Nghiên cứu trao đổi

Vai trò tiềm năng của kiểm toán trong phát hiện tham nhũng

Tiêu đề Vai trò tiềm năng của kiểm toán trong phát hiện tham nhũng Ngày đăng 2024-01-11
Tác giả Admin Lượt xem 231

TS. Đặng Anh Tuấn*

(* Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh)

Nhận:            10/10/2023

Biện tâp:        11/10/2023

Duyệt đăng:   20/11/2023

Tóm tắt

Tham nhũng luôn là vấn đề toàn cầu và kiểm toán được xem là một trong những công cụ hữu hiệu, giúp ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng trong tổ chức. Các nghiên cứu trước đây, chủ yếu đề cập đến khả năng ngăn ngừa tham nhũng của kiểm toán. Theo đó, bài viết này khám phá một cách có hệ thống tiềm năng của kiểm toán trong việc phát hiện tham nhũng. Kết quả đánh giá các nghiên cứu trước liên quan chỉ ra rằng, tham nhũng cũng tạo ra sai sót trong báo cáo tài chính của tổ chức tham nhũng. Vì vậy, nếu kiểm toán muốn đạt được vai trò nổi bật hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, thì chuẩn mực kiểm toán phải bao gồm tham nhũng trong định nghĩa gian lận. Kiểm toán viên khu vực công và khu vực tư nhân cần có sự hợp tác và trao đổi thông tin, các kỹ thuật kiểm toán để phát hiện tham nhũng.

Từ khoá: tham nhũng, kiểm toán, SAI, gian lận, hối lộ.

Abstract

Corruption is a pervasive issue worldwide, and auditing is considered an effective tool in preventing and detecting corruption within organizations. Previous studies have mainly focused on the ability of auditing to prevent corruption. However, this article systematically explores the potential of auditing in detecting corruption. Research shows that corrupt organizations often have errors in their financial statements. As a result, to play a more prominent role in the fight against corruption, auditing standards must include corruption in the definition of fraud. Public and private sector auditors should collaborate and share information and techniques to efficiently detect corruption.

Keywords: corruption, audit, SAI, fraud, bribery.

JEL: M40, M42, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.11202302

  1. Giới thiệu

Có nhiều định nghĩa trái ngược nhau về tham nhũng (Johnston, 1996; Rothstein & Varraich, 2017). Các định nghĩa được kế toán viên sử dụng, thường là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nguồn lực công để thu lợi ích cá nhân (Johnston, 1996) hoặc lạm dụng quyền lực công hoặc lòng tin để trục lợi cá nhân trong khu vực công (INTOSAI, 2013).

Trong một nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi về các yếu tố đo lường tham nhũng, Klitgaard (1996) gọi nó là sản phẩm của “quyền lực độc quyền”, cộng với “sự tùy ý” và trừ đi “trách nhiệm giải trình”. Từ phần trách nhiệm giải trình của phương trình này, kế toán và kiểm toán cùng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ tham nhũng. Các mô hình quản trị quốc gia hiện đại, chẳng hạn như quản lý công mới, là mô hình mà nhà quản lý có nhiều quyền tự quyết hơn để tạo ra các tổ chức linh hoạt và phản ứng nhanh so với mô hình quan liêu (Power, 1997), nhưng việc tăng cường phân cấp trong tổ chức cũng làm tăng cơ hội cho tham nhũng. Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền lực, thông qua yêu cầu ban lãnh đạo chứng minh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua BCTC.

BCTC theo định nghĩa là những khẳng định của nhà quản lý về thông tin tài chính được ghi nhận, đã phản ánh đúng thực tế tình hình kinh tế của tổ chức. Vì vậy, chúng cần được kiểm toán bởi một bên thứ ba độc lập để cung cấp sự đảm bảo sự tin cậy (Power, 1997). Theo đó, có lý do tin rằng kiểm toán sẽ đóng vai trò tích cực trong việc hạn chế tham nhũng.

Ví dụ: Dye và Stapenhurst (1998) coi kiểm toán là một trong tám “trụ cột của liêm chính” hỗ trợ hệ thống liêm chính quốc gia; trong khi, Shihata (1997, p.18) từ Ngân hàng Thế giới kêu gọi “hệ thống quản lý tài chính hiệu quả, bao gồm việc lưu giữ hồ sơ, kiểm toán và giám sát hoạt động một cách nghiêm túc và kịp thời” như một biện pháp nhằm hạn chế tham nhũng; Tanzi (1998, p.575) từ IMF cũng lập luận rằng, các văn phòng kiểm toán tốt là cần thiết “để ngăn chặn hoặc phát hiện các hoạt động tham nhũng”; và một nghiên cứu gần đây cho thấy, các công ty có BCTC đã được kiểm toán phải trả số tiền hối lộ thấp hơn đáng kể so với các công ty không được kiểm toán (Farooq & Shehata, 2018); bằng chứng trong khu vực tư và khu vực công đều cho thấy, tính độc lập và tính chuyên nghiệp của kiểm toán làm giảm mức độ tham nhũng của một quốc gia (Gustavson & Sundström, 2016). Tuy nhiên, kế toán cũng có thể bị lạm dụng để tạo điều kiện cho tham nhũng, thông qua việc sử dụng khéo léo các chính sách và ước tính kế toán tạo điều kiện cho tham nhũng.

  1. Kiểm toán có thể ngăn ngừa tham nhũng như thế nào?

Kiểm toán thực hiện vai trò ngăn ngừa tham nhũng trong các doanh nghiệp có thể dựa vào việc đánh giá sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ và hiệu quả quản lý rủi ro trong doanh nghiệp đối với tham nhũng. Khuôn mẫu tích hợp quản lý rủi ro DN của Ủy ban Chống gian lận khi lập BCTC thuộc Hội đồng Quốc gia Hoa Kỳ (COSO), tập trung vào việc quản lý 4 loại rủi ro chính: rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro tuân thủ và rủi ro báo cáo, được xem là công cụ hữu hiệu giúp ngăn ngừa tham nhũng. Trong đó, rủi ro tuân thủ được hiểu là rủi ro mà khả năng một công ty không tuân thủ luật pháp và các quy định. Trong trường hợp, không tuân thủ pháp luật hoặc các quy định nhằm trục lợi, rủi ro tuân thủ được xem là rủi ro tham nhũng và do đó, DN phải quản lý rủi ro của các bên tham gia vào các hành vi tham nhũng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách xác định các lĩnh vực mà tham nhũng có thể xảy ra, đánh giá khả năng xảy ra và tác động của tham nhũng đó. Đồng thời, thiết lập và giám sát các biện pháp KSNB để ngăn ngừa tham nhũng.

Bảng 1: Minh hoạ một số thủ tục kiểm soát ngăn ngừa tham nhũng

(Nguồn: Jeppesen, 2019)

Bảng 1 minh hoạ một số loại KSNB phổ biến nhằm ngăn ngừa năm loại tham nhũng thương mại. Nhìn chung, các DN phải ban hành và áp dụng các chính sách rõ ràng, dễ hiểu và cụ thể, để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Để phát hiện tham nhũng, thiết lập đường dây nóng được xem như là giải pháp quan trọng, giúp phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng. Ngoài ra, nhận hối lộ (lại quả) hoặc vòi vĩnh của cá nhân trong các DN bên mua hàng hoá và dịch vụ được ngăn ngừa thông qua thiết kế các thủ tục kiểm soát phù hợp, chẳng hạn như chính thức hoá việc lập hồ sơ tài liệu thích hợp về tất cả các giai đoạn mua hàng và phân chia nhiệm vụ liên quan đến việc ủy quyền mua hàng, mua hàng, nhận hàng và thanh toán.

Ví dụ: phê duyệt trước danh sách nhà cung cấp, để tránh xung đột lợi ích và tránh việc lựa chọn nhà cung cấp không dựa trên hoạt động mua sắm cạnh tranh. Các loại tham nhũng chính trị, chẳng hạn như gia đình trị và thiên vị được ngăn chặn bằng cách đảm bảo thực hiện các chính sách minh bạch và khách quan để đánh giá hiệu suất cá nhân.

Trong các khuôn khổ quản trị DN, nhiệm vụ của nhà quản lý là thiết lập các thủ tục KSNB dựa trên chính sách của hội đồng quản trị, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro là các thủ tục này không được thiết kế và áp dụng. Do đó, cần có hoạt động giám sát độc lập đối với KSNB để đảm bảo rằng, các chính sách thực sự được biết đến và tuân thủ. Các KSNB được thiết lập và thực thi theo chính sách và các vi phạm cuối cùng sẽ bị xử lý một cách thích hợp. Giám sát hệ thống KSNB đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kiểm toán nội bộ (Reding & cộng sự, 2013), vì nhiều hành vi tham nhũng được liệt kê trong Bảng 1 có thể liên quan đến các cấp quản lý. Nhà quản lý thường ở vị thế có thể bỏ qua các biện pháp KSNB, được thiết kế để ngăn chặn tham nhũng và các loại gian lận khác. Vì vậy, cần có các biện pháp kiểm soát cụ thể để ngăn chặn việc các kiểm soát bị khống chế (IFAC, 1999). Các thủ tục kiểm soát này thường thuộc trách nhiệm của Ủy ban Kiểm toán. Uỷ ban này cần thiết lập đường dây tố cáo, cho phép mọi người trong và ngoài tổ chức báo cáo những nghi ngờ về tham nhũng, cũng như việc lạm quyền của nhà quản lý trong việc thực thi KSNB. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm toán cũng nên phát triển một chương trình lấy ý kiến phản hồi của hội đồng quản trị, từ kiểm toán viên và những người khác về nguy cơ gian lận trong quản lý và sự vô hiệu hóa của KSNB.

Tuy nhiên, bất kỳ hệ thống KSNB nào nhằm ngăn ngừa tham nhũng nêu trên, đều có một hạn chế lớn là chỉ kiểm soát được từ phía cầu (DN bên mua hàng hoá hoặc thụ hưởng dịch vụ). Đây là một thiếu sót trong nhiều chương trình chống tham nhũng, vì phía cung (DN cung cấp hàng hoá và dịch vụ) cũng quan trọng không kém. Do đó, gần đây có ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp của cả hai phía là cách thức hiệu quả nhất để ngăn ngừa tham nhũng. Mục tiêu của hành động hợp tác là tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các đối thủ cạnh tranh, không có tham nhũng, để cho phép lựa chọn được nhà thầu dự thầu có ưu thế nhất. Hành động phối hợp có thể dưới hình thức hợp đồng còn được gọi là “thỏa thuận liêm chính” giữa tổ chức mua sắm và các nhà cung cấp. Trong đó, bao gồm các điều khoản về giám sát bên ngoài và áp dụng các biện pháp trừng phạt trong trường hợp vi phạm. Các công ty kiểm toán độc lập có thể thay mặt tổ chức mua sắm giám sát các hợp đồng chống tham nhũng đó. Tiếp đến, các công ty kiểm toán độc lập thực hiện việc kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chí này và giấy chứng nhận liêm chính sẽ bị thu hồi trong trường hợp không tuân thủ. Sau đó, tổ chức mua sắm nên yêu cầu tất cả các nhà cung cấp phải có chứng nhận liêm chính, từ đó ngăn ngừa được tham nhũng.

  1. Kiểm toán có thể phát hiện tham nhũng như thế nào?

Việc kiểm toán viên thường xuyên phát hiện tham nhũng là rất quan trọng, vì nguy cơ bị phát hiện là yếu tố quan trọng ngăn cản mọi người tham gia vào hành vi gian lận và tham nhũng. Do đó, kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên độc lập nên xem xét tất cả những bằng chứng mà các các hành vi tham nhũng khác nhau có thể để lại dấu vết và sử dụng thông tin này để kiểm tra tham nhũng.

Ví dụ: các kế hoạch lại quả thường tạo ra bội chi ngân sách, có thể được phát hiện thông qua các thủ tục phân tích như chuẩn đối sánh (Gramling & cộng sự, 2012). Ngoài bằng chứng tài liệu, Zimbelman và Albrecht (2009), còn chỉ ra có 03 loại bằng chứng chứng minh tham nhũng gồm bằng chứng chứng thực, bằng chứng vật chất và bằng chứng quan sát. Bằng chứng chứng thực đạt được thông qua phỏng vấn sâu cá nhân bên trong và bên ngoài DN. Dựa trên bằng chứng chứng thực, Khan (2006) đề xuất “kiểm toán có sự tham gia” như một công cụ để phát hiện tham nhũng. Kiểm toán có sự tham gia bao gồm việc thu thập bằng chứng từ những người sử dụng dịch vụ bên ngoài, các tổ chức khách hàng hoặc công chúng, thông qua các cuộc khảo sát và các kỹ thuật điều tra khác. Bằng chứng vật chất cũng quan trọng, vì mua sắm thường liên quan đến các tài sản có thể được kiểm tra sự tồn tại hoặc giá trị hoặc chất lượng của chúng. Theo đó, Dye và Stapenhurst (1998) đề xuất việc kiểm tra tài sản hình thành qua đầu tư xây dựng để phát hiện những hạng mục công việc không đạt chất lượng, yêu cầu và tiêu chuẩn như là một ví dụ về công việc kiểm toán được thiết kế để phát hiện tham nhũng. Cuối cùng, quan sát của cá nhân kiểm toán viên có thể cung cấp bằng chứng liên quan đến tham nhũng.

Trong khi, kiểm toán viên nội bộ thường xuyên phát hiện tham nhũng và các loại gian lận khác thì kiểm toán viên độc lập lại phát hiện ít thường xuyên hơn (ACFE, 2016). Lý do cho điều này, có lẽ là do công việc của kiểm toán viên độc lập được hướng dẫn bởi việc đánh giá rủi ro, trọng yếu và tập trung vào việc phát hiện các sai sót trọng yếu trong BCTC. Nếu tham nhũng không được coi là dẫn đến sai sót trọng yếu, thì kiểm toán viên độc lập khó có thể tập trung vào việc phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bằng chứng về hối lộ sẽ xuất hiện trong sổ sách của người đưa hối lộ hoặc sai sót. Bảng 2 minh hoạ những sai sót tiềm ẩn phát sinh từ tham nhũng thương mại và tham nhũng chính trị trong tổ chức đưa và nhận hối lộ.

Bảng 2: Những sai sót do tham nhũng thương mại và chính trị

(Nguồn: Jeppesen, 2019)

3.1. Các thủ tục kiểm toán để phát hiện tham nhũng thuộc tổ chức đưa hối lộ

Các loại tham nhũng thương mại, phổ biến nhất là hối lộ, xung đột lợi ích và chúng thể dẫn đến sai sót trọng yếu trong BCTC của bên đưa hối lộ. Các sai sót có thể xảy ra, bắt nguồn từ hành vi hối lộ bao gồm sai sót do phân loại và trình bày sai trên BCTC, che dấu doanh thu và khai khống chi phí. Do hối lộ là hành vi bất hợp pháp, nên hầu hết các quốc gia và tổ chức đưa hối lộ thường che dấu bằng cách biến các khoản chi tiêu thành một khoản chi phí hợp pháp hoặc một trường hợp khác, phổ biến hơn đó là việc dùng các quỹ đen để đưa hối lộ. Quỹ đen là những nguồn thu thường không được ghi nhận trong sổ sách kế toán.

Đối với trường hợp khi tổ chức đưa hối lộ che dấu bằng các khoản chi phí hợp pháp, thường sẽ để lại các sai sót do phân loại hoặc trình bày sai trên BCTC. Khi đó, kiểm toán viên BCTC phải thiết kế các thủ tục kiểm toán để phát hiện ra các sai sót dạng này. Ví dụ: việc biến các khoản hối lộ thành phí tư vấn, hoa hồng hoặc khoản thanh toán cho một số dịch vụ không có thật. Trường hợp, sử dụng “quỹ đen” là số tiền không được ghi chép trong sổ sách kế toán. Các quỹ đen được hình thành từ các khoản thu không được tiết lộ hoặc từ việc thanh toán các chi phí hư cấu. Chẳng hạn, trường hợp trong vụ bê bối tham nhũng của Siemens (Sidhu, 2009), cũng như trong các vụ hối lộ Hewlett-Packard ở Nga, Ba Lan và Mexico (Sikka & Lehman, 2015). Theo đó, việc che dấu doanh thu và ghi nhận chi phí hư cấu ảnh hưởng đến hai mục tiêu kiểm toán BCTC, là cơ sở dẫn liệu về tính đầy đủ và hiện hữu. Tính đầy đủ có nghĩa là tất cả các giao dịch cần được ghi lại đều được ghi lại trên thực tế và sự hiện hữu, có nghĩa là tất cả các giao dịch được ghi lại đều đã xảy ra trên thực tế. Vì vậy, việc sử dụng quỹ đen có khả năng tạo ra sai sót trong BCTC. Hơn nữa, sự tồn tại của các quỹ đen báo hiệu mức độ liêm chính và chúng cần được xem là sai sót trọng yếu bất kể giá trị của chúng. Tính liêm chính thấp của ban giám đốc có thể được coi là một “rủi ro đáng kể” theo Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế ISA 315. Dẫn đến việc, kiểm toán viên phải thiết kế các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng về tính hợp lý của tất cả các ước tính và xét đoán của ban giám đốc liên quan đến tổng thể BCTC.

Ngoài những sai sót phát sinh, việc đưa hối lộ cũng có thể bị pháp luật nghiêm cấm như trường hợp ở nhiều nước. Các quy định như Đạo luật chống hối lộ của Vương Quốc Anh và Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Hoa Kỳ, trên thực tế đã mở rộng quyền tài phán của các quốc gia này đến bất kỳ quốc gia thứ ba nào mà các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động. Chuẩn mực Kiểm toán tài chính quốc tế ISA 250 (sửa đổi)/ISSAI 1250, yêu cầu kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán về việc tuân thủ pháp luật và các quy định, có thể dẫn đến sai sót trọng yếu trong BCTC. Vì tham nhũng là hành vi cố ý và có thể cũng nghiêm trọng, nên kiểm toán viên phải thảo luận vấn đề này với “những người chịu trách nhiệm quản trị” ngay khi có thể. Nếu cuộc thảo luận này không giải quyết được vấn đề không tuân thủ, kiểm toán viên có thể cần phải báo cáo vấn đề này với cơ quan có thẩm quyền và nếu vẫn còn sai sót trọng yếu trong BCTC sau cuộc thảo luận, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc ý kiến trái ngược. Do đó, kiểm toán viên độc lập cần đánh giá rủi ro về việc liệu khách hàng có thể đưa hối lộ hoặc tham gia vào các loại tham nhũng thương mại khác. Những rủi ro này có thể sẽ cao, trong trường hợp công ty hoạt động ở những thị trường, hoặc khu vực thường xuyên xảy ra tham nhũng. Khi rủi ro tham nhũng được coi là cao, các thủ tục kiểm toán đối phó với rủi ro nên tập trung vào việc phát hiện các sai sót do phân loại và khả năng tồn tại của các quỹ đen. Hối lộ được phân loại lại thành chi phí hợp pháp có thể được phát hiện bằng cách kiểm tra các tài khoản về phí tư vấn, hoa hồng, dịch vụ vô hình và so sánh các chi phí này với các hợp đồng tương ứng. Các khoản thanh toán cho nhân viên hoặc công chức trong BCTC của DN là dấu hiệu của hối lộ, cũng như các hợp đồng giành được mà không qua đấu thầu cạnh tranh thông thường. Các quỹ đen về bản chất khó phát hiện hơn, tuy nhiên, nguy cơ tham nhũng được nhận thấy cao sẽ khiến kiểm toán viên tăng cường kiểm tra tính đầy đủ của doanh thu. Đặc biệt, đối với các giao dịch bán hàng bằng tiền mặt, vốn dĩ dễ chuyển sang quỹ đen trước khi chúng được ghi chép.

Các loại tham nhũng mang tính chính trị, như: gia đình trị, chủ nghĩa bảo trợ và chủ nghĩa thiên vị có thể bóp méo sự cạnh tranh tự do vì mệnh lệnh, công việc hoặc lợi ích được trao cho một bên liên quan. Loại tham nhũng này rất có thể sẽ dẫn đến các vấn đề về kinh tế, hữu hiệu và hiệu quả trong tổ chức của bên hối lộ, vì thiếu sự cạnh tranh lành mạnh. Do đó, nguy cơ tham nhũng chính trị cao là vấn đề mà các kiểm toán viên khu vực công cần cân nhắc khi thực hiện kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, tham nhũng chính trị cũng có thể dẫn đến sai sót trong BCTC.

Ví dụ: trong trường hợp khi công ty mua hàng hoá hoặc dịch vụ từ một bên liên quan tại mức giá thấp hơn giá thị trường, hoặc tặng quà cho người thân mà không nhận lại được gì. Theo IAS 24, bản chất và số lượng của các giao dịch đó, cũng như các khoản phải trả phải được trình bày trong phần thuyết minh BCTC. Theo ISA 550, kiểm toán viên phải hiểu được giao dịch với các bên liên quan và đánh giá xem liệu những điều này có làm tăng nguy cơ sai sót trọng yếu hay không. Do đó, những sai sót phát sinh từ tham nhũng chính trị có thể được coi là trọng yếu về mặt định tính, ngay cả khi sai sót về tiền tệ là không trọng yếu. Khi có nguy cơ xảy ra sai sót trọng yếu do tham nhũng chính trị, kiểm toán viên nên thiết kế các thủ tục kiểm toán để đối phó với các rủi ro này, chẳng hạn như tập trung vào việc xem xét liệu các thủ tục kinh doanh thông thường có được tuân thủ hay không?

3.2. Phát hiện tham nhũng trong tổ chức có người nhận hối l

Người nhận hối lộ hoặc các hình thức tham nhũng thương mại khác, thường là cá nhân không thể hiện trách nhiệm giải trình bằng BCTC. Tuy nhiên, cá nhân này thường nhận hối lộ vì lợi dụng chức vụ để tư lợi và hành vi tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến BCTC của tổ chức này. Trong một DN, khi ai đó là người nhận hối lộ, điều đó có thể dẫn đến việc mua hàng hóa và dịch vụ vượt quá yêu cầu, mua hàng với giá cao hơn giá thị trường và/hoặc nhận hàng không đảm bảo chất lượng (Wells, 2003).

Đối với trường hợp nhận hối lộ thông qua hoạt động mua sắm hàng hoá có thể làm tăng lượng hàng tồn kho và tạo ra sai sót khi định giá, vì khi đó chúng thường được ghi nhận ở mức thấp hơn giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được theo Chuẩn mực Kế toán quốc tế IAS 2. Thông thường, đối với trường hợp nhận hối lộ thông qua mua hàng hoá thì giá trị hàng tồn kho có thể sẽ quá cao. Khi đó, biện pháp đối phó thích hợp của kiểm toán viên là thiết kế các thủ tục kiểm toán tập trung vào việc phát hiện các vấn đề liên quan đến việc định giá tài sản. Các thủ tục kiểm toán trong tình huống này thường, bao gồm: mở rộng hoặc tăng cường kiểm tra vật chất các tài sản để xem chúng có đảm bảo chất lượng và thực hiện thủ tục phân tích, để so sánh mức độ gia tăng chi phí đối với từng loại hàng tồn kho và thời gian lưu kho thông qua phân tích vòng quay hàng tồn kho.

Đối với trường hợp nhận hối lộ qua các hợp đồng dịch vụ. Trường hợp này ít có khả năng để lại sai sót trong BCTC. Loại hối lộ này có thể được phát hiện bằng cách kiểm tra chi tiết các giao dịch diễn ra có được thực hiện trên cơ sở uỷ quyền phù hợp hoặc đấu thầu cạnh tranh. Kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục kiểm toán để xác định và đánh giá rủi ro tham nhũng. Điều này sẽ khiến họ hoài nghi nhiều hơn và thực hiện thêm các thủ tục kiểm toán còn được gọi là các thủ tục “kiểm toán ngoài sổ sách”, chẳng hạn bằng cách so sánh lối sống của nhân viên hoặc người quản lý với thu nhập của họ. Ngoài ra, tham nhũng trong tổ chức nhận hối lộ cũng có thể sẽ gây ra các vấn đề về kinh tế, sự hữu hiệu và hiệu quả của tổ chức và tham nhũng cũng là mối quan tâm đối với các kiểm toán viên hoạt động. Do đó, tham nhũng trong quá trình mua sắm có thể tạo ra nhiều vấn đề mà kiểm toán viên hoạt động có thể phát hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật so sánh, kiểm tra tài sản hoặc khảo sát sự hài lòng của khách hàng, cũng như thông qua việc thiết lập các đường dây nóng để nhận phản hồi của khách hàng.

Đối với một tổ chức thực hiện tham nhũng chính trị thì ít có khả năng để lại sai sót trong BCTC, vì người nhận hối lộ thường là một cá nhân hoặc một nhóm xã hội không chịu trách nhiệm về việc sử dụng BCTC. Ví dụ: trường hợp điển hình của chủ nghĩa gia đình trị là việc tuyển dụng một người họ hàng kém năng lực hơn vào một vị trí trong một DN. Mặc dù, điều này sẽ không gây ra sai sót trong BCTC nhưng có thể dẫn đến các vấn đề về hiệu suất và hiệu quả. Đây là lĩnh vực trọng tâm của kiểm toán hoạt động và có thể được phát hiện bằng cách kiểm tra xem tổ chức có tuân thủ các chính sách và thủ tục tuyển dụng nhân sự cạnh tranh phù hợp hay không. Các trường hợp thiên vị, có thể khó phát hiện hơn ở phía tiếp nhận. Một trường hợp điển hình có thể là một hợp đồng công được trao cho một công ty có quan hệ với Chính phủ. Trong trường hợp như vậy, người nhận được sự ủng hộ chính trị có thể sẽ thành công hơn đối thủ cạnh tranh. Khi thực hiện các thủ tục phân tích theo yêu cầu của ISA 240 như một phần của đánh giá rủi ro gian lận cho một công ty, kiểm toán viên độc lập có thể xác định những công ty thành công đó bằng cách so sánh chúng với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc các DN tương tự trong trong lĩnh vực. Việc so sánh với giá của đối thủ cạnh tranh có thể tiết lộ các trường hợp trong đó không có lý do cạnh tranh nào dẫn đến thành công rõ ràng của công ty. Không giống như tham nhũng thương mại, các loại tham nhũng chính trị để lại ít bằng chứng để kiểm toán viên có thể thu thập và phát hiện, bởi vì chúng có bản chất vô hình dưới hình thức hỗ trợ chính trị hoặc hợp tác.

  1. Kết luận

Kiểm toán có thể có khả năng ngăn ngừa và phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, việc từ chối trách nhiệm trực tiếp đối với gian lận và tham nhũng trong kiểm toán BCTC của kiểm toán viên độc lập hiện nay làm giảm khả năng phát hiện tham nhũng, dẫn tới làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với nghề nghiệp kiểm toán.

Để phát hiện được tham nhũng: đầu tiên, kiểm toán viên phải chấp nhận trách nhiệm phát hiện tham nhũng. Do đó, ISA 240 cần phải đưa tham nhũng vào danh mục gian lận một cách rõ ràng, một loại gian lận mà kiểm toán viên nên xem xét khi đánh giá rủi ro ban đầu; thứ hai, tham nhũng luôn liên quan đến người cho và người nhận, nhưng lại tạo ra nhiều loại sai sót khác nhau. Vì vậy, để chống tham nhũng một cách hiệu quả, kiểm toán viên cần phải nhận biết tham nhũng từ cả hai phía và điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa kiểm toán viên khu vực tư nhân và kiểm toán viên khu vực công; cuối cùng, kiểm toán viên cần phát triển các kỹ thuật tốt hơn để phát hiện tham nhũng. Chẳng hạn, kiểm tra thực tế tài sản nhiều hơn, thu thập nhiều bằng chứng từ bên ngoài hơn, tăng mức độ và tần suất các thủ tục kiểm toán xác minh từ bên thứ ba, tiến hành kiểm toán hoạt động hoặc kiểm toán điều tra.

 

Tài liệu tham khảo

 

ACFE (2016). Report to the nations on occupational fraud and abuse.

Dye, K.M., Stapenhurst, R. (1998). Pillars of Integrity: The Importance of Supreme Audit

Institutions in Curbing Corruption, Economic Development Institute of the World Bank.

Farooq, O., Shehata, N.F. (2018). Does external auditing combat corruption? Evidence from private firms, Managerial Auditing Journal, 33(3), 267-287.

Gramling, A.A., Rittenberg, L.E., Johnstone, K.M. (2012). Auditing, 8th international ed., London: South-Western Cengage Learning.

Gustavson, M., Sundström, A. (2016). Organizing the audit society: does good auditing generate less public sector corruption?, Administration & Society.

IFAC (1999). The Accountancy Profession and the Fight against Corruption, discussion paper.

INTOSAI (2013). ISSAI 5700 guidelines for the audit of corruption prevention in government agencies, Exposure Draft, available at: www.issai.org Accessed 12.10.15.

Jeppesen, K. K. (2019). The role of auditing in the fight against corruption. The British Accounting Review, 51(5), 100798.

Johnston, M. (1996). The search for definitions: the vitality of politics and the issue of corruption, International Social Science Journal, 48(149), 321-335.

Khan, M.A. (2006). Role of audit in fighting corruption, Paper for UN Ad Hoc Group Meeting on “Ethics, Integrity, and Accountability in the Public Sector: Re-building Public Trust in Government through the Implementation of the UN Convention against Corruption”, St. Petersburg, Russia

Klitgaard, R. (2006). Introduction: subverting corruption, Global Crime, 7(3-4), 299-307.

Power, M. (1997). The Audit Society: Rituals of Verification, Oxford: Oxford University Press.

Reding, K., Sobel, P.J., Anderson, U.L., Head, M.J., Ramamoorti, S., Salamasick, M., Riddle, C. (2013). Internal Auditing: Assurance & Advisory Services, 3rd ed., Altamonte Springs: The Institute of Internal Auditors Research Foundation.

Rothstein, B., & Varraich, A. (2017). Making Sense of corruption. Cambridge: Cambridge University Press.

Shihata, I.F. (1997). Corruption: a general review with an emphasis on the role of the World Bank, Journal of Financial Crime, 5(1), 12-29.

Sidhu, K. (2009). Anti-corruption compliance standards in the aftermath of the siemens scandal, german law journal, 10(8), 1343-1354.

Sikka, P., Lehman, G. (2015). The supply-side of corruption and limits to preventing corruption within government procurement and constructing ethical subjects, critical perspectives on Accounting, 28(May), 62-70.

Tanzi, V. (1998). Corruption around the world: causes, consequences, scope, and cures, IMF staff papers, 45(4), 559-594.

Wells, J.T. (2003). Corruption: causes and cures, Journal of Accountancy, 195(4), 49-52

Zimbelman, M.F., Albrecht, C.C. (2009). Forensic accounting, 4th ed., South-Western cengage Learning.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *