Nghiên cứu trao đổi

Thực trạng và giải pháp cho việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Tiêu đề Thực trạng và giải pháp cho việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam Ngày đăng 2024-01-17
Tác giả Admin Lượt xem 868

TS. Nguyễn Thị Mai Anh*- CN. Nguyễn Quỳnh Mai*

(*Đại học Kinh tế Quốc Dân).

Nhận:          15/10/2023

Biên tập:     16/10/2023

Duyệt bài:   26/11/2023

Tóm tắt

Báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp (DN) niêm yết luôn là mối quan tâm lớn của nhiều chủ thể, đặc biệt là các nhà đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ bê bối liên quan đến thông tin và công bố thông tin (CBTT) của các DN niêm yết đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định của thị trường, đặc biệt là việc chậm CBTT BCTC là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bài viết chỉ ra các nguyên tắc CBTT được quy định trên các văn bản quy phạm pháp luật và thực trạng một số DN chậm nộp BCTC của năm 2021 và bán niên năm 2022, trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE). Kết quả cho thấy, vấn đề chậm nộp BCTC trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn diễn ra khá phổ biến, sự quản lý của cơ quan Nhà nước còn đang lỏng lẻo, chưa mang tính răn đe và không giải quyết được vấn đề thực sự đang tồn đọng. Từ đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị giúp các nhà quản lý thị trường hiểu rõ bản chất của việc CBTT, là động lực thúc đẩy nhằm hoàn thiện chất lượng thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ khóa: trì hoãn thông tin, báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán

Abstract

Financial statements of listed businesses have always been a major concern for many entities, especially investors. However, in recent years, many scandals related to information and information disclosure of listed businesses have greatly influenced market stability, especially the delaying publication of financial reporting information is the cause of the lack of transparency in the Vietnamese stock market. The article outlines the disclosure principles set forth in legal documents and the status that some businesses are delaying to submit financial statements in 2021 and semi-annual 2022 on Hanoi Stock Exchange and Ho Chi Minh Stock Exchange. The results show that the problem of delaying financial statements on the Vietnamese stock market is also common, the administration of the government is still loose, not deterrent, can not solve the lingering problems. Based on the results, the article makes a number of recommendations to help market surveillances understand the perception of information disclosure, promote to enhance the quality of information on the Vietnamese stock market.

Keywords: delaying disclosure of information, financial statements, stock market.

JEL Classifications: M20, M21, M29.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.11202309

  1. Đặt vấn đề

Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có những bước tiến không ngừng. Qua 35 năm thành lập, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình vô cùng to lớn, tạo điều kiện huy động và phân phối vốn cho nền kinh tế, giúp các DN mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và học tập từ các thị trường nước ngoài. Hiện nay, với sự hoạt động năng nổ của HNX và HOSE. Năm 2023, hai sở này đã được hợp nhất lại thành Sở Giao dịch Chứng  khoán Việt Nam cùng phát triển bền vững và lâu dài.

Để ngày càng nâng cao chất lượng và năng suất của Sở Giao dịch Chứng khoán, thì độ tin cậy của thông tin trên BCTC là điều tất yếu cần phải xem xét. Do đó, Nhà nước ta cũng đã đặt ra nhiều nguyên tắc về việc CBTT BCTC trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Chứng khoán 2019, Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1.1. Đối tượng CBTT

Theo Khoản 1 Điều 118 Luật Chứng khoán 2019 số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội quy định các đối tượng CBTT, bao gồm:

– Công ty đại chúng;

– Tổ chức phát hành trái phiếu DN ra công chúng;

– Tổ chức niêm yết trái phiếu DN;

– Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam;

– Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và công ty con, tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

– Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;

– Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;

– Người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 của Luật này và người có liên quan của người nội bộ;

– Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;

– Đối tượng khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

1.2. Nguyên tắc CBTT

Căn cứ Điều 119 Luật Chứng khoán 2019, quy định về nguyên tắc CBTT như sau:

Việc CBTT phải đầy đủ, chính xác, kịp thời.

– Đối tượng CBTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố. Trường hợp có thay đổi nội dung thông tin đã công bố, đối tượng CBTT phải công bố kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công bố trước đó.

– Đối tượng CBTT khi CBTT phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tổ chức nơi chứng khoán đó niêm yết, đăng ký giao dịch về nội dung thông tin công bố.

– Việc CBTT của tổ chức phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền CBTT thực hiện. Việc CBTT của cá nhân do cá nhân tự thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện.

– Đối tượng CBTT có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ thông tin đã công bố, báo cáo theo quy định của pháp luật.

1.3. Hình thức và phương tiện báo cáo, CBTT

Theo Điều 21 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DN:

– Hình thức CBTT gồm văn bản và dữ liệu điện tử.

– Các phương tiện báo cáo, CBTT bao gồm: trang thông tin điện tử của DN, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cổng thông tin DN.

– Trường hợp thời điểm thực hiện CBTT trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật, DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ CBTT vào ngày làm việc đầu tiên ngay sau ngày nghỉ, ngày lễ kết thúc.

– Việc CBTT trên các phương tiện thông tin đại chúng khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định.

1.4. Tạm hoãn CBTT

Căn cứ theo Điều 26 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DN, việc tạm hoãn CBTT được quy định như sau:

– DN báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc tạm hoãn CBTT trong trường hợp việc CBTT không thể thực hiện đúng thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc cần sự chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối những nội dung cần hạn chế CBTT.

– Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định việc tạm hoãn CBTT và thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– DN phải công bố trên trang thông tin điện tử của DN việc tạm hoãn CBTT, đồng thời phải thực hiện CBTT ngay sau khi sự kiện bất khả kháng được khắc phục hoặc sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các nội dung cần hạn chế CBTT.

  1. Thực trạng chung của DN trong việc chậm CBTT BCTC của DN trên thị trường chứng khoán Việt Nam

2.1. Thực trạng chung của DN trên HNX

Ngày 10/05/2022, HNX đã ra thông báo về việc nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, đối với các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố BCTC quá 30 ngày so với thời hạn quy định chung đối với BCTC năm 2021 đã được kiểm toán. (Xem bảng 1).

Mã chứng khoán của tổ chức đăng ký giao dịch

Tình trạng chứng khoán

CNA, LMH, XPH.

Bình thường

ASA, BAM, BGM, FBA. KSS, VKP, VSP.

Đình chỉ giao dịch

AVF, B82, BLW, BT6, C12, CAD, CLG, CTA, CTN, DIC, DPS, FDG, G20, GTT, HDO, HLA, HPI, HSA, HVG, KAC, KHL, KSH, LTC, MEC, MES, NDF, NHP, NSG, NTB, ONW, PCN, PID, PPI, PSG, PVA, PVE, PVH, PX1, PXC, S12, S27, S96, SD1, SD8, SDB, SDH, SDX, SGO, SHG, SJC, SPP, STL, STT, TBT, TNM, V15, VAT, VCT, VLF, VMI, VNI.

Hạn chế giao dịch

 Danh sách nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố BCTC năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với quy định

(Nguồn: HNX)

Con số thống kê do HNX đưa ra cho thấy: có 71 DN chậm CBTT BCTC quá 30 ngày, có 64 DN chậm CBTT quá 45 ngày so với quy định chung và không có biện pháp khắc phục. HNX đã ra quyết định, hạn chế giao dịch với 61 DN và tạm dừng giao dịch với 3 DN.

Ngày 30/09/2022, HNX tiếp tục ra thông báo nhắc nhở 43 DN chậm công bố BCTC bán niên 2022 đã được soát xét. (Xem bảng 2). 

Mã chứng khoán của tổ chức đăng ký giao dịch

Tình trạng chứng khoán

AMP, CDO, DGT, NAW.

Bình thường

BGM, KSS, VSP.

Đình chỉ giao dịch

ATB, AVF, BT6, CLG, DCS, DCT, DIC, DPS, G20, GTT, HDO, HLA, HPI, HVG, KAC, KHL, KSH, MES, NHP, NTB, PPI, PRT, PSG, PVA, PVE, PVH, PX1, PXC, SGO, SHG, SPP, STL, TBH, TOP, TS4, XPH.

Hạn chế giao dịch

Danh sách nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố BCTC bán niên 2022 quá 30 ngày so với quy định

(Nguồn: HNX)

HNX đã ra quyết định hạn chế giao dịch với 36 DN và tạm dừng giao dịch với 4 DN.

Có thể thấy, tình trạng chậm CBTT BCTC là vi phạm khá phổ biến, diễn ra thường xuyên và liên tục của các DN trên thị trường chứng khoán Việt Nam, gây ra nhiều tác động và ảnh hưởng tiêu cực, tạo áp lực lên các nhà đầu tư trong việc ra quyết định kịp thời và chính xác.

2.2. Thực trạng chung của DN trên HOSE 

Tương tự với HNX, HOSE đã ra thông báo nhắc nhở 15 DN chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021 và 24 DN chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022.

 

Mã chứng khoán của tổ chức đăng ký giao dịch

Năm

ASP, C32, CDC, FLC, HAI, HBC, HDG, LCM, OGC, POM, PXS, ROS, UDC, VJC, VMD.

2021

ABS, AGM, AMD, CDC, DC4, EVG, GAB, HAI, HBC, HPX, HTN, HVN, IBC, KMR, LDG, NVL, PLP, POM, TTB, TVB, TTE, TGG, VJC, VNE.

2022

Danh sách công ty niêm yết chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2021 và 2022 trên HOSE

(Nguồn: HOSE)

2.3. Sự quản lý của Nhà nước đối với việc CBTT trên thị trường chứng khoán Việt Nam và những mặt hạn chế

2.3.1 Sự quản lý của Nhà nước

Cơ quan quản lý của Nhà nước trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trực thuộc Bộ Tài chính. Ngay từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, sự quản lý đối với việc CBTT BCTC trên thị trường chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ngừng hoàn thiện và phát triển thông qua sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, các trang thông tin điện tử có liên quan,… Từ đó cho thấy, việc quản lý của Nhà nước ngày càng thắt chặt, đầy đủ và chi tiết hơn, đáp ứng các nhu cầu của DN và nhà đầu tư, nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng.

Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nêu rõ: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi CBTT không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tuy nhiên, có thể thấy, mức phạt này chưa đủ răn đe đối với các DN hiện nay, do đó, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên và liên tục. Nhiều trường hợp DN nộp đơn xin gia hạn thời gian công bố BCTC vì nhiều nguyên do khác nhau mà không bị xử phạt gây tái phạm nhiều lần và trốn tránh trách nhiệm bằng cách xin gia hạn với vô vàn lý do.

2.3.2. Những hạn chế trong việc quản lý về chậm CBTT BCTC

Do những quy định chưa đủ răn đe trong việc CBTT BCTC dẫn đến DN trở nên thụ động, lơ là về trách nhiệm của mình. Các thông tin được công bố chưa đầy đủ, chính xác, thiếu tính chủ động, thường xuyên và kịp thời. Một số DN niêm yết không có cơ sở dữ liệu điện tử đầy đủ, hoặc có trang thông tin với những thông tin cũ, cập nhật từ vài năm trước, trên trang chủ không có đầy đủ các thông tin giới thiệu, lịch sử, BCTC, điều lệ công ty,… Bên cạnh đó, DN chưa chú trọng vấn đề trình bày thông tin gây ra sự thiếu chuyên nghiệp trong các báo cáo được công bố.

Do cơ quan Nhà nước chưa quản lý được thông tin DN công bố một cách triệt để, nên nhiều hiện tượng rò rỉ thông tin trước khi thông tin được công bố chính thức khiến nhiều nhà đầu tư hiểu lầm và đưa ra các quyết định không chính xác. Hay hiện tượng các trang báo điện tử đăng tải thông tin tóm lược và làm tròn số liệu, khiến nhà đầu tư hoang mang trong việc cân nhắc những nguồn tài liệu chính thống để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

Có thể thấy, việc quản lý của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Nhà nước đang ngày càng hoàn thiện hơn trong việc cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý thông tin trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho huy động vốn và đầu tư hiệu quả.

2.4. Nguyên nhân và ảnh hưởng của việc chậm CBTT BCTC

2.4.1. Nguyên nhân của việc chậm CBTT

Các DN đã đưa ra nhiều nguyên nhân gây chậm trễ trong việc CBTT, như sau:

– Do đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và cung ứng, giãn cách xã hội khiến tình trạng cập nhật thông tin không kịp thời, do đó, việc quyết toán cuối năm bị đình trệ.

– Do nhiều đơn vị, chi nhánh của DN chưa hồi phục sau đại dịch nên hiệu suất làm việc chưa ổn định. Điều này ảnh hưởng đến quá trình luân chuyển chứng từ, đối chiếu số liệu, báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị chậm trễ, dẫn đến quá trình tổng hợp, xử lý số liệu và lập BCTC phải cần thêm thời gian để hoàn tất.

– Do chưa thống nhất được đơn vị kiểm toán phù hợp, quá trình kiểm toán phức tạp, chuyển đổi đơn vị kiểm toán,…

– Do nhân sự chuyên môn không chuyển thông tin kịp thời đến bộ phận CBTT, nhân sự mới chưa nắm hết thủ tục, hoặc người CBTT không nắm đầy đủ quy định về các loại thông tin cần phải công bố,…

– Do bản thân DN chưa hiểu rõ về quy định CBTT và do những sai sót chủ quan trong quá trình CBTT của DN.

Nhiều lý do được DN đưa ra để xin gia hạn thời gian công bố nhưng cơ quan quản lý cho rằng, những lý do trên không đủ thuyết phục, không đúng theo quy định của pháp luật về các trường hợp được tạm hoãn CBTT. Thêm vào đó, DN đang đưa ra nhiều lý do nhằm biện minh cho việc vi phạm trách nhiệm CBTT và nhằm trốn tránh những biện pháp xử phạt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2.4.2. Những ảnh hưởng của việc chậm CBTT

Thứ nhất, việc chậm CBTT BCTC ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư, gây ra vấn đề bất cân xứng thông tin. Các nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn trong việc ra quyết định đầu tư. Hơn nữa, việc DN chậm nộp BCTC có thể khiến nhà đầu tư nghi ngờ về chất lượng thông tin được công bố và làm giảm độ tin cậy của thông tin.

Thứ hai, BCTC từng quý, từng năm của một số công ty còn thiếu gây khó khăn trong việc tính toán, so sánh các chỉ số tài chính giữa kỳ này với kỳ trước, năm này với năm trước, giữa các công ty trong cùng ngành và các công ty với nhau.

Thứ ba, nhiều DN lơ là trong việc CBTT BCTC đã tạo ra một hiệu ứng dây chuyền với các DN khác, dẫn đến tình trạng này kéo dài, liên tục và dai dẳng, là dấu hiệu kém minh bạch ở thị trường chứng khoán Việt Nam, giảm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

  1. Giải pháp cải thiện tình trạng chậm CBTT BCTC của các DN trên thị trường chứng khoán Việt Nam

3.1. Đối với các DN

Thứ nhất, DN cần thống nhất thời gian và quy trình lập BCTC hợp nhất đối với các đơn vị trong nội bộ DN. Cụ thể, BCTC riêng lẻ cần được hoàn thiện đúng thời hạn quy định, để kịp tiến độ lập BCTC hợp nhất, BCTC sau kiểm toán.

Thứ hai, DN cần hoàn thiện phương tiện CBTT từ những nguồn cơ bản như trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu điện tử của DN và tiến hành các biện pháp bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong nội bộ DN, tránh tình trạng rò rỉ và sai lệch thông tin.

Thứ ba, các cổ đông nên thể hiện hết vai trò và nghĩa vụ của mình trong hoạt động giám sát trách nhiệm của các công ty niêm yết, cần yêu cầu các DN cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin để đáp ứng quyền lợi của mình, góp phần thu hút đầu tư và nâng cao vị thế của DN.

Thứ tư, bản thân DN, cụ thể là các nhà quản trị của DN cần phải nhận thức rõ ràng về nghĩa vụ CBTT của DN, tự ý thức và đặt nhiệm vụ CBTT lên hàng đầu, nhằm nâng cao độ tin cậy và chất lượng thông tin của DN.

3.2. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ nhất, có biện pháp xử phạt nặng hơn với các hành vi chậm CBTT BCTC, không chấp nhận hoạt động gia hạn thời gian công bố với những lý do không chính đáng, quy định chi tiết việc trình bày thông tin trên BCTC, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động CBTT, mở rộng cung cấp thông tin cho thị trường để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ thông tin, tránh sự lan tràn thông tin chưa chính thức một cách sai lệch trên thị trường chứng khoán; xây dựng chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát việc CBTT, áp dụng nguyên tắc bất kiêm nhiệm để tránh việc để lộ và rò rỉ thông tin trước khi qua kiểm duyệt.

Thứ ba, đưa ra nhiều phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động CBTT giả, thông tin sai sự thật, làm giả số liệu,… để tăng tính rõ ràng, minh bạch trong việc quản lý chất lượng thông tin công bố, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán nói chung và nhà đầu tư nói riêng.

Thứ tư, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng của kiểm toán viên độc lập và các công ty kiểm toán, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc với những hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong kế toán – kiểm toán; xây dựng hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát công khai, hiệu quả để phòng ngừa và ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động kiểm toán.

 

Tài liệu tham khảo

 

Chính phủ (2021), Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật DN, ban hành ngày 01/04/2021.

Nguyễn Hữu Cường, Lê Hồ Như Minh, Đặng Mai Ngọc, Lê Thị Mai Ngọc & Trang Minh Nguyệt (2022), “Chất lượng CBTT trong BCTC của các công ty niêm yết ở Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, 255-264.

Nguyễn Hữu Cường & Phan Viết Vấn (2021), “CBTT về báo cáo bộ phận trong BCTC cuối niên độ của công ty niêm yết trên HNX và các nhân tố ảnh hưởng”, Tạp chí Khoa học Thương mại, 158, 89-97.

Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, ban hành ngày 26/ 11/ 2019.

HNX, Thông báo về việc duy trì diện bị hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố BCTC năm 2021 đã được kiểm toán, Hà Nội.

HNX, Thông báo về việc duy trì diện bị hạn chế giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch quy mô lớn chậm công bố BCTC bán niên 2022 đã được soát xét, Hà Nội.

HNX, Thông báo về việc nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố BCTC năm 2021 đã được kiểm toán, Hà Nội.

HNX, Thông báo về việc nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với các tổ chức đăng ký giao dịch quy mô lớn chậm công bố BCTC bán niên 2022 đã được soát xét, Hà Nội.

HNX, Thông báo về việc tạm dừng giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố BCTC năm 2021 đã được kiểm toán, Hà Nội.

HNX, Thông báo về việc tạm dừng giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với cổ phiếu của các tổ chức đăng ký giao dịch quy mô lớn chậm công bố BCTC bán niên 2022 đã được soát xét, Hà Nội.

HOSE, Nhắc nhở chậm nộp BCTC kiểm toán 2021, Thành phố Hồ Chí Minh.

HOSE, Nhắc nhở chậm nộp BCTC kiểm toán 2021, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *