Nghiên cứu trao đổi

Đào tạo kế toán tại Đại học Sydney, Australia Kinh nghiệm cho Việt Nam

Tiêu đề Đào tạo kế toán tại Đại học Sydney, Australia Kinh nghiệm cho Việt Nam Ngày đăng 2015-04-15
Tác giả Admin Lượt xem 537

Chương trình cử nhân chuyên
ngành kế toán trong thời gian 3 năm được thiết kế theo sự tư vấn của các nhà
quản lý  doanh nghiệp (DN), các nhà tuyển
dụng, sinh viên hiện tại và sinh viên đã tốt nghiệp để cung cấp cho sinh viên
chương trình đào tạo phù hợp và chuyên nghiệp. Các môn học được xây dựng để
phát triển kiến thức và kỹ năng của sinh viên, giúp họ chuyển tiếp từ phổ thông
trung học lên đại học và đến thế giới kinh doanh với sự tin tưởng cao. Ngoài ra,
chương trình cử nhân kế toán giúp cho sinh viên tiếp cận đến nhiều loại thị
trường, nghề nghiệp,  có khả năng hiểu và
giải thích các thông tin tài chính kế toán.

Để được cấp bằng cử nhân kế
toán, sinh viên phải hoàn thành 144 tín chỉ (TC) (credit points), bao gồm:

– 7 môn học cơ sở (36 TC),
trong đó có 1 môn học quản lý giao tiếp kinh doanh A (BUSS 1900) với 0 TC  và 6 môn học bắt buộc khác.

– 1 môn học bắt buộc lựa
chọn từ lĩnh vực chuyên ngành.

– Hoặc 1 môn học lựa chọn và
/hoặc các môn lựa chọn từ lĩnh vực chuyên ngành hoặc từ bất cứ lĩnh vực nào
hoặc từ ngành khác.

– Tối đa 60 TC cho các môn
học cơ sở.

– Tối đa 96 TC từ khoa
chuyên ngành (tối đa 48 TC trong các môn học từ khoa khác).

Các môn học trong chuyên
ngành kế toán

Các môn học cơ sở

Hiểu biết về kinh doanh (BUSS
1001), 6 TC

Môi trường kinh doanh (BUSS
1002), 6 TC

Phân tích kinh doanh định
lượng (BUSS 1020), 6 TC

Kế toán, kinh doanh và xã
hội (BUSS 1030), 6 TC

Kinh tế cho việc ra quyết
định kinh doanh (BUSS 1040), 6 TC

Quản lý giao tiếp kinh doanh
A (BUSS 1900), 0 TC (môn học này được thiết kế để giúp cho SV phát triển các kỹ
năng giao tiếp ở đầu khóa học để bước đầu thành công trong các kỳ học tập.

ứng dụng kinh doanh (BUSS
3500), 6 TC

Luật DN (CLAW 2201), 6 TC

ứng dụng kinh doanh (BUSS
3500), 6 TC

Các môn học chuyên ngành

Kế toán và quản lý tài chính
(ACCT 1006), 6 TC

Kế toán tài chính A (ACCT
2011), 6 TC

Kế toán tài chính B (ACCT
3011), 6 TC

Kế toán quản trị (ACCT
3012), 6 TC

Phân tích báo cáo tài chính (ACCT
3013), 6 TC

Kiểm toán và bảo đảm (ACCT
3014), 6 TC

Quản trị DN quốc tế (ACCT
3031), 6 TC

Các vấn đề hiện tại trong kế
toán quản trị (ACCT 3032), 6 TC

Nội dung cơ bản của các môn
học chuyên ngành

Các môn học dưới đây là các
môn học bắt buộc mà sinh viên phải hoàn thành với các nội dung cụ thể sau:

Kế toán, kinh doanh và xã
hội (BUSS 1030), 6 TC

Môn học này, trình bày cơ sở
nền tảng của kế toán và mục đích cung cấp hiểu biết sâu rộng về vai trò của kế
toán trong kinh doanh và xã hội. Môn học này, được thiết kế để chỉ ra rằng có
rất nhiều người sử dụng số liệu kế toán. Tập trung của môn học chuyển từ trách
nhiệm đến việc ra quyết định; cả 2 chức năng trách nhiệm và ra quyết định được
giải thích thông qua các ví dụ cụ thể. Một vài nội dung kỹ thuật của kế toán
được đề cập như các thành phần trong tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu,
doanh thu, chi phí. Bên cạnh việc phát triển sự hiểu biết về vai trò của kế
toán thông qua báo cáo tài chính, sự phát triển gần đây bao gồm cả báo cáo xã
hội DN, báo cáo môi trường và khủng hoảng tài chính cũng được nghiên cứu dưới
góc nhìn của kế toán.

Kế toán và quản lý tài chính
(ACCT 1006), 6 TC

Môn học này, giới thiệu về
lập báo cáo tài chính và là môn học quan trọng để nghiên cứu sâu hơn về các môn
học trong chuyên ngành kế toán. Môn học kế toán và quản lý tài chính được thiết
kế dưới góc nhìn kế toán mà nó được trình bày trong môn kế toán, kinh doanh và
xã hội (BUSS 1030) với mục đích phát triển các kỹ năng kỹ thuật của ghi chép
các nghiệp vụ kinh tế cơ bản qua hệ thống kế toán. Ngoài ra, môn học này cũng
đề cập đến việc sử dụng thông tin kế toán để thực hiện quản lý tài chính và
phân tích giúp cho người học có khả năng lập và giải thích các chỉ tiêu trên
báo cáo tài chính.

Kế toán tài chính A (ACCT
2011), 6 TC

Môn kế toán tài chính A
nghiên cứu về thực trạng công tác kế toán và lập báo cáo của các DN, đặc biệt
là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Môn học này nhấn mạnh vào
phát triển và khả năng đánh giá các yêu cầu quy định khác nhau (cả về nghề
nghiệp và bắt buộc) liên quan đến công tác lập báo cáo. Khuôn khổ pháp lý của
môn học cung cấp cơ sở cho việc kiểm tra các vấn đề cụ thể khác nhau về kế toán
tài chính. Sự nhấn mạnh trong môn học kế toán tài chính A vào việc áp dụng các
kỹ thuật kế toán cụ thể, quy định cụ thể và cơ sở lý luận liên quan đến các
phương pháp kế toán.

Kế toán tài chính B (ACCT
3011), 6 TC

Môn học kế toán tài chính B
giới thiệu cho sinh viên kế toán về các khoản đầu tư vào công ty bị kiểm soát,
có ảnh hưởng đáng kể hoặc đồng kiểm soát. Phần thứ nhất của môn học tập trung
đánh giá xem khoản đầu tư có nên hợp nhất không, quy trình hợp nhất thế nào,
lập báo cáo tài chính hợp nhất cho tập đoàn, bao gồm cả xử lý lợi thế thương
mại, các nghiệp vụ phát sinh trong nội bộ tập đoàn và lợi ích phi kiểm soát.
Các khía cạnh khác như kế toán vốn chủ sở hữu, trình bày bộ phận, trình bày các
bên có liên quan và kế toán cho liên danh cũng được nghiên cứu. Phần thứ hai
tập trung vào đánh giá các vấn đề hiện tại về quy định và thực hành kế toán
chẳng hạn như: Quá trình ban hành chuẩn mực, sử dụng kế toán về công cụ tài
chính như trường hợp đặc biệt. Cuối cùng, các trình bày về lập báo cáo môi
trường và xã hội cũng được xem xét. Môn học này nhằm phát triển cho sinh viên
các kỹ năng viết, kỹ năng phân tích và bình luận trong ngữ cảnh của các hoạt
động của tập đoàn.

Kế toán quản trị (ACCT
3012), 6 TC

Môn học kế toán quản trị
giải quyết cả lý luận và thực hành về sự lựa chọn các vấn đề kế toán quản trị
đương đại. Môn học bắt đầu bằng việc kiểm tra những ảnh hưởng mà nó tác động
đến việc thiết kế một tổ chức và hệ thống kế toán quản trị. Các nhân tố hành vi
được chỉ ra và các môi trường tổ chức khác nhau và mức độ quản trị sẽ được xem
xét. Tiếp theo, môn kế toán quản trị kiểm tra các vấn đề nâng cao phù hợp với
kế toán quản trị hoạt động. Môn học này cũng trình bày tác động của kế toán đến
việc ra quyết định trong DN.

Phân tích báo cáo tài chính (ACCT
3013), 6 TC

Mặc dù tính thích hợp của
phân tích báo cáo tài chính phụ thuộc rất nhiều vào từng ngữ cảnh cụ thể (ví dụ
như đầu tư vốn, mở rộng tín dụng, phân tích tình hình tài chính của khách hàng,
nhà cung cấp; phân tích đối thủ cạnh tranh, đánh giá mua bán; tái cấu trúc tài
chính,…) rất nhiều kỹ thuật về phân tích tài chính cho từng phần. Mục đích
chủ yếu của môn phân tích báo cáo tài chính là phát triển sự hiểu biết về các
kỹ thuật này cũng như những khó khăn tiềm tàng trong từng ứng dụng.

Kiểm toán và bảo đảm (ACCT
3014), 6 TC

Môn học kiểm toán và các
dịch vụ bảo đảm trình bày quy trình kiểm toán, chỉ ra các khái niệm quan trọng
phục vụ cho thực hành kiểm toán. Mặc dù, tập trung của môn học vào kiểm toán
báo cáo tài chính do DN lập tuân thủ theo Luật DN của Australia năm 2001, môn
học cũng đề cập đến các loại hình kiểm toán khác và các dịch vụ bảo đảm. Theo
đó, môn học cung cấp tổng quan về quy trình kiểm toán với chuẩn mực kiểm toán
của Australia. Khoa học mang cả tính lý thuyết và thực hành và giúp cho người
học có thể áp dụng kiến thức vào các nghiên cứu điển hình được thiết kế xây
dựng từ thực tiễn.

Quản trị DN quốc tế (ACCT
3031), 6 TC

Môn học quản trị DN quốc tế
kiểm tra các tiến trình quản trị DN từ ngữ cảnh quốc tế có gắn với môi trường
Australia. Quản trị DN theo nghĩa hẹp có liên quan đến việc kiểm soát DN, thiết
lập bộ quy tắc ảnh hưởng đến DN và mối quan hệ với các bên. Các vấn đề cụ thể
được trình bày bao gồm khuôn khổ luật pháp, kiểm soát và văn hóa của một DN
hiện đại, hoạt động của hội đồng, vai trò của các bộ phận đo lường và đánh giá
thực hiện, quản trị DN, lập báo cáo tài chính và trình bày; quản trị DN và quy
trình kiểm toán; quản trị với khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các vấn đề hiện tại trong kế
toán quản trị (ACCT 3032), 6 TC

Môn học này thiết kế trên nền
tảng của thực hành kế toán quản trị bằng việc giới thiệu hàng loạt các chủ đề
kế toán quản trị nâng cao như kế toán quản trị chiến lược, cải cách kế toán,
quản lý nguồn nhân lực, kế toán môi trường và xã hội và thiết kế hệ thống kế
toán quản trị. Ngoài ra, môn học đề cập đến giả định mà công việc kế toán quản
trị trên thế giới được mô tả bởi sự chắc chắn và hợp lý.  Đây là môn học tốt cho sinh viên sau này trở
thành chuyên gia tư vấn chiến lược.

Luật DN (CLAW 2201), 6 TC

Môn học Luật DN thuộc môn cơ
sở nhưng bắt buộc các sinh viên phải hoàn thành và được coi là môn học rất quan
trọng. Theo đó, các vấn đề như người lao động, khách hàng, giám đốc, cổ đông,
nhà tín dụng, nhà cung cấp, tư vấn chuyên nghiệp,… đều có liên quan đến DN.
Rất quan trọng để hiểu biết về bản chất luật pháp và đặc điểm DN và phương thức
mà các hoạt động và quản lý được điều chỉnh.

Đánh giá sinh viên

Các môn học khác nhau sẽ có
các cách đánh giá khác nhau. Thông thường, đánh giá sinh viên được thông qua
tham dự, phát biểu ý kiến, bài tập cá nhân hoặc bài tập theo nhóm (có thể nộp
hoặc trình bày), kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ. Tỷ lệ % điểm đánh giá
cũng có sự khác biệt. Thường thì kiểm tra giữa kỳ chiếm khoảng 20% điểm và kiểm
tra cuối kỳ chiếm từ 45% điểm đến 60% điểm.

Kết luận

Nghiên cứu này được thực
hiện chủ yếu nhằm mục đích tổng hợp chương trình đào tạo kế toán hệ cử nhân tại
Trường đại học Sydney, một trường lâu đời nhất tại Australia và được xếp hạng
trong top 40 trường đại học danh tiếng trên toàn thế giới. Đào tạo kế toán tại
Trường đại học Sydney được coi là một công nghệ có tính chuyên nghiệp rất cao.
Nội dung chương trình đào tạo hàng năm có sự thay đổi cho phù hợp với sự phát
triển của xã hội và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới. Các môn học được
thiết kế nhằm cung cấp cho người học có đủ kỹ năng và kiến thức để có thể thích
ứng được ngay với môi trường kế toán thực tế và được xã hội đánh giá rất cao.

Trong ngữ cảnh của Việt Nam,
môi trường hoàn toàn khác với môi trường tại Australia. Do vậy, cách nghĩ, cách
hiểu, cách làm và cách hành xử cũng hoàn toàn khác. Chương trình đào tạo của
Việt Nam, theo kết quả phỏng vấn các giáo sư tại Trường đại học Sydney, còn quá
ôm đồm và còn có nhiều môn học chưa thực sự cần thiết cho sinh viên. Do vậy,
dung lượng cho các môn chuyên ngành có xu hướng giảm dần đặc biệt theo hệ thống
tín chỉ thế nên sản phẩm đầu ra chưa thực sự thích nghi ngay được với xã hội và
các sinh viên đã tốt nghiệp cần một thời gian đào tạo huấn luyện thêm mới có
thể đáp ứng được công việc thực tế.

Nghiên cứu này, mặc dù chỉ
tổng kết chương trình đào tạo kế toán trong môi trường quốc tế nhưng nếu nhìn
nhận sâu xa hơn thì đây là kinh nghiệm tham khảo rất hữu ích cho các nhà quản
lý giáo dục. Đặc biệt, các nhà quản lý các trường đại học tại Việt Nam nên nhìn
nhận một cách thực tế hơn, vì lợi ích của người học và xã hội hơn là vì lợi ích
của người dạy. Thiết nghĩ rằng, trường đại học Sydney đã trải qua hơn 160 năm
thành lập thì chương trình đào tạo kế toán ngày càng hoàn thiện; không ít thì
nhiều, các nhà quản lý giáo dục đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán và
kiểm toán nên suy ngẫm và thay đổi để cho nội dung đào tạo kế toán ngày càng
được người học và công chúng đón nhận.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Lê Thanh Bằng (2014). Một
số vấn đề về nhân lực ngành kế toán – kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh toàn
cầu hóa. Download:
http://www.vacpa.org.vn/index.php?o=modules&n=forum&f=forum_detail&idforum=789&page=1.
16/11/2014.

2. Hoogendoorn, M., (2006),
“International Accounting Regulation and IFRS Implementation in Europe and
Beyond – Experiences with First-time Adoption in Europe”, Accounting in
Europe, vol. 3.

3. Trần Mạnh Dũng (2011).
Goodwill impairment: the Case of Hong Kong. PhD Thesis. Macquarie University.

4. Trần Mạnh Dũng (2012).
Đánh giá luận án tiến sỹ tại Đại học Macquarie, Australia. Hội thảo khoa học
“Chất lượng luận văn Thạc sỹ – luận án Tiến sỹ. Đại học KTQD tổ chức.

5. The University of Sydney
(2014). Accounting Major (undergraduate).
http://sydney.edu.au/business/currentstudents/undergraduate/curriculum_information/majors/accounting.
Download ngày 16/11/2014.

6. The University of Sydney
(2015). Overview of Sydney University.
http://en.wikipedia.org/wiki/University_of_Sydney.

TS. Trần Mạnh Dũng (CPA)*

Ths. Nguyễn Thúy Hồng **

* Đại học Kinh tế Quốc dân

** Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

(Theo:TapchiKetoanvaKiemtoan)


Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *