Nghiên cứu trao đổi

Về phân tích khả năng sinh lợi của tài sản và khả năng sinh lợi của chi phí trong các doanh nghiệp

Tiêu đề Về phân tích khả năng sinh lợi của tài sản và khả năng sinh lợi của chi phí trong các doanh nghiệp Ngày đăng 2015-11-23
Tác giả Admin Lượt xem 8070

Phân tích KNSL của TS
TS là cơ sở vật chất kỹ thuật của DN, phản ánh năng lực hiện có của DN. Chính vì vậy, sử dụng TS hiện có một cách có hiệu quả vào hoạt động kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao HQKD của DN.
Hiệu quả sử dụng TS của DN thể hiện qua KNSL của TS. Vì vậy, về thực chất, quá trình phân tích hiệu quả sử dụng TS chính là phân tích KNSL của TS; để qua đó xem xét các nguyên nhân ảnh hưởng đến KNSL của TS và đề ra giải pháp quản lý phù hợp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng TS, góp phần bảo toàn vốn, nâng cao HQKD.
Đồng thời, trong quá trình phân tích, ngoài việc phân tích KNSL của tổng TS, để đánh giá đầy đủ, toàn diện về KNSL của các loại TS của DN khi tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, người phân tích còn có thể đi sâu phân tích KNSL của từng bộ phận TS như: TS dài hạn, TS ngắn hạn, thậm chí chi tiết hơn như: TS cố định, bất động sản đầu tư, hàng tồn kho, đầu tư tài chính,…
Bước 1: Đánh giá khái quát KNSL của TS
KNSL của TS được phản ánh rõ nét nhất thông qua chỉ tiêu KNSL của tổng TS; khi phân tích chỉ tiêu, ta tính ra trị số chỉ tiêu ở kỳ phân tích và kỳ gốc rồi tiếp đến sử dụng phương pháp so sánh để đánh giá. Việc so sánh giữa kỳ phân tích với kỳ gốc, so sánh sự biến động cả về số tuyệt đối và tương đối của từng chỉ tiêu sẽ giúp các nhà phân tích so sánh kết quả và ý nghĩa của từng con số tính toán được để tiến hành đánh giá.
Chỉ tiêu “Sức sinh lợi của tổng TS” hay “Hệ số sinh lợi của tổng TS” (Return On Asset – ROA) là chỉ tiêu hết sức quan trọng và thường được các nhà phân tích sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng TS, công thức tính chỉ tiêu này như sau:
Sức sinh lợi của tổng TS (ROA) = Lợi nhuận sau thuế/Tổng TS bình quân trong kỳ (1.1)
Chỉ tiêu này cho biết một đồng (hay một đơn vị) TS bình quân đầu tư vào kinh doanh mang về mấy đồng (hay mấy đơn vị) lợi nhuận sau thuế. Trị số của chỉ tiêu nếu tính ra càng lớn sẽ thể hiện khả sinh lợi của TS càng cao, hiệu quả sử dụng TS càng cao và ngược lại.
Chỉ tiêu này cũng có thể tính toán dưới dạng tỷ suất khi ta nhân kết quả tính toán với 100, lúc này còn được gọi là “Tỷ suất sinh lợi của TS”, đơn vị biểu hiện là %, cho biết cứ 100 đồng TS bình quân đầu tư vào kinh doanh mang về mấy đồng lợi nhuận sau thuế.
– Bước 2: Phân tích nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động sức sinh lợi của TS
Sức sinh lợi của tổng TS chịu ảnh hưởng của hai nhân tố là tổng TS bình quân và lợi nhuận sau thuế. Mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu “Sức sinh lợi của tổng TS” được xác định bằng phương pháp thay thế liên hoàn như sau:
Mức ảnh hưởng của nhân tố “Tổng TS bình quân” = (Lợi nhuận sau thuế kỳ gốc/Tổng TS bình quân kỳ phân tích) – (Lợi nhuận sau thuế kỳ gốc/Tổng TS bình quân kỳ gốc)
Mức ảnh hưởng của nhân tố “Lợi nhuận sau thuế” = (Lợi nhuận sau thuế kỳ phân tích/Tổng TS bình quân kỳ phân tích) – (Lợi nhuận sau thuế kỳ gốc/Tổng TS bình quân kỳ phân tích)
Trong thực tế phân tích, việc xác định nhân tố ảnh hưởng theo mô hình giữa kỳ gốc và kỳ phân tích nêu trên tuy đơn giản nhưng ít có ý nghĩa trong điều hành thực tế nên các nhà phân tích còn sử dụng phương pháp kết hợp (kết hợp phương pháp Dupont với phương pháp loại trừ) để phân tích. Theo phương pháp này, trước tiên ta cần biến đổi chỉ tiêu ROA theo phương pháp Dupont (nhân tử số và mẫu số của ROA với “Doanh thu thuần”), sắp xếp lại trật tự theo phương pháp loại trừ rồi mới xác định mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của ROA. Cụ thể:
Sức sinh lợi của tổng TS = (Doanh thu thuần/Tổng TS bình quân) x (Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần) 
Trong đó:
(Doanh thu thuần/Tổng TS bình quân) chính là chỉ tiêu “Số vòng quay của tổng TS”
Số vòng qua của Tổng TS hay còn gọi là “Sức sản xuất của TS”. Chỉ tiêu này phản ánh khả năng tạo ra doanh thu thuần của TS, nó cho biết một đồng (hay một đơn vị) TS bình quân đầu tư vào kinh doanh mang về mấy đồng (hay mấy đơn vị) doanh thu thuần. Trị số của chỉ tiêu này nếu tính ra càng lớn, khả năng tạo doanh thu thuần càng cao, DN càng có điều kiện để nâng cao KNSL.
Và: (Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần) chính là chỉ tiêu “Sức sinh lợi của doanh thu thuần”
(Return On Sales – ROS). Chỉ tiêu này phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh thu thuần, nó cho biết một đồng (hay một đơn vị) doanh thu thuần thu được mang về mấy đồng (hay mấy đơn vị) lợi nhuận sau thuế. Trị số của ROS càng lớn, khả năng tạo lợi nhuận sau thuế càng cao và ngược lại.
Từ đó ta có: ROA = TAT x ROS
Thông qua mối quan hệ này, các nhà phân tích thấy được: Để nâng cao hiệu quả sử dụng tổng TS, DN cần có biện pháp thích hợp để tăng số vòng quay của TS như: đầu tư TS hợp lý, tăng hiệu suất sử dụng TS, tăng quy mô về doanh thu thuần, sử dụng tiết kiệm TS,… và tăng sức sinh lợi của doanh thu thuần như: nâng cao chất lượng quản lý chi phí, sử dụng tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm,…
Như vậy, mức ảnh hưởng của từng nhân tố trên đến sự biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của ROA được xác định như sau:
Mức ảnh hưởng của nhân tố “Số vòng quay của tổng TS” = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu TAT x Trị số chỉ tiêu ROS kỳ gốc
Mức ảnh hưởng của nhân tố “Sức sinh lợi của doanh thu thuần” = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu ROS x Trị số chỉ tiêu TAT kỳ phân tích 
– Bước 3: Tổng hợp nhân tố ảnh hưởng, rút ra nhận xét, kết luận, kiến nghị
Trên cơ sở kết quả phân tích ở trên, các nhà phân tích tiến hành tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu phản ánh sức sinh lợi của TS. Trong quá trình tổng hợp nhân tố ảnh hưởng, các nhà phân tích có thể so sánh giữa số liệu phân tích của DN với số liệu trung bình ngành hoặc lĩnh vực kinh doanh để có cái nhìn tổng thể hơn về vị thế DN. Từ đó, rút ra các nhận xét, kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao KNSL của TS.
Phân tích KNSL của chi phí
Chi phí luôn là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN. Khi chi phí cho quá trình hoạt động kinh doanh tăng sẽ làm giảm lợi nhuận của DN và ngược lại. Vì vậy, các DN muốn nâng cao lợi nhuận, nâng cao HQKD luôn đặt ra mục tiêu then chốt là tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí hoặc sử dụng chi phí một cách có hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chi phí của DN bao gồm rất nhiều loại như: giá vốn hàng bán (GVHB), chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, chi phí tài chính,… nên khi tiến hành phân tích, tùy thuộc vào mục đích phân tích và dữ liệu thu thập được mà tiến hành phân tích KNSL của từng bộ phận chi phí cho phù hợp. 
Đồng thời, trong cơ cấu chi phí của DN thì GVHB luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi phí của DN, có ảnh hưởng lớn nhất đến KNSL nên thường được ưu tiên phân tích. Vì vậy, trong nội dung phân tích này, tác giả cũng chỉ đề cập đến phân tích KNSL từ GVHB, các yếu tố chi phí khác khi phân tích cũng tiến hành tương tự. Quy trình phân tích cũng được tiến hành qua 3 bước như phân tích KNSL của TS. Cụ thể:
– Bước 1: Đánh giá khái quát KNSL của GVHB
Chỉ tiêu đánh giá KNSL của GVHB là “Sức sinh lợi của GVHB”. Công thức xác định như sau: 
Sức sinh lợi của GVHB = Lợi nhuận sau thuế/Tổng GVHB trong kỳ
Chỉ tiêu này cho biết một đồng (hay một đơn vị) GVHB trong kỳ đem lại mấy đồng (hay mấy đơn vị) lợi nhuận sau thuế. Trị số của chỉ tiêu này tính ra càng lớn sẽ thể hiện khả sinh lợi của GVHB càng cao, kéo theo HQKD cao và ngược lại.
Để đánh giá chỉ tiêu này, trên cơ sở kết quả tính toán, các nhà phân tích tiến hành sử dụng phương pháp so sánh để so sánh giá trị chỉ tiêu giữa kỳ phân tích với kỳ gốc để thấy được xu hướng biến động của chỉ tiêu hoặc so với giá trị trung bình chung của ngành, của lĩnh vực kinh doanh để đánh giá.
– Bước 2: Phân tích nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động sức sinh lợi GVHB
Sức sinh lợi của GVHB chịu ảnh hưởng của hai nhân tố là GVHB và lợi nhuận sau thuế. Mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu “Sức sinh lợi của GVHB” được xác định bằng phương pháp thay thế liên hoàn như sau:
Mức ảnh hưởng của nhân tố “GVHB” = (Lợi nhuận sau thuế kỳ gốc/GVHB kỳ phân tích) – (Lợi nhuận sau thuế kỳ gốc/GVHB kỳ gốc) 
Mức ảnh hưởng của nhân tốc “Lợi nhuận sau thuế” = (Lợi nhuận sau thuế kỳ phân tích/GVHB kỳ phân tích) – (Lợi nhuận sau thuế kỳ gốc/GVHB kỳ phân tích) 

Để phản ánh mối quan hệ ảnh hưởng giữa các bộ phận phản ánh KNSL của GVHB ta có thể kết hợp sử dụng phương pháp Dupont với phương pháp loại trừđể phân tích. Cụ thể, ta nhân tử và mẫu số với cùng doanh thu thuần, ta có:
Sức sinh lợi của GVHB = (Doanh thu thuần/GVHB) x (Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần) 
Trong đó:
(Doanh thu thuần/GVHB) chính là chỉ tiêu “Số vòng quay của GVHB”. Chỉ tiêu này phản ánh khả năng tạo ra doanh thu thuần của GVHB, nó cho biết một đồng (hay một đơn vị) GVHB tạo ra mấy đồng (hay mấy đơn vị) doanh thu thuần. Trị số của chỉ tiêu này nếu tính ra càng lớn, khả năng tạo doanh thu thuần càng cao, DN càng có điều kiện để nâng cao KNSL và ngược lại.
Và: (Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần) chính là chỉ tiêu “Sức sinh lợi của doanh thu thuần”như đã phân tích. Từ đó ta có: 
Sức sinh lợi của GVHB = Số vòng quay của GVHB x Sức sinh lợi của doanh thu thuần
Thông qua mối quan hệ này, các nhà phân tích thấy được: Để nâng cao hiệu quả sử dụng TS, DN cần có biện pháp thích hợp để tăng số vòng quay của GVHB và tăng số lợi nhuận sau thuế trên một đơn vị doanh thu thuần. 
Như vậy, mức ảnh hưởng của từng nhân tố được xác định như sau:
Mức ảnh hưởng của nhân tố “Số vòng quay của GVHB” = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu “Số vòng quay GVHB” x Trị số chỉ tiêu ROS kỳ gốc 
Mức ảnh hưởng của nhân tố “Sức sinh lợi của doanh thu thuấn” = Mức chênh lệch giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu ROS x Số vòng quay của GVHB kỳ phân tích
Bước 3: Tổng hợp nhân tố ảnh hưởng, rút ra nhận xét, kết luận, kiến nghị
Trên cơ sở kết quả phân tích ở trên, các nhà phân tích tiến hành tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu phản ánh sức sinh lợi của GVHB. Từ đó, rút ra các nhận xét, kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao KNSL của GVHB./.  
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ (2009), Giáo trình Phân tích tài chính DN, NXB Tài chính, Hà Nội.
2. Nguyễn Tấn Bình (2010), Phân tích hoạt động DN, NXB Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Văn Công (2005), Chuyên khảo về BCTC và lập, đọc, kiểm tra, phân tích BCTC, NXB Tài chính, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Công (2013), Giáo trình Phân tích kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
5. Phạm Văn Dược, Huỳnh Đức Lộng, Lê Thị Minh Tuyết (2011), Phân tích hoạt động kinh doanh, NXB Lao Động, Hồ Chí Minh.

 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *