chứng chỉ.

Thứ năm, Đối với các yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Do đặc điểm hệ thống giáo dục và hệ thống bằng cấp của Việt Nam. Kế toán viên Việt Nam được đào tạo và cấp chứng chỉ: Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ kế toán. Bộ Tài chính có chương trình bồi dưỡng và quy định về chứng chỉ kế toán trưởng. Hội thường xuyên tổ chức các lớp cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ và phát triển nghề nghiệp cho những người làm nghề kế toán, giúp họ nâng cao trình độ và năng lực nghề nghiệp. Hội tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng theo ủy quyền của Bộ Tài chính. Việt Nam quy định, người được bổ nhiệm kế toán trưởng phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Đối với kế toán viên hành nghề, hàng năm phải tham gia ít nhất 40h bồi dưỡng nghiệp vụ. Hội đã và đang làm tốt chức năng bồi dưỡng này.

VAA đã xây dựng chương trình bồi dưỡng kiểm toán viên nội bộ, đã tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ kiểm toán viên nội bộ cho các Tập đoàn kinh tế, tạo điều kiện về chứng chỉ cho các kiểm soát viên, kiểm toán viên nội bộ.

Đúng là hiện nay, ở Việt Nam chưa có một chứng nhận chuyên môn về trình độ kế toán được IFAC công nhận ở cấp độ quốc tế như nhận xét của ROS. Hiện nay, ở Việt Nam, Bộ Tài chính đang tổ chức thi và cấp chứng chỉ kế toán viên hành nghề và kiểm toán viên hành nghề (năm 1995 gọi là kiểm toán viên cấp nhà nước). Bên cạnh đó, ở Việt Nam, đang tồn tại việc thi lấy chứng chỉ ACCA, CPA úc, các chứng chỉ của ICAEW. Đây là một nghịch lý ở Việt Nam khi Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận thi và cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên nhưng lại thừa nhận chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài, lại chấp nhận miễn môn học khi có chứng chỉ này tham gia thi lấy chứng chỉ khác. Hơn nữa, ở Việt Nam, Chứng chỉ kiểm toán viên (Auditor) có giá trị cao hơn chứng chỉ kế toán viên (Accountant). Khuyến nghị của ROSC là rất đáng suy nghĩ, Việt Nam cần hướng tới áp dụng một hệ thống chứng nhận chuyên môn kế toán được IFAC công nhận. Vấn đề này, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đang tiến hành xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn mực giáo dục quốc tế (IAES), có tham khảo các chương trình, nội dung đào tạo của ACCA, CPA úc, ICAEW và sẵn sàng tổ chức các kỳ thi kế toán viên. VAA đồng ý với các khuyến nghị là nên tập trung vào các kiến thức mang tính tích hợp, khả năng chuyên môn và kỹ năng tự nghiên cứu cũng như các hiểu biết cần thiết về đạo đức nghề nghiệp. ROSC khuyến nghị hai cấp độ cho chương trình đào tạo VCPA: Cấp kỹ thuật và cấp chuyên gia. Đây là khuyến nghị cần được làm rõ hơn. Đặc biệt là, chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên có gì khác nhau, cần phân biệt như thế nào? CPA là kế toán hay kiểm toán? Khuyến nghị cần cụ thể hơn, thiết thực hơn cho Việt Nam.

Tóm lại, ROSC là một báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc. Với tư cách là tổ chức nghề nghiệp. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tìm thấy nhiều đánh giá có ích và từ đó chỉ ra hướng phát triển và hoàn thiện. Đồng thời, cũng thấy rõ trách nhiệm của mình tiếp tục có những kiến nghị phù hợp với nhà nước, để tổ chức nghề nghiệp Việt Nam làm tròn trách nhiệm là thành viên của IFAC, AFA./.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *