Tin trong nước

GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN “CHUI”

Tiêu đề GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ KẾ TOÁN “CHUI” Ngày đăng 2017-12-11
Tác giả Admin Lượt xem 1152

Nhu cầu về dịch vụ kế toán, kiểm toán rất lớn trong khi nguồn cung cho các doanh nghiệp còn quá ít, trong khi đó, luật pháp và kỷ cương chưa nghiêm, dẫn đến việc nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ kế toán “chui”, tức là không đủ điều kiện hành nghề và không đăng ký với nhà nước, không được Bộ Tài chính công nhận đã nở rộ như “nấm sau mưa”, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường dịch vụ kế toán.

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với ông Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (Chi Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam) xung quanh vấn đề này.


                   PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
                                                       Chủ tịch Hội Kế toán hành nghề Việt Nam

Ông Thanh cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã hình thành rất nhiều các DN theo các hình thức sở hữu và loại hình khác nhau trong đó có DNTN, TNHH, cổ phần… Tính đến thời điểm này, mặc dù chúng ta có khoảng gần 700 nghìn DN, nhưng phần lớn là các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ.

Các DNNVV hoạt động kinh doanh trong nhiều ngành nghề , trên nhiều lĩnh vực và đều phải đáp ứng nhu cầu của nhà nước, của pháp luật về vấn đề thông tin kinh tế tài chính, công khai minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật của nhà nước. Trong điều kiện ấy thì thị trường dịch vụ về tài chính kế toán bắt đầu xuất hiện. Các thị trường này hỗ trợ các DNNVV cung cấp dịch vụ cần thiết trong đó có dịch vụ tài chính kế toán, bên cạnh là các dịch vụ pháp lý, xuất nhập khẩu, thuế…

Ưu điểm lớn nhất của dịch vụ này là tính chuyên nghiệp, đảm bảo độ tin cậy, chi phí thấp và hợp lý, điều đó làm DN yên tâm hơn khi thực hiện nghĩa vụ về kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính, thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin tài chính, kê khai thuế, nộp thuế cho nhà nước…

Theo ông, dịch vụ kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đã hỗ trợ thế nào cho DN?

Với dịch vụ này, DN có thể thực hiện đầy đủ và bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời thời giúp giảm thiểu tối đa chi phí cho DN. Bởi nếu là kế toán phải tuyển dụng, bó trí người làm kế toán, tổ chức bộ máy kế toán thì rất tốn kém chi phí về tiền lương tiền công, nhiều nghĩa vụ khác đối với người lao động và cũng rất dễ bị rủi ro, bị phạt do những sai sót của kế toán không chuyên nghiệp . Trong khi đó, nếu thuê dịch vụ và được các công ty chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ thì chất lượng thông tin sẽ cao hơn, tin cậy hơn, với dịch vụ chuyên nghiệp hơn và với chi phí hợp lý hơn, giảm thiểu tối đa rủi ro và tiết kiệm chi phí cho DN.

Điều này cũng có lợi cho nhà nước, các cơ quan thuế bởi công tác kế toán, lập báo cáo tài chính của DN được rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, minh bạch hơn thuận tiện cho việc quản lý của nhà nước cũng như thuận tiện cho việc kiểm tra, xác định số thuế phải nộp của các DN dù là nộp thuế theo phương pháp nào (khoán, hay tính toán trên cơ sở chi phí thu nhập thực tế ).

Tuy nhiên với số lượng DN quá lớn tại Việt Nam, có vẻ như số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ này vẫn còn hạn chế, thưa ông?

Đúng vậy, số lượng kế toán viên hành nghề và công ty cung cấp dịch vụ kế toán còn quá ít so với nhu cầu của xã hội. Theo số liệu thống kê chúng ta có khoảng gần 700 nghìn DN trong đó có tới 90% là các DNNVV. Hiện tại, số lượng kế toán viên và các công ty vẫn chưa thỏa mãn, chưa đáp ứng nhu cầu. Số DN chủ yếu tập trung vào một số TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, còn các tỉnh khác hiện chưa có hoặc có rất ít dịch vụ kế toán chuyên nghiệp cung cấp cho DN.

Bên cạnh số lượng còn hạn chế thì chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của DN ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh vì nền kinh tế có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt nhiều DN kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực, họ không chỉ kinh doanh ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp mà kinh doanh cả thương mại và dịch vụ, hay nhiều loại hình kinh doanh mới liên quan đến thị trường tài chính, thị trường vốn, chứng khoán, lĩnh vực đời sống, văn hóa xã hội, y tế giáo dục…

Những loại hình này có đặc thù riêng và thực hiện công tác kế toán tư vấn cho họ cần phải có chuyên gia hiểu sâu về từng loại hình, trong khi chất lượng của các nhà kế toán hành nghề cũng như công ty cung cấp dịch vụ của chúng ta lại chưa sẵn sang, chưa đủ năng lực để cung cấp cho mọi loại hình kinh doanh, trong đó có nhiều loại hình mới xuất hiện trong kinh tế thị trường.

Đặc biệt, cơ chế, chính sách của nhà nước chưa thật ổn định, luôn thay đổi, trong đó có chính sách tài chính, kế toán, thuế, vì vậy, cái DN cần đó là đáp ứng yêu cầu rất cụ thể, rất trực tiếp của DN mà năng lực của các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong chừng mực nào đó vẫn chưa theo kịp các thay đổi của nền kinh tế và yêu cầu rất đa dạng của các doanh nghiệp.

Vậy, đây có phải là lý do khiến các cá nhân, tổ chức hành nghề kế toán, kiểm toán không hợp pháp (chưa được Nhà nước thừa nhận) mọc lên như nấm sau mưa, thưa ông?

Có thể nói, Luật Kế toán 2015 đưa ra điều kiện hành nghề, điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán rất chặt chẽ. Đó là điều cần thiết , nhưng hơi ngặt nghèo đối với các công ty dịch vụ, cá kế toán viên hành nghề trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường dịch vụ kế toán còn rất non trẻ, như các quy định về vốn, về số lượng kế toán viên có chứng chỉ hành nghề . Hơn nữa việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ kế toán viên do Bộ Tài chính đảm nhiệm còn khó khăn cho những người muốn cung cấp dịch vụ kế toán, kể cả những người đã có hàng chục năm làm kế toán, làm kế toán trưởng… Trong điều kiện hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện và không thể đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán và vì vậy chấp nhận hoạt động không chính thức .

Hiện tại có một lực lượng không nhỏ đang hành nghề không chính thức, trong đó có không ít người có chuyên môn, có thâm niên công tác, đã từng làm kế toán trưởng, là cán bộ quản lý tài chính, quản lý thuế. Họ được đào tạo cơ bản và quan trọng là họ hiểu nhu cầu doanh nghiệp và có những mối quan hệ thuận lợi trong công việc . Vì vậy họ đã thực hiện cung cấp dịch vụ khi các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có nhu cầu. Đó là một thực tế , Theo tôi biết, hiện nay ở nhiều địa phương có hàng chục người hành nghề kế toán không chính thức. Họ cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp bằng chính công sức của họ và nhân lực trong gia đình, sãn sàng làm mọi công việc kế toán khi DN yêu cầu với giá phí rất thấp vì họ không mất chi phí thành lập DN, chi phí đăng ký, chi phí quản lý, và không chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Chính điều này đã dẫn đến thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán không được lành mạnh, đan xen giữa DN, công ty, giữa các cá nhân hành nghề có đăng ký chịu sự quản lý của bộ tài chính và những cá nhân hành nghề, hộ gia đình không chịu sự quản lý của các cơ quan Nhà nước Bộ tài chính, Hội nghề nghiệp, nên không thể có căn cứ để đánh giá chất lượng dịch vụ của các tổ chức cá nhân đó, và nhiều trường hợp đã để lại rủi ro rất lớn cho khách hàng.

Để hạn chế tình trạng này, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

Theo tôi, Nhà nước cần phải nhận ra lợi ích của việc cung cấp dịch vụ kế toán kiểm toán cho các DN, thấy được các nhu cầu tất yếu của nền kinh tế cần sự hỗ trợ giúp đỡ của các chuyên gia kế toán chuyên nghiệp. Điều đó không chỉ giúp DN có lợi về minh bạch thông tin mà còn giảm thiểu tối đa chi phí khi họ tuyển dụng và khắc phục rủi ro.

Về lâu dài cần phải đưa thị trường dịch vụ kế toán vào kỷ cương, nề nếp. Cần hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng cung cấp dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán không chính thức. Nhưng trước mắt, cần phải có một giai đoạn quá độ để khi chúng ta đưa vào một thị trường thật chính quy tức là đưa ra điều kiện hành nghề, điều kiện để DN tổ chức kinh doanh dịch vụ này một cách chính quy, từ đó các đối tượng mới chịu sự quản lý của nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp, và chỉ có thông qua sự quản lý của nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp thì chúng ta mới có thể kiểm soát được sự hành nghề, chất lượng dịch vụ, chất lượng thông tin kế toán tài chính do các tổ chức, cá nhân tạo ra.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải tăng cường hơn nữa kiểm tra, có chế tài kiên quyết rất cụ thể đối với những cá nhân tổ chức hành nghề không đăng ký hoặc hành nghề không đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên là Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam với tư cách là tổ chức nghề nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lý các đối tượng này. Tuy nhiên Hội chỉ tham gia quản lý chứ không thể sử dụng các chế tài mang tính pháp lý. Nhà nước cần chuyển giao cho Hội quyền năng đầy đủ trong việc đăng ký, quản lý và kiểm soát hành nghề cũng như kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp kế toán. Đây cũng là một thông lệ quốc tế trong nền kinh tế thị trường..

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần có chiến lược, chủ trương và giải pháp để tăng cường quảng bá, quan trọng hơn là đưa ra những quy định tạo điều kiện cho những kế toán kiểm toán đang hành nghề không hợp pháp có thể đăng ký và chịu sự quản lý của Bộ Tài chính và tổ chức nghề nghiệp, có như vậy mới tạo lòng tin được cho các nhà DN.

Đặc biệt, cần phải đổi mới công tác đào tạo, thi cấp chứng chỉ kế toán viên của Việt Nam. Xây dựng chuẩn đào tạo nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế. Đồng thời tăng cường bồi dữơng thường xuyên, bồi dưỡng cập nhập kiến thức, phát triển nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng cho các kế toán viên. Xây dựng và phát triển đội ngũ kế toán viên chuyên nghiệp theo chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế. Với một đất nước hơn 90 triệu dân, gần 1 triêu doanh nghiệp mà hiện nay toàn bộ ké toán viên và kiểm soát hành nghề mới chỉ chiếm chưa được 1% tổng dân số là quá ít và quá mỏng trong bối cảnh mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán.

Với vai trò là người đứng đầu Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, ông có kiến nghị gì giúp thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán được phát triển lành mạnh hơn?

Trong điều kiện đang có một thị trường cung cấp dịch vụ kế toán kiểm toán không chính thức như vậy mà yêu cầu của thị trường lớn thì nhà nước phải có biện pháp quyết liệt từ nhiều phía.

Thứ nhất, phải tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và có thái đọ dứt khoát với cá nhân, tổ chức đang cung cấp dịch vụ kế toán không chính thức, siết chặt kỷ cương kỷ luật với loại hình dịch vụ này.

Thứ hai, trước mắt nên giảm nhẹ một số điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ kế toán. Bộ Tài chính sớm triển khai ngay việc hướng dẫn kinh doanh dịch vụ kế toán cho hộ kế toán. Hộ cung cấp dịch vụ đăng ký như thế nào, hành nghề ra sao? Nếu có đầy đủ điều kiện nhưng không muốn thành lập công ty mà muốn hoạt động tại nhà thì phải làm thế nào? Nếu có những hướng dẫn cụ thể, dần dần chúng ta sẽ đưa được những cá nhân, tổ chức không chính thức, tạo điều kiện giúp họ được chính thức hoạt động, đảm bảo lợi ích của cả người cung cấp dịch vụ và lợi ích của doanh nghiệp.

Phải làm sao quản lý bằng cách đưa họ vào quỹ đạo, siết chặt kỷ cương. Nếu làm tốt được hai điều này tôi tin rằng những người hành nghề kế toán tự do họ cũng muốn được hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán một cách chính thức, có cơ hội được sự hỗ trợ từ nhà nước và tổ chức nghề nghiệp về cập nhật kiến thức, về kiểm soát chất lượng dịch vụ…

Hiện nay, để có được chứng chỉ kế toán viên thì phải thi 4 môn. Bộ Tài chính chủ trì tổ chức cuộc thi này mỗi năm một 1 kỳ thi. Nên đổi mới toàn bộ công tác đào tạo và tổ chức thi. Người dự thi cần được đào tạo theo chương trình chuẩn với kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiêp. Không nên chỉ thi mà không đào tạo. Hạn chế các đề thi mang nặng tính lý thuyết. Tạo điều kiện tối đa cho những người đã có nhiều năm công tác thực tế, đã kinh qua nhiều vị trí công tác tài chính kế toán có thề được đào tạo nâng cao và thi được chứng chỉ kế toán viên,

Chúng tôi đang kiến nghị phải xây dựng chuẩn đạo tạo nghề nghiệp kế toán, thiết kế lại toàn bộ chương trình đào tạo thi kế toán viên, kiểm toán viên. Thay đổi cách thi, tăng cường kiến thức tổng hợp, kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp thông qua việc xử lý các tình huống trong bài thi. Cần xây dựng đội ngũ kế toán viên hành nghề là những người làm kế toán kiểm toán có kinh nghiệm, có năng lực trong thực tế .

– Xin cảm ơn ông!

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *