Nghiên cứu trao đổi

Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam

Tiêu đề Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam Ngày đăng 2015-11-25
Tác giả Admin Lượt xem 1498

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế tại các DN giấy xin nêu một số giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị  (KTQT) chi phí tại các DN như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện việc phân loại chi phí
Phân loại chi phí là công việc đầu tiên, đặt nền móng cho sự vận hành của hệ thống KTQT chi phí tại các DN. Để có thể xây dựng định mức, lập dự toán chi phí, kiểm soát và đánh giá hiệu quả sử dụng chi phí thì điều kiện tiên quyết là phải có sự hiểu biết sâu sắc về chi phí của đơn vị. Các cách phân loại chi phí mà các DN giấy đang thực hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của kế toán tài chính, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ quản trị nội bộ DN. Vì vậy, các DN giấy cần kết hợp tiến hành phân loại chi phí theo mối quan hệ của chi phí với mức độ hoạt động (theo cách ứng xử của chi phí) nhằm đáp ứng được yêu cầu thông tin phục vụ quản trị DN. Theo cách phân loại này, toàn bộ chi phí của các DN giấy dựa trên nhiều nguồn phát sinh chi phí sẽ được phân loại thành chi phí biến đổi, chi phí cố định và chi phí hỗn hợp.

Thứ hai, hoàn thiện việc xây dựng định mức và lập dự toán chi phí
Thực trạng xây dựng định mức và lập dự toán chi phí tại các DN giấy khảo sát cho thấy mặc dù công tác này đã được thực hiện khá chi tiết cho từng yếu tố chi phí song chưa bài bản, khoa học và chưa thực sự giúp nhà quản lý kiểm soát chi phí hữu hiệu cũng như điều hành hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. Do vậy, để giúp các DN khắc phục những hạn chế trên, đề xuất việc xây dựng định mức và lập dự toán chi phí cần thực hiện cho từng khoản mục theo chức năng hoạt động của chi phí. 
Thứ ba, hoàn thiện phương pháp xác định chi phí sản xuất (CPSX) 
Các DN giấy khảo sát đều mới chỉ áp dụng các phương pháp truyền thống trong việc xác định CPSX. Về việc lựa chọn đối tượng tập hợp chi phí tại các DN giấy là theo phân xưởng/nơi sản xuất và sản phẩm sản xuất tại từng phân xưởng/nơi sản xuất. Về mặt kỹ thuật phân bổ CPSX chung, các DN giấy thường sử dụng tiêu thức phân bổ liên quan đến sản lượng sản xuất như chi phí NVL trực tiếp. Thực tế cho thấy, chi phí phát sinh ở nhiều hoạt động khác nhau trong quá trình sản xuất, nhưng lại tập hợp chung, sau đó phân bổ theo một tiêu thức thì không chính xác cho các đối tượng chịu chi phí. Mặt khác, CPSX chung bao gồm nhiều nội dung khác nhau, mỗi nội dung phát sinh có đặc điểm khác nhau, có những thành phần không liên quan tới sản lượng sản xuất như chi phí cho hoạt động tổ chức điều hành sản xuất. Do vậy, nếu áp dụng tiêu thức sản lượng sản xuất để phân bổ mọi thành phần CPSX chung sẽ dẫn đến kết quả phản ánh không chính xác, ảnh hưởng đến quyết định của quản trị DN. Để khắc phục hạn chế này, các DN giấy có thể nghiên cứu áp dụng phương pháp xác định chi phí theo mức độ hoạt động (Phương pháp ABC). 
Thứ tư, hoàn thiện việc phân tích chi phí
Kiểm soát chi phí là hoạt động thiết yếu cho bất kỳ DN nào. Hiểu được các loại chi phí, các nhân tố ảnh hưởng đến chi phí, chúng ta có thể kiểm soát được chi phí, từ đó có thể tiết kiệm chi phí, vấn đề chi tiêu sẽ hiệu quả hơn và sau cùng là tăng lợi nhuận hoạt động của DN.
Qua khảo sát tại các DN giấy, nhận thấy các DN chỉ thực hiện việc phân tích chi phí đối với yếu tố chi phí NVL. Đối với các yếu tố chi phí khác đều chưa được các DN giấy phân tích biến động chi phí. Mặt khác, do công tác xây dựng định mức và lập dự toán chi phí không thực hiện theo từng khoản mục CPSX một cách riêng biệt nên việc phân tích biến động chi phí theo khoản mục cũng không được thực hiện. Điều này khiến cho hiệu quả phân tích và chất lượng thông tin phân tích về biến động chi phí bị hạn chế đáng kể. Để khắc phục hạn chế này, các DN sản xuất giấy thực hiện phân tích biến động chi phí theo từng khoản mục và phân tích mối quan hệ Chi phí – Khối lượng – Lợi nhuận để phục vụ thông tin ra các quyết định ngắn hạn như: Quyết định loại bỏ hay tiếp tục kinh doanh một bộ phận; Quyết định nên tự sản xuất hay mua ngoài; Quyết định kinh doanh trong điều kiện nguồn lực hạn chế,…
Kết luận
Để có thể tồn tại và đứng vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất giấy tại Việt Nam phải tự tìm ra cho mình hướng đi đúng đắn nhất trên cơ sở khai thác tối đa nguồn lực hiện có, tận dụng triệt để những lợi thế tiềm năng của mình để đạt được hiệu quả cao nhất, trong đó việc thực hiện các giải pháp hoàn thiện KTQT chi phí là vấn đề có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với đặc điểm hoạt động của các DN và đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhà quản lý. Cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp nhằm giúp nhà quản trị chủ động kiểm soát tình hình hoạt động của DN và đưa ra các quyết định kinh doanh hợp lý, đúng đắn./.

Tài liệu tham khảo

1. Vương Đình Huệ, Đoàn Xuân Tiên (1999), KTQT, 
2. Meiklejohn Paul (2012), Phân bổ chi phí theo hoạt động để nâng cao hiệu quả quản lý
3. Nguyễn Ngọc Quang (2011), KTQT DN. 

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *