Nghiên cứu trao đổi

Thách thức và cơ hội trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán

Tiêu đề Thách thức và cơ hội trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán Ngày đăng 2015-09-01
Tác giả Admin Lượt xem 586

Về cơ bản nội dung của TT200/2014/TT – BTC có nhiều điểm tiến bộ, đổi
mới tạo sự linh hoạt, chủ động hơn cho doanh nghiệp (DN) và những người làm
công tác kế toán. Việc ban hành Thông tư này, cũng bắt buộc các cơ sở đào tạo
về nghiệp vụ kế toán phải có sự chỉnh sửa về giáo trình, bài giảng, chương
trình môn học,… Đây cũng là cơ hội để các các trường đại học, cao đẳng đào tạo
về kế toán (gọi chung là các cơ sở đào tạo kế toán) xem xét một cách toàn diện
về những điểm bất cập, hạn chế. Từ đó, đưa ra những thay đổi toàn diện trong
phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán.

Yêu cầu khách quan của việc cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng
dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán

Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo phải bắt đầu từ
việc đáp ứng nhu cầu công việc kế toán thực tế của các DN: Trong thực tế, sinh
viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo về kế toán rất ít người có thể (hoặc trong
thời gian ngắn sau khi được tuyển dụng có khả năng) bắt tay ngay  vào công việc kế toán. Đa số các DN phải bỏ
ra khá nhiều chi phí, thời gian cho công tác đào tạo lại. Điều này do cách thức
giảng dạy ở các trường quá chuyên tâm vào lý thuyết sách vở quá chú tâm với hệ
thống tài khoản và chế độ kế toán mà lại xem nhẹ những kiến thức, kỹ năng của
kế toán viên mà các DN thực sự cần thiết.

Thứ hai, đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo kế toán phải xuất
phát từ người học, phải lấy người học làm trung tâm. Việc lấy người học làm
trung tâm có tác dụng rất lớn trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của
người học. Kế toán là một chuyên ngành mang tính logic cao, nên nếu áp dụng
được phương pháp dạy và học hợp lý sẽ rất thuận lợi trong việc khai thác sự chủ
động, sáng tạo của người học, phát huy được nguyên lý “nắm bắt bản chất – học
ít biết nhiều”.

Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán
xuất phát từ yêu cầu thị trường đào tạo nghề nghiệp. Sau một thời gian tương
đối dài, đào tạo kế toán dễ dàng thu hút được một lượng lớn các học viên, không
chỉ các trường khối kinh tế mà đa số các trường kỹ thuật cũng tham gia đào tạo
kế toán. Tuy nhiên, do cung vượt quá cầu, thị trường lao động bão hòa,… số
lượng học viên kế toán có việc làm đúng ngành nghề đào tạo chiếm một tỷ lệ
thấp. Từ năm học 2013- 2014, đặc biệt năm học 2014- 2015, học viên thi  các chuyên ngành kế toán giảm hẳn, thậm chí
nhiều cơ sở đào tạo chính quy chỉ tuyển được không quá 20% số học viên so với
dự kiến. Học viên ít, cơ sở đào tạo kế toán lại quá nhiều, trong quá trình cạnh
tranh khốc liệt này có thể khẳng định việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
là yếu tố quan trọng hàng đầu để các cơ sở đào tạo kế toán tồn tại và phát
triển.

Thứ tư, thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo kế toán để phù hợp
với sự phát triển của khoa học – công nghệ và sự phát triển của kinh tế tri
thức. Hiện nay ở nước ta ước tính phải trên 80% DN đã sử dụng các phần mềm kế
toán (ngoại trừ một số DN có quy mô rất nhỏ hoặc mới thành lập chưa kịp trang
bị phần mềm kế toán), ngay cả những DN chưa sử dụng phần mềm kế toán, các kế
toán viên đa số cũng được trang bị máy tính và sử dụng bảng tính Excel trong
công việc. Việc sử dụng phần mềm kế toán đã đơn giản hóa rất nhiều công việc kế
toán: Chỉ cần cập nhật chính xác các chứng từ hoặc nghiệp vụ kinh tế phát sinh,…
sau đó “có phần mềm” xử lý thông tin, đưa ra các báo cáo cơ bản theo yêu cầu.
Chính việc sử dụng phần mềm kế toán đã thay đổi hẳn cách thức tiến hành công
việc kế toán. Thực tế là vậy, nhưng trong giảng dạy đa số các cơ sở đào tạo lại
tách biệt việc trang bị kiến thức, kỹ năng kế toán và việc áp dụng công nghệ
nên việc ứng dụng công nghệ vào học tập rất hạn chế.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo chưa thấy
tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ trong lưu trữ, tra cứu thông tin
để thay đổi cách học để “nhớ” và cách học để “hiểu và vận dụng”. Việc hiểu và
tra cứu thông tin sẽ thay thế cho việc, học viên phải “học vẹt” hàng trăm trang
chế độ kế toán khô khan được “chuyển đổi” trong các tài liệu học tập để dành
thời gian rèn luyện các kỹ năng cần thiết khác.

Thứ năm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo kế toán là yêu cầu
bắt buộc để phù hợp với những thay đổi trong quy định của Nhà nước. Khi thay
đổi nội dung, chương trình đào tạo kế toán theo TT200 các cơ sở đào tạo nên lưu
ý một số điểm mang tính đột phá, có tác động thực sự đến việc thay đổi phương
pháp giảng dạy, đào tạo kế toán:

– TT 200 là hệ thống kế toán đồng
bộ và tương đối đầy đủ, là công cụ tra cứu cho người làm công tác kế toán nhưng
đây không phải là “cẩm nang” để bê nguyên vào chương trình đào tạo, vì đó thực
sự là sự lãng phí vô cùng lớn về thời gian của thầy và trò. Cần xem TT200 là
công cụ tra cứu, tham chiếu hỗ trợ công việc thực tế của người làm kế toán. Vì
vậy, trong giảng dạy cần theo quan điểm “cho phép sử dụng TT200” trong học tập,
thi cử,… sẽ hiệu quả hơn nhiều.

– TT200 đã có quy định về hệ
thống sổ kế toán, đây thực sự là quy định mang tính “thực tế” nhất cho công
việc kế toán. Trong thuật toán của đa số phần mềm kế toán đều bắt đầu bằng việc
cập nhật chứng từ, nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Hệ thống sổ kế toán trong phần
mềm chỉ là kết quả của việc xử lý các chứng từ đầu vào, như vậy về bản chất hệ
thống sổ cũng chính là các báo cáo của phần mềm. Như vậy, với các quy định mở
về hệ thống sổ kế toán (theo TT 200) cũng như việc thay đổi về bản chất của các
sổ kế toán khi sử dụng phần mềm, nên cắt giảm thời lượng dành cho việc lập các
loại sổ kế toán và tập trung trang bị hiểu biết về bản chất và cách “lấy” các
báo cáo, sổ từ phần mềm kế toán sẽ hợp lý hơn.

– TT200 đưa ra các quy định nhằm “gỡ
bí” cho DN trong việc thống nhất hệ thống kế toán thực tế và hệ thống kế toán
được lập với mục đích “báo cáo thuế”. Các quy định mới của TT 200 đã mở đường
đưa kế toán trở về bản chất thực của nó là phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát
sinh, song hành với việc hạch toán để xác định các nghĩa vụ nộp thuế với Nhà
nước. Tuy nhiên, một vấn đề mới sẽ phát sinh là từ những quy định này kế toán
phải xử lý thông tin nộp thuế và thông tin thực tế (thông tin “nội bộ”) như thế
nào trong cùng một hệ thống? Ví dụ: Nếu vẫn ghi nhận các khoản chi phí phát
sinh (nhưng không được kê khai thuế hoặc không được tập hợp để tính thuế TNDN)
thì DN phải hạch toán thế nào? Kết chuyển ra sao? Đây là một nội dung mang tính
thực tiễn cao, không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến việc đổi mới nội dung giảng
dạy mà còn mang ý nghĩa thực tế đối với công tác kế toán ở các DN hiện nay.

Việc xem xét các yêu cầu khách
quan của việc cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo kế toán
trong giai đoạn hiện nay là cơ sở khoa học cho việc đưa ra các quan điểm,
phương hướng, giải pháp cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy kế toán. Với
hiểu biết của mình trong việc nghiên cứu, giảng dạy cũng như các kinh nghiệm
thu nhận được qua quá trình làm việc thực tế, tác giả xin được phép đưa ra một
số giải pháp, phương hướng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo
nghiệp vụ kế toán.

Một số phương hướng và giải pháp trong việc đổi mới phương pháp giảng
dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán

Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán (cũng
là một nội dung trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo) phải
bắt đầu từ việc đổi mới về triết lý và quan điểm trong công tác giảng dạy, đào
tạo. Xin được trích dẫn ý kiến của GS.TSKH Vũ Minh Giang về vấn đề này: “… phải
thay đổi triết lý để chuyển một nền giáo dục lấy trang bị kiến thức chuyên môn
làm mục tiêu chủ yếu sang một nền giáo dục chỉ dạy những kiến thức chuyên môn
căn bản ở mức tối thiểu. Dành nhiều thời gian dạy người học về phương pháp, kỹ
năng, cách tự học, dạy cách sử dụng, khai thác các thiết bị,… và dạy làm người
với mục đích người được đào tạo có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, có
khả năng học tập suốt đời,…”. Theo triết lý này, phải chuyển đổi cách học từ
“nhớ” sang học để “hiểu” và học để “vận dụng”. Triết lý này đặc biệt phù hợp và
thiết thực với phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán vì kế toán là
một chuyên ngành có tính logic và hệ thống rất cao.

Thứ hai, việc xây dựng các chương trình đào tạo nghiệp vụ kế toán
phải gắn với nhu cầu về nghề nghiệp của xã hội. Để thực hiện được yêu cầu này,
khi xây dựng chương trình đào tạo cần dựa trên việc phân tích nghề, phân tích
công việc kế toán một cách đầy đủ, khoa học. Trong thực tế, Nhà nước đã quan
tâm đầu tư cho Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động thương binh và xã hội) tiến hành
xây dựng Bảng phân tích nghề, phân tích công việc nghề kế toán. Nội dung bảng
phân tích công việc này đã được thực hiện khá công phu, có sự đóng góp công sức
của nhiều chuyên gia, kế toán viên,… và đã phần nào phản ánh được những đặc
điểm, yêu cầu cơ bản của nghề kế toán. Tuy nhiên, khi xây dựng các chương trình
đào tạo rất ít cơ sở đào tạo quan tâm nghiên cứu, áp dụng tài liệu này. Việc
xây dựng chương trình đào tạo chủ yếu dựa trên (thậm chí bê nguyên) các khuôn
mẫu có sẵn, ít quan tâm thực sự đến các yêu cầu thực tế của nghề nghiệp kế
toán.

Thứ ba, cần thay đổi cách phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ
kế toán theo hướng lấy người học làm trung tâm. Lấy người học làm trung tâm là
mang lại tính chủ động, sáng tạo cho người học trong việc tiếp thu kiến thức kỹ
năng. Lấy người học làm trung tâm còn có ý nghĩa là phải dạy những gì người học
cần chứ không phải là dạy những gì mà cơ sở đào tạo có khả năng thực hiện.

Thứ tư, cần áp dụng phương pháp đào tạo kế toán trên hệ thống bài
tập tình huống mang tính hệ thống, tổng hợp cao kết hợp với việc ứng dụng phần
mềm kế toán trong xử lý bài tập tình huống. Các cơ sở đào tạo có thể lập một cơ
sở dữ liệu với hệ thống chứng từ kế toán, nghiệp vụ kinh tế,… gần với mô hình
thực tế của DN trong 1 quý chẳng hạn và yêu cầu học viên sử dụng một phần mềm
kế toán phổ biến (hoặc bảng tính Excel) để thực hiện các yêu cầu (từ việc cập
nhật chứng từ, cho đến việc đưa ra các báo cáo tài chính). Việc xử lý bài tập
tình huống tổng hợp này là phương thức tốt nhất để trang bị, rèn luyện kỹ năng
nghề nghiệp cơ bản cho học viên và là yêu cầu, động lực bắt buộc học viên phải
có sự liên hệ, tra cứu, vận dụng kiến thức các môn học có liên quan,…

Nhiều chương trình đào tạo chuyên
sâu về giáo dục kế toán chuyên nghiệp cũng đã đưa ra các chương trình đào tạo
danh tiếng với phương pháp dựa trên việc xử lý các bài tập tình huống. Trong
chương trình đào tạo nghề nghiệp của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới,
việc đào tạo chủ yếu theo môn nghiệp vụ tổng hợp (các môn học đơn lẻ có vai trò
như các module gắn kết với nhau trong một hệ thống) điều này giúp người học dễ
dàng có được sự hình dung và cách tiếp cận hệ thống về nghề nghiệp. Bài tập
tình huống tổng hợp, còn tạo sự hứng thú, tăng sự chủ động cho học viên trong
việc học tập. Ngoài ra, cách thức giảng dạy này còn là biện pháp hiệu quả nhất (trong
điều kiện hiện nay ở nước ta) để thay đổi dần cách dạy, cách học cũng như cách
tiếp cận kiến thức kỹ năng của người học.

Thứ năm, đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán
phải song hành với việc nâng cao chất lượng của cán bộ giảng dạy kế toán theo
hướng gắn với kỹ năng nghề nghiệp thực tế. Đa số giáo viên giảng dạy về kế toán
ở các trường đại học, cao đẳng nói chung còn rất ít kinh nghiệm nghề nghiệp
thực tế, thậm chí có người chỉ tốt nghiệp đại học và học thêm về sư phạm, chưa
hề trải qua một ngày làm việc thực tế đã lên bục giảng. Mặt khác, theo sự phân
công và chương trình đào tạo mỗi người chỉ được phân giảng dạy một số môn học
nhất định (ví dụ: Nguyên lý kế toán, Kế toán DN, Nghiệp vụ thanh toán, Thuế,…)
nên các kiến thức chuyên môn cũng chỉ giới hạn ở những phạm vi hạn chế. Để giải
quyết được vấn đề này, đội ngũ giáo viên giảng dạy về nghiệp vụ kế toán cần tìm
điều kiện thâm nhập công việc thực tế, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ kế toán cần
chú trọng trong việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó đề cao
tiêu chí: “Người dạy về nghiệp vụ kế toán bắt buộc phải làm được công việc của
kế toán”.

Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới
phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán là yêu cầu mang tính khách
quan. Trong thực tế đã có những trung tâm, cơ sở đào tạo tham gia giảng dạy kế
toán đạt chất lượng khá tốt, những học viên sau khi học có được kiến thức và kỹ
năng để nhanh chóng tiếp cận công việc kế toán. Ngay cả những DN khi tổ chức
đào tạo lại nghiệp vụ (cho các sinh viên mới tốt nghiệp được tuyển dụng mới
hoặc thử việc) cũng chỉ tối đa khoảng 3-6 tháng, là có thể giúp  một sinh viên “mọt sách” trở thành những kế
toán viên thực thụ. Rõ ràng, thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ
kế toán hoàn toàn có cơ sở thực tế, có tính khả thi để nghiên cứu và áp dụng.

Vấn đề quyết định cho thành công
của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo kế toán chính là đội ngũ giáo
viên, giảng viên và những người làm công tác quản lý giáo dục, đào tạo. Thay
đổi chương trình và nội dung đào tạo theo TT 200, chính là cơ hội rất tốt để
các cơ sở đào tạo nghiệp vụ kế toán thay đổi cách nghĩ, cách làm từ đó thay đổi
phương pháp giảng dạy, đào tạo nghiệp vụ kế toán theo quan điểm, triết lý thực
tế và phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội.

Ths. Đào Thị Thúy Liễu

Cao đẳng du lịch Hà Nội

Theo Tạp chí kế toán và Kiểm toán

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Bảng phân
tích công việc nghề kế toán; Chương trình khung kế toán DN, 2009.

2. Bộ Tài chính, Thông tư 200/2014/TT-BTC

3. Vũ Minh Giang, Giáo dục Việt Nam trước đòi hỏi đổi mới căn bản và
toàn diện, Tạp chí Cộng sản 12/2013.

4. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán năm 2014, 2015.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *