Tạp chí Kế toán & Kiểm toán

Xu hướng nghiên cứu về minh bạch thông tin kế toán trong khu vực công trên thế giới

Tiêu đề Xu hướng nghiên cứu về minh bạch thông tin kế toán trong khu vực công trên thế giới Ngày đăng 2019-01-24
Tác giả Admin Lượt xem 1183

(Đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số T10/2018)

Nhận: 25/9/2018
Biên tập: 08/10/2018
Duyệt đăng: 26/10/2018

1. Giới thiệu chung
Minh bạch trong khu vực công (KVC) có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thông qua tác động trực tiếp hoặc gián tiếp (Relly và Sabharwal, 2009). Trước hết, nó là yếu tố quyết định tính hiệu quả của phân bổ nguồn lực và phát triển nền kinh tế quốc gia (Chan, 2011; Bushman, Piotroski, và Smith, 2001). Thông qua thông tin minh bạch, giúp cho các cơ quan chức năng đánh giá, kiểm tra liệu rằng ngân sách nhà nước (NSNN), các khoản tiền tài trợ, viện trợ, … có được các đơn vị công sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả hay không (Abu Bakar và cộng sự, 2011; Bolivar và cộng sự, 2006), từ đó có cơ sở để ra các quyết định phân bổ nguồn lực hợp lý. Thứ hai, nó tạo điều kiện để dân chúng tham gia giám sát các hoạt động của các đơn vị công, qua đó thúc đẩy các đơn vị cung cấp thông tin có trách nhiệm và ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình để nâng cao hiệu quả dịch vụ công cung cấp (Menocal và Sharma, 2008). Minh bạch thông tin kế toán (TTKT) cũng là chìa khoá then chốt chống tham nhũng, gia tăng niềm tin của dân chúng, và kích hoạt hơn cơ chế trách nhiệm giải trình.

Với tầm quan trọng này, trong thời gian qua, vấn đề minh bạch TTKT đã nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Trong phạm vi bài báo này, sẽ giới thiệu đến người đọc hai nội dung chính: (1) Xu hướng nghiên cứu về minh bạch TTKT trong KVC trên thế giới và (2) Kết luận chung về xu hướng nghiên cứu và khe hổng nghiên cứu.

2. Xu hướng nghiên cứu minh bạch TTKT trên thế giới
Minh bạch thông tin nói chung và TTKT kế toán nói riêng trong KVC nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, từ những năm 1970 và kéo dài đến ngày nay. Trong giai đoạn đầu của hướng nghiên cứu về minh bạch TTKT phần lớn phạm vi nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Tại thời điểm này, các nhà khoa học tập trung xác định vai trò của việc công bố TTKT và các yếu tố ảnh hưởng đến việc công bố TTKT trong KVC. Vì thông tin minh bạch chỉ khi thông tin đó được công bố công khai và không có gì để che giấu (Solberg, 2010). Các nghiên cứu tiêu biểu mở đầu cho dòng nghiên cứu về minh bạch thông tin đó là:
“The municipal accounting maze: An analysis of political incentives” của Zimmerman (1977) được xem là một trong những nghiên cứu sớm nhất về các yếu tố ảnh hưởng tới việc công bố thông tin của các đơn vị công và cụ thể là các đô thị ở Hoa Kỳ. Kết quả nghiên cứu của Zimmerman (1977) thấy rằng, hình thức của chính phủ có vai trò quan trọng trong việc giải thích công bố báo cáo chất lượng của chính phủ.
Sau đó, Ingram (1984) đã khám phá ra sự tác động của cơ chế kinh tế đến công bố tài chính khi phân tích 50 báo cáo tài chính (BCTC) công bố hàng năm của chính phủ Hoa Kỳ qua nghiên cứu “Economic incentives and the choice of state government accounting practice”.
Kế thừa nghiên cứu của Ingram (1984), Cheng (1992) “An Empirical Analysis of Theories on Factors Influencing State Government Accounting Disclosure” với phương pháp phân tích Linear Structural Relations (LISREL) cũng đã xác định được yếu tố chính trị và thể chế ảnh hưởng đến công bố TTKT chính phủ.

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, nền kinh tế thế giới phát triển đáng kể theo hướng toàn cầu hóa, do đó để đảm bảo yêu cầu thông tin cho hợp tác kinh tế toàn cầu thì TTKT phải đảm bảo minh bạch trong cả KVC lẫn khu vực tư. Để minh bạch TTKT, ngoài việc công bố TTKT sẵn có đến các đối tượng sử dụng thì thông tin đó phải đảm bảo chất lượng. Danh tiếng và niềm tin của công chúng về các đơn vị công có thể bị mất vĩnh viễn nếu chất lượng dữ liệu công bố thấp (Lee và Kwak, 2011; Lourenỗo, 2015). Chính vì vậy, hướng nghiên cứu xác định khái niệm chất lượng TTKT và nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT được đông đảo nhà nghiên cứu chú trọng vào kéo dài cho đến ngày nay. Đồng thời, phạm vi nghiên cứu đã có sự lan tỏa sang các nước đang phát phát triển điển hình như Malaysia, Indonesia,…. Các công trình nghiên cứu nổi bật đó là:
Xu (2003) với đề tài “Critical Success Factors for Accounting Information system data quality” đã cung cấp nền tảng cơ sở lý thuyết hữu ích về khái niệm và thang đo đo lường chất lượng dữ liệu của hệ thống TTKT. Đồng thời, qua phương pháp nghiên cứu định tính với nghiên cứu 07 tình huống, tác giả đã khám phá ra một số yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đơn vị tác động đến chất lượng dữ liệu của hệ thống TTKT.
Trên nền tảng kết quả nghiên cứu của Xu (2003), Xu và cộng sự (2003) qua nghiên cứu tình huống cụ thể tại úc với bài báo “Key Issues Accounting Information Quality Management: Australian Case Studies” một lần nữa giúp khẳng định chất lượng của TTKT chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài đơn vị. Trong đó, các yếu tố bên trong gồm yếu tố con người và hệ thống (sự tương tác giữa con người với hệ thống máy tính; giáo dục và nâng cao trình độ nhân viên; nâng cấp hệ thống), các vấn đề liên quan đến tổ chức (cơ cấu tổ chức; văn hóa tổ chức; các chính sách và chuẩn mực); các yếu tố bên ngoài gồm kinh tế toàn cầu; mối quan hệ giữa các tổ chức và giữa các quốc gia; sự phát triển công nghệ; thay đổi các quy định pháp lý.

Nghiên cứu “IPSAS and Government Accounting Reform in Developing Countries” của Chan (2006) về cải cách hệ thống kế toán công tại các nước đang phát triển đã khẳng định hệ thống kế toán liên quan đến hệ thống thông tin của chính phủ. Nó hỗ trợ nâng cao minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của chính phủ. Để đạt được các mục tiêu này, tác giả nhấn mạnh các quốc gia đang phát triển cần chuyển đổi hệ thống kế toán theo hướng áp dụng theo IPSAS trên cơ sở kế toán dồn tích.

Bổ sung lý thuyết hạn hẹp về vai trò và khái niệm minh bạch thông tin tài chính của chính phủ là kết quả nghiên cứu của Guillamón, Bastida, và Benito (2011) qua bài báo “The Determinants of Local Government’s Financial Transparency”. Sau khi phân tích khảo sát từ 100 đô thị lớn nhất của Tây Ban Nha, Guillamón và cộng sự (2011) đã xác định sự tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến minh bạch tài chính của chính quyền địa phương.
Nghiên cứu của Komala (2012) qua bài viết “The influence of the accounting managers knowledge and the top managements support on the accounting information system and its impact on the quality of accounting information: A case of Zakat Institutions in Bandung”, Rapina (2014) “Factors influencing the quality of accounting information system and its implications on the quality of accounting information” khi thực hiện nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển đã nhận diện thêm một số yếu tố như cam kết của ban quản trị, văn hóa công ty, hiểu biết của kế toán trưởng và cơ cấu tổ chức tác động đến chất lượng hệ thống TTKT. Những yếu tố tác động đến hệ thống TTKT cũng sẽ tác động đến chất lượng của TTKT.

Trong nghiên cứu “What is government transparency?”, Bauhr và Grimes (2012) đã xây dựng định nghĩa về minh bạch thông tin của chính phủ và khám phá những thang đo mới để xác định tính hợp lệ và tính mạnh mẽ của các thành phần thuộc minh bạch thông tin, thông qua dữ liệu được thu thập dữ liệu tại châu Phi, châu á, Mỹ Latinh, và Trung Đông.

Rodríguez Bolívar và cộng sự (2013) với nghiên cứu nổi bật “Determinants of financial transparency in Government” sử dụng kỹ thuật phân tích Meta để phân tích kết quả của 39 nghiên cứu thực nghiệm trước đó nhằm xác định các yếu tố có sự tác động đáng kể đến minh bạch TTKT. Các tác giả đã kết hợp các biến điều tiết và thang đo đo lường các biến để khắc phục những kết quả không đồng nhất về sự tác động của các biến độc lập trong các nghiên cứu trước.

Tagesson, Klugman, và Ekstr m (2013) qua bài báo “What explains the extent and content of social disclosures in Swedish municipalities annual reports” cho thấy quy mô, thuế suất, cơ sở thuế, chính trị và kết quả tài chính tác động đến mức độ công bố thông tin của các đô thị ở Thụy Điển.
Một hướng nghiên cứu khác là “A global index of information transparency and accountability” của Williams (2015) đã sử dụng phương pháp luận tương đối mới để xây dựng các chỉ số minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình. Lần đầu tiên, một bộ chỉ số minh bạch có khả năng so sánh được giữa các quốc gia và theo thời gian.

Bairral và cộng sự (2015) qua bài báo “Disclosure in public sector: An analysis of the level of disclosure in the annual reports of Brazilian federal government bodies in the year 2010” đã phân tích mức độ minh bạch công khai trong báo cáo hàng năm, công bố vào năm 2010, của 115 cơ quan công quyền liên bang ở Brazin. Họ tìm thấy mối tác động tích cực của loại hình thể chế, khả năng tiếp cận và nhân khẩu học đến mực độ minh bạch, công khai. Trong khi bộ máy quan liêu công có tác động tiêu cực đến minh bạch BCTC của các cơ quan công quyền liên bang.
Sự thiếu minh bạch về thông tin tài chính là một trong những nguyên nhân chính tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2008. Mức độ khủng hoảng tài chính khốc liệt đã buộc KVC phải có những đổi mới trong quản lý hành chính. Trước yêu cầu cấp thiết này, KVC có xu hướng thực hiện cải cách hành chính theo khuôn mẫu quản trị công mới (NPM-New Public Management), đặc trưng bởi việc hướng tới một nền văn hóa hành chính công nhấn mạnh sự hài lòng và tham gia của công chúng vào quá trình quản lý nhà nước, sự cởi mở các tổ chức công trong việc công bố thông tin để cạnh tranh và cải tiến quy trình tiêu chuẩn, phân cấp trong quản lý các dịch vụ công (Hood, 1995). Thêm vào đó, trong giai đoạn này công nghệ thông tin và truyền thông mới phát triển mạnh mẽ nên những cải cách này chú trọng vào hình thức báo cáo trên Internet và công bố trên các Websites chứ không phải báo cáo bằng các bản cứng đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu (Abu Bakar & Saleh, 2015). Một số nghiên cứu đại diện cho hướng nghiên cứu này gồm:
“Perceptions of transparency of government policy making: A cross-national study” của Relly và Sabharwal (2009) mặc dù không đề cập đến minh bạch TTKT, nhưng nó đã bổ sung vào hệ thống lý thuyết cho các nghiên cứu trong tương lai qua việc cung cấp tổng quan lý thuyết về minh bạch thông tin nói chung và xây dựng khái niệm minh bạch trong các tổ chức chính phủ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu xuyên quốc gia đã chỉ ra rằng: Luật truy cập thông tin; Cơ sở hạ tầng viễn thông; Tự do báo chí; Thu nhập của người dân tác động tích cực và đáng kể đến minh bạch trong việc ban hành chính sách của chính phủ.

García và García -García (2010) qua bài báo “Determinants of Online Reporting of Accounting Information by Spanish Local Government Authorities” đã phân tích các trang web của 334 đô thị ở Tây Ban Nha có dân số trên 20.000 đã xác định được các yếu tố: Quy mô (size); Các khoản đầu tư (investment); Cạnh tranh chính trị (political competition) có ảnh hưởng tích cực đến mức độ tự nguyện báo cáo thông tin tài chính trên Internet.

Jaeger và Bertot (2010): “Transparency and technological change: Ensuring equal and sustained public access to government information” đã tập trung làm rõ mối quan hệ của Internet làm gia tăng tính minh bạch thông tin của chính phủ, thông qua áp dụng chính sách chính phủ điện tử (E-government) và các dịch vụ truyền thông xã hội mới, để mở ra khả năng tiếp cận thông tin của chính phủ dưới thời tổng thống Obama. Hơn nữa, các tác giả đã có những đóng góp lớn trong việc đánh giá những thách thức khi tiếp cận thông tin theo hình thức công bố này. Trên cơ sở đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin chính phủ trong thời đại công nghệ số.

Armstrong (2011) qua nghiên cứu “Providing a clearer view: An examination of transparency on local government Websites” một lần nữa khẳng định vai trò của việc ứng dụng Internet thông qua việc thiết kế trang Web, để đăng tải thông tin, sẽ góp phần nâng cao minh bạch thông tin cung cấp của đơn vị. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ tiếp cận công khai và tính chuyên nghiệp của trang Web là một dự báo tích cực về mức độ minh bạch.

Abu Bakar và cộng sự (2011) qua bài báo “Enhancing Malaysian Public Sector Transparency and Accountability: Lessons and Issues” là một nghiên cứu điển hình thảo luận về những khả năng và thách thức của một nước đang phát triển (cụ thể là Malaysia) trong nỗ lực thực hiện trách nhiệm giải trình theo các nước tiên tiến. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, muốn nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các cơ quan nhà nước cần xây dựng chỉ số đo lường hiệu suất hoạt động toàn diện và để chỉ số này hoạt động có hiệu quả, nhất thiết phải công bố thông tin công khai rộng rãi đến công chúng.

Chen (2012) với bài báo “A comparative study of E -government XBRL implementations: The potential of improving information transparency and efficiency” qua việc so sánh mức độ thực hiện XBRL ((Extensible Business Reporting Language) tại 04 quốc gia Hà Lan, úc, Hoa Kỳ, và Singapore đã khẳng định rằng yếu tố thể chế; cam kết chính trị và quản lý; cơ chế khuyến khích phù hợp để áp dụng công nghệ; và năng lực của nhà quản lý ảnh hưởng đến việc áp dụng XBRL để nâng cao minh bạch BCTC.

Nistora, Deaconu, và Mare (2013) chú trọng xem xét các yếu tố môi trường để cải cách kế toán trong KVC tại Rumani qua nghiên cứu “The influence of environmental factors on the evolution of Romanian public accounting”. Kết quả thực nghiệm dựa trên phân tích Cluster xác nhận các yếu tố pháp lý và kinh tế quyết định hệ thống pháp luật kế toán. Các yếu tố văn hóa xã hội ảnh hưởng đến chính sách kế toán và quyết định phát triển kế toán, trong đó yếu tố giáo dục có ảnh hưởng đáng kể đến lý thuyết và thực hành kế toán.

Nghiên cứu “Transparency, participation, and accountability practices in open government: A comparative study” của Harrison và Sayogo (2014) đã đóng góp hữu ích vào nền tảng lý luận trong việc xác định khái niệm chính phủ mở. Theo Harrison và Sayogo (2014), chính phủ mở bao gồm: Minh bạch ngân sách, tham gia của công chúng vào các quá trình ngân sách và thông tin về trách nhiệm giải trình.

Tương tự, “An analysis of open government portals: A perspective of transparency for accountability” của Lourenỗo (2015) nhằm mục đích đánh giá xem, liệu rằng thực hiện chính sách chính phủ mở công khai qua cổng thông tin điện tử của KVC có làm tăng minh bạch.
Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu quan tâm đến minh bạch thông tin có xu hướng nghiên cứu về cung cấp thông tin bền vững chứ không đơn thuần là thông tin trên BCTC. Thông tin bền vững được xem như là một sự kết hợp giữa môi trường với các chính sách kinh tế, chính sách công, và việc ra quyết định liên quan đến tất cả các hoạt động kinh tế và môi trường (WCED, 1987). Lý do của việc chuyển dịch xu hướng nghiên cứu này đó là: (1) Khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng trầm trọng đến các chính phủ trên toàn thế giới, nên việc phân tích về thông tin bền vững của chính phủ mang tính cấp thiết (Navarro-Galera và cộng sự, 2010; Benito và cộng sự, 2007; Pina và cộng sự, 2007); (2) Mức độ thâm hụt và nợ công ngày càng tăng cao tại nhiều quốc gia (IGAE, 2011); (3) Báo cáo bền vững giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ với chính trị và xã hội (Lansu và cộng sự, 2013). Một số nghiên cứu nổi bật với hướng nghiên cứu này là:
Alcaraz-Quiles và cộng sự (2014) với bài báo “Factors influencing the transparency of sustainability information in regional governments: an empirical study” đã đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về thực tiễn bền vững và minh bạch thông tin bền vững trong tổ chức chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu này đã xác định được yếu tố kinh tế – xã hội và chính phủ điện tử ảnh hưởng đến công bố thông tin bền vững.

“Transparency of sustainability information in local governments: English-speaking and Nordic cross-country analysis” của (Navarro Galera, de los Ríos Berjillos, Ruiz Lozano, và Tirado Valencia, 2014) nhằm mục tiêu kiểm tra việc công bố thông tin bền vững trên Websites của các thành phố lớn ở châu Âu. Các tác giả kết luận rằng các truyền thống tương ứng của các quốc gia thuộc Anglo -Saxon (nói tiếng Anh) hoặc Bắc Âu ảnh hưởng đến sự phát triển của họ về các thực tiễn minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với tính bền vững.
Hướng nghiên cứu xem xét báo cáo về tính bền vững trong báo cáo hàng năm của KVC và các loại dữ liệu khác ngoài các trang Web được thực hiện bởi Tagesson, Klugman và Ekstrửm (năm 2013) qua bài báo “What explains the extent and content of social disclosures in Swedish municipalities annual reports”. Kết quả cho thấy quy mô, thuế suất, cơ sở thuế, chính trị và kết quả tài chính tác động đến mức độ công bố của các đô thị ở Thụy Điển.

3. Kết luận và khe hổng nghiên cứu
Sự minh bạch thông tin nói chung và TTKT kế toán nói riêng trong KVC, đã thu hút sự quan tâm đáng kể của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới với nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau. Các hướng nghiên cứu liên quan đến minh bạch TTKT có sự thay đổi theo sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Lĩnh vực nghiên cứu này được chú trọng hơn tại các quốc gia phát triển, mặc dù trong những năm gần đây đã có sự lan tỏa sang các nước đang phát triển như Abu Bakar và cộng sự (2011) tại Malaysia; Komala (2012) tại Indonesia; Nistora, Deaconu, và Mare (2013) tại Rumani; Rapina (2014) tại Indonesia … nhưng số lượng nghiên cứu có chất lượng vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, hướng nghiên cứu này tiến hành trong khu vực ở các nước đang phát triển quan trọng hơn là ở các nước phát triển (Abu Bakar và Saleh, 2015). Nhận định này được giải thích là do nước đang phát triển phụ thuộc rất lớn vào khu vực nhà nước để thúc đẩy nền kinh tế, vấn đề trách nhiệm giải trình đáng lo ngại hơn các nước phát triển (Abu Bakar và Saleh, 2015), và chỉ số tham nhũng trong KVC ở các quốc gia này luôn xếp ở vị trị cao nhất trên toàn cầu (Abu Bakar và Saleh, 2015).

Các nghiên cứu tại các quốc gia đang phát triển vẫn chưa theo kịp với xu hướng nghiên cứu trên thế giới, chẳng hạn như nghiên cứu về ảnh hưởng của công nghệ thông tin trong việc công bố TTKT, công bố thông tin trên Internet, Websites, và công bố thông tin bền vững,…
Hướng nghiên cứu về minh bạch TTKT trong KVC tập trung các nội dung như khái quát hóa khái niệm minh bạch TTKT, vai trò của minh bạch, xác định thang đo đo lường minh bạch TTKT, các yếu tố tác động đến minh bạch TTKT và các giải pháp nâng cao minh bạch TTKT. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của các nghiên cứu trước đó, vẫn tồn tại sự không đồng nhất đáng kể trong các kết quả đạt được. Sự không thống nhất này có thể do chưa có đủ bằng chứng thực nghiệm về tính hợp lệ và tính khái quát của các kết quả thu được. Do đó, khi kế thừa các nghiên cứu trước trong quá trình thực hiện nghiên cứu cần phải xem xét kỹ bối cảnh nghiên cứu, đối tượng và phương pháp nghiên cứu để thay đổi cho phù hợp thực tiễn nghiên cứu, đặc biệt khi thực hiện nghiên cứu ở một nước đang phát triển, chẳng hạn như Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu đã ủng hộ rằng, nên tập trung nghiên cứu minh bạch TTKT trên BCTC của từng đơn vị công tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Vì tham nhũng lan rộng hơn ở cấp thấp hơn vì các quan chức thuộc từng đơn vị công có nhiều cơ hội hơn để thực hiện hành vi tham nhũng khi họ trực tiếp sử dụng NSNN để quản lý và cung cấp dịch vụ công cho xã hội (Guillamón và cộng sự, 2011) và quốc gia nào càng phân quyền thì tham nhũng cao hơn, kém hiệu quả hơn trong việc cung cấp dịch vụ công (Treisman, 2002)./.

Tài liệu tham khảo
1. Abu Bakar, N. B., Saleh, Z., 2015. Review of Literature on Factors Influencing Public Sector Disclosure: The Way Forward. Asian Journal of Business and Accounting. 8(2).
2. Abu Bakar, N. B., Saleh, Z., and Sani Mohamad, M. H., 2011. Enhancing Malaysian Public Sector Transparency and Accountability: Lessons and Issues. European Journal of Economics, Finance and Administrative Sciences. 31: 133-145.
3. Alcaraz-Quiles, F.J., Navarro-Galera, A., Ortiz-RodrÝguez, David., 2014. Factors influencing the transparency of sustainability information in regional governments: an empirical study. Journal of Cleaner Production. 82: 179-191.
4. Armstrong, C. L., 2011. Providing a clearer view: An examination of transparency on local government websites. Government Information Quarterly. 28(1): 11-16.
5. Bairral, M. A. d. C., Silva, A. H. C. e., & Alves, F. J. d. S., 2015. Disclosure in public sector: An analysis of the level of disclosure in the annual reports of Brazilian federal government bodies in the year 2010. Revista de Administra•o Póblica. 49: 643-675.
6. Bauhr, M., and Grimes, M., 2012. What is government transparency?. Quality of Government Institute Working Paper. 16.
7. Bolivar, M.P.R., Caba Perez, C., & Lopez Hernandez, A.M. (2006). Cultural contexts and governmental digital reporting. International Review of Administrative Sciences, 72(2), 269-290.
8. Bushman, R. M., Piotroski, J. D., and Smith, A. J., 2001. What determines corporate transparency? Journal of Accounting Research. 42(2): 207-252.
9. Chan, J. L., 2011. IPSAS and Government accounting reform in developing countries.[online] Available at: <http://blog-pfm.imf.org/files/chan2006ipsasgafdc.pdf>. [Accessed 7 May 2017].
10. Chan, J. L., 2011. IPSAS and Government accounting reform in developing countries.[online] Available at: <http://blog-pfm.imf.org/files/chan2006ipsasgafdc.pdf>. [Accessed 7 May 2017].
11. Chen, Y. C., 2012. A comparative study of e-government XBRL implementations: The potential of improving information transparency and efficiency. Government Information Quarterly. 29(4): 553-563.
12. Cheng, R. H., 1992. An Empirical analysis of theories on factors influencing state government accounting disclosure. Journal of Accounting and Public Policy. 11: 1-42.
13. GarcÝa, A. C., and GarcÝa-GarcÝa, J., 2010. Determinants of Online Reporting of Accounting Information by Spanish Local Government Authorities. Local Government Studies. 36(5): 679-695.
14. Guillamãn, M. D., Bastida, F., and Benito, B., 2011. The Determinants of Local Government’s Financial Transparency. Local Government Studies. 37(4): 391-406.
15. Harrison, T. M. and Sayogo, D. S., 2014. Transparency, participation, and accountability practices in open government: A comparative study. Government Information Quarterly. 31(4): 513-525.

16. Ingram, R. W., 1984. Economic incentives and the choice of state government accounting practice. Journal of Accounting Research. 22(1): 126-134.
17. Jaeger, P. T., vµ Bertot, J. C., 2010. Transparency and technological change: Ensuring equal and sustained public access to government information. Government Information Quarterly. 27(4), 371-376.
18. Jaeger, P. T., vµ Bertot, J. C., 2010. Transparency and technological change: Ensuring equal and sustained public access to government information. Government Information Quarterly. 27(4), 371-376.
19. Komala, A. R., 2012. The Influence of The Accounting Managers Knowledge and The Top Managements Support on The Accounting Information System and Its Impact on The Quality of Accounting Information: A Case of Zakat Institutions in Bandung. Journal of Global Management. 1: 53-73.
20. Lee, G., & Kwak, Y., 2011. Open government implementation model: Moving to increased public engagement: IBM center for the business of government.
21. Lourenşo, R. P., 2015. An analysis of open government portals: A perspective of transparency for accountability. Government Information Quarterly. 32(3): 323-332.
22. Menocal, A. R., & Sharma, B. (2008). Joint Evaluation of CItizen’s Voice and Accountability. [online] Available at: <https://www.oecd.org/derec/unitedkingdom/42223592.pdf>. [Accessed 3 Ferburary 2017].
23. Navarro Galera, A. de los RÝos Berjillos, A. Ruiz Lozano, M.Tirado Valencia, P., 2014. Transparency of sustainability information in local governments: English-speaking and Nordic cross-country analysis. Journal of Cleaner Production. 64: 495-504.
24. Nistora, C. S., Deaconu, A., & Mare, C., 2014. The influence of environmental factors on the evolution of Romanian public accounting. Journal of Business Economics and Management.
25. Nistora, C. S., Deaconu, A., & Mare, C., 2014. The influence of environmental factors on the evolution of Romanian public accounting. Journal of Business Economics and Management.
26. Rapina, 2014. Factors Influencing the Quality of Accounting Information. Research Journal of Finance and Accounting. 5(2): 148-152.
27. Relly, J. E., & Sabharwal, M., 2009. Perceptions of transparency of government policymaking: A cross-national study. Government Information Quarterly. 26(1): 148-157.
28. Relly, J. E., and Sabharwal, M., 2009. Perceptions of transparency of government policymaking: A cross-national study. Government Information Quarterly, 26(1): 148-157.
29. RodrÝguez BolÝvar, M. P., L. Alcaide Mu#oz and Lãpez Hern¸ndez, A. M., 2013. Determinants of financial transparency in government. International Public Management Journal. 16(4): 557-602.
30. Solberg, M., 2010. A Survey Analysis of Transparency in Three Asian Regulatory Agencies Responsible for Medical Products. PhD thesis. University of Southern California.
31. Tagesson, T., Klugman, M., & Ekstr#m, M., 2013. What explains the extent and content of social disclosures in Swedish municipalities annual reports. Journal of Management and Governance. 17(2): 217-235.
32. Tagesson, T., Klugman, M., & Ekstr#m, M., 2013. What explains the extent and content of social disclosures in Swedish municipalities annual reports. Journal of Management and Governance. 17(2): 217-235.
33. Treisman, D., 2002. Decentralization and the quality of government. University of California Working paper.
34. Williams, A., 2015. A global index of information transparency and accountability. Journal of Comparative Economics: 43(3): 804-824.
35. World Commission on Environment and Development (WCED), 1987. Our Common Future. The Oxford University Press, Oxford.#
36. Xu, H., 2003. Critical Success Factors for Accounting Information system data quality. Philosophy Thesis, The University of Sounthern Queenland, Australia.
37. Xu, H., Nord, J. H., Nord, G. D., & Lin, B. (2003). Key Issues Accounting Information Quality Management: Australian Case Studies. Industrial Management and Data Systems: 103: 461-470.
38. Zimmerman, J. L., 1977. The municipal accounting maze: An analysis of political incentives. Journal of Accounting Research. 15: 107-144.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *