Hoạt động hội

HIỆP HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIỆT NAM – Triển khai Chiến lược Kế toán và Kiểm toán đến năm 2030

Tiêu đề HIỆP HỘI KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIỆT NAM – Triển khai Chiến lược Kế toán và Kiểm toán đến năm 2030 Ngày đăng 2022-07-22
Tác giả Admin Lượt xem 1420

      Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 363 QD-TTg ngày 23/5/2022 về việc “Phê duyệt Chiến lược Kế toán – Kiểm toán đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, đây là một trong các chiến lược nhánh của Chiến lược Tài chính đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022.

      Chiến lược đã khẳng định, Kế toán – Kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng, có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế – tài chính – ngân sách, đáp ứng yêu cầu cho công tác điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán – kiểm toán theo hướng công khai, minh bạch, phản ánh trung thực, đầy đủ các thông tin, số liệu kinh tế – tài chính trong nền kinh tế quốc dân.

Từ khóa: chiến lược, kế toán, kiểm toán.


Mục tiêu của Chiến lược 

      Nhằm hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán – kiểm toán đảm bảo chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hệ thống chuẩn mực kế toán – kiểm toán, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.

      Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán – kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực.

      Qua đó, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin kinh tế – tài chính – ngân sách ngày càng công khai, minh bạch, phản ánh trung thực các thông tin, số liệu kinh tế – tài chính trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và ra quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức khác.

     Tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán – kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới.

Các mục tiêu cụ thể:

Bao gồm:

– Hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán – kiểm toán.

– Ban hành, công bố và cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán.

– Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán – kiểm toán.

– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán.

– Phát triển các tổ chức nghề nghiệp về kế toán – kiểm toán.

– Tăng cường hội nhập quốc tế về kế toán – kiểm toán.

– Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Nhiệm vụ và giải pháp           

     Để thực hiện những mục tiêu trên thì “Chiến lược phát triển kế toán – kiểm toán Việt Nam đến năm 2030” sẽ phải đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai:

    Trước hết, cần rà soát, đánh giá luật kế toán, kiểm toán hiện hành, chỉnh sửa bổ sung hoặc ban hành mới luật kế toán, luật kiểm toán độc lập. Đồng thời, xây dựng và luật hóa, tiêu chuẩn hóa các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng, đối với dịch vụ kế toán – kiểm toán. Cần ban hành quy định các chế tài xử lý vi phạm, đảm bảo tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý hoạt động kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính, việc chấp hành pháp luật kế toán – kiểm toán đảm bảo, đồng bộ, đầy đủ, thống nhất giữa các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. 

   Thứ hai, cần soạn thảo, ban hành và tổ chức thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam tiếp cận với thông lệ, nguyên tắc quốc tế và phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam, từng bước thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán hiện hành của Việt Nam, ban hành từ những năm 2000.

   Ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức công tác kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam.

   Soạn thảo và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách, phù hợp trình độ năng lực quản lý tài chính công và ngân sách Nhà nước của Việt Nam.

    Cập nhật, ban hành mới và triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực kiểm toán độc lập và các chuẩn mực nghề nghiệp khác phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tế và điều kiện của Việt Nam. 

    Thứ ba, tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán – kiểm toán và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán – kiểm toán.

    Thứ tư, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán; quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán – kiểm toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

    Đổi mới phương thức học, tổ chức thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên, đảm bảo các kiến thức và kỹ năng theo đúng yêu cầu, thông lệ quốc tế, đảm bảo các điều kiện công nhận lẫn nhau trong khu vực và trên thế giới.

    Nâng cao ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên, kiểm toán viên thông qua việc đổi mới quy định về nội dung, hình thức đào tạo, cập nhật kiến thức.

    Quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế. Đổi mới nội dung, hình thức và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kế toán trưởng. Xây dựng nội dung, chương trình cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho kế toán trưởng, của các đơn vị có lợi ích công chúng. Có giải pháp hỗ trợ, để nâng cao trình độ và hoạt động nghiệp vụ của đội ngũ kế toán làm việc trong các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ năm, tăng cường mối quan hệ, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán – kiểm toán và các tổ chức phi Chính phủ, trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán – kiểm toán. Hỗ trợ kỹ thuật đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán – kiểm toán cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác.

Thứ sáu, ứng dụng hiệu quả thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0, thành tựu phát triển của công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của quá trình số hóa và chuyển đổi số trong hoạt động kế toán – kiểm toán tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị kế toán. Xây dựng và vận hành kế toán số, kiểm toán số, trong nền kinh tế số, nền tài chính số và hành chính số ở Việt Nam.

Thứ bảy, tổ chức bộ máy kế toán tài chính tại các đơn vị kế toán Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp yêu cầu mới, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng việc lập và trình bày báo cáo tài chính Nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị, trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản và nguồn lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Thứ tám, phát triển các hội nghề nghiệp, chiến lược yêu cầu sớm ban hành các quy định pháp lý liên quan đến trách nhiệm hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp kế toán – kiểm toán. Xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Thu hút đông đảo hội viên tham gia. Tổ chức nghề nghiệp kế toán – kiểm toán cần nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên, kiểm toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, cho người hành nghề kế toán – kiểm toán.

Chiến lược cũng nhấn mạnh chủ trương và công việc đã thực hiện từ năm 2005 là, nghiên cứu để chuyển giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp với pháp luật và năng lực của hội nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ổn định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tổ chức nghề nghiệp cần mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy hội nhập kế toán – kiểm toán.

Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, của những người làm kế toán, kiểm toán trong cả nước, đã có gần 30 năm hoạt động. Hiệp hội đã tập hợp đông đảo những người làm kế toán – kiểm toán, tham gia tích cực, có hiệu quả phát triển kế toán – kiểm toán Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Hiệp hội là thành viên chính thức của VUSTA, của IFAC, của AFA.

Hiệp hội đã tham gia tích cực và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ Việt Nam và sự phát triển nghề nghiệp trong khu vực, trên thế giới.

Hiệp hội cần làm tốt vai trò của tổ chức nghề nghiệp, trong việc triển khai các nhiệm vụ của chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030, có tầm nhìn đến năm 2045.

Hiệp hội đóng vai trò tích cực nâng cao chất lượng thông tin của từng đơn vị kế toán, đồng thời tạo lập đầy đủ hệ thống thông tin kế toán – kiểm toán trong phạm vi toàn quốc, về từng lĩnh vực cụ thể.

Giai đoạn 2021 – 2030, bối cảnh kinh tế xã hội đặt ra các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ mới. Cùng với các mục tiêu chung của nền kinh tế xã hội, các mục tiêu của lĩnh vực tài chính, ngân sách cũng đặt ra như: cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; quản lý nợ công; cải cách về tổ chức bộ máy; áp dụng các thông lệ quốc tế phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Đây là cơ hội và thách thức cho kế toán – kiểm toán, đòi hỏi phải nắm bắt cơ hội để đạt mục tiêu của chiến lược.

Tài liệu tham khảo

  1. Chính phủ,“Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030”, Quyết định 3658 QĐ-TTg ngày 21/03/2022.
  2. Chính phủ,“Chiến lược phát triển kế toán kiểm toán đến năm 2030”, Quyết định số 6533/QĐ-TTg ngày 23/5/2022.
  3. Bộ Tài chính,“Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) – Xu hướng toàn cầu của ngành Kế toán, Kiểm toán – Chiến lược của Việt Nam đến 2020”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế.
  4. Bộ Tài chính, (2020),“Đề án và lộ trình triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ở Việt Nam.
  5. The Association of Chartered Certified Accountants, (2017), Professional accountant – The future (Generation next): Ethics and trust in a digital age.
  6. Vũ Đình Ánh, “Tài chính và Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Học viện Tài chính.
  7. Viện Chiến lược, Bộ Tài chính, (2017), Kỷ yếu Hội thảo.
  8. TS. Nguyễn Ngọc Mỹ, (2018),“Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Những vấn đề đặt ra với kinh tế Việt Nam và kế toán, kiểm toán”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Đại học Quy nhơn.
  9. TS. Đặng Văn Thanh, (2018),“Hệ thống tài chính Việt Nam trong công nghệ kỹ thuật số và sự hòa nhập, hội tụ quốc tế”, Diễn đàn Tài chính Việt Nam.
  10. TS. Đặng Văn Thanh, (2019),“Tương lai và triển vọng kế toán Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế.
  11. TS. Đặng Văn Thanh, (2020), “Kế toán Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0”, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán”.
  12. TS. Đặng Văn Thanh, (2018), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, “Trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp trong triển khai IFRS”, NXB Tài chính.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *