Nghiên cứu trao đổi

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TẠI ĐÀ NẴNG

Tiêu đề GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TẠI ĐÀ NẴNG Ngày đăng 2021-04-05
Tác giả Admin Lượt xem 2381

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 207, Tháng 12/2020 của Ths. Nguyễn Văn Liêm và Ths. Nguyễn Thị Huyền – Trường Cao đẳng Thương mại}.

(Email: banbientapvaa@gmail.com)

– Theo BBT 


Bài viết phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán tại thành phố Đà Nẵng cũng như cơ hội và thách thức khi Việt Nam hội nhập. Từ đó, đưa ra các kiến nghị, nhằm giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ phẩm chất và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Nghề nghiệp; kế toán; kiểm toán, chất lượng đào tạo.
Abstract
The objective of the article is to identify the advantages and disadvantages of the training of accounting and auditing students in Da Nang city as well as opportunities and challenges as Vietnam integrates and makes recommendations. This is to help students after graduation have the qualities and qualifications to meet the social needs in the current context.
Keywords: Occupation; accounting, auditing; quality training.


1. Đặt vấn đề
Mục tiêu tự do hóa dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề đã và đang được thực hiện nhằm xây dựng thị trường đơn nhất của ASEAN. Qua đó, giúp tạo dựng và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với khu vực ASEAN, đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại dịch vụ nội khối. Riêng đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, bên cạnh Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS), thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) có hiệu lực kể từ sau ngày 31/12/2015 đã đánh dấu một bước hội nhập sâu hơn của ngành vào thị trường dịch vụ kiểm toán, kế toán của khu vực. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán tại thành phố Đà Nẵng nhằm đáp ứng bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, công tác đào tạo môn học kế toán, kiểm toán hiện nay tại các trường chỉ mới dừng lại ở việc đào tạo chuyên sâu về nội dung lý thuyết các chuẩn mực, các nguyên tắc cơ bản về kế toán, kiểm toán, chưa có các chương trình về thực hành cũng như chưa có sự hợp tác giữa trường và các công ty kiểm toán, các doanh nghiệp để tất cả sinh viên chuyên ngành có thể tiến hành thực hành kiểm toán.
Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với người làm kế toán; kiểm toán cũng như các sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán mới ra trường càng khó khăn hơn.

2. Thực trạng đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Nẵng
Theo các nhà tuyển dụng, những khó khăn chung khi tuyển dụng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán là chất lượng nhân sự không đáp ứng được nhu cầu công việc, đặc biệt là nguồn nhân sự mới tốt nghiệp ra trường. Với những đối tượng này, họ thiếu nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc, chưa có cái nhìn chính xác về nội dung công việc mà họ sẽ làm, chưa nắm chắc được kiến thức cơ bản,… Khi tuyển dụng đối tượng này, nhà tuyển dụng chấp nhận đào tạo lại để phù hợp với tình hình công việc thực tế tại doanh nghiệp.
Nhận thấy thực trạng sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế, các trường đã có những hành động cụ thể và thiết thực để thay đổi như: Đổi mới phương pháp đào tạo; Mời giảng viên thỉnh giảng là những người có thâm niên làm công tác kế toán thực tế tại các doanh nghiệp; Trang bị mô hình phòng kế toán mô phỏng theo đúng thực tế; Bổ sung những môn học cần thiết như phần mềm kế toán, thuế, kế toán Excel,… Tích cực mời các doanh nghiệp ngành kế toán, kiểm toán tổ chức hội thảo chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm bổ trợ cho công việc thực tế; Tổ chức các câu lạc bộ kế toán, tổ chức thực tập cuối khóa cho sinh viên. Bên cạnh những nỗ lực và hành động thiết thực trên, công tác đào tạo tại trường vì những lý do chủ quan lẫn khách quan cũng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, thái độ học tập của chính bản thân sinh viên cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này.

2.1. Những bất cập liên quan đến công tác đào tạo tại các trường
Do số lượng sinh viên đông, phòng kế toán mô phỏng chưa thực sự được triển khai hiệu quả, chưa mô tả hết được các công việc thực tế mà người kế toán phải làm. Trong đào tạo, môn học kế toán, kiểm toán thường được chia ra thành nhiều phần, chưa chú trọng việc hệ thống một cách tổng thể, xuyên suốt nội dung đào tạo từ đó sinh viên chưa nhận thức được vai trò và nhiệm vụ của kế toán cũng như chưa hiểu rõ một cách tổng thể và chi tiết các công việc phải làm của người kế toán.
Chương trình đào tạo chỉ chú trọng đến kiến thức về kế toán, kiểm toán trong khi đó để làm tốt công việc trong thực tế, người kế toán, kiểm toán phải biết những kiến thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo thuế như làm thế nào nộp tờ khai thuế, ký số là gì, thực hiện như thế nào?… Ngoài ra, nhà trường chưa chú trọng đến việc hướng dẫn các quy trình kế toán, kiểm toán cơ bản của từng phần hành kế toán để giúp sinh viên hiểu rõ công việc, nhiệm vụ của từng vị trí trong phòng kế toán và trình tự cần phải thực hiện.
Thực tế, sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng được trang bị rất tốt về lý thuyết chuyên ngành kế toán nhưng lại không được thực hành nhiều nên kỹ năng làm việc còn hạn chế, thậm chí là không có. Hơn nữa, đa số các giáo trình của các trường được trình bày dưới dạng học thuật, chưa đảm bảo tính thực tế và ứng dụng cho công việc sau này của sinh viên. Thông thường, mỗi lớp học chỉ có một giảng viên giảng dạy mà số lượng sinh viên lại khá lớn (khoảng từ 50 – 100 người/lớp). Vì vậy, việc đào tạo các kỹ năng làm việc và thời gian để giải đáp các thắc mắc là rất hạn chế.
Công việc của một kế toán viên tại các doanh nghiệp lại không đơn thuần là thực hiện các công việc của một người kế toán, mà còn phải tuân thủ theo đúng các luật thuế và luật chuyên ngành khác, mà là một trong những điểm yếu của những sinh viên mới ra trường, chưa nắm chắc kiến thức và kinh nghiệm, nhất là kỹ năng xử lý sao cho doanh nghiệp có lợi nhiều nhất. Thêm vào đó, những quy định này lại thay đổi thường xuyên khiến sinh viên không kịp cập nhật, dẫn đến làm sai, không đúng và không đủ.
Bên cạnh đó, vấn đề ngoại ngữ cũng là một phần rất quan trọng đối với sinh viên kế toán trong sự phát triển không ngừng của nền kinh tế hội nhập toàn cầu và trở thành một trong những lĩnh vực được chú trọng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều sinh viên khi ngồi trên giảng đường vẫn chưa quan tâm lắm đến việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho bản thân, từ đó dẫn đến việc khi ra trường bị yếu kém năng lực làm việc, nhất là gặp khó khăn trong việc lĩnh hội các tri thức trên thế giới, ví dụ các bạn khó có thể đọc hiểu các tài liệu bằng tiếng Anh khi làm việc.

2.2. Nguyên nhân chủ quan từ sinh viên
– Sinh viên chưa ý thức được tầm quan trọng của kiến thức nền tảng, dẫn đến thái độ học tập đa phần là để đối phó.
– Chưa chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng có liên quan để phục vụ cho công việc như kiến thức về các ứng dụng công nghệ thông tin, tin học văn phòng,…
– Chưa chủ động cập nhật những thay đổi có liên quan về chính sách thuế, chế độ kế toán.

3. Cơ hội và thách thức của nhân sự kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập

3.1 Cơ hội
Việt Nam hiện có khoảng 53,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Đến năm 2025, dự kiến có thêm 14 triệu việc làm. Sự hình thành của AEC tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với người lao động như các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng máy tính,… “Việc nhập khẩu lao động đang đắt hơn nhiều việc đào tạo lao động tại chỗ. Do vậy, Việt Nam cần nâng cao kỹ năng cho lao động trong nước. Ngoài người lao động, các chủ doanh nghiệp cũng phải nâng cao kỹ năng trong việc quản lý…” (Theo ông Simon Matthews, Giám đốc Manpower Việt Nam, Thái Lan, Trung Đông).
Việt Nam có 5.000 kế toán, kiểm toán viên có chứng chỉ do các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế cấp. Số ít trong đó làm cho hãng nước ngoài có lương tháng từ vài chục tới cả trăm triệu đồng. Phần còn lại thường được hưởng mức lương hơn 10 triệu đồng, chỉ bằng 1/5 – 1/10 so với đồng nghiệp trong khu vực ASEAN.

3.2. Thách thức
Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong ASEAN, chỉ khoảng 10 năm nữa lực lượng lao động sẽ không còn dồi dào như hiện nay. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động Việt Nam chưa cao. Theo xếp hạng mới đây của ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm 4 nước ở hàng cuối vì quy mô vốn, trình độ khoa học kỹ thuật và lao động thấp. Khi hội nhập, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, tiếp cận thông tin thị trường lao động ngoài nước,…
Về quy mô và năng lực cạnh tranh của công ty kiểm toán, thị trường kiểm toán Việt Nam, ngoại trừ các công ty kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài thì phần lớn các công ty kiểm toán Việt Nam đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, năng lực về tài chính bị giới hạn nên thị phần cung cấp dịch vụ chủ yếu chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Về chất lượng nguồn nhân lực đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề hiện vẫn thiếu so với nhu cầu, do có khoảng gần 1.500 người có chứng chỉ kiểm toán viên không đăng ký hành nghề kiểm toán. Số lượng người có bằng đại học chuyên ngành kế toán, kiểm toán ngày càng tăng (số lượng sinh viên tốt nghiệp trung bình khoảng 2.000 người, đứng thứ 5 trong số 10 nước ASEAN), nhưng chất lượng đào tạo chưa cao do các trường chậm đổi mới chương trình đào tạo và đặc biệt trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Số lượng kế toán, kiểm toán viên có chứng chỉ của các hiệp hội quốc tế còn ít (khoảng 5.000 người), chiếm gần 3% tổng số nhân lực kế toán, kiểm toán của 10 quốc gia ASEAN (gần 190.000 người). Ngoài ra, quá trình hội nhập tạo cơ hội cho thành viên các nước trong khối ASEAN có thể tự do trao đổi nhân lực lao động.
Các nước ASEAN khác trong khối như Singapore, Thái Lan, Malaysia,… với số lượng kiểm toán viên lớn và trình độ ngoại ngữ tốt sẽ chuyển sang Việt Nam làm việc và tạo ra áp lực cạnh tranh trực tiếp với đội ngũ kế toán, kiểm toán trong nước.
Từ những vấn đề trên, chúng ta có thể nhận rõ rằng, nhu cầu đối với nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong ngành kế toán – kiểm toán khi Việt Nam là rất lớn, cả về số lượng và chất lượng, điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với các cơ sở đào tạo trong việc thiết lập tiêu chuẩn đầu ra đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo sao cho phù hợp, đảm bảo được kiến thức, kỹ năng cho người học trước môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao. Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì kể cả các công việc mà nhân lực Việt Nam đang thực hiện trong nước cũng sẽ bị nhân lực chất lượng cao hơn, kinh nghiệm và chuyên môn tốt hơn của các nước trong khu vực tìm đến cạnh tranh, điều này có thể làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến việc làm của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong nước; Số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn, nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đội ngũ cán bộ kế toán, kiểm toán chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực; Phần lớn các công ty Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực tài chính giới hạn, đội ngũ nhân viên thiếu về số lượng và chất lượng nên chưa đủ tiềm lực để cung cấp dịch vụ sang nước ngoài mà chỉ mới cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nước.

4. Giải pháp kiến nghị

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần xây dựng bổ sung một số chuẩn mực kế toán phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Để thực hiện được điều này, các chuyên gia kế toán hàng đầu của Việt Nam từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, hội nghề nghiệp, các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, các trường đại học… cần phải hợp tác về mặt chuyên môn nhằm xây dựng chuẩn mực kế toán chất lượng cao. Vì vậy, giải pháp cho giai đoạn trước mắt là việc cần thiết ban hành các chuẩn mực còn thiếu so với nhu cầu thực tế, trong đó tiền đề là việc hợp tác quốc tế. Các cơ quan Nhà nước cần nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới; kết hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức về kế toán – kiểm toán quốc tế.

Thứ hai, các trung tâm đào tạo cần nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn hành nghề, tích cực trong quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, tích cực trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm từ các học viên ở những quốc gia có hệ thống kế toán phát triển cũng như các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế. Nhà trường cần thúc đẩy các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán, kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. Chương trình đào tạo của nhà trường về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên, vừa phù hợp với thực trạng Việt Nam và chuẩn bị cho những bước tiền đề hội tụ với kế toán quốc tế. Hệ thống chương trình cũng như tài liệu giảng dạy nên được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành. Các trường đại học, cao đẳng, các nơi đào tạo chuyên ngành,… Cần trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và việc áp dụng các văn bản pháp quy mới về kế toán, trong vai trò hướng dẫn và thu thập các ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp.

Thứ ba, tích hợp chứng chỉ hành nghề trong chương trình đào tạo ngành kế toán – kiểm toán. Đây được xem là bước khởi đầu, bước đệm để sinh viên ngành kế toán có thể tiếp cận học và thi để lấy chứng chỉ quốc tế sau khi ra trường. Để có thể thực hiện được điều này, về phía nhà trường, cần ban hành chủ trương của việc tích hợp chứng chỉ hành nghề trong chương trình đào tạo ngành kế toán.
Về phía khoa kế toán – kiểm toán, cần đề xuất với nhà trường phương án xây dựng chương trình đào tạo ngành kế toán có tích hợp chứng chỉ hành nghề, với một trong các hướng thực hiện:
+ Ký hợp tác với trung tâm chuyên đào tạo chứng chỉ kế toán quốc tế và tích hợp chương trình đào tạo ngay từ đầu khi thiết kế chương trình, bước đầu xây dựng trong chương trình đại học chất lượng cao, tạo nên sự khác biệt trong chương trình đại học chất lượng cao so với các chương trình khác.
+ Đưa các môn học thuộc cấp độ kiến thức của chương trình kế toán quốc tế vào chương trình học ngoại khóa và xây dựng chuẩn đầu ra phải đạt chứng chỉ của kế toán quốc tế.

Thứ tư, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

Thứ năm, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Kỹ năng mềm là khả năng con người tự làm chủ bản thân, tự quản lý, lãnh đạo bản thân và tương tác với những người xung quanh để mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đó là năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro và giải quyết tình huống một cách hiệu quả. Kỹ năng mềm thể hiện ở nhiều khía cạnh lĩnh vực như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác trong tác nghiệp, kỹ năng quản lý quản lý đánh giá chất lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình và đàm phán,… Nếu rèn luyện được khả năng tư duy tốt, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác, có khả năng quản lý,… sinh viên có thể phù hợp với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, đặc biệt là kế toán – một ngành nghề đòi hỏi yếu tố kỹ trị cao. Yếu tố nhạy bén trong giải quyết các tình huống phát sinh, biết tận dụng các cơ hội trong kinh doanh, biến cơ hội thành kết quả cụ thể là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với người làm công tác kế toán quản trị.

Thứ sáu, lập kế hoạch nghề nghiệp. Lập kế hoạch nghề nghiệp chính là phương thức tốt cho phép mỗi sinh viên nhận ra con đường tối ưu nhất để đạt được mục tiêu nghề nghiệp. Đối với sinh viên ngành kế toán, trong bối cảnh thị trường lao động trong ngành cạnh tranh cao, cùng với những cơ hội và thách thức khi Việt Nam mở cửa hội nhập, việc định hướng và lập kế hoạch cho bản thân là rất quan trọng.
+ Xác định mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân. Tự đánh giá khả năng của bản thân, từ đó xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong công việc mà sinh viên mong muốn, phù hợp với sở thích, niềm đam mê và năng lực cá nhân. Mục tiêu là một nhà kế toán trưởng giỏi, hay là một nhà kiểm toán, thậm chí là một giám đốc tài chính trong tương lai. Điều này hoàn toàn có thể đạt được nếu như biết xác định mục tiêu rõ ràng, đồng thời vạch ra hướng đi và chuẩn bị tiền đề vững chắc.
+ Tìm hiểu rõ ngành nghề kế toán. Cụ thể, sinh viên có thể tìm kiếm sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm trong nghề và trao đổi với họ về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Điều này giúp sinh viên tự tin hơn trong định hướng nghề nghiệp của mình. Tham gia các buổi hội thảo về nghề nghiệp kế toán, làm các công việc bán thời gian hay thực tập trong lĩnh vực kế toán cũng là một cách thức tốt để sinh viên nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cũng như khẳng định xem mình có phù hợp với định hướng nghề nghiệp hay không.
+ Chuẩn bị hành trang và theo đuổi mục tiêu. Sinh viên không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề. Chủ động tìm hiểu và tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp, nghiêm túc và nỗ lực thực hiện đúng những gì đã đặt ra, hướng tới mục tiêu và thành công trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

[1] Chính Phủ (2013), Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020 – Tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
[2] Đinh Thị Thủy, (2014), Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam, Tạp chí tài chính, 3(1), 20-25.
[3] Phan Thanh Hải, Hội nhập trong lĩnh vực dịch vụ kế toán của Việt Nam – Thực trạng và thách thức khi hội nhập với kinh tế quốc tế.
[4] Trần Khánh Lâm & Lê Thị Bích Hải (2015). Tác động của việc hình thành cộng đồng kinh tế Asean đến nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam. Available at: http://www.vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid=4892.
[5] VACPA (2016), Bản tin tóm tắt Những ảnh hưởng của TPP và AEC đến thị trường tài chính Việt Nam.
http://webketoan.com/threads/2779170-mot-so-van-de-ve-nhan-luc-nguon-ke-toan- kiem- toan-viet-nam-trong-boi-canh-toan-cau-hoa/
http://www.ftmsglobal.edu.vn/hoi-nhap-aec-ke-toan-kiem-toan-vien-viet-nam-chinh- phuc-thach-thuc-de-nam-bat-co-hoi/
http://dantri.com.vn/viec-lam/hoi-nhap-aec-kiem-toan-vien-vn-se-canh-tranh-ra-sao- de-tim-viec-20151219000436713.htm
http://tdccompany.com.vn/wp_tdc/tai-sao-sinh-vien-ke-toan-moi-ra-truong-kho-khan- khi-tiep-can-cong-viec-thuc-te.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *