Nghiên cứu trao đổi

20 năm cải cách kế toán Việt Nam (1995 – 2015): Giá trị khoa học và tính hiện đại của hệ thống kế toán Việt Nam cải cách năm 1995 QĐ 1141 – TC/QĐ/CĐKT (Tiếp theo số trước)

Tiêu đề 20 năm cải cách kế toán Việt Nam (1995 – 2015): Giá trị khoa học và tính hiện đại của hệ thống kế toán Việt Nam cải cách năm 1995 QĐ 1141 – TC/QĐ/CĐKT (Tiếp theo số trước) Ngày đăng 2015-07-09
Tác giả Admin Lượt xem 752

Hệ thống kế toán Việt Nam cải
cách, được ban hành theo Quyết định số 1141 TC /QĐ/CĐKT, ngày 01/11/1995, có
hiệu lực áp dụng trong phạm vi cả nước từ niên độ kế toán 1996. Từ đó đến nay
đã qua 20 năm, mặc dù  được sửa đổi, bổ
sung nhiều lần và ban hành lại 2 lần (QĐ 15 QĐ-TC/2006 và Thông tư 200 TT
-BTC/2014). Nhưng nền tảng và sức sống của nó vẫn có giá trị khoa học, mang
tính cốt lõi và tồn tại về cơ bản cho đến hôm nay. Mọi sửa đổi, bổ sung và kể
cả 2 lần ban hành mới vẫn không thoát ly khỏi những nguyên lý, hình hài cốt lõi
của Hệ thống kế toán cải cách năm 1995. Lẽ tất nhiên, các sửa đổi, bổ sung đã
góp phần hoàn thiện hơn và thích ứng với các cơ chế quản lý, các hoạt động kinh
tế mới xuất hiện trong nền kinh tế. Đó cũng là lẽ đương nhiên ở một nền kinh tế
đang chuyển đổi, đang chuyển dần sang kinh tế thị trường. Và chắc chắn, cần
phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường đầy đủ
và nền kinh tế hội nhập toàn diện với khu vực, với thế giới trong tương lai.

Thứ bảy, Những nhận thức mới về
doanh thu, thu nhập chi phí và xác định kết quả kinh doanh

Trong quá trình hoạt động, các DN
luôn quan tâm tới tình hình và kết quả kinh doanh, về bản chất và theo quan
niệm có tính truyền thống, kết quả kinh doanh luôn là chênh lệch giữa doanh thu
và chi phí của một hoạt động kinh doanh cụ thể trong một kỳ kinh doanh.

Công thức tổng quát

DOANH THU – CHI PHí = LợI NHUậN

Doanh thu (và thu nhập), chi phí
kinh doanh và giá thành sản phẩm lao vụ, lợi nhuận, lãi lỗ hay kết quả kinh
doanh là những khái niệm, thuật ngữ kinh tế khá quen thuộc với các nhà quản lý.
Nhưng trong chừng mực nào đó, còn có cả sự khác nhau về doanh thu, chi phí theo
quan điểm của người kinh doanh và theo quan điểm của các nhà quản lý.

Doanh thu của DN là tổng giá trị
thực hiện do hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cung
cấp lao vụ, dịch vụ hoặc các khoản doanh thu do các hoạt động khác mang lại.
Trong kinh tế thị trường, doanh thu của DN có hai đặc điểm:

– Doanh thu tổng thể: Là doanh
thu của toàn bộ hoạt động kinh doanh mang tính tổng hợp, có nghĩa là DN chủ
động bố trí sắp xếp các nguồn lực, để thực hiện các hoạt động kinh doanh với
mục đích mang lại doanh thu lớn nhất. Dựa trên cơ sở dùng đồng tiền làm thước
đo những hao phí và kết quả của hoạt động kinh tế, DN phải đạt được thu nhập
tổng thể cao nhất có thể bù đắp chi phí thực tế, bảo đảm sản xuất kinh doanh có
lãi. Trong kinh doanh, các DN có thể chấp nhận sự thua thiệt, sự lỗ cục bộ, lỗ
tạm thời để đạt được lãi tổng thể, lãi lâu dài, lãi cuối cùng.

– Doanh thu thực (hay còn gọi là
doanh thu thuần). Doanh thu bán hàng và thu nhập của DN có thể đã thu được tiền
hoặc chưa thu được tiền (do thỏa thuận về thanh toán) nhưng phải là doanh thu
thực tế và tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí của hoạt động
kinh doanh trong niên độ kế toán. Chúng ta chấp nhận khái niệm doanh thu thuần
khi tính toán và xác định kết quả kinh doanh. Vì vậy, phải chấp nhận và đưa vào
hạch toán các khoản chiết khấu bán hàng (TK 521) trị giá hàng đã bán hoặc gửi
bán bị trả lại (TK 531), khoản giảm giá hàng bán, hồi khấu cho người mua hàng (TK
532), …. Đồng thời, cũng phải tính toán và xử lý các hoạt động doanh thu trước,
doanh thu sau…. thao tác phương thức bán hàng và phục vụ khách của DN.

– Chi phí sản xuất, kinh doanh:
Về bản chất là những hao phí lao động sống và lao động vật hóa dùng cho sản
xuất kinh doanh, về nguyên tắc, chi phí sản xuất kinh doanh được trang trải
bằng thu nhập của bản thân DN. Theo quan điểm kế toán truyền thống, chi phí sản
xuất kinh doanh có thể được tính toán trực tiếp, cũng có thể được phân bổ theo
một tiêu thức nào đó, cho các đối tượng chịu chi phí: Các đối tượng chịu chi
phí bao gồm cả sản phẩm hàng hóa đã tiêu thụ, lao vụ, dịch vụ đã cung cấp, cả
những sản phẩm hàng hóa chưa tiêu thụ được và sản phẩm dở dang đang nằm trên
dây chuyền sản xuất, lao vụ đang thực hiện chưa hoàn thành.

Trong hệ thống kế toán mới, chi
phí sản xuất kinh doanh đã được phân chia ra chi phí trực tiếp và chi phí gián
tiếp (chi phí không phân chia).

– Chi phí trực tiếp: Là những chi
phí sản xuất kinh doanh có quan hệ đến từng đối tượng chịu chi phí và có thể
hạch toán trực tiếp cho từng đối tượng tập hợp chi phí. Vì vậy, chi phí này
được tính cho toàn bộ sản phẩm hàng hóa lao vụ sản xuất kinh doanh hàng kỳ, kể
cả sản phẩm hàng hóa lao vụ đã hoàn thành và chưa hoàn thành, sản phẩm hàng hóa
đã tiêu thụ, lao vụ đã cung cấp và chưa tiêu thụ, chưa cung cấp, … Thuộc chi
phí trực tiếp có chi phí nguyên vật liệu (TK 621) chi phí nhân công trực tiếp (TK
622) và chi phí sản xuất chung (TK 627). Các DN thuộc thành phần kinh doanh
dịch vụ (bưu điện, du lịch, vận tải,…) kinh doanh thương mại, có thể có phương
pháp khác để bố trí và sắp xếp chi phí kinh doanh trực tiếp.

– Chi phí gián tiếp: Hay còn gọi
là chi phí không phân chia, là chi phí quản lý và phục vụ hoạt động kinh doanh
như: Chi phí quản lý DN, chi phí bán hàng, … Các chi phí gián tiếp, về cơ bản
không có quan hệ trực tiếp với từng đối tượng hạch toán chi phí sản xuất kinh
doanh. Sự tăng giảm của quy mô và khối lượng kinh doanh không có ảnh hưởng trực
tiếp tới sự tăng giảm của chi phí kinh doanh. Thậm chí, nhiều khoản chi phí vẫn
phát sinh ngay cả khi DN tạm ngừng kinh doanh. Vì vậy, trong hệ thống kế toán
mới, chi phí bán hàng (TK 641) và chi phí quản lý DN (TK 642) được tính trừ
trực tiếp toàn bộ vào doanh thu thực hiện trong kỳ, không phân bổ cho hàng tồn
kho. Điều đó có nghĩa là trong giá trị sản phẩm dở dang thành phần, hàng hóa
chưa tiêu thụ không chứa đựng chi phí gián tiếp.

Quá trình tính toán, xác định kết
quả kinh doanh, được chia làm hai bước như sau:

Bước 1: Doanh thu – Chi phí trực
tiếp = Lãi gộp

Bước 2: Lãi gộp – Chi phí gián
tiếp = Lãi thuần

Phương pháp hạch toán tổng quát
có thể tóm tắt trong sơ đồ 2.

 

(Xem tiếp số sau)

 

PGS. TS Đặng Văn Thanh *

* Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm
toán Việt Nam

(Theo: Tạp chí Kế toán và Kiểm toán)

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *