Nghiên cứu trao đổi

Về Kế toán doanh thu bán hàng theo Thông tư 200

Tiêu đề Về Kế toán doanh thu bán hàng theo Thông tư 200 Ngày đăng 2015-09-03
Tác giả Admin Lượt xem 626

Thông tư 200/2014/TT – BTC (viết tắt là TT200) thay thế QĐ15/2006/BTC,
nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong công tác kế toán thực tiễn. Tuy
nhiên, Thông tư cũng làm phát sinh những vấn đề mới cần được làm rõ và có giải
pháp khắc phục. Bài viết này, đề cập về kế toán doanh thu bán hàng và đưa ra
một số khuyến nghị đối với hướng dẫn theo TT200 nhằm giúp doanh nghiệp (DN)
cũng như các nhà làm chính sách tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh theo hướng
hội nhập sâu hơn với thông lệ kế toán quốc tế và phù hợp với thực tiễn công tác
kế toán trong các DN.

Kế toán doanh thu bán hàng theo TT200

(1) Doanh thu phát sinh từ chương
trình dành cho khách hàng truyền thống

a) Giao dịch bán hàng hóa (HH), cung cấp dịch vụ (DV) theo chương trình
dành cho khách hàng truyền thống: Phải thỏa mãn đồng thời tất cả các điều kiện
sau:

– Khi mua HH, DV, khách hàng
được tích điểm thưởng để khi đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được nhận một
lượng HH, DV miễn phí hoặc được chiết khấu (CK), giảm giá (GG).

– Người bán phải xác định
được giá trị hợp lý của HH, DV sẽ phải cung cấp miễn phí hoặc số tiền sẽ CK, GG
cho người mua khi người mua đạt được các điều kiện của chương trình (tích đủ
điểm thưởng).

– Chương trình phải có giới
hạn về thời gian cụ thể, rõ ràng, nếu quá thời hạn theo quy định của chương
trình mà khách hàng chưa đáp ứng được các điều kiện đặt ra thì người bán sẽ
không còn nghĩa vụ phải cung cấp HH, DV miễn phí hoặc CK, GG cho người mua (số
điểm thưởng của người mua tích lũy hết giá trị sử dụng).

– Sau khi nhận HH, DV miễn
phí hoặc được CK GG, người mua bị trừ số điểm tích lũy theo quy định của chương
trình (đổi điểm tích lũy để lấy HH, DV hoặc số tiền CK, GG khi mua hàng).

– Việc cung cấp HH, DV miễn
phí hoặc CK, GG cho người mua khi đạt đủ số điểm thưởng có thể được thực hiện
bởi chính người bán hoặc một bên thứ ba theo quy định của chương trình.

b) Nguyên tắc kế toán

– Tại thời điểm bán HH, DV
người bán phải xác định riêng giá trị hợp lý của HH, DV phải cung cấp miễn phí
hoặc số tiền phải CK, GG cho người mua khi người mua đạt được các điều kiện
theo quy định của chương trình.

– Doanh thu được ghi nhận là
tổng số tiền phải thu hoặc đã thu trừ đi giá trị hợp lý của HH, DV phải cung
cấp miễn phí hoặc số phải CK, GG cho người mua. Giá trị của HH, DV phải cung
cấp miễn phí hoặc số phải CK, GG cho người mua được ghi nhận là doanh thu chưa
thực hiện. Nếu hết thời hạn của chương trình mà người mua không đạt đủ điều
kiện theo quy định và không được hưởng HH, DV miễn phí hoặc CK, GG, khoản doanh
thu chưa thực hiện được kết chuyển vào doanh thu bán hàng, cung cấp DV.

– Khi người mua đạt được các
điều kiện theo quy định của chương trình, việc xử lý khoản doanh thu chưa thực
hiện được thực hiện như sau:

+ Trường hợp người bán trực
tiếp cung cấp HH, DV miễn phí hoặc CK, GG cho người mua: Khoản doanh thu chưa
thực hiện tương ứng với giá trị hợp lý của số HH, DV cung cấp miễn phí hoặc số
phải CK, GG cho người mua được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp DV khi
người mua đã nhận được HH, DV miễn phí hoặc được CK, GG theo quy định của
chương trình.

+ Trường hợp bên thứ ba có
nghĩa vụ cung cấp HH, DV miễn phí hoặc CK, GG cho người mua: Nếu hợp đồng giữa
người bán và bên thứ ba đó không mang tính chất hợp đồng đại lý, khi bên thứ ba
thực hiện việc cung cấp HH, DV, CK, GG, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết
chuyển sang doanh thu bán hàng, cung cấp DV. Nếu hợp đồng mang tính đại lý, chỉ
phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải trả cho bên
thứ ba mới được ghi nhận là doanh thu. Số tiền thanh toán cho bên thứ ba được
coi như việc thanh toán khoản nợ phải trả.

c) Phương pháp kế toán

 c1) Khi bán HH, cung cấp DV trong chương trình
dành cho khách hàng truyền thống, kế toán ghi nhận doanh thu trên cơ sở tổng số
tiền thu được trừ đi phần doanh thu chưa thực hiện là giá trị hợp lý của HH, DV
cung cấp miễn phí hoặc số tiền CK, GG cho khách hàng:

Nợ các TK 112, 131/Có TK
511  3387, 333.

c2) Khi hết thời hạn quy định
của chương trình, nếu khách hàng không đáp ứng được các điều kiện để hưởng các
ưu đãi như nhận HH, DV miễn phí hoặc CK, GG người bán không phát sinh nghĩa vụ
phải thanh toán cho khách hàng, kế toán kết chuyển doanh thu chưa thực hiện
thành doanh thu bán hàng, cung cấp DV, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa
thực hiện / Có TK 511.

c3) Khi khách hàng đáp ứng đủ
các điều kiện của chương trình để được hưởng ưu đãi, khoản doanh thu chưa thực
hiện được xử lý như sau:

– Trường hợp người bán trực
tiếp cung cấp HH, DV miễn phí hoặc CK, GG cho người mua, khoản doanh thu chưa
thực hiện được kết chuyển sang ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp DV tại
thời điểm thực hiện xong nghĩa vụ với khách hàng (đã chuyển giao HH, DV miễn
phí hoặc đã CK, GG cho khách hàng):

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa
thực hiện /Có TK511.

– Trường hợp bên thứ ba là
người cung cấp HH, DV hoặc CK, GG cho khách hàng thì thực hiện như sau:

+ Trường hợp DN đóng vai trò
là đại lý của bên thứ ba, phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện
và số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba đó được ghi nhận là doanh thu bán
hàng cung cấp DV khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba, ghi:

Nợ TK 3387

      Có TK 511 (phần chênh lệch giữa doanh thu
chưa thực hiện và số tiền trả cho bên thứ ba được coi như doanh thu hoa hồng
đại lý)

      Có các TK 111, 112.

+ Trường hợp DN không đóng
vai trò đại lý của bên thứ ba (giao dịch mua đứt, bán đoạn), toàn bộ khoản
doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp DV
khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, số tiền phải thanh toán cho
bên thứ ba được ghi nhận vào giá vốn hàng bán, ghi:

Nợ TK 3387/ Có TK 511

Đồng thời, phản ánh số tiền
phải thanh toán cho bên thứ ba là giá vốn HH, DV cung cấp cho khách hàng, ghi:

Nợ TK 632/ Có TK 112, 331.

(2) Doanh thu phát sinh trong
trường hợp bán hàng kèm khuyến mại, quảng cáo có điều kiện

Điều 79, Khoản 1, Điểm 1.6.3
của TT200/2014/TT – BTC, về nguyên tắc ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp
DV quy định. Trường hợp xuất HH để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ
được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua
sản phẩm (SP), HH (ví dụ như: Mua 2 SP được tặng 1 SP,….) thì kế toán phải
phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng
khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán (trường hợp này bản chất giao dịch là
GG hàng bán).

(3) Doanh thu phát sinh trong
trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp

– Khi bán hàng trả chậm, trả
góp, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán trả tiền ngay chưa có
thuế, ghi:

Nợ TK 131/ Có TK 511, 333,
3387.

– Định kỳ, ghi nhận doanh thu
tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3387/ Có TK 515 (lãi
trả chậm, trả góp).

(4) Doanh thu phát sinh trong
trường hợp bán hàng kèm SP, HH, thiết bị thay thế không tính tiền riêng

Điều 79, Khoản 1, Điểm 1.6.14
của TT200/2014/TT – BTC, về nguyên tắc ghi nhận doanh thu nêu rõ trường hợp bán
SP, HH kèm theo SP, HH, thiết bị thay thế (phòng ngừa trong những trường hợp SP,
HH bị hỏng hóc) thì phải phân bổ doanh thu cho SP, HH được bán và SP HH, thiết
bị giao cho khách hàng để thay thế phòng ngừa hỏng hóc. Giá trị của SP, HH,
thiết bị thay thế được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.

(5) Doanh thu phát sinh trong
trường hợp bán hàng thu tiền kèm theo điều khoản CK thanh toán (CKTT)

Theo hướng dẫn của TT200/2014/TT-
BTC, các bút toán về doanh thu bán hàng và CKTT được thực hiện như sau:

– Bút toán ghi nhận doanh thu
khi DN bán hàng:

Nợ TK 131/ Có TK 511, 3331.

– Khi khách hàng thanh toán
tiền, khoản CKTT cho người mua HH, DV được hưởng do thanh toán trước hạn phải
thanh toán theo thỏa thuận khi mua, bán hàng, ghi (Điều 90, Khoản 3, Điểm 3.6):

Nợ TK 635/ Có các TK 131, 111,
112,…

Các khuyến nghị

Một là, đối với doanh thu
bán hàng phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống.

Theo hướng dẫn của TT200/2014/TT
– BTC ở bút toán c1 nêu trên khi bán HH, cung cấp DV trong chương trình dành
cho khách hàng truyền thống không nhất quán với iều 18, Khoản 3, Điểm 3.3, Đoạn
b, về kế toán CK thương mại và GG hàng bán trong hướng dẫn TK 131; phải thu khách
hàng. Trường hợp trên hóa đơn bán hàng chưa thể hiện số tiền CK thương mại, GG
hàng bán do khách hàng chưa đủ điều kiện để được hưởng hoặc chưa xác định được
số phải CK, GG thì doanh thu ghi nhận theo giá chưa trừ CK (doanh thu gộp). Sau
thời điểm ghi nhận doanh thu, nếu khách hàng đủ điều kiện được hưởng CK, GG thì
kế toán phải ghi nhận riêng khoản CK, GG để định kỳ điều chỉnh giảm doanh thu
gộp. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, bút toán c1 nêu trên nên được ghi nhận
theo doanh thu gộp. Tuy nhiên, đồng thời để đảm bảo cả nguyên tắc coi trọng bản
chất hơn hình thức, nguyên tắc phù hợp và nguyên tắc giá trị hợp lý trong ghi
nhận doanh thu bán hàng, cuối tháng kế toán cần tiến hành tổng hợp toàn bộ
doanh thu gộp bán hàng phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền
thống vẫn còn trong thời hạn quy định của chương trình và trên cơ sở đó ước
tính khoản CK, GG cho các khách hàng có khả năng nhận được tương ứng với doanh
thu đã ghi nhận trong tháng. Điều này cũng đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác
kế toán, khi đã đơn giản hóa và giảm nhẹ khối lượng công tác kế toán so với
hướng dẫn của TT200/2014/TT- BTC, như trong bút toán c1 ghi riêng rẽ cho từng
khách hàng, từng giao dịch bán hàng và lại đảm bảo có đầy đủ thông tin về doanh
thu gộp, doanh thu thuần phục vụ công tác quản trị DN cũng như lập báo cáo tài
chính hàng tháng.

Hai là, đối với doanh thu
phát sinh trong trường hợp bán hàng kèm khuyến mại, quảng cáo có điều kiện.

Điều 79, Khoản 1, Điểm 1.6.3
của TT200/2014/TT – BTC, đã đưa ra nguyên tắc ghi nhận đối với trường hợp ghi
nhận doanh thu bán hàng kèm theo hàng khuyến mại, quảng cáo nhưng không có
hướng dẫn chi tiết, cụ thể dẫn đến sự không rõ ràng, không có tính phổ quát
cũng như nguyên tắc đó chỉ phù hợp đối với tình huống bán hàng kèm khuyến mại,
quảng cáo chính sản phẩm (SP) đó (ví dụ: Mua 5 SP tặng thêm 1 SP). Trên thực
tiễn, giao dịch bán hàng kèm khuyến mại, quảng cáo rất đa dạng như: Bán 3 SP A
tặng thêm 1 SP B thuộc mặt hàng kinh doanh của DN hoặc hàng khuyến mại, quảng
cáo là các SP mà DN mua từ các đơn vị khác để làm quà,… sẽ được ghi nhận như
thế nào cũng chưa được hướng dẫn cụ thể. Nhìn chung, có thể chia ra làm hai
trường hợp như sau:

Thứ nhất, kế toán thực hiện đúng hướng dẫn của TT200/2014/TT- BTC
nếu SP khuyến mại, quảng cáo cũng chính là SP của giao dịch bán hàng (ví dụ:
mua 5 SP A được tặng thêm 1 SP A). Cụ thể bút toán doanh thu bán hàng được ghi
nhận như sau:

Nợ các TK 111, 112, 131

Nợ TK 5211

            Có TK 5112 (kể cả khuyến mại), 333.

Thứ hai, giá trị SP khuyến mại, quảng cáo sẽ được ghi nhận vào chi
phí bán hàng và bút toán doanh thu chỉ ghi nhận cho số hàng bán chính thức (thực
hiện giống như QĐ15/2006/QĐ- BTC) áp dụng cho các trường hợp khác như: Hàng
khuyến mại, quảng cáo là các SP của DN đang kinh doanh nhưng khác với SP trong
giao dịch bán hàng, SP khuyến mại là do DN mua về làm quà tặng.

Ba là, đối với doanh thu phát sinh trong trường hợp bán hàng theo
phương thức trả chậm, trả góp.

Theo quy định hiện hành của
TT200/2014/TT- BTC, số dư Có chi tiết của TK 3387 doanh thu chưa thực hiện (chênh
lệch giữa tổng số tiền theo giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay)
được trình bày là một khoản nợ phải trả bình thường, tại ngày lập bảng cân đối
kế toán (CĐKT) và phân loại thành Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (Mã số 318)
tương ứng với phần nghĩa vụ mà DN sẽ phải thực hiện trong vòng 12 tháng tiếp
theo hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo
cáo và Doanh thu chưa thực hiện dài hạn (Mã số 336) tương ứng với phần nghĩa vụ
mà DN sẽ phải thực hiện sau 12 tháng hoặc sau một chu kỳ sản xuất, kinh doanh
thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo. Bên cạnh đó, số dư Nợ chi tiết
của TK 131 phải thu trả góp (tổng giá thanh toán bao gồm cả lãi trả chậm, trả
góp) được trình bày là một tài sản tại ngày lập bảng CĐKT và phân loại thành
phải thu ngắn hạn của khách hàng (Mã số 131) đối với kỳ hạn thu hồi còn lại
không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường, tại thời điểm
báo cáo và phải thu dài hạn của khách hàng (Mã số 211) đối với kỳ hạn thu hồi
trên 12 tháng hoặc dài hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo
cáo. Hướng dẫn này không thực sự hợp lý đối với trường hợp bán hàng trả chậm,
trả góp bởi không tuân thủ Khoản 3, Điều 102, về Nguyên tắc lập và trình bày
Báo cáo Tài chính của DN đáp ứng giả định hoạt động liên tục, cụ thể Khoản 3
nêu rõ Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả
không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán. Trong trường hợp này
chênh lệch giữa tổng số tiền theo giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả
tiền ngay được ghi nhận vào bên Có TK 3387 không phải là nghĩa vụ phải thanh
toán của DN bán hàng cho người mua hay bên thứ ba. Đồng thời, dư Nợ của TK 131
phản ánh tổng giá thanh toán (bao gồm cả lãi trả chậm, trả góp) được trình bày
trên bảng CĐKT sẽ cao hơn giá trị có thể thu hồi. Bởi giá trị có thể thu hồi
trong trường hợp này, chính là giá bán trả tiền ngay mà không phải là giá bán
trả chậm, trả góp. Do vậy, để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc về lập và trình bày
Báo cáo Tài chính, TT200/2014/TT-BTC, cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường
hợp này khi lập bảng CĐKT, đó là số dư Có TK 3387 doanh thu chưa thực hiện (chênh
lệch giữa tổng số tiền theo giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay)
cần được trình bày là một tài sản điều chỉnh giảm cho khoản phải thu trả góp
phản ánh tổng giá thanh toán (bao gồm cả lãi trả chậm, trả góp) là số dư Nợ chi
tiết của TK 131.

Bốn là, đối với doanh thu phát sinh trong trường hợp bán hàng kèm
SP, HH, thiết bị thay thế không tính tiền riêng.

Điều 79, Khoản 1, Điểm 1.6.14
của TT200/2014/TT- BTC, về trường hợp bán SP, HH kèm theo SP, HH, thiết bị thay
thế (phòng ngừa trong những trường hợp SP, HH bị hỏng hóc) đã đưa ra nguyên tắc
ghi nhận doanh thu nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Do vậy, đề xuất cụ
thể cho trường hợp này như sau:

– Bút toán ghi nhận doanh thu
bán hàng:

Nợ TK 111, 112, 131, … :
Tổng giá thanh toán

      Có TK 511X: Doanh thu bán SP, HH X

      Có TK 511Y: Doanh thu SP, HH, thiết bị,
phụ tùng Y thay thế

      Có TK 33311: Thuế GTGT phải nộp (nếu có)

– Bút toán ghi nhận giá vốn
hàng bán:

Nợ TK 632X: Giá vốn SP, HH X

Nợ TK 632Y: Giá vốn SP, HH,
thiết bị, phụ tùng Y thay thế

      Có TK 155, 156 (X,Y), …

Năm là, đối với doanh thu phát sinh trong trường hợp bán hàng thu
tiền kèm theo điều khoản CKTT.

Theo hướng dẫn về ghi nhận
doanh thu bán hàng và CKTT cho khách hàng của TT200/2014/TT- BTC, sẽ phát sinh
một số vấn đề sau: (1) Thứ nhất, doanh thu bán hàng được ghi nhận là giá bán
chưa trừ CKTT (nếu có) sẽ không nhất quán với VAS 14 doanh thu và thu nhập khác,
bởi đoạn 05 của VAS 14 nêu rõ doanh thu được xác định theo giá trị hợp lý của
các khoản đã thu hoặc sẽ thu được và đoạn 06 ghi doanh thu phát sinh từ giao
dịch được xác định bởi thỏa thuận giữa DN với bên mua hoặc bên sử dụng tài sản.
Nó được xác định bằng giá trị hợp lý của các khoản đã thu được hoặc sẽ thu được
sau khi trừ (-) các khoản CK thương mại, CKTT, GG hàng bán và giá trị hàng bán
bị trả lại; (2) Thứ hai, nếu bút toán CKTT và bút toán ghi nhận doanh thu bán
hàng ở hai kỳ kế toán khác nhau thì khi lập bảng CĐKT, số dư Nợ TK 131 sẽ không
tuân thủ Khoản 3, Điều 102 về Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo Tài chính của
DN đáp ứng giả định hoạt động liên tục, cụ thể Khoản 3 nêu rõ Tài sản không
được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận
thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán bởi không phản ánh đúng giá trị khoản phải
thu thương mại nếu thu được tiền ngay; (3) Thứ ba, nguyên tắc phù hợp giữa
doanh thu và chi phí cũng sẽ không được đảm bảo trong trường hợp kỳ ghi nhận
CKTT (khi người mua trả tiền) và kỳ ghi nhận doanh thu (khi bán hàng) là khác
nhau; (4) Thứ tư, nguyên tắc trọng bản chất hơn hình thức chưa được quán triệt
khi số tiền CKTT cho khách hàng được ghi nhận là một khoản chi phí tài chính (ghi
Nợ TK 635). Bởi thực chất, đây là giao dịch phát sinh thuộc hoạt động kinh
doanh bình thường của DN (bán hàng) mà không phải thuộc hoạt động tài chính
theo định nghĩa về hoạt động tài chính của các Chuẩn mực kế toán liên quan, do
vậy, nên coi CKTT cũng là một khoản làm giảm doanh thu bán hàng. Nhằm khắc phục
các vấn đề trên, phương án đề xuất như sau:

– Bút toán ghi nhận doanh thu
khi DN bán hàng vẫn được thực hiện giống như TT200 /2014/TT-BTC hướng dẫn:

Nợ TK 131/ Có TK 511, 33311

– Nếu trong tháng, khách hàng
thanh toán và được hưởng CK (do thanh toán trong thời hạn được hưởng CK theo
thỏa thuận), kế toán ghi:

Nợ TK 111, 112, Nợ TK 5211/
Có TK 131

– Cuối tháng, kế toán tổng
hợp toàn bộ doanh thu gộp bán hàng kèm theo điều khoản CKTT và các khách hàng
vẫn sẽ được hưởng CKTT nếu trả tiền vào tháng sau trong thời hạn được hưởng
CKTT theo thỏa thuận. Trên cơ sở đó, kế toán ước tính khoản CKTT thưởng cho các
khách hàng có khả năng nhận được tương ứng với doanh thu đã ghi nhận trong
tháng và ghi:

Nợ TK 5211: CKTT ước tính/Có
TK 131: Ghi giảm phải thu khách hàng

– Sang tháng sau, khi khách
hàng thanh toán, kế toán thực hiện bút toán thu tiền và điều chỉnh tăng hoặc
giảm CKTT ước tính đã ghi nhận ở tháng trước:

Nợ TK 111, 112: Số tiền nhận
được

Nợ (hoặc Có) TK 5211: điều
chỉnh CKTT

      Có TK 131: Phải thu khách hàng

Trên đây là những phân tích,
đánh giá và đưa ra các khuyến nghị nhằm đảm bảo tính thống nhất, quán triệt các
nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi, giảm thiểu những bất hợp lý, tăng
cường hiệu quả của công tác kế toán, đảm bảo tính hợp lý trong việc đo lường,
ghi nhận và cung cấp thông tin kế toán hữu ích cho người sử dụng./.

PGS.TS
Nguyễn Hữu Ánh – Ths. Doãn Thùy Dương*

Đại
học Kinh tế quốc dân

Theo
Tạp chí Kế toán và Kiểm toán

 

 

Tài
liệu tham khảo

 

1. Bộ Tài chính (2014),  TT200/2014/TT-  BTC, QĐ149/2001/QĐ BTC.

2. Trần Xuân Nam (2015),
Những điểm bất hợp lý và mâu thuẫn của TT200 /2014/TT   BTC.

3. Slides bài giảng tóm tắt
TT200/2014/TT- BTC. 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *