Nghiên cứu trao đổi

Nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty TNHH Thanh Khôi

Tiêu đề Nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty TNHH Thanh Khôi Ngày đăng 2024-03-01
Tác giả Admin Lượt xem 979

ThS. Huỳnh Thị Cẩm Thơ* – ThS. Trương Văn Sang*

         Nguyễn Thị Thảo Quyên* –  Nguyễn Thị Tuệ Minh*

        Đặng Nguyễn Duy Khánh*

(* Khoa Kế toán – Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Tây Đô).

Nhận:             05/12/2023

Biên tập:        06/12/2023

Duyệt đăng:   25/12/2023

Tóm tắt

Đề tài nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) tại Công ty TNHH Thanh Khôi. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập, từ việc phỏng vấn trực tiếp 158 cán bộ làm việc tại Công ty TNHH Thanh Khôi. Các phương pháp nghiên cứu, như: thống kê mô tả, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy đa biến được sử dụng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, các yếu tố có ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB lần lượt là: thông tin và truyền thông với hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa là 0,361, đánh giá rủi ro với hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa là 0,235, hoạt động kiểm soát với hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa là 0,235, giám sát với hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa là 0,193 và môi trường kiểm soát với hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa là 0,173. Từ đó, đề xuất một số hàm ý quản trị, để hoàn thiện hơn nữa hệ thống KSNB và đạt được tính hữu hiệu một cách tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Từ khóa: Công ty TNHH Thanh Khôi, kiểm soát nội bộ, phân tích hồi quy, nhân tố, tính hữu hiệu.

Abstract

The study aimed at identifying the factors affecting the effectiveness of the internal control system at Thanh Khoi Co., Ltd. The data used in the analysis was collected from direct interviews with 158 staff working at Thanh Khoi Co., Ltd. Research methods include descriptive statistics, Cronbach’s Alpha test, exploratory factor analysis (EFA) and linear regression analysis. Results showed that there were factors affecting the efficiency of the internal control system such as: information and communication with unstandardized coefficients is 0,361, risk assessment with unstandardized coefficients is 0,235, control activities with unstandardized coefficients is 0,235, monitoring with unstandardized coefficients is 0,193 and control environment with unstandardized coefficients is 0,173. Based on the research’s findings, management implications to improve the internal control system and achieve the best effectiveness for the company’s business activities.

Keywords: effectiveness, factors, internal control system, linear regression analysis Thanh Khoi limited company.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.12202307

  1. Giới thiệu

Trên thế giới, KSNB đã tồn tại từ rất lâu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những nhà quản lý kinh tế trên khắp thế giới đã tiến hành đánh giá lại mô hình và nhận thấy vai trò quan trọng của KSNB trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của DN. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày nay, cạnh tranh và rủi ro ngày càng gia tăng có ảnh hưởng lớn đến khả năng đạt được các mục tiêu của DN. Vì vậy, các DN tại Việt Nam, đặc biệt là những DN lớn đang tập trung vào việc xây dựng hệ thống KSNB cho đơn vị của mình. Xây dựng và áp dụng KSNB một cách hiệu quả là một nhiệm vụ quan trọng, vì một hệ thống KSNB hữu hiệu và hiệu quả, sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro, đạt được các mục tiêu quan trọng và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Dưới góc độ các nhà quản lý và nhà nghiên cứu KSNB, có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Một định nghĩa phổ biến được chấp nhận là định nghĩa của COSO. Theo Báo cáo COSO (2013): “KSNB là quá trình ảnh hưởng bởi ban giám đốc, nhà quản lý và các cá nhân của tổ chức được thiết kế nhằm cung cấp sự đảm bảo hợp lý cho việc đạt được các mục tiêu”, đây là một định nghĩa rộng và mang tính quản trị. Trong đó, KSNB không chỉ liên quan đến báo cáo tài chính mà còn mở rộng ra các lĩnh vực hoạt động và tuân thủ.

Theo Luật Kế toán 2015: “KSNB là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra”.

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều DN nhỏ không chú trọng đến việc xây dựng hệ thống KSNB cho đơn vị của mình. Quy trình quản lý của nhiều công ty vẫn còn lỏng lẻo và phụ thuộc nhiều vào niềm tin cá nhân. Nhiều công ty không xây dựng hệ thống KSNB hoặc xây dựng nhưng không áp dụng được các biện pháp KSNB trong DN. Điều này khiến cho các DN nhỏ vốn đã hạn chế về mặt cạnh tranh, phải đối mặt với nhiều rủi ro đe dọa hoạt động và phát triển của mình. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN luôn đối mặt với những rủi ro hiện hữu và tiềm tàng, có nguồn gốc từ bên trong hoặc từ các yếu tố bên ngoài. Hệ thống KSNB được coi là một công cụ hữu hiệu cho các nhà quản lý nhằm đạt được các mục tiêu thông qua việc kiểm soát, ngăn chặn và phát hiện hành vi thiếu trung thực và gian lận trong DN. Vì vậy, đề tài: “Các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi” đã được thực hiện. Dựa vào kết quả nghiên cứu, để đưa ra một số hàm ý quản trị nhằm hoàn thiện và nâng cao hệ thống KSNB trong DN.

  1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Kiểm soát là quyền chi phối các chính sách tài chính và chính sách hoạt động của đơn vị, nhằm thu được lợi ích từ các hoạt động của đơn vị đó (thuật ngữ được định nghĩa trong 21 Chuẩn mực Kế toán Công quốc tế (IPSAS) trên cơ sở dồn tích, trong bản phát hành ngày 31/12/2003).

Theo Jones and George (2003), kiểm soát là quá trình nhà quản lý giám sát và điều tiết tính hiệu quả và hiệu lực của một tổ chức và các thành viên trong việc thực hiện các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức. Ở đây, kiểm soát là một chuỗi các hoạt động hiện diện ở mọi bộ phận trong DN và quá trình kiểm soát là phương tiện nhằm giúp cho DN đạt được các mục tiêu của mình.

Theo Chuẩn mực Kiểm toán số 315 (VSA 315) được ban hành theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC có hiệu lực từ 01/01/2014, hệ thống KSNB được định nghĩa là: “Quy trình do ban quản trị, ban giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo được sự đảm bảo hợp lý về khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính (BCTC) và đảm bảo tính hữu hiệu trong hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan”.

Dưới góc độ các nhà quản lý, quá trình nhận thức và nghiên cứu KSNB đã dẫn đến sự hình thành nhiều định nghĩa khác nhau. Hiện nay, định nghĩa được chấp nhận rộng rãi là định nghĩa của COSO.

Báo cáo COSO (2013) có một tầm nhìn rộng và mang tính quản trị, trong đó KSNB không chỉ còn là một vấn đề liên quan đến BCTC mà được mở rộng ra cho các lĩnh vực hoạt động và tuân thủ: (1) KSNB là một quá trình. KSNB bao gồm một chuỗi hoạt động kiểm soát hiện diện ở mọi bộ phận trong đơn vị và được kết hợp với nhau thành một thể thống nhất. Quá trình kiểm soát là phương tiện để giúp cho đơn vị đạt được các mục tiêu của mình; (2) KSNB được thiết kế và vận hành bởi con người. Do đó, KSNB không chỉ là đơn thuần là những chính sách, thủ tục và biểu mẫu,… mà chủ yếu do những con người trong tổ chức như hội đồng quản trị, ban giám đốc và các nhân viên thực thi; (3) KSNB cung cấp một sự đảm bảo hợp lý, chứ không phải đảm bảo tuyệt đối các mục tiêu sẽ đạt được. Vì khi vận hành hệ thống kiểm soát, những yếu kém có thể xảy ra do các sai lầm của con người,… nên dẫn đến không đạt được các mục tiêu. KSNB có thể ngăn ngừa và phát hiện những sai phạm nhưng không thể đảm bảo là chúng không xảy ra. Hơn nữa, một nguyên tắc cơ bản trong việc đưa ra quyết định quản lý là chi phí cho quá trình kiểm soát không thể vượt quá lợi ích mong đợi từ quá trình kiểm soát đó. Do đó, tuy người quản lý có thể nhận thức đầy đủ về các rủi ro. Thế nhưng, nếu chi phí cho quá trình kiểm soát quá cao thì họ vẫn không áp dụng các thủ tục để kiểm soát rủi ro.

2.2. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

2.2.1. Mô hình nghiên cứu

Dựa trên lý thuyết của khung KSNB COSO (2013) và các kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đây, nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu, tại Hình 1.

2.2.2. Giả thiết nghiên cứu

– Môi trường kiểm soát: nghiên cứu của Ramos (2004) cho rằng: “Môi trường kiểm soát là nền tảng ý thức, là văn hóa của tổ chức, phản ánh sắc thái chung của một tổ chức, tác động đến ý thức kiểm soát của toàn bộ thành viên trong tổ chức. Môi trường kiểm soát là nền tảng cho yếu tố còn lại của hệ thống KSNB nhằm xây dựng những nguyên tắc và cơ cấu hoạt động phù hợp. Môi trường kiểm soát bao gồm nhận thức, thái độ và hành động của người quản lý trong đơn vị đối với kiểm soát và tầm quan trọng của kiểm soát. Môi trường kiểm soát có một ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thực hiện và kết quả của các thủ tục kiểm soát”.

Giả thuyết H1: Môi trường kiểm soát có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi.

Đánh giá rủi ro: là việc nhận dạng, phân tích và quản lý các rủi ro có thể đe dọa đến việc đạt được mục tiêu của tổ chức như: mục tiêu sản xuất, bán hàng, marketing, tài chính và các hoạt động khác, từ đó có thể quản trị được rủi ro” (Lannoye, 1999).

Khi thực hiện đánh giá rủi ro, các nhà quản lý tiến hành theo các bước: nhận dạng (xác định mục tiêu, thiết lập cơ chế nhận dạng rủi ro), đánh giá (thiệt hại, xác suất xảy ra), biện pháp (tăng kiểm soát, mua bảo hiểm, tăng tốc độ thu hồi vốn, không làm gì hết). Công tác phân tích, đánh giá rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn nên cần được thường xuyên tiến hành.

Giả thuyết H2: Đánh giá rủi ro có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi.

Hoạt động kiểm soát: theo nghiên cứu của Ramos (2004) và Kaplan (2008): “Hoạt động kiểm soát là tập hợp những chính sách, thủ tục kiểm soát để đảm bảo cho các chỉ thị của nhà quản lý được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu. Các chính sách và thủ tục này thúc đẩy các hoạt động cần thiết để giảm thiểu những rủi ro của DN và tạo điều kiện cho các mục tiêu đề ra được thực thi nghiêm túc, hiệu quả trong toàn DN. Hoạt động kiểm soát diễn ra trong toàn bộ tổ chức, ở mọi cấp độ và mọi hoạt động”.

Giả thuyết H3: Hoạt động kiểm soát có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi.

Thông tin và truyền thông: cần đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và kịp thời, khi thu thập và truyền đạt đến những đối tượng có nhu cầu sử dụng. Theo tác giả Dinapoli: “Một thông tin có thể được dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, như để lập BCTC, để xem xét việc tuân thủ pháp luật và các quy định, được dùng để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”. Đề cập đến truyền thông, tác giả này cho rằng: “Truyền thông là việc trao đổi và truyền đạt các thông tin cần thiết tới các bên có liên quan cả trong lẫn ngoài DN. Bản thân mỗi hệ thống thông tin đều có chức năng truyền thông. Có như vậy thì những thông tin đã được thu thập và xử lý mới có thể đến được với các đối tượng có nhu cầu, để giúp họ thực hiện được trách nhiệm của mình”. 

Giả thuyết H4: Thông tin và truyền thông có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi.

Giám sát: là bộ phận cuối cùng của hệ thống KSNB, là quá trình đánh giá chất lượng của hệ thống KSNB theo thời gian. Giám sát có một vai trò quan trọng, nó giúp KSNB luôn hoạt động hữu hiệu. Quá trình giám sát được thực hiện bởi những người có trách nhiệm nhằm đánh giá việc thiết lập và thực hiện các thủ tục kiểm soát” (Spinger, 2004).

Giả thuyết H5: Giám sát có tác động tích cực đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi.

  1. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Thu thập số liệu

Theo Tabachnick và Fidell (2007) thì quy mô mẫu có thể được xác định, theo công thức:

N > = 50 + 8m (N: cỡ mẫu; m: số biến độc lập).

Trong đề tài này, nghiên cứu gồm 5 biến độc lập thì cỡ mẫu tối thiểu là: 50 + 8 x 5 = 90 quan sát. Tác giả sẽ chọn kích thước mẫu đủ lớn, để thỏa mãn cả hai điều kiện trên là 100 quan sát. Để đảm bảo cỡ mẫu như mong muốn và loại trừ những câu trả lời không hợp lệ thì tác giả chọn khảo sát là 180 đối tượng, trong đó có 172 đối tượng phản hồi. Tuy nhiên, chỉ có 158 phiếu hợp lệ và được đưa vào phân tích.

3.2. Phương pháp phân tích

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phương pháp phân tích tần suất, kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và phân tích hồi quy đa biến. 

Mô hình hồi quy để kiểm định các giả thuyết nêu trên có dạng, như sau:

HH = B0 + B1MT + B2DG + B3HD + B4TT + B5GS + ui

Trong đó:

HH: tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi

B0: là hệ số tự do

B1 + B2,… B5: là hệ số hồi quy riêng phần

Biến MT: môi trường kiểm soát

Biến DG: đánh giá rủi ro

Biến HD: hoạt động kiểm soát

Biến TT: thông tin và truyền thông

Biến GS: giám sát

  1. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Mô tả mẫu nghiên cứu

Tổng số bảng câu hỏi được gửi đi là 180 bảng và thu hồi được 172 bảng câu hỏi, với tỷ lệ hồi đáp là 95,56%. Trong đó, có 14 bảng câu hỏi bị loại do đối tượng khảo sát bỏ trống và thông tin trả lời không đáng tin cậy. Như vậy, thông qua sàng lọc và loại bỏ những câu trả lời không đúng yêu cầu, dữ liệu còn 158 quan sát. Trong đó, kết quả thống kê theo giới tính có 80 đối tượng được khảo sát là nam chiếm 50,6%, 78 đối tượng được khảo sát là nữ chiếm 49,4%; theo chức vụ có 0,6% người được khảo sát là giám đốc; 0,6% là kế toán trưởng, 1,9% là nhân viên kế toán, 29,8% là nhân viên các phòng ban khác và 67,1% là công nhân sản xuất.  

4.2. Kiểm định hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha

Kết quả chạy kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha cho thấy, thang đo các yếu tố đạt yêu cầu về độ tin cậy, hệ số Cronbach’s Alpha đều > 0,6 và các hệ số tương quan biến – tổng của các thang đo đều > 0,3, đủ điều kiện (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008) (Xem bảng 1).

Bảng 1: Kết quả kiểm định thang đo

(Nguồn: Kết quả phân tích số liệu, 2022)

4.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis)

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy, chỉ số KMO của các biến độc lập là 0,743 > 0,5 điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Hệ số chi bình phương của kiểm định Bartlett’s đạt 1634,161, với mức ý nghĩa Sig = 0,000 < 0,05 cho thấy, dữ liệu dùng để phân tích EFA là hoàn toàn phù hợp và các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Trị số Eigenvalues là 1,236 > 1, tổng phương sai trích của 05 yếu tố đưa vào phân tích đạt 60,62% > 50% đạt yêu cầu và giải thích được 60,62% biến thiên của dữ liệu (Nguyễn Đình Thọ, 2011) (Xem bảng 2).

Bảng 2: Kết quả phân tích nhân tố khám phá cho các biến độc lập


(Nguồn: kết quả phân tích số liệu, 2022)

Phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến phụ thuộc

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy, chỉ số KMO của biến phụ thuộc là 0,636 > 0,5, điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Hệ số chi bình phương của kiểm định Bartlett’s đạt 95,258, với mức ý nghĩa Sig = 0,000 < 0,05 cho thấy, dữ liệu dùng để phân tích EFA là hoàn toàn phù hợp và các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Tổng phương sai trích đạt 64,34% > 50% cho thấy, thang đo “Tính hữu hiệu của hệ thống KSNB” đạt giá trị hội tụ.

4.4. Phân tích hồi quy

Kết quả nghiên cứu cho thấy, R2 điều chỉnh = 0,558, có nghĩa là các biến đưa vào mô hình giải thích được 55,8% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 44,2% là do sai số ngẫu nhiên hoặc các yếu tố khác chưa được đưa vào mô hình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, đại lượng thống kê Durbin – Watson (d) = 1,827, nằm trong khoảng từ 1 < d = 1,827 < 3, nên mô hình không có sự tự tương quan (Mai Văn Nam, 2008). Hệ số phóng đại phương sai của các biến trong mô hình đều < 2, nên không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra. Vì vậy, dữ liệu nghiên cứu được thu thập phù hợp với mô hình (Xem bảng 3).

Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy

(Nguồn: kết quả phân tích số liệu, 2022)

Sự tác động của các yếu tố đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB, như sau:

– “Thông tin và truyền thông” có tương quan thuận chiều đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Khi yếu tố Thông tin và truyền thông tăng 1 đơn vị, thì sẽ làm cho tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tăng thêm 0,361 đơn vị. Một môi trường kiểm soát tốt (sơ đồ tổ chức hợp lý, nhân viên có năng lực, xây dựng môi trường văn hóa, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp…), sẽ góp phần làm tăng tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Ramos (2004); (Đào Duy Huân và Dương Hồng Chiến, 2019).

– “Đánh giá rủi ro” có tương quan thuận chiều đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Khi nhân tố Đánh giá rủi ro tăng 1 đơn vị thì sẽ làm cho tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tăng thêm 0,235 đơn vị tương ứng. Đánh giá rủi ro được thực hiện tốt, sẽ giúp nâng cao tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Khi cạnh tranh ngày càng gay gắt và ẩn chứa nhiều rủi ro như hiện nay, thì việc thực hiện đánh giá rủi ro tốt đóng vai trò quan trọng giúp đơn vị hoàn thành các mục tiêu đã thiết lập. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu của Lannoye (1999); Dinapoli (2007); (Đào Duy Huân và Dương Hồng Chiến, 2019).

– “Hoạt động kiểm soát” có tương quan thuận chiều đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Khi nhân tố Hoạt động kiểm soát tăng 1 đơn vị thì sẽ làm cho tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tăng thêm 0,235 đơn vị tương ứng. Hoạt động kiểm soát nếu được tiến hành thường xuyên và hiệu quả sẽ làm gia tăng tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Ramos (2004); Kaplan (2008); (Đào Duy Huân và Dương Hồng Chiến, 2019).

– “Giám sát” có tương quan thuận chiều đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Khi nhân tố Giám sát tăng 1 đơn vị thì sẽ làm cho tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tăng thêm 0,193 đơn vị tương ứng. Việc tăng cường công tác giám sát bên trong và bên ngoài đối với hoạt động DN sẽ làm gia tăng tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu của Spinger (2004); (Đào Duy Huân và Dương Hồng Chiến, 2019).

– “Môi trường kiểm soát” có tác động thấp đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Khi nhân tố Môi trường kiểm soát tăng 1 đơn vị thì sẽ làm cho tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tăng thêm 0,173 đơn vị tương ứng. Việc tăng cường công tác giám sát bên trong và bên ngoài đối với hoạt động DN sẽ làm gia tăng tính hữu hiệu của hệ thống KSNB. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu của Spinger (2004); (Đào Duy Huân và Dương Hồng Chiến, 2019).

Như vậy, kết quả hồi quy cho thấy, tất cả các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 đều được chấp nhận.

  1. Kết luận và hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Từ cơ sở lý thuyết và nghiên cứu các nghiên cứu trong nước và ngoài nước về các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB tại Công ty TNHH Thanh Khôi.

Kết quả kiểm định đánh giá độ tin cậy của thang đo qua hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy, kết quả trích thang đo đạt độ tin cậy với 24 biến quan sát của 05 biến độc lập.

Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, các yếu tố có ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống KSNB lần lượt là: Thông tin và truyền thông có tác động mạnh nhất với hệ số B = 0,361; tiếp đến là yếu tố Đánh giá rủi ro và hoạt động kiểm soát đều có cùng hệ số B = 0,235; Giám sát với hệ số B = 0,193 và cuối cùng là yếu tố Môi trường kiểm soát với hệ số B = 0,173.

5.2. Hàm ý quản trị

Dưạ vào kết quả phân tích nghiên cứu đưa ra một số hàm ý quản trị, như sau:

Tăng cường hiệu quả thông tin và truyền thông

Thông tin và truyền thông cần được thực hiện xuyên suốt để mọi thành viên trong tổ chức đều kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ thị từ ban giám đốc, đồng thời báo cáo lên cấp trên những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình làm việc. Công khai minh bạch thông tin cho toàn đơn vị và các đối tượng bên ngoài. Đồng thời, thực hiện tốt việc truyền đạt thông tin và nhận thông tin phản hồi nhằm giúp cho việc kiểm soát hiệu quả và nâng cao uy tín của công ty. Nhà quản lý cần thiết lập kênh thông tin nóng, cho phép nhân viên báo cáo về các hành vi bất thường có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động DN.

Tăng cường hiệu quả đánh giá rủi ro

Rủi ro tác động đến đơn vị với nhiều phạm vi và mức độ khác nhau. Các nhà quản lý DN có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để nhận dạng rủi ro, chẳng hạn như: phân tích các dữ liệu quá khứ, đánh giá rủi ro với dữ liệu hiện tại, dự báo tương lai. Các nhà quản lý cũng nên thu thập thông tin từ các nhân viên trong đơn vị hoặc từ các đối tượng bên ngoài, thông qua trao đổi và tiếp xúc trực tiếp với họ. Cần giúp nhân viên nhận thức rõ tác hại của rủi ro, khuyến khích họ tham gia vào việc nhận diện, đánh giá các rủi ro hiện hữu hay tiềm ẩn. Nhà quản lý cũng cần thảo luận, bàn bạc nhằm xây dựng các phương án, kế hoạch và chương trình thực hiện để tác động của rủi ro nằm trong giới hạn có thể chấp nhận được.

Tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm soát

DN cần quy định thích hợp về trách nhiệm, quyền hạn ở từng cá nhân, bộ phận, phòng ban, tránh trường hợp một cá nhân hay bộ phận nào đó đảm nhận toàn bộ một quy trình nghiệp vụ mà cần phân chia hợp lý để các bộ phận khác cùng tham gia. Kiểm soát chứng từ: biểu mẫu chứng từ phải đầy đủ, rõ ràng; đánh số trước sau liên tục; việc lập chứng từ cần thực hiện kịp thời; luân chuyển chứng từ khoa học; chứng từ cần được bảo quản và lưu trữ an toàn. Kiểm soát sổ sách: hệ thống sổ sách được thiết kế phù hợp đặc điểm đơn vị; tiến hành ghi chép đầy đủ và phản ánh kịp thời các nghiệp vụ phát sinh vào sổ sách; lưu trữ và bảo quản sổ sách cẩn thận. Kiểm soát vật chất: thực hiện kiểm kê để xác định đúng số lượng và giá trị tài sản DN đang sở hữu. Hệ thống máy tính của mỗi phòng ban trong đơn vị cũng cần được gắn mã quản lý, lập mật khẩu và tiến hành kiểm kê định kỳ.

Tăng cường giám sát

Kiểm toán nội bộ cần được đào tạo các nghiệp vụ đặc thù, chuyên sâu ngành kiểm toán, kiểm tra tính đầy đủ của các thủ tục kiểm soát ở tất cả các khâu trong hoạt động của công ty. Khi có nghi ngờ về hành vi gian lận hoặc vi phạm về nội quy, quy định của đơn vị gây ra những thiệt hại kinh tế hay có ảnh hưởng đến uy tín DN cần được báo cáo kịp thời với ban lãnh đạo để xử lý. DN cần xem xét các ý kiến góp ý từ các nhà cung cấp, khách hàng,… Qua đó, phân tích, đánh giá và đưa ra các điều chỉnh phù hợp, giữ uy tín cho đơn vị. Khuyến khích toàn thể nhân viên tham gia, nhằm phát hiện kịp thời những khiếm khuyết của KSNB thông qua các hoạt động hàng ngày tại đơn vị. Từ đó, báo cáo lên đối tượng có trách nhiệm để có phương án khắc phục.

Xây dựng môi trường kiểm soát hoàn thiện

Để có được môi trường kiểm soát tốt, nhà quản lý phải thiết lập cơ cấu tổ chức hợp lý đảm bảo tính xuyên suốt và nhất quán từ trên xuống dưới trong việc ban hành các quyết định, triển khai cũng như kiểm tra việc thực hiện các quyết định đó trong phạm vi toàn DN. Ngoài ra, phân công công việc ở từng cá nhân, bộ phận cũng cần thực hiện rõ ràng, tránh chồng chéo nhằm đảm bảo công tác quản lý được hiệu quả. Nhà quản lý cũng cần quan tâm đến việc luân chuyển các nhân viên làm việc trong những khu vực nhạy cảm, dễ xảy ra gian lận và sai sót. Nhà lãnh đạo cần xây dựng hình ảnh về chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử và thái độ làm việc, trở thành tấm gương sáng để toàn thể nhân viên noi theo./.

Tài liệu tham khảo

 Committee of Sponsoring Organisations of the Treadway Commission. (1992). Internal control-integrated framework. New York, NY: AICPA.

COSO. (2013). The 2013 Internal Control – Integrated Framework.

Đào Duy Huân và Dương Hồng Chiến. (2019). Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soat nội bộ tại Kho bạc trên địa bàn tỉnh An Giang. Tạp chí nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế trường đại học Tây Đô, số 06, 2019.

Gareth R.Jones, Jennifer M.George. (2003). Essentials of Contemporary Management Mc Graw Hill.

Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. TP. HCM. NXB Hồng Đức.

Lannoye. M.A. (1999). Evaluation of internal Controls.

Mai Văn Nam. (2008). Giáo trình Nguyên lý thống kê kinh tế. NXB Văn hóa thông tin.

Nguyễn Đình Thọ. (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động – xã hội.

Ramos, M.. (2004). Evaluate the Control Environment: Documentation Is Only a Start; Now it’s All about Asking Questions. Journal of Accounting, vol. 197, 2004.

Spinger. L.M. (2004). Revisions to OMB Circular A-123, Management’s Responsibility for Internal Control.

Tabachnick, B., G. and Fidell, L. S. (2007). Using multivariate statistics (5th ed.). Boston: Allyn and Bacon.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *